Diễn đàn lý luận

Chính nỗi buồn đã thức tỉnh chúng ta

Tác phẩm và dư luận
07:14 | 13/07/2021
Tôi thường dậy sớm, đọc tin tức và đọc…thơ. Có ban mai bỗng giật mình ngộ ra cái vô thường, mong manh và tạm bợ của cõi người. Tuần nay, tôi đọc lại tập thơ Đã cuối mùa em của nhà thơ Tô Hoàn.
aa

Tôi thường dậy sớm, đọc tin tức và đọc…thơ. Có ban mai bỗng giật mình ngộ ra cái vô thường, mong manh và tạm bợ của cõi người. Tuần nay, tôi đọc lại tập thơ Đã cuối mùa em của nhà thơ Tô Hoàn.

Đôi lúc thấy nghẹn ngào khi gặp bài thơ hay và buồn. Dưới cái nhìn của nhà thơ, đời sống con người cũng chỉ là một thứ mùa trong thế giới mùa bao la của vũ trụ này. Thử nghĩ xem, trong bối cảnh dịch Covid hoành hành khắp thế giới hiện nay, nhân loại chúng ta sực tỉnh ra ý thức về sinh mệnh con người. Hóa ra dù con người có tài giỏi, giàu có quyền lực cỡ nào cũng khó tránh khỏi cái chết, sự tàn phai. Và hơn lúc nào hết, lúc này con người bừng tỉnh, đoàn kết, chung tay lại để chống lại dịch bệnh, kéo dài sự sinh tồn. Thơ cũng không ngoại lệ, thơ luôn tìm cách để cho đời sống con người được dài lâu, cao đẹp hơn. Tô Hoàn tinh tường ở chỗ đặt thơ mình vào giữa đời sống nhân quần nhiều dòng chảy và biến động.

Có người bảo sao Tô Hoàn lại đặt tên Đã cuối mùa em (cũng là tên một bài thơ trong tập)? Mùa em là mùa gì? Chao ơi, sao lại đi cắt nghĩa rạch ròi những câu thơ cho được. Thơ là những gì tinh túy, kỳ ảo, cô đọng và cũng linh diệu nhất của tâm hồn nhà thơ. Đôi khi người ta đọc lên thấy nó thật đẹp, thật hay mà không thể nào lí giải một cách chân tơ kẽ tóc. Bởi, nếu thoát khỏi sự biểu cảm đa nghĩa và sự “ảo” thì đâu còn là thơ nữa. Mùa em có thể hiểu là mùa hoa, mùa cây trái, mùa thời gian, mùa cuộc đời, mùa những quy luật của vũ trụ bao la…

Thơ Tô Hoàn thường buồn. Nỗi buồn lặn sâu, da diết khiến người đọc buộc phải suy ngẫm và day dứt về nhân tình thế thái. Có lần chính ông cũng đã thốt lên, tự vấn: “Đời còn nhiều nước mắt/ Thơ ta hí hửng cười/ Sống hờ hững với đời/ Câu thơ nào cũng giả” (Đọc lại thơ mình). Chính nỗi buồn đó trong thơ ông đã làm cho bạn đọc bừng thức. Tôi nhớ đã đọc đâu đó nhà phê bình trẻ Hoàng Đăng Khoa viết: “Người, nếu trút bỏ những rộn ràng xống áo hát cười thì sẽ sừng sững tấm buồn nguyên khối. Thơ, nếu gạt chối những ồn ào cổ động vịnh ca thì sẽ ròng ròng dòng buồn tinh chất…Thơ, là tự sự của nỗi buồn, là bức tranh ngược sáng về thế giới, là nước mắt của đời”. Tiểu thuyết gia người Mỹ William Faulkner – một trong những nhà văn quan trọng nhất của thế kỷ XX, giải Nobel văn học năm 1949 cho rằng, nỗi buồn thuộc phạm trù cái đẹp, giàu sức thanh tẩy và cứu rỗi…

Nói vậy để thấy, không phải Tô Hoàn làm dáng cho thơ mình, mà chính hiện thực cuộc sống đầy màu sắc ngoài kia đã nuôi dưỡng, thẩm thấu và gọi tên những nỗi buồn trong thơ ông:“Ta về đã cuối mùa em/ Cơn mưa qua ngọ không quen lối vườn/ cây không còn thế để buồn/ Cành không mở lá để ươm nắng chiều/ Làng không còn chỗ để yêu/ Quê không còn lối cho nhiều nhớ mong/ Tóc dài sao chẳng ai hong/ Thơm như hương sả, hương bòng còn đâu/ Dáng quê vẫn những dãi dầu/ Củ khoai hạt gạo cõng nhau qua mùa/ Làng mình vẫn chỗ làng xưa/ Thay tên đổi cổng mãi chưa ra làng” (Đã cuối mùa em)

Sự biến đổi của thời cuộc, các giá trị bị đảo lộn; những vụn vỡ của một xã hội đang biến đổi, hòa nhập; những đứt gãy, mất mát và hao khuyết của văn hóa; những gì đang khập khiễng của nông thôn đang trên đà phát triển hiện nay đã được nhà thơ quan tâm, bày tỏ. Nếu không có trách nhiệm cao với chính đời sống này thì đã không có những câu thơ như vậy. Chúng ta đọc và nhìn lại, sẽ thấy những giá trị bản thể mỗi người đang ra sao...

