Chuyên đề

Có một dòng văn học du kí viết về Nhật Bản

Câu chuyện văn hoá
08:20 | 27/03/2024
Khoảng nửa đầu thế kỉ XX, tiếng vọng phong trào Đông du và các bài dịch tân thư đã giúp cho các nhà hoạt động chính trị, xã hội, chí sĩ, văn nghệ sĩ người Việt biết đến đất nước Nhật Bản nhiều hơn. Nói riêng các tác phẩm “du kí” viết về Nhật Bản đương nhiên phải do người Việt Nam đã trực tiếp đặt chân đến Nhật Bản viết ra.
aa

Khoảng nửa đầu thế kỉ XX, tiếng vọng phong trào Đông du và các bài dịch tân thư đã giúp cho các nhà hoạt động chính trị, xã hội, chí sĩ, văn nghệ sĩ người Việt biết đến đất nước Nhật Bản nhiều hơn. Nói riêng các tác phẩm “du kí” viết về Nhật Bản đương nhiên phải do người Việt Nam đã trực tiếp đặt chân đến Nhật Bản viết ra.

Đây là tiếng nói của người trong cuộc, người cùng thời. Họ là những tác giả văn học và cũng là những trí thức lớn đương thời, như: Phan Bội Châu (1867-1940), Nguyễn Bá Trác (1881-1945), Nam Sơn (1890-1973), Nguyễn Tiến Lãng (1909-1976), Lương Xuân Nhị (1914-2006), Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992)... và một số thanh niên “tân thời” như: Bùi Thế Gia, Lê Văn Lương, Mai Pha…

Phan Bội Châu (1867 - 1940)

Tùy theo điều kiện và hoàn cảnh, mỗi người đến Nhật Bản mỗi cách khác nhau, bộc lộ tâm thế du ngoạn, cách thức cảm nhận và tiếp nhận văn hóa Nhật Bản khác nhau. Phan Bội Châu qua Trung Quốc rồi sang Nhật Bản (1907) trong phong trào Đông du với ước nguyện học hỏi, cầu viện, liên kết khối Đại Đông Á nhằm trở về chống Pháp. Nguyễn Bá Trác ra Hà Nội học tiếng Pháp, tham gia phong trào Duy tân, Đông Kinh nghĩa thục, Đông du (1907). Khi bị Pháp truy nã, ông trốn vào Nam Bộ, đến năm 1908 sang Thái Lan, Hồng Kông, Thượng Hải... rồi sang Nhật, năm sau thì bị trục xuất về nước. Trường hợp Lê Văn Lương thì hiện tại chỉ biết đại lược ông là giáo sư, từng “tốt nghiệp đại học đường Oxford và Cambridge” và chuyến đi này (1940) từng ở lại Nhật Bản rồi có tám ngày “vượt Thái Bình Dương sang Tân thế giới”. Nguyễn Tiến Lãng đến Nhật Bản năm 1941, trong tư cách khách mời đại biểu văn hóa nhà nước Pháp Nam. Các danh họa Nam Sơn, Lương Xuân Nhị và Nguyễn Văn Tỵ lại là đại diện của “Hội khuếch trương liên lạc văn hóa quốc tế”, mang tranh sang dự triển lãm trên đất nước Phù Tang năm 1943.

Là người sớm đặt chân tới Nhật Bản (năm 1907), nhưng phải qua ba mươi năm sau Phan Bội Châu mới có dịp thuật lại ở mục Ăn tết ở Nhật Bản trong bài Tết tha hương trên báo Ngày nay (1939). Sau khi kể chuyện phong trào Đông du bị chính quyền Pháp - Nhật ngăn trở, Phan Bội Châu với tư cách “người đầu đảng học sinh” phải lo cấp tiền lữ phí cho trên 400 anh em về nước nên phải nhờ một số trí thức tiến bộ Nhật Bản giúp đỡ. Cụ kể về hoàn cảnh kẻ du ngoạn tha hương bất đắc dĩ: “Đâu vào đó xong, mình tôi lúc bấy giờ chỉ có “bảy thước thân còi, hai vai xương trụi”, ngó sau ngó trước, anh em bà con mình đã vắng ngắt vắng tanh, chợt ngó lên tấm lịch ở trên chỗ ngồi, lại đúng ngày ba mươi tháng chạp. Tết! Tết Nhật Bản đến rồi. Lệ tết Nhật Bản chỉ có nửa ngày mồng một… Những khúc ca đại hòa hồn, bài hát võ sĩ đạo, vang đường chật ngõ, vang bên tai không ngớt. Nửa ngày tết hoàn toàn náo nhiệt” (Ngày nay, số 149, ra ngày 15-2-1939, tr.24). Phan Bội Châu còn có thêm mục “Một tết nữa ở Nhật” kể chuyện chuyến sang Nhật năm 1917: “Thơ thẩn đường trường, đi bộ từ Trường Kỳ đến Đông Kinh, đụng gặp người ăn vận đồ Nhật Bản thì không dám hở răng, chỉ thấy người nào là Hoa kiều mới tự xưng cũng là một người Hoa kiều, nhưng thất nghiệp, và xin người ta cho ăn và cho ngủ. Cứ như thế suốt mười ngày thì đến Đông Kinh”. Có thể nói đoạn văn thể hiện sâu sắc cốt cách, bản lĩnh Phan Bội Châu những ngày bôn ba trên đất Nhật Bản.

