Ông Yakov Klots, giảng viên văn học Nga ở Hunter College, New York, đã 10 năm nay nghiên cứu Tamizdat – xuất bản sách bên ngoài các nước xã hội chủ nghĩa và phát hành bí mật trên lãnh thổ các nước này. Cuối tháng 1/2023, ông phát động một chiến dịch gây quỹ để giúp đỡ những sinh viên Ukraine, Nga và Belarus bị ảnh hưởng bởi chiến tranh trả học phí tại các trường đại học Mỹ. Klots bán các ấn phẩm và sách quý hiếm của hơn một trăm tác giả đương đại, trong đó có Svetlana Aleksievich, Boris Akunin...
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuộc trò chuyện của Phóng viên báo “Meduza” với ông.
Ông Yakov Klots |
Về hoạt động của Tamizdat
Dự án đã tồn tại hơn ba năm. Đây là nền tảng kỹ thuật số, nơi tôi thu thập những cuốn sách cấm không chỉ ở Liên Xô mà còn ở các nước Đông Âu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1956-1991). Tôi tìm hiểu các bản thảo sách được tuồn lậu qua bức màn sắt và xuất bản ở phương Tây như thế nào, phản ứng của các kiều dân và độc giả nước ngoài đối với chúng ra sao, bằng cách nào chúng quay trở lại cố hương?
Tôi rất quan tâm đề tài này, bởi không chỉ các thủ pháp nghệ thuật để lại dấu ấn trong các cuốn sách. Không chỉ nội dung của cuốn sách, mà cả giấy, bìa của nó đều lưu lại những gì đã từng một thời có ý nghĩa quan trọng đối với con người, và tôi cảm thấy điều này hiện nay cũng quan trọng.
Sau khi bắt đầu cuộc chiến tranh Nga và Ukraine, chúng tôi, những người tham gia Tamizdat, nhận ra rằng dự án này trở nên cấp thiết. Chúng tôi hiểu rằng các hiện tượng trong quá khứ liên quan đến kiểm duyệt và tự do ngôn luận ở Liên Xô có quan hệ trực tiếp với hôm nay, nếu chúng ta nói về Nga và Belarus.
Về ý tưởng ủng hộ sinh viên
Nó xuất hiện một cách tự nhiên với tôi và với các tình nguyện viên của Tamizdat (họ cũng là sinh viên) vào những ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh. Rõ ràng, có hàng chục nghìn sinh viên Ukraine sẽ không thể tiếp tục học đại học vì đất nước của họ bị ném bom. Sau đó, chúng tôi nhận thấy nhiều sinh viên Nga cũng mất cơ hội học tập và nói lên suy nghĩ của mình tại các trường đại học, nơi hiệu trưởng ủng hộ chiến tranh.
Là một giảng viên tôi không thể đứng ngoài cuộc, bằng không (trong chính mắt mình) tôi mất quyền tiếp tục công việc của mình. Chúng tôi cố thử - và tin chắc rằng chúng tôi có thể giúp đỡ.
Ý tưởng của chúng tôi như sau: các thế hệ kiều dân, từ những người đã ra đi cách đây một trăm năm, đến bản thân tôi, nhiều bạn bè và đồng nghiệp, những người mới ra đi gần đây, cần phải giúp đỡ những người buộc phải sống ở một đất nước xa lạ sau khi chiến tranh xảy ra. Và cho dù nhiều đại diện của các thế hệ kiều dân trước đây đã mất từ lâu, chúng tôi có sách của họ. Bằng những cuốn sách này họ ủng hộ sinh viên, những người có thể sẽ viết những cuốn sách của mình vào một ngày nào đấy. Nói cách khác, nhiệm vụ của chúng tôi là tạo cơ hội cho sinh viên viết sách trong tương lai, trở thành các nhà khoa học hoặc nhà văn.
Điều gì xảy ra trong ngành Xlavơ học sau khi chiến tranh nổ ra?
Môn học này đang thay đổi từ bên trong. Qua những gì tôi thấy và trao đổi với các đồng nghiệp Mỹ, hiện nay đang diễn ra quá trình phi thực dân hóa ngành Xlavơ học. Các nhà khoa học nhận thức được rằng trong lĩnh vực này, ngành Nga học luôn luôn thống trị, vì vậy hiện nay hầu hết các bộ môn đang cố gắng cân bằng giữa nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ Nga với văn hóa Ukraine, cũng như các nền văn hóa Đông Âu khác.
Ở New York, tôi không thấy sự quan tâm đến ngôn ngữ và văn học Nga giảm sút, thậm chí ngược lại. Tôi không biết có nên vui mừng không, vì điều này gợi nhớ thời Chiến tranh Lạnh, khi người ta thường học ngôn ngữ và văn hóa của “kẻ thù”. Mặc dù, hiện nay không hoàn toàn như vậy, bởi vì nhà nước hầu như không tài trợ cho việc nghiên cứu ngành Xlavơ học.
Chiến tranh đã thay đổi văn học viết bằng tiếng Nga như thế nào?
Tôi nghĩ, ngay cả những người hiện đang tạo ra nền văn học này cũng không thể trả lời được. Theo quan sát của tôi, đang xuất hiện rất nhiều tác phẩm mới - đặc biệt là trong thơ. Chỉ cần đọc ít nhất số đầu tiên của tạp chí ROAR của nữ văn sĩ Linor Goralik là đủ: các tác phẩm thơ được giới thiệu ở đây hoàn toàn mới mẻ, trước đây tôi chưa bao giờ được đọc.
