Sự kiện & Bình luận

Chuyện về một bản Mường “lưu lạc”…

Châu Mư Ngu
Bút ký phóng sự
11:42 | 08/09/2024
Baovannghe.vn - Bản Đon là bản người Mường gốc Việt duy nhất ở huyện Sầm Nưa và cả tỉnh Hủa Phăn, là 1 trong 9 dân tộc được công nhận ở tỉnh này.
aa

Năm 2018, tỉnh Hòa Bình của nước ta và tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào kí kết một Chương trình hợp tác về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo đó, năm 2019, kĩ sư Quách Tự Hải là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình được cử sang Hủa Phăn để giúp bạn thiết kế và xây dựng các trạm thủy luân là mô hình trạm bơm thủy lợi không dùng điện, đang hoạt động rất tốt ở Hòa Bình.

Một lần, đến khảo sát cánh đồng Bản Đon ở huyện Sầm Nưa, Quách Tự Hải nghe mấy bác nông dân đang làm ruộng gần đó trò chuyện với nhau:

- Nạ lá cạn bộ Việt Nam lại ni rụm bản mếng lá thỉ lợi doong rác họil lêng ná tở câậyl lọ rạ!...

Ông Hải trố mắt ngạc nhiên. Sao bà con người Lào ở đây lại nói tiếng Mường quê anh? Đại ý họ vừa nói với nhau: Ông ấy là cán bộ Việt Nam sang giúp bà con mình làm thủy lợi cấy lúa đấy! Anh cất tiếng Mường hỏi lại:

- Hơ hởi, tán ha lá Mọil mếng á? (Ồ, bà con mình nói tiếng Mường à?)

Mấy người dân cũng ngạc nhiên không kém:

- Hơ hởi, da i mắt pộ thiệng Mọil á? (Ồ, ông cũng biết nói tiếng Mường à?)

Thế là hồ hởi ùa tới. Tíu tít hỏi han, miệng nói, mắt cười… xôn xao giữa cánh đồng. Qua chuyện trò trao đổi, ông Hải được bà con cho biết đây là bản người Mường duy nhất ở vùng này, từ Việt Nam di cư sang đã nhiều đời. Hiện toàn bản có hơn một trăm gia đình với gần ngàn người, đa số là người Mường, chỉ một số ít phụ nữ là người Lào lấy chồng Bản Đon thôi…

Ngày hôm sau trở lại tỉnh lị Hủa Phăn, trò chuyện với một số đồng chí lãnh đạo tỉnh và một số đồng nghiệp ở Sở Nông lâm nghiệp, đồng thời làm việc với các ngành chức năng của tỉnh, ông Quách Tự Hải được cung cấp thêm những thông tin khá tin cậy: Bản Đon là bản người Mường gốc Việt duy nhất ở huyện Sầm Nưa và cả tỉnh Hủa Phăn, là 1 trong 9 dân tộc được công nhận ở tỉnh này. Hiện tại cả bản có 103 hộ gia đình với 850 nhân khẩu, đều mang họ Lào, mặc trang phục Lào, nhưng giao tiếp “nội bộ” với nhau bằng tiếng Mường có pha lẫn một ít tiếng Lào và vẫn giữ nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng, sinh hoạt, ẩm thực… truyền thống của người Mường Việt Nam. Điều thú vị là người đồng cấp với kĩ sư Quách Tự Hải là ông Bun Phon, Phó Giám đốc Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Hủa Phăn, cũng chính là người Mường ở Bản Đon. Ngoài ra, ông Phu Son, nguyên Phó Tỉnh trưởng Hủa Phăn, cũng là người Mường ở Bản Đon và hiện đang nghỉ hưu ở Bản Đon. Các ông cũng như toàn thể bà con trong bản đều rất tự hào về dân tộc Mường của mình và mong muốn được kết nối, tìm hiểu rõ hơn về xuất xứ nguồn cội…

Đội cồng chiêng bản Đon ra mắt
Đội cồng chiêng bản Đon ra mắt

Sau chuyến công tác trở về, ông Quách Tự Hải đã hào hứng kể lại câu chuyên trên đây với bạn bè, người thân và anh em Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Hòa Bình mà ông cũng là hội viên. Mọi người hào hứng bàn soạn về một chuyến du khảo lên Bản Đon để tìm hiểu rõ hơn về cộng đồng người Mường đang lưu lạc. Công việc đang chuẩn bị thì xảy ra đại dịch Covid-19. Mãi đến đầu năm 2023, kế hoạch “xuất ngoại” mới được thực hiện sau khi được lãnh đạo tỉnh đồng ý với phương thức tự túc kinh phí. Đoàn công tác hơn chục người, gồm một số cán bộ văn phòng Hội VHNT tỉnh cùng một số hội viên có điều kiện tài chính và hiểu biết về văn hóa Mường. Nhà thơ Lê Va, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh làm trưởng đoàn, kiêm… lái xe.