Hồi ức chuyến đi Nhật Bản của Phan Bội Châu còn có phần chú thích “Lời nói thêm” dẫn giải không khí ngày tết “người Nhật trông có vẻ sung sướng và vui tươi lắm”; “pháo nổ đì đùng khắp thôn dã”; “nhà nào nghèo lắm cũng gắng mua vài chậu cúc để trưng trong nhà”... Ông kể những khác biệt trong phong tục, cách chào hỏi kiểu cách, ngộ nghĩnh... cùng “lối chúc hùng dũng lắm” và có tục kiêng sợ hoa cúc rụng. Ông cho biết người Nhật chỉ ăn tết trong nửa buổi sáng, “sang chiều làm việc như thường”. Điều đó đủ cho thấy cái mới, các khác lạ của phong tục tết trên đất nước được coi là tấm gương văn minh tiến bộ ở phương Đông lúc bấy giờ. Trên thực tế, hồi ức Tết tha hương không hoàn toàn là tác phẩm “du kí” ở tính mục đích, mà trong đó có sự giao thoa, kết hợp các yếu tố của tâm thức du ngoạn, đi và xem, quan sát, chiêm nghiệm, ghi nhận cảnh quan đất nước và phong tục, tập quán, đời sống con người ở đất nước đồng văn đồng chủng Nhật Bản và những nét độc đáo, khác lạ, riêng biệt của ngày tết Nhật Bản so với Việt Nam lúc bấy giờ.

Bìa ấn phẩm Ngày nay số in bài viết của
Phan Bội Châu

Tương đồng với chí sĩ Phan Bội Châu, Nguyễn Bá Trác viết du kí trường thiên Hãn mạn du kí (Lời kí của một người đi chơi phiếm) in trên Nam Phong tạp chí (từ số 38, tháng 8-1920). Trên phương diện nội dung, kí giả tập trung nhấn mạnh trường đoạn “lịch du nước Nhật” qua bốn mục: Tự Hương Cảng sang Nhật Bản; Kinh đô Nhật Bản; Phong tục Nhật Bản; Từ Nhật Bản về Thượng Hải. Nguyễn Bá Trác đến Nhật Bản khi phong trào Đông du bị ngăn cấm nên hoạt động nhập cư càng bị cảnh sát theo dõi chặt chẽ: “Tôi đi với họ, cứ 15 phút đã thấy đổi một người. Trong một ngày, tôi nhận mặt được đến 20 người”. Với sự chân thành, Nguyễn Bá Trác đã chọn cách ứng xử đầy bản lĩnh: “Thực lấy làm gai góc lắm, song biết tránh cũng không được, lại cứ lân la làm quen”... Đồng thời ông cũng chủ động trình báo Sở Đông Kinh cảnh sát, tìm cách gặp người “Cảnh trưởng” vừa bày tỏ tình cảm vừa lập luận: “Tôi nghe quý quốc là một nước văn minh tiên tiến ở bên Á Đông. Ai đã đọc cận sử của quý quốc cũng muốn đi đến tận nơi mà xem cho có thực chứng. Tôi cũng lấy tư cách là người ngoại khách mà đến đây, thực chưa làm sự gì có phương ngại đến việc trị an của quý quốc. Nếu ngài không muốn dung cho chúng tôi được để dấu chân trong mấy đảo thần tiên này, có lệnh trục khách thì tôi xin phụng mệnh đi ngay, nay bỡ ngỡ mới đến mấy hôm, mọi sự lạ lùng, tiếng tăm không thuộc. Thế mà đi đâu trinh thám cứ theo đó, làm cho bạn hữu không dám chào nhau, quán xá không dám chứa trọ, có đâu các ngài đãi khách như thế”.

