Hai đứa trẻ mới chuyển đến cạnh nhà chị vào hồi cuối thu. Chúng là con nhà giàu, đi học bằng ô tô riêng của bố, quần áo, giày dép đắt tiền, muốn vòi gì vào buổi sáng, buổi tối đã được đáp ứng. Trong khi con nhà chị thì…
Ban đầu nhà hàng xóm giàu có chẳng thèm nhìn đến nhà chị, tức là cả hai đứa trẻ kia cũng thế. Nhưng dần dà, có lẽ thấy hai đứa nhà chị cũng sạch sẽ, ngoan ngoãn, lại cùng độ tuổi, hoặc là cô đơn, nên hai đứa kia làm quen, rồi chơi với nhau. Từ nửa tháng nay chị để ý thấy ngày nào chúng cũng kéo nhau sang chơi với con nhà chị vào lúc chập tối, đến giờ cơm thì về. Chị cũng vui. Trẻ con, chúng cứ việc sống với những gì chúng muốn.
Hai đứa trẻ mới chuyển đến cạnh nhà chị vào cuối thu - Ảnh minh họa: Pixabay |
Bữa cơm tối cuối tuần, chị làm món gà tẩm bột rán giòn. Trên mâm cơm, đĩa gà rán vàng rộm, thơm phức, hết sức mời gọi. Hai đứa con chị trông thấy món ngon, vô cùng háo hức. Chúng vui vẻ mời hai cậu bạn hàng xóm ở lại ăn cơm cho vui. Chị cũng vui vẻ mời. Chị chỉ hơi ngạc nhiên khi thấy hai đứa trẻ nhận lời, mà không cần phải về nhà xin phép bố mẹ.
Bữa cơm vui vẻ, chị và anh vừa tiếp hai chú khách nhỏ, vừa nói chuyện về ngày làm việc của anh. Anh trước làm công nhân nhà máy ô tô, sau có khúc mắc nghiêm trọng, anh thôi việc, giờ chạy xe ôm ở bến xe khách, thu nhập bấp bênh. Chị thương anh, muốn chăm lo cho anh bởi những món ngon chị nấu. Nhưng anh chị nghèo, món gà rán như tối nay không phải là món thường xuyên trên mâm cơm nhà chị.
Bốn đứa trẻ vừa ăn vừa bình luận vui vẻ về một cuốn truyện tranh nào đó mà chúng đọc. Một loáng, đĩa gà rán đã hết veo. Nhìn hai đứa con mình còn tỏ vẻ thèm, chị hơi buồn, nhưng nhìn hai đứa trẻ hàng xóm cũng tỏ vẻ thèm, chị lại hơi ngạc nhiên. Con chị nghèo, ít khi được ăn, thèm là chuyện thường. Hai đứa trẻ kia giàu có, món ngon vật lạ không thiếu, sao lại thèm cơ chứ.
Lúc rửa bát, chị cứ nghĩ mãi về điều đó, cuối cùng chị kết luận: Có khi với nhà hàng xóm, món gà rán giòn này chỉ là món bình dân, họ ít khi dùng, nên hai đứa trẻ thấy thích thú chăng.
Một chiều cuối tuần khác, chị lại làm món gà rán cho cả nhà. Lần trước hai đứa con không được ăn nhiều, chị thương con, thương anh, nên lần này muốn bù đắp. Khi món gà rán vàng rộm còn đang trên chảo mỡ sôi sùng sục, hai đứa trẻ hàng xóm lại xuất hiện ở cửa. Như những lần trước, chúng vừa liến thoắng chào chị, vừa ùa vào phòng khách, nơi hai đứa trẻ nhà chị đang chơi trò đánh trận giả. Chúng nhập cuộc mau chóng, chỉ nửa phút, căn phòng lại náo nhiệt.
Lại giống như lần trước, hai đứa trẻ nhanh chóng nhận lời ở lại ăn cơm. Bốn đứa trẻ vui vẻ ăn uống trong ánh nhìn trìu mến của anh chị. Loáng một chốc, đĩa gà rán hết veo. Thằng con chị tiếc rẻ: “Mẹ ơi, mai mẹ mua nhiều về rán nhé.” Anh cười to: “Yên tâm, bố sẽ kiếm nhiều tiền để mẹ mua gà rán cho mấy đứa.”
Lúc rửa bát, chị loáng thoáng nghe bốn đứa trẻ nói chuyện với nhau. Đứa trẻ nhà hàng xóm khoe: “Bọn tớ được đi ăn gà rán ở nhà hàng to trên phố nhé. Lúc ngồi ăn còn nhìn thấy người ta đi đầy dưới đường.”