Xuất phát từ thành phố Hòa Bình vào một sáng trung tuần tháng 5-2023, theo quốc lộ 6 lên Mộc Châu rồi qua cửa khẩu quốc tế Lóng Sập. Từ đây ô tô hầu như đổ dốc nhằm hướng Tây Nam. Hủa Phăn là tỉnh thuộc vùng Trung Lào; phía Bắc, phía Đông và phía Đông Nam giáp với các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa và Nghệ An của Việt Nam; phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Xiêng Khoảng và phía Tây giáp tỉnh Luang Prabang của Lào. Phần lớn diện tích của Hủa Phăn được bao trùm bởi rừng núi dày đặc, nên địa hình tỉnh này rất gồ ghề. Con đường chính chạy qua tỉnh là đường số 6 của Lào nối với quốc lộ 6 của Việt Nam qua cửa khẩu Lóng Sập ở Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Con sông chính trên đất Hủa Phăn là Nậm Ma chảy từ vùng Sốp Cộp thuộc tỉnh Sơn La của Việt Nam, sau khi “dạo” một vòng cung qua Sầm Nưa rồi lại đổ vào Việt Nam ở miền Tây tỉnh Thanh Hóa. Đây chính là con đường chinh chiến của Trung đoàn quân tình nguyện Tây Tiến năm xưa, được miêu tả trong bài thơ nổi tiếng Tây Tiến của nhà thơ tài hoa Quang Dũng:

Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi!

Hơn 70 năm bài thơ ra đời và được truyền tụng qua nhiều thế hệ, nhưng chưa có bản in nào chú thích địa danh “Sầm Nứa” ở đâu. Tuy nhiên căn cứ vào thực tế địa hình và địa bàn hoạt động của Trung đoàn Tây Tiến, cũng như các tài liệu lịch sử kháng chiến cứu nước của hai dân tộc Việt - Lào, thì “Sầm Nứa” trong bài thơ chính là huyện Sầm Nưa, thủ phủ của tỉnh Hủa Phăn; đồng thời là “Thủ đô kháng chiến” của cách mạng Lào trước năm 1975. Theo hồi kí của cố Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Trưởng ban liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, thì lí do chọn Sầm Nưa làm căn cứ địa kháng chiến là vì ở đây hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Thiên thời vì Sầm Nưa là nơi tích lũy hào khí bất khuất của nhân dân các bộ tộc Lào, nơi sản sinh và nuôi dưỡng tinh thần thượng võ của các bộ tộc Lào. Địa lợi là Sầm Nưa có thế núi cao hiểm trở, nhiều hang động tự nhiên rất thuận lợi để đặt các cơ quan lãnh đạo Trung ương, các đơn vị quân đội Pha Thét và kho tàng hậu cần. Nhân hòa là đồng bào các bộ tộc ở Sầm Nưa có truyền thống yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, sẵn sàng đi theo cách mạng. Cái tên Sầm Nưa đối với bao thế hệ người Việt Nam đã trở nên thân thương, yêu mến qua bài hát nổi tiếng Cô gái Sầm Nưa của nhạc sĩ Trần Tiến: Này em gái trên nương ơi chịu khó tăng gia mà nuôi chiến sĩ/ Người diệt thù vì dân chưa về/ Rồi mai đây đất nước vắng bóng thù/ Đợi chờ anh lại về bên em người đẹp ơi anh chờ...

Từ cửa khẩu Lóng Sập đến Sầm Nưa chỉ hơn 130 cây số nhưng phải mất hơn 3 giờ đồng hồ, ô tô của đoàn mới đến được trung tâm huyện Sầm Nưa. Dọc hai bên đường đi là những ngôi nhà sàn nép bên sườn núi, nằm xen kẽ giữa những khoảng ruộng bậc thang, khiến mọi người như được hòa mình vào thiên nhiên Tây Bắc quê nhà. Ngay khi đoàn đến nơi, đã được ông Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Sầm Nưa đón tiếp hết sức thân tình. Hôm sau, đoàn được dẫn đi theo đường 6A hướng lên Xiêng Khoảng, chừng ba chục cây số để tới Bản Đon.

