1. Hồi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn ở Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường chưa bị “tai biến”, ba chúng tôi chiều nào cũng ngồi với nhau ở một quán cóc nào đó nhâm nhi chén rượu Hiếu để sinh hoạt “Chi hội nhà văn Bến Ngự” vì nhà ba người đều ở cạnh chợ Bến Ngự. Hồi đó, Hoàng Phủ tự gọi mình là “Người ham chơi”: Vẽ tôi một nét môi cười/ Một dòng nước mắt một đời phù du… Anh có cả một tập nhàn đàm dày mấy trăm trang có tên “Người ham chơi”.
Dường như lúc nào anh cũng có mặt bên chiếu rượu với bạn bè từ rừng tới biển, từ bắc chí nam, nói đủ chuyện Đông, Tây, Kim, Cổ. Trong cuộc vui, Tường bao giờ cũng nói nhiều hơn uống. Mà nói rất hay. Nói ý chang như văn anh viết trong sách. Nguyễn Trọng Tạo từng tiếc rẻ: “Giá mà mình có sẵn cái ghi âm, khi Tường nói chuyện gì mình ghi hết, chắc sẽ được cuốn sách hay lắm”. Nhưng ai mà biết được Tường nói lúc nào? Có lần tôi đến nhà gọi anh đi nhậu, Mệ (mẹ nhà thơ Mỹ Dạ) bảo: “Ông ấy đi nói rồi!”. Tường rong chơi với Hoài Vũ ở Vàm Cỏ Đông; lang thang cùng Trịnh Công Sơn khắp xó xỉnh Sài Gòn; la cà dọc Quảng Trị, Tây Nguyên với giáo sư Trần Quốc Vượng, Phùng Quán, Nguyễn Trọng Huấn, Nguyễn Trọng Tạo, “tư bản đỏ” Lê Minh Ngọc.v.v.. Đọc bút ký, nhàn đàm, thơ của Tường, mới hay anh ngao du khắp thế giới: Từ Rừng Hồi xứ Lạng, đến Đất Mũi, từ Núi Bài thơ Hạ Long, Hàng rào điện tử Macnamara Dốc Miếu, đến Tháp Mười, từ Phố Con mèo câu cá ở Paris của Lê Bá Đảng, đến Trời Điện Biên mây trắng.v.v.. .
|
Cuối tháng 3/1998, Hoàng Phủ, Nguyễn Trọng Tạo cùng tôi được nhà thơ Trần Nhuận Minh, lúc đó là Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Ninh mời về Hạ Long dự “Ngày thơ Quảng Ninh 29-3”. Trong cuộc Hội thảo thơ hôm đó, gần cuối buổi, vị chủ toạ bất ngờ mời anh Tường phát biểu. Tường ngồi cạnh tôi, ghé tai bảo: “Nói chi hè?” - “Tôi cười:” Nói gì cũng được. Hay anh nói về chức năng văn chương. Họ đang bàn mà”. Tường đứng dậy, xoa xoa tay rồi nói vo, vì không chuẩn bị trước: “Tôi ngồi nghe gần chục cái tham luận thấy các nhà thơ, nhà lý luận Quảng Ninh nói nhiều đến “các tính”, các “chức năng” của thơ, tôi thấy sợ quá, không dám bàn gì thêm. Tôi chỉ xin mạo muội nói một ý nhỏ: thơ cũng là sự chơi! Có chơi mới có thơ hay!. Rồi Tường dẫn Tản Đà Chơi cho biết mặt sơn hà - Cho sơn hà biết đâu là mặt chơi; vừa đánh giặc xong, Thánh Gióng bay về trời, đó là sự chơi; rồi Quan họ Hội Lim, rượu Làng Vân, tranh Làng Hồ… đều là sự chơi tài tử ở đời. Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… đều là người chơi nổi tiếng đương thời. Còn Nguyễn Công Trứ thì… tay chơi hết nói! Hết “chơi Đại thần” thì “chơi lính trơn”. Chán lính trơn lại chơi lên Đại Thần. Lênh đênh một chiếc thuyền nan/ Một cô gái Huế, một quan đại thần… Trịnh Công Sơn thì rong chơi suốt mùa mà để lại cả gia tài ca khúc vô giá. Rồi Tường kết luận: “Ham chơi không phải lười biếng. Ham chơi là cách sống đạt đạo của con người đã nhìn thấy từ lâu bản chất phù hư của thế giới. Văn chương nghệ thuật cũng là cuộc chơi thượng thặng”. Không ngờ phát biểu của Hoàng Phủ lại được mọi người tán dương, tâm đắc. Giờ giải lao và suốt buổi “ bữa cơm thân mật” hôm đó, nhiều nhà thơ, nhà phê bình đất mỏ đến “xin chữ ký” Hoàng Phủ. Có người còn nhiệt tình mời chúng tôi đi thăm Uông Bí, Yên Tử…
2. Hoàng Phủ Ngọc Tường coi mình là “Người ham chơi”, vì “Ham chơi là văn hoá gốc của người Việt” (HPNT). Nhưng cứ nhìn vào số lượng tác phẩm đồ sộ và xuất sắc của anh đã xuất bản, ai cũng hiểu rằng, anh chẳng “chơi” chút nào. Sau những chuyến đi như thế, anh ngồi lý trên cái ghế cổ, không có chỗ dựa lưng để viết suốt đêm, không cho phép mình được nghỉ ngơi, buông bút phút nào hết !
