Diễn đàn lý luận

Lê Văn Thảo: Nhà văn tài năng và trung hậu

Hữu Thỉnh
Chuyện văn chuyện đời
17:00 | 31/10/2024
Baovannghe.vn - Tháng 7 năm 1971, sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Hội Nhà văn tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ hai,
aa

Tuổi trẻ, gặp nhau lúc nào cũng sôi nổi và quấn quýt, nhưng trong thời chiến, có cái gì thật thiêng liêng và cảm động. Vượt bao nhiêu bom đạn mới có phút tay bắt mặt mừng, rồi ai nấy lại về vị trí chiến đấu của mình, quần nhau với sống chết, không biết lần sau thế nào. Cho nên Hội nghị thực sự là bữa tiệc của tình bằng hữu, từ trong Hội trường, nó tràn về theo các nhóm các tốp, bâng khuâng, phơi phới trên những ngõ phố Hà Nội.

Anh Nguyễn Đình Thi thay mặt Ban Thường vụ khai mạc Hội nghị. Tiếp đó là các anh Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông. Bác Nguyên Hồng đạp xe từ Yên Thế, Bắc Giang về, với bộ quần áo nâu, chiếc mũ lá quen thuộc, sang nhất là chiếc cặp da. Bác bước lên diễn đàn với hàm râu rậm và đen:

Lê Văn Thảo: Nhà văn tài năng và trung hậu
Nhà văn Lê Văn Thảo (1936 -2016)

- Tôi tiếc nhất là không có mặt anh Lê Văn Thảo trong Hội nghị này. Tôi đã đọc và theo dõi các sáng tác của anh ấy từ mấy năm nay. Nhưng đặc biệt, hai cái truyện ngắn của anh mới in trên Tạp chí Tác Phẩm Mới số mới nhất, tôi đọc mà không dứt ra được. Cái khung cảnh của Đồng Tháp Mười, cái phong thái, cái không khí, cái ngôn ngữ nó sống quá và thực quá. Nếu không lăn lộn, không vắt cái sức cái tâm của mình ra không viết nổi đâu. Tôi đề nghị Thường vụ đặc biệt chú ý đến cây bút này. Lê Văn Thảo thực tài đấy.

Trong Hội nghị, người ta dành thời gian để nói về một đội ngũ, một phong trào. Anh Thảo được một vị đàn anh nổi tiếng nói riêng mình như một tác giả thì oách thật. Sau này anh Thảo nhiều lần kể với tôi rằng: Anh Nguyễn Đình Thi cũng dành cho anh những tình cảm rất đặc biệt. Mỗi lần anh ra Bắc, anh Nguyễn Đình Thi đều mời đi thử các món Hà Nội, tranh thủ nói chuyện về văn hoá con người Hà Nội và những chiêm nghiệm về nghề. Anh Nguyễn Đình Thi mua tặng anh Thảo một chiếc áo rét và còn có ý làm mai mối cho anh Thảo một đám nào đấy. Chuyện vợ con tuy không thành, nhưng tình cảm giữa hai anh gắn bó như ruột thịt.

Hồi còn làm việc ở báo Văn nghệ, tôi thường xuyên nhận được bản thảo của anh Lê Văn Thảo. Lúc này anh đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh bận rộn nhiều với công việc hành chính, nhưng vẫn viết khoẻ. Văn của Lê Văn Thảo nền nã, đặc sánh hương vị Nam Bộ, anh viết thoải mái như không cố ý làm văn chương mà nó rất văn chương. Vì nó thật và chan chứa biết bao thương cảm với con người. Anh tâm sự: Thường viết về kỷ niệm, những hồi ức xưa cũ. Nhiều năm ở thành phố nhưng vẫn gốc gác với nhà quê, trong chiến tranh viết về nông thôn, du kích, bộ dội, sau chiến tranh viết về vùng đất, con người đồng bằng sông Cửu Long, rừng U Minh, Đồng Tháp Mười. Ngại giao tiếp, ngại chốn quan truờng, nơi cao sang hay quyền quý, thích tìm đén xóm lao động người nghèo dân dã nơi thường có những lời hay ý đẹp, những câu chuyện hay, chọn nhân vật có số phận hẩm hiu bất hạnh, lại có nhiều tình cảm giàu lòng vị tha. Cố viết chân thật giản dị, tránh giáo huấn, cao đàm, hùng biện, cố đồng hành cùng người đọc, dành khoảng trống cho người đọc. Sau nhiều năm gần gũi cùng làm việc, cùng chia sẻ những phiền toái, những phút thăng hoa, tôi hiểu những dòng anh Thảo viết trên kia không chỉ là những lời tâm sự chân thành mà là một phương châm sống của anh.