Nói sao hết niềm vui mừng của anh em đoàn công tác và bà con Bản Đon, khi gặp nhau, nhận ra nhau qua tiếng chào hỏi và các nghi thức xã giao của người Mường dù đã lưu lạc mấy trăm năm… Cả đoàn chia nhau về các gia đình chuyện trò tìm hiểu, đến khi mặt trời gác núi thì tụ về tham gia buổi giao lưu tập trung trên sân trường học. Tại đây, cán bộ và nhân dân Bản Đon xếp hai hàng dài bên lối vào cùng vỗ tay đón khách, khiến mọi người vừa xúc động vừa lúng túng vì quá bất ngờ trước sự đón tiếp trọng thị của dân bản. Mở đầu chương trình giao lưu là hai cụ ông cao niên lên kể những hiểu biết của mình về Bản Đon bằng tiếng Mường, đôi khi có pha lẫn những từ tiếng Lào, tuy nhiên mọi người trong đoàn đều hiểu được nội dung câu chuyện. Theo đó thì tổ tiên của họ từ tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa của Việt Nam sang đây từ vài trăm năm trước. Đầu tiên chỉ có 3 gia đình, sau đó thêm khoảng chục gia đình nữa cùng sang khai phá đất hoang lập bản. Năm này qua năm khác, con cháu ngày mỗi đông đúc, bản Mường mở rộng, hình thành như ngày nay.

Xúc động nhất là đến phần nghi lễ buộc chỉ cổ tay. Một lớp học ba gian được dọn hết bàn ghế ra ngoài, nền nhà trải chiếu cho khách và chủ cùng ngồi. Gian đầu tiên đặt một mâm cỗ có các lễ vật quen thuộc như mâm cỗ cúng Mo của người Mường. Thật thú vị khi thầy cúng cũng chính là ông Mo Mường quen thuộc. Bài cúng cũng không khác gì áng Mo mà mọi người trong đoàn vẫn thường nghe ở quê nhà. Mo Mường là một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Mường nói chung và của người Mường tỉnh Hòa Bình nói riêng. Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của người Mường. Chủ thể thực hành Mo Mường là ông Mo, thầy Mo (ông T’lượng). Họ là những người nắm giữ tri thức Mo, họ không những thuộc lòng hàng vạn câu Mo mà còn thông thạo nghi lễ, tập quán. Trong xã hội Mường, ông Mo là những trí thức dân gian, người có uy tín trong cộng đồng.

Trong tiếng Mường, “Mo” có nghĩa là xướng lên theo những làn điệu nhất định của các bài cúng. Những khúc Mo nhòm (tả cảnh), những Cát (đoạn) Mo kể trong các nghi lễ phục vụ đời sống của từng gia đình và cộng đồng. Ở các vùng Mường của tỉnh Hòa Bình hiện nay có 5 điệu Mo phổ biến, là: Ò hoi; Dà đôông; Dà dê; Hâm mo Hệu kệu. Trải qua nhiều thế kỉ, đến nay Mo Mường vẫn có sức sống bền bỉ với dân tộc Mường. Đây là di sản văn hóa đã góp phần hình thành, nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn của bao thế hệ nhân dân giàu truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc Mường và vùng đất Hòa Bình. Có thể nói Mo Mường là “bách khoa thư” về cuộc sống của đồng bào dân tộc Mường, chứa đựng giá trị của nhiều loại hình văn hóa dân gian, như: văn học, diễn xướng, âm nhạc, múa và sân khấu, tín ngưỡng, tri thức dân gian... Lời Mo là những áng văn có dung lượng khổng lồ, chứa đựng những giá trị nhân văn, văn hóa, lịch sử, nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Mường...

Sau lễ cúng Mo là nghi thức buộc chỉ cổ tay. Ông Mo một tay nắm bàn tay khách, một tay cầm dây chỉ vàng kéo đi kéo lại trên cổ tay khách và nói như thôi miên “điều tốt đi vào, điều xấu đi ra…”. Sau khi được thầy Mo buộc chỉ, mỗi vị khách còn có thể được nhiều người buộc chỉ, có người được buộc cả hai tay… Được biết, buộc chỉ cổ tay từ lâu đã trở thành một nghi thức ngoại giao thú vị của đất nước Lào, một mã văn hóa phi ngôn ngữ thể hiện bản tính nhu thuận, hiền lành của cộng đồng sùng đạo Phật. Buộc chỉ cổ tay kèm với những lời chúc bình an, may mắn là một thông điệp mà mỗi người dân nơi đây dành cho mọi người xung quanh. Người dân Lào cầu an cho người khác hơn là cầu cho chính mình. Đó là tinh thần của Phật giáo, là đạo lí nhân quả của cuộc sống. Và thật là thú vị khi đồng bào Bản Đon đã kết hợp Mo Mường với nghi thức buộc chỉ cổ tay, như là một sự giao thoa tiếp biến văn hóa giữa 2 dân tộc Việt - Lào anh em ruột thịt.