Tôi và Nguyễn Trọng Tạo hay gọi vui “Tường là nhà hiền triết cũ còn sót lại”. Anh có kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực triết học, văn học, văn hoá, lịch sử, địa lý... Đó không phải là kiến thức “tầm chương” mà đã nhập tâm thành máu thịt. Nhờ đó, anh soi sáng dưới nhiều góc độ khác nhau những vấn đề mà mình quan tâm. Từ đó chiết ra được những ý nghĩa mới, giá trị hình tượng mới thấm đẫm tình yêu và trí tuệ, thành thứ văn chương “tri âm tri kỷ” làm nhiều thế hệ độc giả mê say. Có một độc giả già ở Hà Nội đã tỉ mẩn cắt từng câu của bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường in trên báo Văn nghệ, nối lại thành một bài thơ, ép giấy bóng gửi vào Huế tặng tác giả. Từ những chuyện nhỏ gặp trong những đợt đi chơi lang thang, qua ngòi bút Hoàng Phủ biến thành những vấn đề nhân sinh thấm thía. Trong bài nhàn đàm Đất nước, Tuờng viết về con chim cà ruồng cà tiệc, người Cơ-Tu ở A-Lưới gọi là chim patoong. Tiếng người dân tộc CaTu cà ruồng cà tiệc nghĩa là Đất nước. Tức là con chim đang kêu: Đất Nước! Đất nước! Bởi thế mà ở Huế, chim patoong bắt đầu kêu khi vua Duy Tân bị người Pháp đưa đi dày. Người ta nghe tiếng chim kêu thành “Thôi rồi cơ cuộc… Thôi rồi cơ cuộc”, Cho nên, “Hỡi con chim patoong của người lữ hành, sao ta thấy se lòng mỗi lần chim cất tiếng gọi…”. Bài Con chim bách thanh lại xoáy mũi dùi vào bọn ăn nói như vẹt. Chim bách thanh hót được tiếng của muôn loài, nhưng nó không có tiếng hót riêng của mình: “Hỡi con chim tội nghiệp. Té ra trời sinh ra mi để hót bằng cái lưỡi của E-dốp!”. Không giống một số người, nói khác, viết khác, làm khác, nghĩ khác, họ luôn đeo cái mặt nạ ngăn cách tâm trạng thực của mình với xã hội. Hoàng Phủ Ngọc Tường khi nói chơi, hay nói bốc đồng trong cuộc rượu, cũng chân thật đến tận cùng, giống y chang những điều anh viết thành văn trên trang sách. Nguyễn Trọng Tạo nhiều lần nói với tôi, những điều Tường nói trong các cuộc rượu, nếu ghi âm rồi in ra, sẽ là những bài viết vô cùng thâm thuý, gan ruột. Vì lúc nào anh cũng sống, cũng viết bằng trái tim đỏ thắm của mình với Nhân Dân với Tổ Quốc. Đến nay anh đã xuất bản 15 tập truyện ký, nhàn đàm, thơ. Anh đã được Nhà nước tặng Huân Chương Độc Lập, tặng Giải thưởng Nhà nước 2007. Hoàng Phủ Ngọc Tường tuổi Bính Tý, năm nay anh tròn 80 tuổi, đã vào “tuổi thượng thọ”. Anh đang nhờ vợ, chị Lâm Thị Mỹ Dạ tập hợp một tập bản thảo dày có tên “Cỏ thơm”, gồm 55 bút ký, 20 bài thơ anh viết từ khi bị bệnh đến nay cùng với gần 100 bài viết của bạn bè về văn chương và con người Hoàng Phủ Ngọc Tường để gửi xuất bản. Ham chơi như thế thật đáng ham chơi!