Tô Hoàn nói đến cuối mùa em là nói đến sự chuẩn bị khép lại, đến chặng kết thúc, song cũng ngầm đưa ra thông điệp mạnh mẽ về một khát khao mới mẻ, khởi đầu. Tô Hoàn viết Đã cuối mùa em cũng là đã nhận ra quy luật biến ảo khôn lường của tạo hóa. Một mùa kết thúc, những tơ non hưng thịnh thủa nào đã không còn. Nhưng kìa, đừng vội tuyệt vọng. Rồi mùa mới sẽ tái sinh, lá rụng chồi lại mọc, hoa tàn hoa lại nở, cái mới sẽ thay thế cái cũ, sự tiếp nối âm thầm từ cuối mùa trước vẫn còn. Dòng nhựa ấy lặng lẽ tích tụ, dưỡng nuôi, ấp ủ để rồi sẽ lại có một khởi đầu khác tơ non, tốt đẹp. Có điều, con người chúng ta có bình thản và chuẩn bị tâm thế tốt mà chấp nhận quy luật đó hay không mà thôi.

Và tôi ngộ ra, thơ hay là thơ không chỉ làm cho người ta vui sướng mà còn làm cho người ta tê tái buồn đau hay nhỏ lệ. Và từ đó, người đọc nếu đủ duyên sẽ thức tỉnh, sẽ nghĩ khác, sống khác và hành động khác với thế giới mà người ta đang có mặt. Trách nhiệm với nhân sinh, hay gần hơn là với quê hương, Tổ quốc sẽ mạnh mẽ hơn. Hành trình sống từ đầu mùa đến cuối mùa em kia của tác giả chính là một đời tạo dựng, trải nghiệm, cống hiến và chiêm nghiệm. Quá khứ được tái hiện lộng lẫy, nhiều hạnh phúc và đau khổ. Vậy nên những liên tưởng của bạn đọc vượt thoát khỏi dòng chảy ý thức và tâm cảm của người làm thơ là đương nhiên.

Thơ Tô Hoàn chất chứa tâm tư sâu nặng, giàu tình yêu đời, yêu người, tha thiết với lẽ sống thẳng ngay và cao cả. Những băn khoăn về đời sống con người được bày tỏ bằng cái cảm duy mỹ và rộng mở. “Đất phấp phỏng như người/ Trời thâm nghiêm u tịch/ Đất – phần đời chân thật/ Trời – cõi để mộng mơ” (Đất và Trời). “Muốn sáng lên/ Cây nến phải đốt cháy tim cùng da thịt mình/ Cuộc hóa thân/ ròng ròng nước mắt/ Muốn sáng lên sự thật/ Phải nghìn lần như nến/ Vượt qua đau” (Cây nến).

Đời sống ấy luôn đứng trước nguy cơ ngày càng mất đi vẻ đẹp, mất đi sự linh thiêng, con người cũng đứng trước nguy cơ dần vơi cạn đi tình yêu, sự tin cậy lẫn nhau. Và nhà thơ lo lắng, lo sợ đến một điều xa xôi hơn kia, đó chính là con người với lòng tham vô hạn về vật chất và danh vọng sẽ tự làm mình tàn lụi…“Suốt năm tỉa lá uốn cành/ Níu giằng thế trực, thế hoành, thế xiên…/ Vườn đầy mà khát bóng chim/ mải thế cây ta bỏ quên thế mình” (Thế).

Có người bảo, thơ Tô Hoàn buồn quá. Có sao đâu, nỗi buồn chẳng có gì xấu, mà nỗi buồn chính là căn cốt, là bản tính tốt đẹp của cuộc sống. Buồn mà tự vấn, buồn mà thức tỉnh, buồn mà đổi thay. Nhà thơ đã nhìn ra sự cuộn chảy không ngừng của đời sống trong mối quan hệ biện chứng giàu suy tưởng của con người. Bắt đầu đấy rồi sẽ kết thức, kết thúc đấy nhưng rồi sẽ lại bắt đầu; xanh tươi đấy rồi sẽ úa tàn, tàn úa đấy rồi sẽ lại xanh tươi. Tập thơ được giải Ba Giải thưởng VHNT Sông Thương 5 năm lần thứ 3. Tôi cho rằng, tập thơ xứng đáng có giải thưởng cao hơn thế trong lòng bạn đọc.

Với 27 bài thơ cho một tập thơ quả là rất gọn, phản ánh sự chủ động chọn lựa kỹ càng của nhà thơ, song bạn đọc vẫn muốn giá như đọc nhiều thơ hơn trong tập. Những ký ức, những vùng đất đã qua, mùa màng làng quê, bom đạn một thời và cả những giấc mơ được chất đầy câu chữ, tràn ra không gian thơ, làm cho bạn đọc thấy sự hòa quện, không tách rời giữa thời gian không gian nghệ thuật trong bài thơ với thời gian và không gian ngoài đời thực.

