Tục lệ hát “sắc bùa” là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mường. Trong tiếng Mường, hai từ “sắc bùa” có nghĩa là “xách cồng”. Ở mỗi mường/ làng mường, ngày tết, ngày vui người ta tổ chức thành nhóm, hội đến từng gia đình chúc mừng năm mới, chúc vui thông qua hình thức đánh chiêng và hát, người ta gọi các nhóm, hội này là phường bùa. Phường bùa gồm nhiều người biết đánh chiêng và biết hát đối đáp, lời hát chúc cho nhau một năm mới may mắn, thành đạt và mạnh khoẻ, nhà cửa khang trang, mùa màng bội thu. Sắc bùa dịp tết thường được diễn ra từ ngày mùng hai tết cho đến hết ngày mùng sáu tết.
Trước tết một tuần lễ, phường bùa tập trung những chiếc chiêng tốt trong xóm lại thành một bộ, để nhờ tại gia đình nhà ông thầy Thường (thầy Thường là trưởng phường bùa phải là người khéo ăn, khéo nói, biết hát giỏi, biết đánh chiêng, và biết ứng phó đối đáp tốt). Một bộ chiêng thường có từ 5 đến 12 chiếc chia làm 3 nhóm âm thanh boỏng, bồng, khầm, bộ 12 chiếc thì chia 04 chiêng nhỏ (chiêng boỏng), 5 chiếc chiêng nhỡ (bồng), 3 chiếc chiêng to (khầm).
Thông thường một phường bùa số lượng người tham gia có từ 7 đến 9 người trở lên, gồm những người biết hát đối đáp tốt, biết đánh chiêng giỏi, hợp lại thành một phường, phường bùa cử ra một người làm thầy Thường (trưởng đoàn) và có khoảng trên chục người trong đó có 2 đến 3 người đi theo có nhiệm vụ đeo túi đựng gạo, đựng bánh gia chủ mừng cho phường bùa khi đến nhà chúc tết, chúc vui... phường bùa không phân biệt giới tính, tuổi tác, lứa tuổi có thể từ 30 đến 45 tuổi trở lên.
Sáng mùng hai tết, phường bùa tập trung đông đủ ở nhà thầy Thường. Trước tiên họ bàn bạc xem ở trong làng sẽ đến nhà nào trước, nhà nào sau cho phù hợp (thực ra là đã bàn bạc với nhau từ trước rồi).
Phường bùa xuất phát, đi đầu là thầy Thường, tay cầm quạt giấy, tiếp theo là bốn người cầm chiêng boỏng, năm người cầm chiêng bồng sau nữa là ba người cầm chiêng dàm (Số lượng chiêng không nhất thiết phải đủ 12 chiếc có khi chỉ 5 đến 7 chiếc cũng thành bộ).
Trước khi đi, ông thầy Thường hát lên một làn điệu, mở màn cho cuộc đi và đánh một hồi chiêng loóng ba, lặp đi lặp lại nhiều lần tuỳ hứng, ra đến đầu làng họ vừa đi vừa hát vừa đánh chiêng rất rộn rã. Họ chơi các bài chiêng phù hợp với điều kiện địa hình đường đi, khi đi đường bằng phẳng thì họ đánh bài chiêng nhẹ nhàng khoan thai, lúc lên dốc có bài lên dốc và hát. Cứ như thế, họ vừa đi vừa hát vừa đánh chiêng hướng về nhà đã định đến. Từ xa, các gia đình đã biết phường bùa đang sắp đến nhà mình (thường là đã hẹn trước).
Do đã chuẩn bị trước, các gia đình tập trung đầy đủ bà con họ hàng ở trong nhà để đón phường bùa, song vẫn phải tuân thủ theo luật lệ cổng nhà vẫn đóng cửa. Vì thế khi đến nơi, ông thầy Thường đứng ngoài ngõ đánh một hồi chiêng và hát bài “Phát rác” (hát chúc mừng, chào mời… sáng tác theo ngẫu hứng)
“…..Cửa lần một, cửa kín nhà ông còn cài/ Cửa lần hai, cửa nhà ông còn đắp còn đóng/ Đóng chặt, đóng kín còn đóng khăng khăng”.
Gọi: “Ông hỡi ông! Bà hỡi bà! Gọi ông, ông còn ở trên giường/ Gọi bà, bà còn ngồi trên chiếu/ Trên kiệu, trên ngai/ ….Anh em phường bùa chúng tôi được vào dưới sân dưới khướng/ Phường bùa chúng tôi đến lúc trâu ông đang buộc/ Đến từ lúc ngựa ông đang nằm/ Lúc con tằm dậy ăn lộc cùng lá/ Phường bùa chúng tôi đến đánh ba hồi chiêng ba…./Dừng chân xóm này/ Vào thăm gia đình...”