Miền sông nước. Ảnh Nguyễn Hiệp |
3. Tường không chỉ có trái tim đỏ thắm trên từng trang viết, mà trong cuộc sống hàng ngày cũng luôn đau đáu nỗi người. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra. Anh Tường bảo với tôi: “Nhất định sẽ có tổng động viên”, phải chuẩn bị “lên đường kháng chiến!”. Chờ mãi, không thấy tổng động viên gì cả, anh sốt ruột nói với Mỹ Dạ: “Anh phải lên biên giới thôi, đất nước nguy nan, dân mình chết như rứa, mình làm sao đứng nhìn cho được. Nhà mình còn tiền không?” Thời đó sống bằng tem phiếu, ít gia đình có tiền dự trữ. Mỹ Dạ hiểu tính khí chồng, nên chị lẳng lặng đi bán mấy tấm vải, ứng trước mấy tháng lương để anh lên biên giới. Chuyến đi ấy, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết được thiên bút ký nổi tiếng Rừng hồi. Sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân đã đề nghị chọn Rừng hồi vào Tuyển tập bút ký Việt Nam “… vì có Rừng hồi thêm vào thì cuốn sách sẽ hoàn chỉnh hơn”.
Hồi bao cấp, UBND tỉnh Bình Trị Thiên cấp cho vợ chồng Tường - Dạ một miếng đất 200 mét vuông để làm nhà ở khu quy hoạch Trường An với giá chỉ 200 ngàn đồng. Mỹ Dạ cầm tờ quyết định phân đất có dấu đỏ về hớn hở khoe với chồng. Không ngờ Tường nổi giận: “Khu đất ấy là khu mồ mả người Huế bao đời nay. Ta tranh người chết mà ở được sao? Thất đức lắm! Thất đức lắm! Em đi trả ngay cho…”. Thế là Mỹ Dạ lên tỉnh trả lại cái giấy cấp đất trước sự ngạc nhiên của bao quan chức. Nhiều văn nghệ sĩ ở Huế thời ấy không trả đất, bây giờ bán một lô hơn tỷ bạc! Mỗi lần tôi và Dạ nhắc lại chuyện “từ chối lộc trời” ấy, Hoàng Phủ lại cười bảo: “Mỗi người trong đời mình chỉ nằm một chiếc gường, một nấm huyệt, có ai nằm được một lúc hai chiếc giường, hai nấm huyệt đâu mà tranh cho lắm. Khối người còn không có chỗ trú thân. Hãy dành cho họ…!”
4. Tường ham đi, ham chơi, lại hay thương người, nên có rất nhiều giai thoại về chuuyện “ngô nghê” của “Ông Tường” (chữ hay dùng của Mỹ Dạ). Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ kể: "ông Tường là chúa ngờ nghệch. Có ai nghe các em “ca-ve” kể khổ, có bao nhiêu tiền cho hết “Lần ấy gần Tết, Tường chưa bị bệnh, vào Sài Gòn để viết báo Tết. Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trọng Huấn v.v… kêu đi nhậu chơi. Vào quán mới biết là chỗ có “bia ôm”. Mỗi anh một “nàng”. Suốt buổi Hoàng Phủ chỉ ngồi hỏi chuyện cô gái ngồi cạnh mình: “Em tên chi?”, “Quê ở mô?”, “Sao phải đi làm nghề ni?”… Cô gái liền khóc ràn rụa, than: “Quê em ở Trà Vinh. Bố mẹ em vay tiền bà chủ, không đủ tiền trả nợ, nên em phải đi làm với bà để trừ dần…” - “Thế mẹ em còn nợ bao nhiêu?”. “Dạ, nợ có hai chỉ vàng…”. Thế là Hoàng Phủ Ngọc Tường không một giây ngần ngại, rút ngay xấp tiền trong ngực áo, nhét vào tay cô gái: “Anh chỉ có ngần này, có thể giúp em thoát khỏi chốn này!” Đó là khoản nhuận bút mấy bài viết nhàn đàm trên báo Thanh Niên, dự kiến mang về Huế cho gia đình ăn Tết! Tan cuộc, nghe Tường kể lại câu chuyện về “em gái thương tâm”, Trịnh Công Sơn ngậm ngùi: “Chao ôi, ai cũng như Tường cả, thì xứ sở này sẽ thành Niết Bàn!”. Một lần ở Huế, hồi Tường mới ngao du ba tháng bên Châu Âu về, có người bạn gái ở Đức mua tặng anh một chiếc áo khoác vừa len vừa da màu vàng rất đẹp để chống lại cái rét dưới độ âm ở trời Âu. Bữa đó cố nghệ sĩ điêu khắc Đỗ Toàn người Huế, sống ở Đà Nẵng ra, rủ chúng tôi đi nhậu. Lại gặp quán bia “ôm”. Dạo này ở đâu cũng có quán bia ôm. Cuối đông, rét tê người mà “các em gái” cứ áo voan, mi-ni váy trông da thịt tím tái, thật đáng thương. Hoàng Phủ nhìn các em động lòng trắc ẩn: “Sao rét ri mà mấy em ăn mặc phong phanh rứa?”. Nói rồi anh cởi luôn chiếc áo khoác Đức của mình khoác lên vai cô gái trẻ ngồi cạnh. Khi ra về, cô gái trả lại chiếc áo, nhưng Hoàng Phủ gạt đi: “Anh tặng em để mặc cho ấm. Nhớ từ này trở đi đừng có mặc mỏng manh như rứa nghe…”. Nói xong anh phong phanh áo gió đạp xe về nhà!
