Sáng tác

Chuyến tàu tháng 7. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Phước

Nguyễn Thị Phước
Truyện
07:00 | 06/09/2024
Baovannghe.vn - Anh nhìn cô một giây và cúi xuống lật trang sách thứ nhất. Anh đọc, nhưng không nhìn thấy chữ nào. Tàu chạy ngang những đầm sen nối nhau
aa
Chuyến tàu tháng 7. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Phước
Chuyến tàu tháng 7 - truyện ngắn của Nguyễn Thị Phước

Anh đã chuẩn bị cho chuyển đi này từ lâu lắm, dễ đến gần cả năm trời. Mà không, đúng ra là tám năm. Phải chọn chuyến tàu khởi hành từ Hà Nội vào đúng ngày ấy, và vì thế anh phải đi tàu từ Vinh ra Hà Nội, vợ anh cho anh bị chập cheng.

Bây giờ thì anh đang ngồi trên tàu, cạnh cửa sổ hướng tây, quay mặt về hướng nam. Cô gái ấy ngồi đối diện. Bên cạnh cô là ông đại tá đã nghỉ hưu, vào Sài Gòn thăm con. Ông ta không phải là bố cô gái. Cô gái trạc hai lăm, hai sáu, khuôn mặt thanh tú, cặp mắt đen, hơi buồn, mái tóc dợn sóng phủ vừa gọn đôi vai nhỏ nhắn, để lộ cái cổ cao, trắng.

Anh ngã người trên thành ghế, ném cái nhìn xa tít ra ngoài cánh đồng, nhưng không bỏ sót một cử chỉ nào của cô gái. Đôi tay cô ta thon thả quá. Chiếc nhẫn đeo ở tay cô hơi to quá. Cô có điệu bộ vuốt tóc bằng bốn ngón tay chải xốc lên như bốn cái răng lược. "Còn cô gái của mình thì vén tóc rất nhẹ nhàng."

Anh nhìn cô một giây và cúi xuống lật trang sách thứ nhất. Anh đọc, nhưng không nhìn thấy chữ nào. Tàu chạy ngang những đầm sen nối nhau. Hương sen ngọt ngào dâng ngợp cả lồng ngực. Anh cố hít thật sâu để tận hưởng những khoảnh khắc ấy. "Lãng phí quá. Cả một vùng không gian thấm đẫm một thứ hương thơm tinh khiết." Anh thèm muốn nhìn những búp sen hồng nõn nà, mịn như nhung. Giá có một bông để tặng cô gái, chắc anh sẽ mở miệng nhắc lại câu nói ngày nào:

- Anh tặng em cả đầm sen này nhé!

Anh đợi mãi. Cô gái vẫn không hỏi mượn cuốn tạp chí Văn nghệ quân đội. Mất bao công sức mình mới mượn được cuốn tạp chí này. Nó nằm trong kho đã tám năm.

Thế là mình đang trốn chạy Hà Thành. Đúng ra là chạy trốn nỗi đau đớn vô biên mà Hoàng đã gây ra cho mình: Bây giờ thì ổn rồi. Mình sẽ không lao vào xe lửa, cũng không đâm xe máy vào đầu một chiếc xe tải nào đó. Nghĩa là mình chịu được con đau mà lúc đầu mình tưởng không thể chịu nổi. Đời vẫn còn đáng sống chán! Tóm lại, mình chỉ cầu trời khấn Phật cho từ nay và mãi mãi, đừng có cô gái nào tự tử, và nhất là tự tử vì tình. Có đáng gì cái thứ đàn ông chạy theo váy đàn bà con gái đẹp. Bất chấp đạo lí, bất kể tất cả những gì đẹp đẽ có trước đó. Kỉ niệm... Chao ơi! Kỉ niệm như lửa ấy. Mình đã dập tơi bời mà vẫn không chịu tắt. Hễ nhắm mắt lại là thấy hai đứa đắm vào nhau trong nụ hôn đầu đời. Hoàng ơi. Anh khốn nạn thế mà tôi vẫn chưa hết yêu anh. Cô ta đẹp quá. Sao trong những ngày yêu đương với tôi anh lại lùng sục được một cô gái đẹp thế kia chứ? Còn tôi, thì lại không thèm để mắt đến một gã trai nào khác.

Buồn cười thật, người đầu tiên mình để ý nhìn thì lại là cái anh chàng lạ hoắc đang ngồi đọc sách kia. Cuốn tạp chí Văn nghệ quân đội cũ nát như móc dưới đất lên, từng mảng giấy ố vàng mục, rơi lả tả. Hình như anh ta cũng đang để ý mình, dù mắt để trên trang sách. Cũng trắng trẻo và ra dáng thư sinh, tuy hơi lớn tuổi. Sao anh ta lại bận bộ đồ bộ đội cũ kĩ lùng nhùng thế nhỉ?

*

Cô ấy đang quan sát mình đấy. Có lẽ bắt đầu làm quen được rồi. Chỉ còn một ngày rưỡi thôi. Chuyến tàu dừng ở ga cuối thì mọi chuyện sẽ kết thúc.