Lê Văn Thảo: Nhà văn tài năng và trung hậu
Rừng tràm Tân Lập - Long An. Ảnh Internet

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống học tập và giàu lòng yêu nước, Lê Văn Thảo được thừa hưởng rất nhiều sự dạy bảo của cha. Đó là cụ Dương Văn Diêu, một trí thức nổi tiếng ở Nam Bộ, tham gia Cách mạng từ hồi tiền khởi nghĩa, trong kháng chiến chống Pháp làm việc tại Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ. Năm 1954, cụ tập kết ra Bắc, được phân công làm Hiệu trưởng Trường học sinh miền Nam. Học sinh của cụ sau này nhiều người trở thành những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, những nhà khoa học nổi tiếng. Cụ mang theo người con cả là Dương Văn Di ra Bắc. Anh tốt nghiệp đại học, xung phong lên công tác tại tỉnh miền núi Yên Bái và bị chết đuối ở sông Hồng sau một buổi tập dân quân. Sau này, mỗi lần ra Bắc, anh Lê Văn Thảo đều dành thời gian lên Yên Bái thắp hương cho anh, có khi ở đó mấy hôm thăm hỏi những người làm việc với anh mình và ghi lại nhiều câu chuyện cảm động. Lê Văn Thảo cùng hai em Dương Văn Duy và Dương Cẩm Thuý ở lại miền Nam với má. Lê Văn Thảo xuất sắc về toán từ bậc trung học. Năm 1962, đang học năm cuối đại học toán ở Sài Gòn, anh tìm cách liên lạc với đường dây bí mật và vượt qua dày đặc các trạm kiểm soát của địch, lên rừng tham gia cách mạng, được phân công về Hội Văn nghệ Giải phóng. Thời gian này, cụ Dương Văn Diêu từ miền Bắc vượt Trường Sơn về Miền Nam, phụ trách công tác giáo dục trong Chính phủ Cách mạng lâm thời. Cùng hoạt động ở R (căn cứ Trung ương Cục Miền Nam) nhưng rất lâu sau hai cha con mới được gặp nhau. Từ toán, chuyển sang văn, như một cầu thủ lật cánh, Lê Văn Thảo phải tu luyện rất dữ, đọc rất nhiều và học trước hết ở những bậc đàn anh: Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thi, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng... Tại chiến khu, Lê Văn Thảo ra mắt bạn đọc truyện ngắn đầu tay có tên: Thăm chồng. Chuyện kể một chị phụ nữ đi thăm chồng là một chiến sĩ quân giải phóng. Chị mang theo một ổ trứng gà làm quà cho anh và đồng đội. Lội rừng, lội suối, hỏi thăm miết mới tới đơn vị anh đóng quân. Tới nơi thì anh đã chuyên sang đơn vị khác. Lặn lội đi tìm đơn vị mới, tới nơi anh lại được chuyển công tác sang đơn vị khác nữa, cứ thế dòng dã hàng tháng trời. đi hoài đi miết tới khi ổ trứng chị mang theo đã nở thành một đàn gà con. Chị tiếp tục xách một lồng gà con đi tìm anh. Thật khó và cũng thật không cần thiết để đi tìm đâu là sự thật, đâu là hư cấu trong truyện ngắn nói trên. Tôi chỉ muốn viết thêm một chữ đẹp bên cạnh chữ hay vào bên lề của nó.