Vui nhất là chuyện Tường tặng đồng hồ. Một lần Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo và tôi đi Đại hội Nhà văn về, dừng lại Nghệ An chơi vì có anh Hồ Xuân Hùng, lúc đó là Chủ tịch Nghệ An mời. Đêm đó chúng tôi vui nâng ly tại một nhà hàng ở Vinh. Thấy cô em tiếp viên mặt mày khôi ngô, sáng sủa, Tường lại nổi “máu thương người”: “Sao bé không đi học, kiếm nghề chi mà làm, lại đi làm nghề ni?”. “Ôi, anh ơi, mẹ em mắc nợ, nghèo quá không trả được. Em làm ở đây hai năm rồi mà vẫn chưa trả hết nợ”. Cô gái đỏ hoe đôi mắt. “Thế mẹ em còn nợ bao nhiêu?”. “Dạ, mấy triệu…”. Khi tan cuộc, Tường gọi cô gái đến bên, nhẹ nhàng rút chiếc đồng hồ anh đang đeo trên tay, đeo vào tay cô gái: "Anh tặng em chiếc đồng hồ này, bán đi mà trả nợ rồi đi kiếm việc làm khác!”. Thấy chiếc đồng hồ Omega thuộc loại rất đắt tiền, Nguyễn Trọng Tạo liền gặp bà chủ nhà hàng nói với cô gái phải trả lại ngay cho ông khách có nốt ruồi đen to dưới má cái đồng hồ, vì lúc ấy “ông ấy đùa cho vui”. Cô gái tiếp viên bị chủ “nhắc nhở” liền chạy theo níu Tường lại để trả đồng hồ. Hoàng Phủ ngạc nhiên: “Em cứ đeo, anh tặng thật mà!”. Như hiểu ra, Tường với tay xé tờ lịch tường, viết mấy dòng cam đoan mình đã tặng đồng hồ cho cô gái rồi ký chữ ký to tướng. Khi về tới Huế, Lê Diễn, dân Quảng Trị ở Đà Nẵng, người đã tặng Tường đồng hồ, một bữa ra Huế chơi, thấy Tường không đeo chiếc đồng hồ mình tặng nữa, hỏi: “Chiếc đồng hồ Diễn tặng anh mô rồi?”. Tường thản nhiên: “Tặng cho cô gái ở quán bia ở Vinh rồi!”. Diễn vỗ đùi: “Trời ơi, anh có biết chiếc đồng hồ giá ba triệu bạc đó, cả miền Trung này chỉ có tôi và anh mới có không?”. Tường cười hồn nhiên: “Mấy triệu cũng thế, đã thương là cho, dân ta tội lắm!…”
“Người ham chơi” Hoàng Phủ Ngọc Tường là thế đó. Mười bảy năm nay anh chỉ nằm một chỗ, khi tiếp khách phải ngồi xe lăn. Đã sáu bảy lần vợ “tha” đi chữa bệnh khắp các thầy giỏi trong nam ngoài bắc, anh vẫn chưa thể đứng lên được… Nhưng anh vẫn làm thơ, mỗi cái Tết anh vẫn viết năm bảy bút ký cho các báo lớn trong nước, chỉ nghỉ viết từ năm 2012. Nghĩa là anh vẫn đều đặn đến với người đọc. Văn chương anh là mạch vỉa than đá cung cấp nguồn năng lượng cho cho bao thế hệ người Việt Nam, nhưng anh lại là người hứng chịu tai ương bệnh tật nằm một chỗ. Có lần nằm một mình ở lầu hai, vợ và mẹ vợ bận đi chợ đâu đó, lâu không thấy ai đến chơi, anh điện thoại cho tôi, nói một câu làm tôi nổi da gà: “Ngô Minh ơi, đến đây nói chuyện tào lao chơi, mình thèm nghe tiếng người lắm!...”
Báo Văn nghệ số 46/2015