- Cô không ăn gì à?

Lắc đầu.

- Tôi đi mua hộ cô nhé? Bánh mì thịt chẳng hạn?

- Không, cảm ơn anh. Tôi ghét bánh mì thậm tệ.

*

Thế là qua một đêm. Ai nấy đã nhuốm chút bơ phờ vì thiếu ngủ. Cô gái cũng vậy, nhưng thế trông lại có vẻ hiền lành hơn.

- Ngủ được không? - Anh hỏi, nhẹ như gió.

- Cũng chập chờn vậy thôi. Còn anh?

- Tôi hơi khó ngủ. Võng đây, em ngả lưng chút cho khỏe.

Họ chuyển qua "anh", "em" khá tự nhiên. Họ tham gia những câu chuyện của mọi người xung quanh. Và họ ngồi cạnh nhau, nhường hẳn ghế cho ông đại tá nằm nghỉ.

Mình thấy dễ chịu khi trò chuyện với cô ấy. Nhưng sao không có cái cảm giác tin cậy, xao xuyến như trước đây? Cô gái kia bây giờ ở đâu? Tôi đã không giữ lời hứa đến thăm em ở Sài Gòn. Cô ta hơi giống, nhưng không phải là em. Bao năm qua rồi, tôi vẫn không muốn quên em. Tôi không thể quên em...

- Anh nghĩ gì thế?

- Về một cô gái.

- Giống em phải không? - Cô hỏi và nhìn mắt anh.

- Ử. Nói chung khá giống. Sao em nghĩ thế?

- Em thấy được trong mắt anh. Cô ta lúc thì đọc sách, lúc thì chậm rãi gặm bánh mì kẹp chả. Đúng không?

- Em làm anh phát sợ.

- Bây giờ thì anh và cô ta sắp sửa ăn cháo cùng một hàng ở ga tới, nhưng cô ta không để anh trả tiền.

- Em không thể biết được điều đó! Không!

- Anh đừng có hoảng lên. Em là người, không phải ma. Lúc này em nhìn rõ anh muốn gì.

- Vậy em có chấp nhận không? Cũng được. Nhưng em biết là anh sẽ thất bại.

- Tại sao thế?

*

Trông anh ta có vẻ tin tưởng quá. Thôi được, mình sẽ cố làm anh ta thấy cái mà anh ta tìm. Cũng chẳng mất gì. Có lẽ lại hay. Khỉ thật, sao hồi ấy mình cứ nhìn đắm vào mắt Hoàng mãi mà chẳng đọc thấy con bé ấy nhỉ?

- Ở cái ga này, anh và em cứ như đèn kéo quân ấy! - Anh nói và nhìn cô qua cánh võng, trong lấp lánh ánh điện hắt lên từ sân ga.

- Là làm sao, anh? - Cô hỏi, nhẹ như thỏ.

- Anh xuống thì em đã lên tàu. Anh lên tàu gọi em thì em đã lại xuống. Mình đi ăn cháo, nhé!

- Vâng, nhưng em trả tiền!

Khuya, tàu qua đèo. Trăng rằm tròn vạnh đang ở ngay đỉnh núi. Dãy Trường Sơn đen thẫm trông giống một con đê khổng lồ. Trăng đang bay trên đó, sóng đôi cùng con tàu, lúc thì nhấc lên lơ lửng, lúc đáp xuống cái đường viền ấy. Kìa, cô ấy cũng nhìn như muốn nuốt chửng cái khung cảnh cực kì thơ mộng này.

Rốt cuộc, anh đã đổi được cái ghế băng bên kia để ngả lưng. Cả đoàn tàu ngủ yên rồi, mặc cho trăng đang dát bạc lên biển, và những ánh đèn câu mực chấp chới ngoài kia. Chỉ còn lại hai người. Ông đại tá luôn mồm giục họ ngủ, đã ngáy đều.

Bốn bàn chân đã áp sát vào nhau. Hơi ấm lan tỏa khắp người họ. Anh chờ đợi. Đợi mãi. Nhưng cho đến sáng vẫn không thấy. Đó là cái luồng điện chạy suốt dọc người anh - cái cảm giác tuyệt vời mà anh không thể tả bằng lời, anh chưa bao giờ gặp lại suốt tám năm nay.

Ánh sáng ban ngày làm ngừng những chiếc hôn của bốn bàn chân. Cô gái đã khóc gần suốt đêm qua. Tất cả đã diễn ra y hệt anh muốn, chỉ trừ luồng điện.

Cô gái đã xuống tàu ở ngay ga sau đó. Cô chấp nhận cuộc chơi - nhưng chính cô đã ngã ngựa và bỏ trốn. Cuộc chạy trốn thứ hai của cô. Còn anh cũng không theo con tàu để đến ga cuối cùng.

Hà Tĩnh

----------

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc văn, đọc truyện Đọc truyện ngắn Nguyễn Thị Mai Phương Thông báo mở lại Chuyên mục “Đọc truyện ngắn hay trên Báo Văn nghệ” Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng
Văn nghệ Trẻ, số 10/1997
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.