Sau truyện ngắn đầu tay với hồi âm khá thuận, Lê Văn Thảo được biệt phái về Sư đoàn 9 chủ lực của quân giải phóng miền Đông Nam bộ. Tại đó, anh được trang bị như một người lính thực thụ, có lúc đi theo đội hình một tiểu đội xung kích làm một cây AK thiện xạ, tham gia đánh lui nhiều cuộc càn, có lúc được tham dự các cuộc họp lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, anh được đi theo cánh Tây cùng hướng với Lê Anh Xuân. Lúc này lực lượng ta đã tổn thất nhiều, cuộc chiến đấu trở nên vô cùng ác liệt. Lê Văn Thảo được lệnh rút ra cùng với đơn vị sau cùng. Gần 40 năm sau, anh đã dành nhiều thời gian cùng với tổ sưu tầm của Bảo tàng Văn học Việt Nam trở về chiến trường cũ, tìm được căn hầm bí mật của Lê Anh Xuân cùng với chiếc lu nước mà Lê Anh Xuân đã ngồi trong đó và hy sinh vì nước thủy triều làm tắc ngạt ống thông hơi.

Là một tay súng gan lì trong những thử thách ác liệt, nhưng nhớ về quá khứ, Lê Văn Thảo luôn từ tốn, khiêm nhường và xúc động, không một chút cường điệu để khéo đề cao mình. Tính anh thích hoà vào đám đông, giấu mình sau các danh hiệu, chức vụ, nghĩ nhiều hơn nói, và chỉ nói những gì mà anh cho là cần thiết nhất. Nói theo nhà thơ Thuỵ Điển Toma Transtomer:Tuyệt vời cảm thấy bài thơ của tôi lớn lên, còn mình thì thu nhỏ lại. Lê Văn Thảo là một mẫu nhà văn như thế. Anh là nhà văn xuất sắc nhất của Nam Bộ thế hệ chống Mỹ. Trong một lần trò chuyện, anh Nguyễn Đình Thi đánh giá tiểu thuyết Một ngày và một đời là tiểu thuyết hay nhất của Lê Văn Thảo.

Anh Thảo hơn tôi ba tuổi, cùng tuổi với anh trai tôi hy sinh ở Phan Thiết năm 1972. Trong chiều sâu của tình cảm, tôi luôn xem anh như một người anh. Chúng tôi làm việc với nhau rất ăn ý trong Ban chấp hành Hội Nhà văn khoá VII. Anh nắm bắt khá nhanh nhạy xu hướng của sự phát triển và đưa ra những kiên giải bình tĩnh và thấu đáo, được mọi người rất nể phục. Anh sống rất tình cảm, xa lạ với những gì công thức, lạnh lùng. Anh rất ham đi. Khi sức khoẻ còn cho phép, mỗi lần ra Hà Nội, họp hành xong là anh tranh thủ đi luôn về đâu đó, có lần đi liền cả mấy tỉnh Tây Bắc. Đặc biệt, anh ít thở than về bệnh tật, mặc dù anh đã đeo bệnh hiểm nghèo và chống trả với nó hàng chục năm dòng.

Con người từng truyền hơi ấm cho tôi, lặng lẽ chia sẻ và quan tâm tới tôi theo một cách rất riêng ấy, giờ dã ra đi mãi mãi. Tôi nói với Dương Cẩm Thuý, em gái út của anh Anh gánh cái tang đau đớn này với tư cách người em của anh Thảo. Tất cả vụt trở về như mới hôm qua. Ấy là lần về Long Xuyên với anh và anh Nguyễn Quang Sáng, nơi mà các em và má anh đã sống một thời gian dài. Ấy là chuyến đi Lào cùng với Võ Quê, là chuyến đi Nga, Mông Cổ cùng với Cao Hạnh. Ấy là chuyến đi Côn Đảo cùng với Nguyễn Quốc Trung. Chúng tôi đã đi thăm nhà tù, viếng chị Võ Thị Sáu, ngồi trên ghềnh đá với đôi mắt đỏ hoe. Năm ngoái, nghe anh chuyển bệnh, tôi dẹp tất cả, vội vào thăm anh, cùng với Lê Quang Trang tìm anh khắp bệnh viện, không thấy, hai đứa đã phát hoảng, vội chạy về nhà anh, thì gặp anh đang ngồi thở. Anh hỏi: Ông vào họp hành chi đó. Tôi nói: Riêng lần này tôi vào chỉ để thăm anh chứ không có kết hợp việc gì cả. Thăm anh một buổi rồi tôi chạy lên Bình Dương thăm Nhật Tuấn trong căn nhà độc thân đầy lá rụng. Than ôi! Bây giờ thì tôi đã mất cả hai anh!