Hát xong, chủ nhà ra mở cổng, cả đoàn phường bùa tiến vào sân, vừa đi vừa đánh chiêng vừa hát. Tiếng chiêng vừa dứt, thầy Thường đọc tiếp bài “Phát rác” với nội dung ca ngợi gia cảnh khang trang, bề thế, đời sống sung túc, ăn ra làm nên, gia đình hạnh phúc của gia chủ... “Chúng tôi từ làng bên/ Trông vào sân nhà ông/ Thấy vườn tược nhà ông/ Đằng trước có rặng cây cau/ Đằng sau có rặng cây mít/ Trên nhà sàn của ông/ Vừa rộng rãi khang trang/ Có nhà to, nhà đẹp/ Cột cửa kép chạm đuôi con cá/ Xà cửa cả chạm đuôi con muông/ Cửa trong có cánh tra then...”
Nghe xong, chủ nhà đích thân, tự tay trao và biếu cho thầy Thường cùng phường bùa từ hai đến ba hoặc bốn đấu gạo nếp và hai chiếc bánh chưng. Thầy Thường thay mặt phường bùa cám ơn họ và giơ hai tay bưng ngửa chiếc chiêng dàm để đỡ lấy số gạo và bánh chưng mà gia chủ cho, đọc bài “Phát rác” tạ ơn ông chủ, bà chủ cùng gia đình với nội dung như sau:
“Hôm nay là ngày lành, tháng tốt. Nhân buổi đầu xuân năm mới, anh em hội phường bùa chúng tôi, đi chơi xuân dạo xóm, dạo mường, qua đàng, qua xá thấy nhà to, nhà đẹp, nhà cao của rộng. Anh em chúng tôi vào chúc, vào chơi, thăm sức khoẻ các bố, các mế. Tạ ơn các bố, có lòng thảo, các mế có lòng thương, còn chia bánh, nhường gạo, có bánh chưng dẻo, có đấu gạo thơm thết đãi anh em chúng tôi. Tôi thay mặt hội phường bùa xin có lòng cảm ơn gia chủ. Và xin chúc gia chủ cùng toàn gia quyến, ra năm mới sức khoẻ dồi dào, ăn ra làm nên, con đàn cháu đống...”
Nếu muốn lên nhà tiếp tục cuộc vui, thầy Thường lại lên tiếng hát bài xin lên nhà chơi. Chủ nhà đáp lời bằng bài hát Rằng thường, mời phường bùa lên nhà chơi. Thầy Thường lên trước, mọi người lần lượt theo sau, vẫn theo đúng như vị trí khi đi đường. Chiêng được xếp ngay ngắn ở gian thứ hai, xếp chiêng thành một hàng theo chiều dọc của sàn nhà, các chiêng không xếp chồng lên nhau.
Gia chủ mời đoàn phường bùa uống nước, ăn trầu và lấy một vò rượu cần ra thết đãi. Sau đó ông chủ phường bùa đọc bài “Phát rác” tỏ ý khen ngợi bình rượu ngon, rượu quý của chủ nhà.
“...Ơn bố, lại ơn mế/ Đã hết năm cũ/ Lại ra năm mới/ Anh em chúng tôi/ Đến chơi, đến chúc/ Bố, mế cùng gia đình/ Có vò rượu ngon/ Có vò rượu thơm/ Thết đãi anh em/ Chúng tôi xin cảm tạ/ Tấm lòng thành của ông bà...”
Thầy Thường vừa hát dứt lời, thì bên gia chủ hát đáp lại bằng những lời lẽ khiêm tốn:
“...Không dám! Trước là mừng/ Sau là cám ơn/ Buổi đầu xuân năm mới/ Cám ơn anh, em phường bùa/ Đi qua đàng, qua xá/ Còn có lòng nghé thăm/ Gia đình xin cám ơn/ Gia đình có vò rượu chua/ To bằng quả vả, quả sung.../ Mời mà thẹn với anh em/ Múc gáo nước nhạt nâng lên/ Mời anh em ta cùng uống/ Thấy chua có có chê/ Thấy ngon chớ có ngại/ Uống đi uống cho vui/ Vít cần trúc ta cùng uống/ Uống cho vui, cho say...”
Khi uống rượu, chủ nhà cùng ông thầy Thường và những người cao tuổi uống trước, phường bùa và những người khác uống tiếp đợt hai, đợt ba…, uống riêng, chung… cuộc vui kéo dài khoảng chừng ba đến bốn giờ đồng hồ. Khi cuộc vui kết thúc, thầy Thường đại diện cho anh em nói lời chào ra về với nội dung:
“Buổi đầu xuân năm mới, anh em phường bùa chúng tôi đến thăm và chúc sức khoẻ gia đình, còn được gia đình cho ăn, cho uống. Giờ ăn đã no, uống đã say. Phường bùa chúng tôi xin phép ra về, chúc gia đình ở lại mạnh khoẻ, ra năm mới ăn ra, làm nên có của ăn, của để. Hẹn gia đình vào dịp năm sau, anh em chúng tôi lại đến....”
Chào gia chủ xong, phường bùa ra về còn được gia chủ biếu từ hai đến ba chiếc bánh chưng làm quà.
Phường bùa lại đi đến chúc các gia đình nhà khác, tiếng chiêng sắc bùa vang khắp xóm, khắp làng. Nhà nhà háo hức, đợi cho họ đến để nhận được những lời hát chúc tụng vui vẻ, cầu cho một năm mới mùa màng bội thu, cây cối ra hoa kết trái... Hội sắc bùa kéo dài cho tới hết ngày mồng 6 tết mới kết thúc.