“Miền sau cánh cửa” ra đời chưa lâu đã tái bản, Trần Nhật Minh lại trình làng “Những cuộc trà trên căn gác cũ”. Cả hai cuốn tản văn của nhà báo Nhật Minh không ồn ào ra mắt, nhưng đều thu hút sự chú ý của đông đảo người đọc, bạn bè, đồng nghiệp. Với tôi, sự chú ý và được đón nhận ấy là bởi xuyên suốt hai cuốn sách là mạch nguồn sáng rõ, thấm đậm nhân tình thế thái, trải dài từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chính trưa một ngày đầu hạ oi nồng, điện thoại rung bần bật. Nghe thông tin “sách vừa ra lò”, vừa từ nhà in về, còn thơm mùi mực, không lý do gì mà từ chối. Và “Những cuộc trà trên căn gác cũ” xuất hiện, đầy trang trọng về hình thức, với tranh bìa do chính Trần Nhật Minh vẽ. Và thiết kế, đương nhiên của người bạn thân, nhà thơ - họa sĩ đình đám Trần Thắng, với kiểu font chữ lần đầu tôi thấy (bởi Trần Thắng tự thiết kế), rất phù hợp với nhan đề cuốn tản văn thứ hai của Nhật Minh.
Và chính Trần Thắng giới thiệu một cách rất ngắn gọn nhưng cô đọng mà sâu sắc rằng: “Những cuộc trà đàm đạo của nhiều nhân tài thế hệ cha anh, một khoảnh trên căn gác cũ ấm áp đủ soi vào nhau nhân cách, vượt lên hạn hẹp đời thường. Cậu bé Minh được hóng chuyện, thấm dần thành những ký ức để nương tựa lớn lên.
Tập tản văn “Những cuộc trà trên căn gác cũ” của nhà báo Trần Nhật Minh dành phần lớn viết về chân dung bạn bè, với những quan sát sắc sảo, chiêm nghiệm của tuổi tri thiên mệnh. Minh như có giác quan của nhà ngoại cảm, viết, thơ và tốc họa xuất thần. Những ưu tư, cả nghĩ của nhà báo trộn lẫn chất phiêu diêu của thi sĩ, họa sĩ chảy ngầm trong máu đã tạo nên văn phong đặc biệt. Câu chữ lắng đọng không gian, thời gian trong cách nhìn đời bình thản, cách hành xử đượm nhân tình thế thái”.
Gần như đồng cảm, chung nhịp nghĩ, nhà phê bình văn học Phùng Gia Thế cũng nhận xét rằng: “… Văn Trần Nhật Minh đẹp, tinh tế, phảng phất buồn, đôi khi tựa hồ tiếng chuông trong gió thoảng. Người trần thuật của Nhật Minh có một “tâm hồn nức nở”, thính nhạy lắng nghe, luôn mang mang tiếc thương những ngày tháng cũ, tiếc thương cái đẹp rạn vỡ bởi thời gian. Nhật Minh là người ưa đi nhịp chậm. Anh tuyệt nhiên không làm dáng chữ nghĩa. Đọc tản văn Trần Nhật Minh, có cảm giác như đang xem những thước phim đen trắng hay những bức họa với mảng màu trầm. Ở đâu, anh cũng chăm chú vớt nhặt kỷ niệm, vớt nhặt những niềm vui bé nhỏ của cuộc đời”.
Tôi đơn thuần chỉ là nhà báo, không rành rẽ gì về thơ và họa như đôi bạn thân Nhật Minh và Trần Thắng, cũng không tinh tế, thấu đáo như nhà phê bình Phùng Gia Thế, chỉ thấy một điều rất chung là cả trong hai tập tản văn đã xuất bản của Trần Nhật Minh, đều toát lên sự tri ân, gắng gỏi, bền bỉ kết nối mạch nguồn thế hệ, sự trước sau đầy đặn, nhân văn hết mực trong từng con chữ, những bài tản văn nhỏ xinh, duyên dáng, sâu nặng tâm tư, triết lý. Ở cả hai cuốn đã xuất bản, Nhật Minh đều duy trì dòng chảy chủ đích ấy. Đó là điều đáng quý vô cùng, nhất là trong bối cảnh những giá trị truyền thống, lắng đọng, nghĩa tình phôi pha ít nhiều.
Tôi thuần làm báo, nghiên cứu báo chí, nên đôi khi cũng khá rạch ròi trong nghiệp vụ. Thấy thêm một điều khác, thực ra nhiều khi không có ranh giới, không có sự niêm luật chặt chẽ trong những tác phẩm của Trần Nhật Minh. Chỉ có một điều rất chung, tôi lờ mờ cảm nhận thấy, ấy là ở tác phẩm nào cũng ngồn ngộn sự quan sát tinh tế, sự trầm tích lớp lang tình cảm mà luôn cuộn sóng trào dâng như muốn bùng nổ, như muốn sẻ chia, ngẫm ngợi. Thứ tình cảm đậm sâu, kết nối thế hệ, kết nối bạn bè, đồng nghiệp, những nhân vật mà Nhật Minh yêu quý, ưu ái trải bày ấy thật đáng trân trọng, mang đậm phong cách riêng có của người viết.
