Trang phục của phụ nữ Mường - Hoà Bình |
Để phân biệt, nhận biết thật là chính xác sự khác nhau và giống nhau giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam thật là rất dễ, nhưng cũng rất khó, nếu ta không tìm hiểu cẩn thận, kỹ càng .
Qua gặp gỡ tiếp xúc hàng ngày, qua sách vở, báo chí, phim ảnh... chúng ta được biết về dân tộc Kinh qua những bộ áo váy mớ ba mớ bảy, áo the, quần lĩnh, cái khăn mỏ quạ...; dân tộc Tày - Nùng qua bộ quần áo chàm; dân tộc Mông qua bộ váy áo với hoa văn và cái mũ rất đẹp; dân tộc Thái với chiếc áo cóm cùng với chiếc khăn piêu rất cầu kỳ; dân tộc Mường với bộ váy áo rất đặc trưng, với cái cạp váy đẹp đến kinh ngạc cho những ai lần đầu được nhìn thấy!
Tôi đã từng nghe một số người bạn của mình nói rằng: Người Thái và người Mường ăn mặc giống nhau quá, rất khó phân biệt đâu là sự khác nhau qua cách ăn mặc của hai dân tộc này? Thật là cũng rất dễ, mà cũng rất khó, nếu ta không tìm hiểu thật kỹ về trang phục của từng dân tộc riêng rẽ!
Nhớ ngày còn nhỏ, tôi thấy các bà, các cô, bác, các dì và cả mẹ tôi nữa, ai cũng mặc những cái áo ngắn không có một cái cúc nào. Lớn lên một tí nữa, tôi lại thấy các chị, các em gái trong làng tôi, trong gia đình tôi, ai cũng mặc những cái áo giống như các bà, các cô bác, các dì, các mẹ đã thường mặc từ xưa đến nay. Lớn hơn nữa, tôi đi làm cùng với những người lớn tuổi, thấy người lớn kháo nhau: Con gái Mường này đẹp, con gái Mường kia khéo tay, con gái nhà nọ duyên dáng nết na, biết sống có nề nếp... Thật ra, tôi không hiểu hết về ý tứ những câu nói, câu chuyện của người lớn hồi ấy! Lớn hơn một chút nữa, tôi thấy vùng quê tôi người dân thường trồng bông, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, dệt lụa... rồi làm ra chăn, màn, gối, quần, áo, váy... cho cả nhà. Thường là mẹ truyền nghề cho con gái, từ đời này qua đời khác và từ ngàn xưa đến nay như vậy.
Những chiếc mặt phà, một loại thổ cẩm, làm chăn rất đẹp và ấm. Những chiếc gối đủ màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng thật là đẹp và êm. Và những chiếc cạp váy đẹp lộng lẫy, đủ loại hoa văn, màu sắc, được các bà các mẹ dệt nên... rồi truyền nghề cho con gái yêu... khi lớn lên, trưởng thành thì mang nghề về nhà chồng.. rồi lại tiếp tục truyền nghề cho con gái, cháu gái của mình sau này.
Ngắm bộ trang phục của người phụ nữ Mường, ta thấy nổi bật là cái váy. Thường là chùng đến mắt cá chân và có màu tối, màu đen hoặc xanh đen. Phần trên cùng gọi là cạp váy, được dệt rất công phu. Hoa văn đủ loại, cùng với màu sắc rất phong phú, được kết hợp với nhau rất hài hoà, khéo léo đến tài tình bởi những đầu óc thông minh và những đôi tay khéo léo của người thợ dệt. Những người phụ nữ mặc những cái váy rất đẹp và cầu kỳ ấy, rồi mặc thêm cái áo ngắn nhưng dài tay, đến mắt cá tay luôn. Cái áo này không có một cái cúc nào. Cốt chủ ý là để khoe khéo cái cạp váy rất đẹp của mình. Mà phần nhìn thấy, chỗ nhìn thấy... chính là cái khuôn ngực rất đẹp và đầy đặn của người phụ nữ! Đến lúc này, tôi mới hiểu ra cái ý tứ về sự “khéo tay hay làm” và sự “duyên dáng nết na” của người con gái quê tôi qua cách ăn mặc, điệu đi, dáng đứng... khi mặc trên người bộ áo váy truyền thống của dân tộc mình, từ những câu chuyện của người lớn ở quê tôi ngày nào!
Những năm gần đây, trên thị trường cả nước, cũng như ở quê tôi, cái gì cũng có. Con gái quê tôi không còn phải tự dệt, tự làm lấy váy áo, tư trang, đồ dùng... như xưa nữa. Ai thích mặc gì cũng thoải mái. Có đủ các kiểu mốt luôn. Nhiều người thích mặc áo dài. Có người thích mặc đồ đầm. Có người thích mặc váy ngắ. Có người còn cải tiến cho cái áo ngắn truyền thống hẳn một hàng những cái cúc, hoặc khuy bấm, thậm chí cả một hàng dài cúc bướm, như của người Thái, biến cái áo ngắn truyền thống của người Mường thành cái áo cóm của người Thái luôn...
Thật là rất đáng tiếc: khi mặc những cái áo có cúc này, những người con gái, phụ nữ quê tôi... đã tự làm cho mình trở nên... già hơn so với chính cái tuổi của mình! Và đã tự mình làm mất đi cái cơ hội để khoe sự “khéo tay hay làm” và sự “duyên dáng nết na” của người con gái, phụ nữ Mường!
Đành rằng trong cuộc sống, tuỳ lúc, tuỳ nơi. .. lúc đi làm việc, đi chơi, đi hội hè... mặc gì và mặc như thế nào cho phù hợp, tiện lợi và đẹp là quý . Vừa làm đẹp cho mình, đẹp trong mắt của mọi người, đẹp cho quê hương, đất nước. Nhất là khi ta có ý định chụp ảnh, ghi hình, làm các sự kiện... cho bản thân mình hoặc cho mục đích cộng đồng thì càng nên đẹp hơn, nổi bật hơn, rạng rỡ hơn... càng nhiều càng tốt!
Gần đây, tôi có xem một số video ca, múa, nhạc... của quê hương Hoà Bình. Tôi thấy rất vui khi những người làm văn hoá văn nghệ quê nhà đã rất chú ý đề cao những cái hay, cái đẹp, đậm đà bản sắc quê hương người Việt cổ. Những bộ trang phục cổ truyền, những bộ váy áo rất đẹp, rất chuẩn mực, những chiếc áo ngắn truyền thống, không có cúc, của dân tộc Mường đã thấy xuất hiện nhiều hơn. Để có thêm nhiều cơ hội khoe sự “khéo tay hay làm” và sự “duyên dáng nết na” của những người con gái, phụ nữ Mường . Tôi rất ủng hộ ngành Văn hoá tỉnh Hoà Bình trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc Mường.
Văn hóa Mường cổ và những người lưu giữ “Hồn Mường” Từ truyện thơ Đinh Công Trinh nghĩ đến văn học trung đại của người Mường Hòa Bình Một người Mường Hòa Bình được đặt tên đường tại TP. Hồ Chí Minh |