Sau đó ông buồn ngủ quá, nên lấy một con cá chép con, nặn lại thành cá linh chúng tôi, rồi thả chúng tôi vào dòng sông Mê Kông. Từ nơi đây dòng họ tôi chia nhau trôi theo dòng sông mẹ kiếm sống. Theo hạt phù sa trôi, lang thang một đoạn thì chợt thấy đã qua tới nước Lào. Nghe đồn Lào có nhiều voi, chúng tôi nán lại đây lâu để kiếm voi chơi. Nhưng một thời gian sau mới phát hiện, voi không bơi trong lòng sông được. Buồn quá, ngó xa xa thấy nước Campuchia có đền đài thấp thoáng bóng dòng sông, chúng tôi liền băng qua đấy du lịch. Ai ngờ đâu xứ này có cái Biển Hồ êm quá, nên ông Tổ Cá Linh quyết định lấy nơi đây làm quê mình.
Tuy đã có chỗ để làm quê hương, nhưng có lẽ trong suốt nhiều năm tha phương, cái tính du thủy đã ăn sâu vào thói quen nhà cá linh. Nên cứ đến tháng Năm, chúng tôi sẽ đồng loạt đẻ trứng. Ấp suốt một đêm thì trứng nở. Cá con ở với ba mẹ một thời gian, thì sẽ lên đường để làm cuộc phiêu du về hạ lưu; vừa kiếm sống, vừa khôn lớn. Đối với chúng tôi, cuộc phiêu du này là một trường học, mà bất cứ con cá linh nào cũng phải trải qua, trước khi trở về lại quê hương để sinh sôi kế tiếp. Tôi cũng là thằng cá linh không ngoại lệ, được ba mẹ sinh ra cùng với gần năm chục ngàn người anh em khác, trong dề lục bình trôi trên Biển Hồ.
Cuộc phiêu lưu đầu đời của những chú cá nhỏ - Ảnh minh họa: Pixabay |
Khi chúng tôi được năm ngày tuổi, ba mẹ dắt chúng tôi đi ăn giỗ Tổ. Đây là dịp tất cả các con cá linh gặp nhau, nghe ông Linh Tía dặn dò, ăn uống no say rồi lên đường đi học. Chưa bao giờ tôi thấy loài cá chúng tôi nhiều đến thế, cá ba mẹ nào cũng dắt theo bầy con, làm cho cả đoạn sông đặc nghẹt cá và cá. Phía xa xa là ông cá Linh Tía to lớn vô cùng. Ông có cái miệng hô ra ở phía môi trên, lủng lẳng ở mép là hai sợi râu rất lạ. Ba tôi nói, Linh Tía là anh cả của dòng họ. Đây là hộ có truyền thống gia tộc sâu sắc nhất. Các thành viên trong gia đình Linh Tía đều có râu mõm, để nhớ về tổ tiên. Cái thời xa ơi là xa, xưa ơi là xưa ấy, khi cá linh chúng tôi được tiến hóa từ loài cá chép. Có thể nói, cũng từ đó, những con cá linh mới lần đầu xuất hiện trên sông.
Ông Linh Tía trưởng tộc của tôi trông rất oách. Ông có thân hình to gấp chục lần ba tôi. Khoác lên mình bộ giáp bạc, nơi lưng ông đắp một mảnh màu xanh nhạt từ đầu đến tận đuôi. Các vây đuôi ông đều có màu xanh nhạt viền vàng trông rất sinh động.
Trong ngày giỗ, tôi nghe lóm được câu chuyện của những người lớn nói với nhau về ông trưởng tộc. Thì ra ông ấy là cá linh may mắn duy nhất thực hiện được hai chuyến ngược xuôi du thủy xuống hạ lưu và trở về ngoạn mục. Thông thường loài cá linh chúng tôi mỗi đời chỉ đi về hạ lưu một lần, sau đó quay về quê sinh sản. Đẻ xong lứa cá đầu tiên, họ tiễn con lên đường bắt đầu chuyến du thủy mới, cũng là thời điểm họ có tuổi và sẽ dần mất đi.