Một góc bản Đon
Một góc bản Đon

Thời gian tiếp xúc tìm hiểu không nhiều, nhưng đôi bên cảm thấy thân thiết lạ thường. Các thành viên trong đoàn dễ dàng nhận ra bà con ở Bản Đon sử dụng chủ yếu là tiếng Mường cổ với âm điệu của người Mường ở vùng Tân Lạc và Lạc Sơn. Họ đều tha thiết muốn được hiểu rõ nguồn gốc và kết nối với cội nguồn người Mường ở Việt Nam. Đó cũng là lí do để sau chuyến công tác, Hội VHNT tỉnh Hòa Bình tổ chức một đợt vận động quyên góp ủng hộ bà con Bản Đon khôi phục và phát huy vốn văn hóa Mường. Trước mắt là quyên góp ủng hộ bà con một số bộ chiêng Mường và trang phục của phụ nữ Mường. Tiến tới sẽ mở các lớp ngắn ngày hướng dẫn một số bài chiêng (séc bùa) trong các lễ hội truyền thống, hướng dẫn cách chế tác và sử dụng trang phục Mường, hướng dẫn thực hiện một số mĩ tục tiêu biểu của dân tộc Mường…

Ðối với người Mường, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng nhất, linh thiêng nhất, là tiếng lòng của đồng bào Mường. Văn hóa cồng chiêng Mường bắt nguồn từ văn hóa truyền thống, được khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và được kế tục qua nhiều thế hệ. Từ xa xưa, người Mường đã sáng tác ra những điệu nhạc cồng chiêng mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình. Đó là thứ âm nhạc được tạo dựng hoàn thiện trên nền văn minh nương rẫy cộng với văn minh lúa nước. Âm nhạc cồng chiêng Mường lấy núi đá, hang động và âm thanh phát từ những khối thạch nhũ làm “chuẩn”. Bởi vậy, cồng chiêng Mường là di sản văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Cồng chiêng trở thành nhịp sống, là tiếng lòng của người Mường; giúp họ giao hòa với thiên nhiên, với cộng đồng dân tộc.

Trong nghi lễ thực hành Mo Mường thường xuất hiện âm thanh của chiêng Mường. Ngoài ra người Mường còn có hơn 20 lễ hội sử dụng cồng chiêng như: Lễ hội mừng nhà mới; Lễ thành hôn; Lễ khai hạ (lễ hội xuống đồng); Lễ hội kéo v.v... Âm nhạc của cồng chiêng Mường thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kĩ năng đánh chiêng. Người dân Mường đã sáng tạo ra nhiều bài chiêng mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình, như: Đón khách; Đi đường; Bông trắng -bông vàng; Chẩm khẩm; Vào hội; Đập bông bông; Poỏng ba; Poỏng chín v.v... Khác với nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên là mỗi chiêng trong dàn nhạc phải bảo đảm một thang âm nhất định, âm nhạc cồng chiêng Mường lại không cần tuân theo một điệu thức nào cả. Bởi vậy, khi diễn tấu cồng chiêng Mường, có thể hàng trăm hay hàng ngàn nghệ nhân cùng hòa vào một dàn hợp tấu nhịp nhàng mà vẫn không bị lạc điệu...

Sau gần 4 tháng phát động ủng hộ, Hội VHNT tỉnh Hòa Bình đã thu được hai chục bộ trang phục truyền thống dệt thủ công của phụ nữ và trẻ em dân tộc Mường còn mới nguyên; 28 triệu đồng tiền mặt; đặc biệt là 2 bộ chiêng cổ tổng cộng 24 chiếc đủ loại và dàn chiêng giai điệu 3 chiếc đã được “phù thủy chiêng Mường” Bùi Thanh Bình thẩm định… Trung tuần tháng 9-2023, tại Bảo tàng di sản văn hóa Mường ở thành phố Hòa Bình, Hội VHNT tỉnh Hòa Bình đã tổ chức trọng thể lễ tiếp nhận đợt đầu các hiện vật và tiền mặt trên đây của các cá nhân và gia đình hội viên gửi tặng cộng đồng người Mường ở Bản Đon. Niềm vui được nhân lên khi phát biểu tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo tỉnh cho biết: Từ nay các hoạt động giúp đỡ đồng bào Bản Đon sẽ là một nội dung của Chương trình hợp tác về nông nghiệp và phát triển nông thôn giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hủa Phăn đã được kí kết hồi tháng 10-2018. Trước mắt, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Hội VHNT tỉnh để tiếp tục phát huy kết quả của chuyến công tác vừa qua.