Một buổi chiều, lúc kẻng đổ rác vang lên lanh lảnh, chị mang túi rác ra đổ thì gặp người phụ nữ hàng xóm. Hai người lịch sự chào nhau. Người phụ nữ kia cũng đi đổ rác. Chào rồi, bất giác chị liếc nhìn thùng rác trên tay người hàng xóm sang trọng. Mắt chị hơi hoa lên đôi chút, nhưng chị nhất định không thể nhầm được. Trong thùng rác nhà hàng xóm, gần như nguyên vẹn một đĩa gà rán vàng rộm đang được đổ đi.
“Thức ăn đổ đi nhiều thế này, bọn trẻ nhà chị không thích gà rán à?”
Chị biết là không nên hỏi câu đó, nhưng không hiểu sao lúc đó lại hỏi, hỏi rồi, chị cảm thấy mặt mình nóng phừng, chỉ muốn chạy nhanh về đóng sập cửa, chui vào ngồi trong phòng tối. Nhưng người hàng xóm không nhìn chị, chỉ thủng thẳng trả lời.
“Chúng khảnh ăn lắm chị ạ. Tôi có để chúng thèm thuồng cái gì bao giờ đâu. Không cho ăn thì bảo ác, cho mà chúng có ăn cho đâu, lại mất công đổ đi.”
Chiều hôm sau, không chịu nổi những băn khoăn trong lòng, chị lại mua gà về làm món gà rán vàng rộm, thơm phức. Không thấy hai đứa trẻ hàng xóm, chị sai đứa con lớn sang mời hai bạn đến ăn gà rán. Thằng bé phụng miệng:
“Ứ đâu, hai đứa nó ăn khỏe lắm, ăn hết gà rán của con. Con ứ mời đâu.”
Chị trừng mắt:
“Mẹ bảo con mời bạn là mời. Chóng ngoan rồi mai mẹ mua về cho mà ăn thỏa thích.”
Thằng bé nghe thế, vui vẻ nhảy chân sáo vù sang nhà hàng xóm, giây lát, đã nghe tiếng nó gọi bạn.
Còn lại một mình, chị bỗng giận mình ghê gớm. Mình sao thế này? Tại sao mình lại làm như thế, và làm thế để làm gì?
Chị toan chạy ra nói với con: “Thôi không phải gọi nữa.”
Nhưng chị ngồi xuống cạnh bàn, nhìn đĩa gà rán, bỗng bật cười. Rõ mình trẻ con quá. Tại sao hai đứa trẻ nhà giàu lại ăn ngon lành ở nhà chị, trong khi thức ăn nhà nó lại đổ đi. Đơn giản là vì ở đây nó có bạn, nên vui miệng mà thôi.
Những bữa cơm giản dị mà luôn đầy ắp tiếng cười - Ảnh minh họa: Pixabay |
Bữa cơm tối lại diễn ra vui vẻ. Vẫn như mọi khi, anh chị vừa ăn vừa nói chuyện về công việc của anh. Nghề xe ôm tưởng như đơn điệu, nhưng cũng lắm sắc màu. Không ngày nào trong bữa cơm là anh không có chuyện mới để kể với chị. Những chuyện vui làm chị cười, và cả những chuyện buồn, ngang trái, qua giọng kể hài hước và chua chát của anh, cũng khiến chị cười. Những đứa trẻ không hiểu gì đến tình đời, cũng cười theo nắc nẻ.
Lúc chị rửa bát, tình cờ đứa lớn nhà hàng xóm lại gần xin một cốc nước, chị gợi chuyện:
“Ở nhà cháu, ai hay nấu cơm?”
“Bà Châu nấu cô ạ.”
Bà Châu là người giúp việc nhà hàng xóm, người mà chị thi thoảng cũng gặp và chào. Chị lại hỏi:
“Bà Châu nấu có ngon không?”
“Cháu không biết.”
Câu trả lời của thằng bé khiến chị bất ngờ. Nếu nó nói có, hoặc không, đã là một lẽ.
“Bà Châu có hay làm món gà rán như cô không?”
Thằng bé tiếp tục trả lời, mà không phải tốn công suy nghĩ.
“Có ạ.”
Chị nhớ đến món gà rán bị đổ đi trong thùng rác nhà nó hôm trước, và lại nghĩ đến đĩa gà rán mỗi hôm một đầy hơn mà vẫn mau chóng hết veo trên mâm cơm nhà chị…
“Nhưng cháu thích ăn cơm nhà cô hơn.”
Lần này thì câu trả lời nằm ngoài dự liệu của chị, vì chị đã không định hỏi tiếp. Chị cười, nhìn đôi mắt nheo lại vui vẻ của thằng bé.
“Cơm nhà cô nghèo, có gì đâu mà cháu thích?”
Thằng bé uống nốt cốc nước, rồi lịch sự úp cốc vào giá cốc. Xong đâu đấy, nó làm như bâng quơ, trả lời:
“Ăn cơm nhà cô vui lắm. Ở nhà cháu lúc ăn cơm không có ai cười cả.”
Phạm Thanh Thúy | Báo Văn nghệ