Thằng bạn cá Heo ké theo đi ăn giỗ. Nó kề vai tôi nói, “họ bị điện giật chết đó”. Tôi không tin mấy, bởi mẹ bảo rằng, có những bạn cá sinh ra để làm vật thế thân, hi sinh cho những bạn cá khác sống sót. Đức hi sinh của những cô bác cá linh nhà tôi thật cao thượng. Mẹ dặn, trên đường di cư, con sẽ gặp nhiều bạn bè là cháu con trôi dạt của các chú các bác ấy, con phải nhớ yêu thương và giúp đỡ bạn bè. Đó là sự đền đáp cho những người đã hi sinh cho mình. Thằng cá Heo nghe tôi nói, nó “xùy” một cái, nơi mõm sôi lên vài bọt khí:
- Tại sao mình phải giúp tụi kia chớ?
- Vì mẹ tao nói, biết ơn cũng như làm ơn, đó là một thứ rong có thể sinh sôi. Biết đâu mai này trong những lúc mình gặp khó khăn, mình sẽ nương vào đó mà sinh tồn.
Thằng cá Heo cho rằng tôi lí sự, đáng lí tôi sẽ đẩy nó một cái thật mạnh. Nhưng không, tôi phải quay trở lại câu chuyện của ông cá Linh Tía. Bạn biết không, ông Linh Tía thật phi thường. Sau khi trở về, ông cưới vợ, sinh một bầy con, ông thương con phải di cư bơ vơ, nên tình nguyện đi theo. Trong lần di cư đó, các con đều bị đánh bắt ở dọc đường, chỉ mình ông thoát nạn. Buồn bã quay về cố hương, ông gặp lại vợ và sinh thêm một lứa nữa.
Nhưng lần đó ông không đi nữa. Ông Linh Tía nói rằng ông đã cao tuổi, thân ngày một to, thuộc hàng quí hiếm, lại nổi tiếng vang danh khắp trong thiên hạ. Ông mà xuôi dòng du thủy nữa, thể nào cũng bị con người tìm mọi cách bắt. Hên thì bị họ cho vào bồn kín để ép giống sinh sản (trong khi ông là con cá trống, làm sao sinh đẻ cho được). Còn xui hơn thì sẽ bị kho rục xương trong cái nồi ngập đầy mía. Nói đến đó, ông rùng mình mấy cái rồi xoa xoa hai cái vây: “Không được, không được các cháu à!”
Lúc đó, lòng tôi dâng lên niềm hâm mộ ông Linh Tía vô cùng. Tôi mơ ước mình được như ông, sẽ đi ngao du đây đó nhiều lần. Nghe nói vậy, mẹ nhìn tôi bao dung: “Khó lắm con, nhưng mẹ tin con sẽ làm được!”
Tại sao khó, khi ông Linh Tía đã làm được đó thôi. Hay mẹ lo sợ cho sức khỏe của tôi. Bởi khi mới chào đời, tôi yếu ớt hơn các anh chị cùng lứa. Tôi không cách nào thở nổi trước sự nghẹt cứng của hàng nghìn con cá. Chắc thấy tôi có điều đặc biệt nên mẹ đã đưa tôi ra ngoài. Mẹ cho tôi ở riêng biệt, và chính ở trong không gian riêng biệt ấy, một hôm tôi bị con nước đột ngột xô trôi đi. Chúng xô tôi va vào tảng đá thật to. Tôi bất tỉnh, không nhớ gì cả. Và khi mở mắt dậy thì thấy mình đang nằm ở ổ ông Linh Tía.
Ba kể, khi đưa tôi đến ổ của ông trưởng tộc, thương cảm trước đứa bé lanh lợi thông minh, ông Linh Tía đã lật vây tôi ra để xem mạch. Vừa xem, ông vừa sáng bừng nơi ánh mắt. Không biết nghe được những gì từ cơ thể tôi, mà ông Linh Tía lấy cho tôi uống một liều thần dược.
Đó là loại thuốc mà dòng họ cá linh tích góp được từ nhiều đời nhiều kiếp. Chỉ dành cho những con cá hoàng tộc dùng khi bất trắc. Thuốc có công dụng hết sức mạnh mẽ, có thể giúp lưu thông toàn bộ khí huyết trong cơ thể và sống ở đáy sông hàng tháng trời không cần ngớp nước.