Trên thị trường hiện nay, mỗi bộ trang phục Mường dệt tay có giá khoảng một triệu đồng, theo đó mà nhân lên hai chục bộ là một khoản tiền không nhỏ. Đặc biệt là 27 chiếc chiêng đủ loại thì vô giá, vì đó là những món đồ mà các cao thủ mua bán cổ vật đang săn lùng ráo riết. Nói thế để biết kết quả bước đầu của chương trình quyên góp giúp đỡ người Mường tha hương “tìm về nguồn cội” thật to lớn. Nhưng giá trị to lớn và ý nghĩa hơn là cái cách anh em văn nghệ tỉnh Hòa Bình khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Đầu tháng 10-2023, Hội VHNT tỉnh tổ chức đoàn công tác sang Bản Đon đợt 2 để trao tặng quà và hướng dẫn bà con cách đánh chiêng Mường, học dân ca Mường và sử dụng trang phục dân tộc Mường. Lễ trao tặng và tiếp nhận tại Bản Đon có các ông Phu Sôn Thăm Mạ Vi Say, nguyên Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn và ông Bun Tong, Phó Giám đốc Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Hủa Phăn. Cả hai ông đều là người dân tộc Mường ở Bản Đon. Sau lễ trao tặng, hai đội học chiêng, một đội học dân ca và một đội học sử dụng trang phục dân tộc Mường được thành lập, với sự dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân đến từ tỉnh Hòa Bình. Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thanh Bình dạy chiêng, Nghệ nhân Ưu tú Đinh Phương Thảo và kĩ sư Bùi Linh hướng dẫn sử dụng trang phục và tập hát một số bài dân ca Mường. Lần đầu tiên, tiếng chiêng Mường trầm hùng vang vọng giữa núi rừng Bản Đon trong niềm rưng rưng xúc động của cả chủ và khách. Những cô gái Bản Đon với trang phục dân tộc Mường xen với trang phục Lào, lộng lẫy như những nàng tiên trong những câu chuyện cổ của hai dân tộc. Theo nhận xét của các nghệ nhân hướng dẫn, bà con người Mường ở Bản Đon tiếp thu và thực hành rất nhanh. Kết thúc đợt truyền dạy hơn 10 ngày là một buổi diễn duyệt tổng thể cả trang phục, dân ca và séc bùa cồng chiêng, được trẻ già cả bản kéo nhau đến xem rất đông vui hồ hởi. Một cụ bà gần 90 tuổi cũng đòi con cháu dắt ra xem bằng được. Cụ tâm sự với Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thanh Bình bằng tiếng Mường: Hồi trẻ cụ chỉ được nghe bố mẹ kể lại là thời xưa phải bán 2 con trâu khỏe mới tậu được 1 chiếc chiêng. Cụ biết chiêng là vật quý, rất thiêng liêng đối với người Mường, nhưng đời cụ chỉ mới được nhìn thấy chứ chưa được đánh chiêng… Hôm nay được mắt thấy tai nghe con cháu Bản Đon đánh chiêng séc bùa cụ rất mãn nguyện, tiếc là mình đã tay yếu mắt mờ không thể đánh thử được...

Buổi trình diễn kết quả “khóa học” phút chốc biến thành một cuộc liên hoan dân vũ và dân ca hết sức độc đáo giữa bà con Bản Đon với các văn nghệ sĩ và cán bộ văn hóa đến từ Hòa Bình, cái nôi văn hóa Mường của đất nước Việt Nam. Đây cũng là là một cột mốc đặc biệt trên hành trình tìm về cội nguồn dân tộc của bà con Bản Mường xa xứ..

--------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Văn hóa Mường cổ và những người lưu giữ “Hồn Mường” Suy nghĩ về trang phục của người phụ nữ Mường ở Hòa Bình Khua lóng – hình thức sinh hoạt độc đáo của cộng đồng người Tày Đà Bắc, Hoà Bình Sắc bùa – Hình thức chúc mừng năm mới độc đáo của người Mường Ý nghĩa nhân văn, giáo dục ở Lễ thức “cuối lìa” trong Mo Mường Hoà Bình
Văn nghệ số 35+36/2024
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...