Keshab Sigdel (sinh 1979) là nhà thơ, biên tập viên, dịch giả và học giả người Nepal. Ông là tác giả của hai tập thơ Sự tan biến của thời gian (2007) và Màu sắc của mặt trời (2017) và là biên tập viên Tạp chí Poetry Planetariat, do Phong trào Thơ Thế giới xuất bản. Ngoài thơ, ông viết tiểu thuyết, tiểu luận văn học và kịch. Hiện Keshab Sigdel giảng dạy tại Đại học Tribhuvan ở Kathmandu (Nepal). Báo Văn nghệ xin giới thiệu chùm thơ của Keshab Sigdel do nhà thơ Hữu Việt dịch từ bản tiếng Anh.
Màu mặt trời
Con gái tôi đang bận tô màu ý nghĩ
Những ngón tay không ngừng
chuyển động cây bút chì trên hình vẽ
Một tấm bìa các-tông.
“Mặt trời tô màu gì đây?” con gái tôi bối rối -
Vàng, da cam hay đỏ thẫm -
Ai biết, mách cho màu của mặt trời?
Nó cầm một chiếc bút chì màu và trước khi tô
cố gắng gọt đầu bút sao cho thật nhọn;
Những cái đầu nhọn ấy gãy nhiều lần...
như bao mũi kim đâm vào hệ thần kinh
của nó.
Bức xúc, phân vân,
Nó ngẩng đầu lên và chậm rãi,
quay sang phía bên phải, nhìn tôi.
Đôi mắt nó nói với tôi bao điều bối rối
Nhưng mà tôi đã bao giờ tô màu mặt trời đâu!
Tôi chưa từng thấy mặt trời gần đến độ
để biết màu của nó thế nào
Đôi khi, tôi căm ghét cái nóng giống như
sự thiếu vắng ánh nắng.
Nhưng màu của mặt trời thì sao?
Và mặt trời thực sự có màu sắc hay không?
Chỉ biết, ông mặt trời trong tranh đang
mỉm cười
với cô con gái nhỏ của tôi,
Liệu tôi có thể nói cho con về màu của
nụ cười?
Ngoài trời mưa dữ dội
Nhưng trong nhà
tâm trí của tôi bị bào mòn nghiệt ngã
Như mặt hồ ảm đạm nhận ánh nắng mặt trời
Khi ấy mặt trời có màu gì?
Có lẽ đó là màu tâm trí của tôi.
Tôi chỉ biết nói với con gái
Hãy vẽ mặt trời của riêng mình nhé, con yêu!
Bầu nhiệt huyết
Anh bao nhiêu tuổi rồi? -
Nàng hỏi.
Hãy đừng tin tóc bạc -
Tôi khiêm tốn đáp.
Ghi chú chết chóc
của một kẻ điên
Một thân cây ngã xuống
Sẽ chỉ là một khúc gỗ mà thôi.
Và từ đây, tuổi của cây
trở thành lịch sử.
Những người đàn ông thích khai quật lịch sử
Và tái tạo ký ức
Đã khắc những ký ức lên khúc gỗ
tạo ra biểu hiện mới cuộc đời.
Rồi từ đó
Ngoài cửa sổ không còn lại thân cây
nào nữa!
Cậu bé và con bướm
(Tưởng nhớ những trẻ em Palestine
thiệt mạng trong chiến tranh)
Một cậu bé đuổi theo con bướm trên đồng
Chợt bị ngăn lại trước hàng rào thép gai
kiên cố
Chỉ có con bướm là không sợ
Vỗ cánh vượt qua, bay vút lên trời.
Khẽ ngẩng cao đầu, cậu bé
Ngó đăm đăm vào khoảng trời xa
Và chợt thấy thay vì con bướm
Một chiếc tên lửa phụt khói đằng đuôi
Lao thẳng vào người.
Và cậu bé mất tăm trong đám khói
Đang cuồn cuộn bay lên
Xa hơn và xa nữa
Cao hơn và cao nữa
Như con bướm cậu tìm
Như giấc mơ của cậu
Trên mặt đất không còn loài bướm
Và những đứa trẻ cũng không
Dù bi kịch kinh hoàng đổ xuống
Bầu trời bao la thù hận cũng vậy thôi
Cả tàn tích những giấc mơ vỡ vụn
Mặt trời vẫn mọc như mọi ngày
Những làn sóng đuổi nhau trên biển
Địa Trung Hải
Như muốn xua tan những đám mây đặc khói
Vào lúc này, hàng ngàn con ấu trùng nở
trong đầu tôi
Tôi linh cảm cậu bé sẽ sống lại
Và tiếp tục chơi với những con bướm!
Nhưng chắc lúc này cậu đã thành một
thiếu niên
Thay vì đuổi bướm, bắt chim
Có thể cậu sẽ phất một lá cờ
Và hét to: Inquilab Zindabad!(1)
_____
1. Cách mạng muôn năm (nguyên văn tiếng Hindu).
Hạnh phúc
Tôi ngước nhìn ngọn núi
Và bắt đầu leo lên nơi cao nhất
Từ đây tôi sẽ nhảy xuống
Tự kết liễu cuộc đời.
Núi cũng nhìn thấy tôi
Dẫu chưa biết tôi muốn gì
Nhưng núi nói:
Ta mệt mỏi với sự ngợi ca chiều cao
Hãy chinh phục ta và giải thoát ta khỏi
nỗi khổ này.
Tôi sợ cô đơn và sự tồn tại đớn đau của núi
Nên vội vã rời đi.
Tôi tiếp tục lên đường ra biển
Để tìm nơi
Có thể nhảy xuống
Cho những con sóng nhấn chìm.
Biển cũng nhìn thấy tôi
Dẫu chưa biết tôi muốn gì
Biển nói:
Ta mệt mỏi với sự bao la của mình
Hãy nhấn chìm ta và giải thoát ta khỏi
nỗi khổ này.
Tôi sợ độ sâu khôn lường và sự tồn tại
đớn đau của biển
Nên vội vã rời đi.
Tôi tìm đến cơn bão
Và đợi chờ khoảnh khắc
Lao vào mình vòng xoáy luân vũ hoang dã
của gió
Tự hủy diệt chính mình.
Cơn bão cũng nhìn thấy tôi
Dẫu chưa biết tôi muốn gì
Cơn bão nói:
Ta đã mệt mỏi vì quay cuồng dữ dội
Hãy khống chế ta và giải thoát ta khỏi
nỗi khổ này.
Tôi sợ cái hung hãn khó lường và sự tồn tại
thét gào của bão
Nên vội vã rời đi.
Tôi tiếp tục tìm đến lửa
Đến những tảng đá
Đến những miền xa xôi hoang dã
Thì ra tất cả họ
đều có nỗi khổ riêng.
Tôi đứng yên và nhìn vào chính mình -
Cuối cùng, lý trí cũng mỉm cười với tôi.
Nguồn Văn nghệ số 22/2024