Nhà sàn của người Mường tại Lũy Ải có cấu trúc một gian hai chái, hai gian hai chái, ba gian hai chái... (tương đương ba gian, năm gian, bảy gian...). Các cửa số, kể cả cửa voóng toong (cửa sổ chính) chỉ làm ở phía trước của ngôi nhà.
Nhà sàn của người Mường tại tỉnh Hòa Bình |
Thực hiện chủ trương phát triển Văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hòa Bình đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu thế hội nhập quốc tế. Trong đó Nghị quyết số 04-NQ/TU, NQ08 của BCH Đảng bộ huyện Tân Lạc về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa (DSVH) các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được xem là khâu đột phá trong chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa, con người tỉnh Hòa Bình. Huyện Tân lạc được xây dựng là vùng lõi của dự án bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa Mường
Phó Chánh Văn phòng huyện uỷ Tân Lạc, Bùi Tiến Đạt chia sẻ, hiện huyện đang hoàn thiện đề án để trình cấp tỉnh, xóm Lũy Ải, xã Phong Phú là trọng điểm của dự án.
Tại thôn Lũy Ải, nơi vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn nhà sàn cổ truyền của người Mường. Bắt kịp với xu hướng xanh hóa nông thôn, người dân thôn Lũy Ải đã biến những ngôi nhà sản trở thành địa điểm du lịch đắc địa, thu hút khách du lịch khắp trong và ngoài nước, đem lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp thông thường.
Cầu thang hay còn gọi là “Màn” thường được làm bằng gỗ hoặc nguyên thân cây gỗ tròn và tạo bậc trên chính những thân cây đó hay cũng có thể được đẽo thành hình chữ nhật. Cầu thang không dựng thẳng vào cửa chính mà dựng vào mép một cái sảnh gỗ và đặt vuông góc với chiều đòn nóc của nhà. |
Theo phong tục của người Mường khi làm cầu thang thì bậc thang nhất thiết phải là số lẻ và được dựng ở các thế đất khác nhau. Theo quan niệm của người Mường, số lẻ của bậc thang thể hiện ước nguyện quy luật vào - ra - vào thì của cải sẽ không đi ra ngoài, gia đình luôn được êm ấm, đoàn tụ, con cháu thành đạt. Số lượng bậc có thể là 3, 5, 7, 9… nhưng tuyệt đối không được là số chẵn. |
Theo ông Bùi Văn Lon, chủ một homestay tại Lũy Ải cho biết, nhà sàn của người Mường khá đặc biệt, giữa các gian thường không có cửa một cách chắc chắn, chỉ có sự phân biệt có tính chất tượng trưng. Nhưng buồng con dâu, con gái lớn, lại khác. Người Mường có một quy ước bất thành văn và được tuân thủ khá nghiêm ngặt cho những ai được phép vào ra khu vực này.
Với người Mường, hướng cửa sổ của nhà sàn và bậu cửa sổ được coi là vô cùng linh thiêng thậm chí tối kỵ nếu phụ nữ ngồi lên cửa sổ. Trong tâm thức và phong tục lâu đời của người Mường cửa sổ dùng để tiễn đưa những người thân trong gia đình sang thế giới bên kia.
Ông Bùi Văn Lon ( ngồi giữa) chia sẻ, trong nhà sàn của người Mường, không gian được chia theo cả chiều dọc và chiều ngang. Từ cầu thang chính bước vào phần giữa sàn nhà phía dưới bếp, phía ngoài là để tiếp khách, phía trong là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Trong nhà, theo chiều dọc, phía trên có các cửa sổ gọi là cửa voóng, chỗ ngồi gần cửa voóng thường dành cho người cao tuổi, còn phía dưới dành cho lớp trẻ. Theo chiều ngang, phía ngoài dành cho nam giới, phía trong dành cho nữ giới. |
Hiện thôn Lũy Ải, có 25 hộ dân còn giữ được những ngôi nhà sàn cổ và làm du lịch từ chính những giá trị văn hóa của người Mường |
Như vậy, với tổng thể trong xây dựng nhà sàn của người Mường, thì đây là những kết cấu hoàn chỉnh không chỉ tạo dựng nên một ngôi nhà sàn đặc trưng riêng có của người Mường cổ và nay là người Mường hiện đại mà còn mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc về cội nguồn Văn hóa người Mường.
Chị Bùi Thị Trang, cán bộ Văn hóa xã Phong Phú, người đã có hơn 10 năm gắn bó với văn hóa Mường chia sẻ, để những ngôi nhà sàn của người Mường tiếp tục phát huy giá trị văn hóa, hơn lúc nào hết cần sự chung sức đồng lòng của tổ chức chính trị xã hội của địa phương, của trong và ngoài tỉnh, các mạnh thương quân rót vốn đầu tư, không chỉ giúp người dân thôn Lũy Ải giữ được báu vật cha ông mà còn góp phần phát triển kinh tế cho người dân thôn Lũy Ải . Đồng thời, phát huy giá trị văn hóa Mường Cổ trong đời sống văn hóa cộng đồng người Việt Nam hiện nay.