Xét trên phương diện hình thức thể loại “du kí”, chắc chắn Nguyễn Bá Trác phải dựa rất nhiều vào các nguồn tư liệu sách báo để có được các con số, sự kiện lịch sử chính trị, văn hóa, xã hội chuẩn xác, cụ thể, chi tiết với hệ thống các đề mục, như: Quốc danh Nhật Bản; Hình thế Nhật Bản; Thổ địa; Nhân số; Lịch sử; Việc chiến tranh ở Tây Nam; Nhật Bản đổi ra chánh thể lập hiến; Thời kì phá hoại của Nhật Bản; Học vấn Nhật Bản; Chính trị Nhật Bản; Việc giáo dục của Nhật Bản… Nói riêng về sự giáo dục, sau khi mô tả, phân tích các hình thức phép học, phân ban, độ tuổi, chủng loại chức nghiệp…, Nguyễn Bá Trác đi đến nhận thức chung: “Nói tóm lại, trong nước Nhật Bản, không có một người nào là không học vấn; không có một chỗ nào là không có nhà trường. Trong ba cái cù lao nho nhỏ mà có đến hai vạn nhà trường. Những người đã vào trường Đại học, Chuyên môn, Thực nghiệp, Cao đẳng, đã có tư cách hoàn toàn, cũng là nhờ giáo dục từ trường tiểu học. Cho nên nước Nhật Bản được phú cường, người ta không quy công cho tướng sĩ trong những buổi tranh chiến Nhật - Trung và Nhật - Nga, mà quy công cho các Giáo sư ở trường tiểu học”.

“Du kí” của Nguyễn Bá Trác vừa gợi tả những quan sát, trải nghiệm đan xen các nguồn tri thức sách vở, báo chí. Ở đây có thể thấy rõ vai trò tiếng nói chủ thể tác giả: “Khi tôi đến Nhật mới độ sơ xuân, hoa đào chưa nở. Không được gặp tiết “Anh đào” (tháng Tư). Bấy giờ sĩ nữ du quan biết đông vui đến đâu mà kể. Chỗ nuôi thú vật, nhà bác vật, quán đồ thư, cũng ở trong vườn ấy”, “Khách đi đường có bỏ rơi vật gì cũng giữ gìn chờ đợi cho khách lại mà lấy; khách không đến mới đưa vào sở cảnh sát, để đăng báo và chiêu đề”... Tác giả so sánh, liên hệ tầm vóc Nhật Bản với các nước trong khu vực và hiện trạng nước Việt: “Tuy nhiên, chỗ đô hội phồn tạp như thế, mà sự nhân dân giao tế thực là ung dung, chỗ đông người cũng không nghe tiếng tào tạp. Kẻ làm thuê làm mướn, cũng biết cách thiếp hiệp với mọi người. Xe chở thuê trong các phố, cứ đậu một nơi, phu xe ngồi trong xe mà đợi khách; cứ xem nhật báo hay xem tiểu thuyết. Khách đến lựa xe mà đi; phu xe không xô nhau, không tranh nhau như ở Trung Quốc hay ở Hà Nội. Giá xe lấy rất công bình, không cứ khách quen khách lạ. Xe điện chỉ một hạng, không phân nhất nhì. Người lên xe biết nhường nhau, con trẻ đàn bà ngồi trước, đàn ông người lớn ngồi sau”... Một sự liên hệ, phản tư, phản tỉnh mang tầm vóc dân tộc, thời đại như thế thật vô cùng cần thiết.

Có thể nói, gắn với phong trào Đông du và các mối quan hệ Việt - Nhật trong nửa đầu thế kỉ XX, đã có nhiều người Việt Nam đến nước Nhật và để lại nhiều trang “du kí” độc đáo, sinh động. Do hoàn cảnh khác nhau nên diễn ngôn của các cây bút viết du kí cũng phân hóa, thể hiện vai trò chủ thể tác giả trong nhiều khả năng nhận thức, phản ánh nước Nhật khác nhau. Nhìn chung, các tác giả đều thống nhất nhấn mạnh, đánh giá cao sắc thái văn hóa, thiết chế xã hội, căn tính dân tộc, môi trường giáo dục, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch... và cuộc sống đời thường ở Nhật Bản đương thời. Với số lượng không nhiều nhưng bước đầu có thể nhận diện các đặc điểm nghệ thuật và xác định vị thế bộ phận văn học du kí người Việt Nam viết về Nhật Bản trong hệ thống thể tài văn du kí người Việt viết về các quốc gia và trong xu thế hiện đại hóa nền văn học quốc ngữ giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX.

Nguyễn Hữu Sơn

Nguồn Văn nghệ số 12/2024


Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Baovannghe.vn - Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức Hội nghị triển khai và rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