Anh Thảo ơi! Tôi viết những dòng này trước ngôi tượng Phật bằng đá quý mà anh tặng tôi hồi nào. Những phút riêng tư đau buồn nhất, tôi luôn có Phật. Giờ anh đã về cõi Ấy. Một người sống can đảm, ấm áp và trung hậu như Anh xứng đáng được đức Phật giang tay đón nhận. Cõi vĩnh hằng là tên gọi mà ở đó có tất cả những gì tốt đẹp nhất mà Anh đã để lại cho cuộc đời này cho những người ruột thịt, cho tôi, trong sự thành thật nhất.

Nhà văn Lê Văn Thảo - Người giỏi tìm ngọc giữa đồng đá sỏi Lê Văn Thảo, hành trình sáng tạo bền bỉ Lê Văn Thảo : “Ông Cá Hô” làng văn Ra mắt sách “Nhà văn Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp” Xuân Diệu: Tương tác thơ và đời
Vỏ lạc đỏ. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hà SG

Vỏ lạc đỏ. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hà SG

Baovannghe.vn- Cái nhà ngày xưa tay Tiến nói là dãy tập thể cũ nát, xây từ trước 1975. Nó từng là niềm tự hào của những kẻ được ưu tiên về sống trong đó. Kỉ niệm thì đúng là nhiều vô kể. Nhưng riêng với lão thì nó còn chứa nỗi nhục nhã sâu kín nhất. Nỗi nhục đóng đinh lão trong im lặng cả đời…
Bản tin Văn nghệ: Khởi động Cuộc thi "Tiếng hát Hà Nội" - 2024

Bản tin Văn nghệ: Khởi động Cuộc thi "Tiếng hát Hà Nội" - 2024

Baovannghe.vn - Cuộc thi nhằm tạo cơ hội cho các nghệ sĩ sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật.
Đọc truyện: Lưng chừng ban mai - Truyện ngắn dự thi của Tịnh Vũ

Đọc truyện: Lưng chừng ban mai - Truyện ngắn dự thi của Tịnh Vũ

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Tác phẩm nghệ thuật thu giữ từ mafia được trưng bày công khai

Tác phẩm nghệ thuật thu giữ từ mafia được trưng bày công khai

Baovannghe.vn - Triển lãm SalvArti tại Palazzo Reale, Milan, là một sự kiện độc đáo, đưa những tác phẩm nghệ thuật bị tịch thu từ các băng đảng tội phạm mafia trở về tay cộng đồng. Được tổ chức bởi Bộ Văn hóa Ý và Hội đồng thành phố Milan, triển lãm này giới thiệu khoảng 80 tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại, bao gồm các kiệt tác của các nghệ sĩ lừng danh như Giorgio de Chirico, Salvador Dalí và Andy Warhol, thu hút sự chú ý không chỉ của giới yêu nghệ thuật mà còn của công chúng rộng rãi. Đây là dịp để nghệ thuật, từng bị lợi dụng cho các mục đích tội phạm, được tôn vinh trong bối cảnh văn hóa, công lý và giáo dục.
Từ BookTok đến thay đổi cuộc chơi trong ngành Văn học

Từ BookTok đến thay đổi cuộc chơi trong ngành Văn học

Baovannghe.vn - TikTok, mạng xã hội khởi đầu với các video ngắn nổi bật, giờ đây đã chính thức bước vào thị trường xuất bản với tham vọng biến những đề xuất văn học lan truyền thành sách bán chạy. Dự án đầy tham vọng này không chỉ tận dụng hiện tượng “BookTok” - cộng đồng chia sẻ tình yêu sách trực tuyến - mà còn đánh dấu một bước tiến mới trong ngành xuất bản sách kỹ thuật số và sách giấy.