Đời sống được khắc họa chân thực, có khi đau đớn và phũ phàng trong thơ ông. Đất nước mấy chục năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nông thôn thay đổi và giàu có hơn nhiều, song cũng lại đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ, day dứt. Làm gì để cuộc sống tốt đẹp hơn, con người tình nghĩa và tử tế hơn là điều mà cả xã hội trăn trở chứ không chỉ nhà thơ quan tâm. Từng là người lính tham gia chiến trường rồi về hưu từ tuổi bốn mươi, ngày ngày gần gũi cuộc sống của người dân thôn dã, Tô Hoàn hiểu sâu sắc điều đó.

Có thể nói rằng, Đã cuối mùa em đem đến cho bạn đọc nhiều trải nghiệm mang tính đánh giá, đúc kết của một con người yêu cuộc sống. Người đọc thấy được khuôn mặt mình, khuôn mặt người thân quen và cả khuôn mặt thực sự không tô vẽ của đời sống trong thơ: “Ai lướt mướt đầy mưa/ Ai hanh hao cùng gió/ Ai gầy như rơm/Ai mềm như cỏ/ …Bước sớm non cao/ Bước chiều vực thẳm/…Đường nhân gian rộng dài” (Đường nhân gian).

Bên nỗi buồn thẳm sâu, xa vắng, thơ Tô Hoàn còn là một thế giới đẹp đẽ của kỷ niệm, ký ức, tràn đầy niềm tin, hy vọng. Đó là khi vấp ngã biết vịn vào những gì thiện lương: “Ta vấp ngã trong cơn mơ có bảy sắc cầu vồng/ ta nương vịn vào em mà đứng dậy/ Ta nương vịn vào câu thơ run rẩy/ Nương vịn vào lời mẹ thủa ca dao”. Đó là những cảnh sắc, kỷ niệm ngọt lành chốn quê đã xoa dịu tâm hồn người đi xa: “Những chiều mát rượi triền đê/ Sông trong như mảnh hồn quê thuở nào/ Cây cầu soi bóng ca dao/ Gái trai đứng đợi khuyết vào đêm trăng” (Cây cầu kỷ niệm). Đó là ký ức đời lính trẻ còn nguyên, sống động trong tâm khảm nhà thơ: “Những cánh rừng ngày ấy mãi xa xăm/ Đồng đội cũ hiện về đầy cõi nhớ/ Những lá thư cõng Trường Sơn một thủa/ Vẫn phập phồng nguyên vẹn lúc đương trai” (Đọc lại thư mình). Đường đời vạn nẻo vui buồn, có lúc chơ vơ, nhà thơ đã tựa vào tươi xanh: “Những lúc không biết làm gì ta hay ra vườn/ Tựa vào cây xem chim về mót quả/ Tựa vào cành nghe mùa qua tay lá/ Tựa vào hương thơm thấy ấm lưng mình” (Những lúc không biết làm gì).

Chìm đắm trong thế giới thơ ông, bắt gặp cái nhìn sắc sảo, thấy tâm hồn thơ đa cảm, và cả những dự cảm rất xa đủ nhắc bạn đọc rằng, làm thơ không hề dễ, mà nhất là để thơ không xa rời đời thực là vô cùng khó. Đọc kỹ, trong tập còn một vài câu, một hai bài tứ thơ còn thô và lộ, ngôn ngữ thơ còn chưa thật sự hòa quyện, điều đó là khó tránh, bởi người làm thơ đã chắt hồn mình ra chữ. Nhất là khi nhà thơ đã đi qua cả một đời lính dài, một hành trình làm thơ đủ dài. Không biết nhà thơ có mệt mỏi không? Và sẽ cho thơ mình diện mạo ra sao? Chúng ta đợi thôi.

Nếu nói thơ là thanh âm cuộc sống thì thơ Tô Hoàn là thanh âm trầm buồn mà đau đáu, âm ỉ loang xa dưới ánh chiều làm người ta mất ngủ về đêm.


Những cánh chim Chua Sa. Truyện ngắn của Trung Long

Những cánh chim Chua Sa. Truyện ngắn của Trung Long

Baovannghe.vn- Ở Chua Sa có hai biệt thự lớn, người xây chúng từng là thợ săn, sau mấy chục năm lưu lạc ông trở về xây hai biệt thự rồi biến mất. Nghe kể, ông biến thành ma, mình đầy lá chân gấu, tay cầm cây lao dài trôi dạt trên những cánh rừng quanh Chua Sa.
Thời tiết ngày 23/11: Bắc Bộ duy trì nắng hanh. Nam Bộ mưa rào vài nơi

Thời tiết ngày 23/11: Bắc Bộ duy trì nắng hanh. Nam Bộ mưa rào vài nơi

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 23/11: Bắc Bộ đêm không mưa, ngày nắng. Nam Bộ mưa rào vài nơi.
Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).