Ông Linh Tía nói với tôi:
- Cháu thật là may mắn, bởi tình yêu thương của ba mẹ cháu đã bất chấp mạng sống đưa cháu đến đây, ta cảm động và cứu cháu. Cháu là con cá linh may mắn nhất trần đời. Từ nay cháu sẽ có sức sống mạnh mẽ hơn các bạn. Cháu hãy nhớ rằng chuyến đi này cháu phải trở về, biết đâu mai này cháu sẽ là người kế tục sứ mệnh của ta.
Tôi thiêm thiếp nhìn ông, gật đầu nói “dạ” mà tự nghe lời nói của mình sao lại vang xa đến như vậy. Ông Linh Tía tặng tôi miếng thẻ bài, được làm từ một phần vảy giáp của ông. Miếng bài sáng lấp lánh có khắc chữ Linh Tía Biển Hồ:
- Năm xưa ta có kết bạn với bác Rùa ở Láng Linh. Bác ấy là người hiểu chuyện và tốt bụng. Dọc đường đi, nếu có khó khăn bất trắc gì, cháu hãy tìm cách đến chỗ bác Rùa. Bác ấy sẽ giúp cháu.
Ông Linh Tía nói xong thì đưa miếng thẻ bài cho tôi. Lễ phép nhận lấy, tôi liền cất vào trong tấm vảy của mình. Ông gật đầu ưng bụng. Tôi thấy đôi mắt ông sáng lên những tia hi vọng ngập tràn.
Dù hiểm nguy luôn rình rập phía trước, bầy cá linh non vẫn quyết tâm thực hiện chuyến du thủy định mệnh của giống loài - Ảnh minh họa: Pixabay |
Sau ngày giỗ Tổ sẽ đến ngày Hội Xuất quân. Trăm ngàn bầy cá tụ hội, bầy trẻ nhao nhao cả mặt nước. Ông Linh Tía giọng trang nghiêm nói: “Tất cả trật tự nghe ta nói”. Ông to lớn, tiếng nói vang vọng chẳng khác gì cái loa, loang những tần sóng âm xa ơi là xa trong nước. Những bầy cá con im phăng phắc ngay.
- Những đứa cá linh con năm nay sắp bước vào cuộc di cư, các cháu sẽ cùng các anh chị bạn cá heo, cá chốt theo dòng Mê Kông trôi xuôi. Nơi đó có đồng ruộng bao la với biết bao thức ăn ngon lành để lớn nhanh như thổi. Nhưng các cháu phải nhớ, mình sinh sống nương nhờ trên đất Cửu Long, thì cũng phải biết ơn đất đai đã cho mình thức ăn và nơi sinh trưởng. Nơi đó là quê hương thứ hai của chúng ta. Mỗi đứa cá con hãy ngậm lấy một hạt phù sa, các cháu xuôi dòng chia nhau đến những nơi đồng bãi mà đắp hạt phù sa lại đó để cho đất đai màu mỡ. Đó là cách trả ơn của dòng họ Linh chúng ta.
Nói xong, mỗi đứa cá linh đớp ngay một hạt phù sa bé tẹo. Ngó qua ngó lại thì chỗ ổ ông Linh Tía đã hóa thành một lòng chảo. Ông nói, không sao, nay mai nước đẩy đất cát lấp đầy. Nói xong ông cho giải tán, chúng tôi theo ba mẹ về ổ. Trên đường đi, tôi thấy những gia đình cá chia tay nhau bịn rịn. Tôi hỏi mẹ vì sao họ lại buồn đến vậy. Mẹ nói, những năm gần đây, cá di cư bị nạn chết dần chết mòn dọc theo đường cầu thực. Có những gia đình cá gần trăm ngàn con, mà khi về không thấy một đứa nào.
Tôi hỏi mẹ vì sao họ lại chết dọc đường, không về nữa? Mẹ lặng im không nói, bà chỉ hôn lên má tôi, giọng nghèn nghẹn, không giống sự dịu dàng tươi vui thường ngày chút nào. Trước giờ tôi chưa bao giờ thấy giọng mẹ chùng xuống như vậy:
- Các con cố gắng theo bầy đàn, mà trở về, ba mẹ sẽ đợi các con…
(Trích từ Truyện dài "Cá linh đi học" của nhà văn Lê Quang Trạng)
Lê Quang Trạng | Báo Văn nghệ