Chả thế mà khi xuất bản “Những cuộc trà trên căn gác cũ” hồi cuối tháng 4-2024, Nhật Minh vẫn không tổ chức lễ ra mắt đình đám, rầm rộ mà chia nhỏ thành những cuộc gặp gỡ bạn bè, sẻ chia lắng đọng, hợp cả nhân vật lẫn bầu không khí tiệc tùng chúc mừng mà không hề sợ “uống nhầm rượu hẩm/ phí một lần say...” như nhà thơ Đoàn Ngọc Thu rút ra trong “Ngẫm”. Chả thế mà sau khi nhận sách còn thơm mùi mực, nhà báo Trịnh Xuân Quang - một nhân vật trong “Những cuộc trà trên căn gác cũ” - vẫn phải thốt lên: “Chơi với nhau tròn 35 năm, cả nghìn chuyện trải qua cùng nhau rồi, nhưng vẫn bất ngờ với bút lực của Trần Nhật Minh, và bất ngờ cả với sự trong trẻo và đẹp lạ thường trong những trang văn của bạn. Bây giờ, vẻ ngoài Minh dữ dằn khác hẳn thời còn là “dân Tổng hợp Văn”, nhưng chỉ là dữ dằn hơn ở râu tóc, còn cái tình thì vẫn thế. So với cuốn “Miền sau cánh cửa” Minh in năm 2020 thì “Những cuộc trà trên căn gác cũ” cảm giác nhẹ nhàng hơn, ít suy tư hơn, đúng như tên gọi của nó. Ở cuốn thứ nhất, tôi vẫn thấy có chất phóng sự ẩn sau những tản văn trau chuốt, vẫn thấy những đau đáu sự đời, phận người dưới những câu chữ sang đẹp, như “Bản bên bờ sóng”, “Những chặng dừng sương giá” hay “Đường vượt nghèo”... Ở “Những cuộc trà...” (tất nhiên không thể thiếu rượu), Minh viết chủ yếu về bạn bè và những người thân yêu với cái nhìn, cái cảm ấm áp mà sắc sảo, như chính bạn thừa nhận là “sống rộng lòng và yêu thương hết thảy”.
Tôi chơi với Nhật Minh không lâu bằng Xuân Quang, nhưng cũng ngót 30 năm, khi mới được nhận vào Báo Lao động - nơi Xuân Quang công tác trước đó chừng 2 năm. Cũng như Xuân Quang, không chỉ người trước người sau trong thăng trầm nghề nghiệp, chúng tôi còn sinh hoạt chung trong nhiều “trận địa” khác, nhất là đá bóng và những cuộc trà dư tửu hậu. Khi ấy, cảm tưởng như là một Nhật Minh hoàn toàn khác so với những trầm tư, ngẫm ngợi, triết lý, thấu tình trong những trang viết. Trong những cuộc vui, anh luôn chân tình, hết mình, rực lửa với bạn bè, đôi khi không kìm nén giới hạn cảm xúc, sự bùng cháy hết mình, khiến không ít cuộc rượu có những cao trào, nút thắt mở đáng nhớ.
Và trên sân bóng, anh không chỉ biết đá, mà còn biết dùng cả tiểu xảo rất kín, hiếm cầu thủ nào qua anh một cách dễ dàng. Khi ấy, vẻ bề ngoài khá hổ báo, bặm trợn như phù hợp với cầu thủ đã thuộc hàng lão tướng. Đá bóng cùng nhau gần 30 năm, thấy Nhật Minh không màu mè, rườm rà mà luôn chú trọng, đề cao sự tối giản, hiệu quả. Cũng như trên sân bóng, ngoài đời Nhật Minh quan sát rất tinh tế, tỉ mẩn, góc cạnh mà hết sức thấu đáo, bản chất, rất sắc lạnh, như những đường chuyền “cắt tiết”, kết thúc/ giải quyết triệt để vấn đề đã nêu ra. Chả thế, ngay cả khi đã ở tuổi ngoài 50, anh vẫn là chốt chặn đáng tin cậy của đội bóng. Như “chốt chặn” trong công việc, với tư cách là người đứng đầu Ban Văn học - Nghệ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tất nhiên, trong công việc thì khác, càng nhiều tuổi, sự trải nghiệm, chín chắn càng đầy đặn, càng phong độ hơn.
Có thể thấy, sự tối giản, tính thực dụng, hiệu quả, tôn trọng, trọn vẹn với công việc là những điều dễ hình dung ở Nhật Minh. Chả thế mà rất nhiều cuộc sơ, tổng kết 6 tháng, hằng năm, anh đưa hẳn lên mạng xã hội Facebook về việc này, không hề giấu diếm sự khác thường của người đứng đầu đơn vị. Sự khoa học, thẳng thắn, khác biệt trong công việc giúp Nhật Minh cân đối khá chu toàn giữa việc quản lý, viết bài, thể thao và vui tụ cùng bè bạn, đồng nghiệp. Tất cả đều trách nhiệm, hết mình, tình cảm. Thế mới biết, vốn sống, vốn tư liệu của anh là rất nhiều, vô cùng phong phú, chỉ cần ngưng đọng, chắt lọc và bố trí thời gian hợp lý là sẽ có thêm nhiều tác phẩm thấm đậm nhân tình thế thái tiếp theo ra mắt. Chắc là như thế...
Nguyễn Tri Thức