Hai hợp tuyển thơ phản chiến đã xuất hiện. Tập 1, Những nhân chứng do nhà sách “Babel” ở Tel Aviv ấn hành. Tập 2 do nhà xuất bản mang tên Limbach ở Saint- Petersburg xuất bản. Có rất nhiều tác giả mới trong những cuốn sách này. Nhưng điều quan trọng không phải là số lượng nhà thơ, nhà văn hay hợp tuyển, mà là có một nền văn học mới đang được hình thành. Tất nhiên, nó sẽ được nghiên cứu một cách căn bản, nhưng muộn hơn.
Chúng tôi thường trao đổi với các đồng nghiệp xem một nhà xuất bản mới có thể làm gì để kế thừa truyền thống của Tamizdat. Theo tôi, ngoài việc xuất bản các tác phẩm bằng tiếng Nga và dịch chúng sang tiếng Anh, có thể và nên dịch văn học Ukraine sang tiếng Nga. Hiện nay, độc giả Nga không biết tiếng Ukraine không có điều kiện theo dõi nền văn học Ukraine đương đại, đọc và suy ngẫm về nó. Đồng thời, sách viết bằng tiếng Ukraine đang được dịch sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác.
Những cuốn sách bị cấm của Liên Xô và của Nga hiện nay có điểm gì chung?
Có lẽ không hoàn toàn đúng khi nói về một sự kế thừa nào đó. Cái vỏ giấy bóng kính bọc những cuốn sách của các nhà văn - “đặc vụ nước ngoài”* mang tính biểu tượng hơn là ý nghĩa thực tế. Nó không nói về tác phẩm mà là chủ yếu giới thiệu cuốn sách như một khách thể. Những người cần sẽ mua những cuốn sách đó hoặc dễ dàng tìm thấy chúng trên Internet - chúng vẫn được đọc. Vâng, có những kẻ chắc chắn sẽ tránh xa cuốn sách như tránh hủi. Trên quan điểm tuyên truyền, việc trình bày một sản phẩm in ấn như vậy nói với bạn đọc rằng: “Đừng động vào, nguy hiểm, bạn sẽ bị nhiễm độc”. Ngược lại, có những người sẽ quan tâm hơn.
Nếu có sự kế thừa thì chắc chắn nó không ở dạng tuyến tính, dòng này không chảy vào dòng kia một cách êm ả. Trong những năm 1990, có thể in gì tùy thích, sau đó, độc giả chuyển sang Internet. Có một thời, những người tham gia Tamizdat mất hàng tháng, thậm chí hàng năm để công bố một bản thảo, và sau đó, bất chấp rủi ro, phát hành trên lãnh thổ Liên Xô và các nước XHCN – cuộc hành trình của những sách này tự nó mang tính chất trinh thám. Hiện nay, có thể thực hiện tất cả điều đó chỉ bằng một cái ấn nút.
Điều quan trọng là sau khi bị cấm, nội dung của cuốn sách không thay đổi, chỉ thay đổi sự tiếp nhận của bạn đọc đối với nó. Văn học có thể không phải lúc nào cũng phản ánh hiện thực, nhưng nó tham gia vào hiện thực. Nếu chúng ta nói về văn học Nga hoặc văn học Đông Âu, thì theo truyền thống, nó không chỉ thực hiện các chức năng trực tiếp mà còn cả các chức năng xã hội, chính trị. Ở Mỹ, điều đó ít hơn nhiều. Ở đây, nhà văn không phải là nhà tiên tri, mà đơn giản là người viết sách.
Trong chiến tranh, nhu cầu về những cuốn sách mang thông điệp chính trị - xã hội ở Nga phát triển mạnh. Điều này diễn ra không chỉ ở thế kỷ XX, mà còn ở thế kỷ XIX. Hiện nay, các nhà xuất bản in văn học ly khai (tạm gọi như vậy) ở Nga đang làm một điều gì đấy rất quan trọng. Trong bối cảnh tuyên truyền và cấm đoán, trên các giảng đường đại học Nga, những cuốn sách này vẫn có thể được đọc một cách bí mật. Dẫu sao, chiến tranh đã tạo động lực mạnh mẽ không chỉ cho văn học, mà cả các loại hình nghệ thuật khác.
Văn học đích thực có thể trở thành vũ khí?
Trước đây, sách có thể tác động đến khối óc của những con người, ngay cả khi họ không biết rằng có một dòng văn học khác nào đó, những đề tài và hiện tượng khác. Trong Chiến tranh Lạnh, quả thực, có một chương trình sách bí mật (Book Program) do CIA tài trợ với hy vọng dùng sách để chống lại chủ nghĩa cộng sản.
Trong Chiến tranh Lạnh, sách lấp đầy khoảng trống thông tin. Người Liên Xô không biết người phương Tây sống như thế nào, còn người phương Tây không hình dung được thực tế cuộc sống ở Liên Xô.
Ngày nay, không thiếu thông tin. Vấn đề ở chỗ con người có muốn biết chuyện gì đang xảy ra hay không. Nếu muốn, thì mọi thứ đều có thể - nhờ có Internet.
Số phận của Samizdat (tự xuất bản) và Tamizdat ngày nay được quyết định bởi công nghệ. Trước đây, số lượng độc giả được xác định bởi số lượng bản in. Ngày nay, thật vô nghĩa khi nói về số lượng - nó gần như vô hạn nhờ việc số hóa sách.
Trần Hậu
Dịch (Nguồn: Meduza)
Nguồn Văn nghệ số 8/2023
_______
* Từ ngày 1/12/2022, theo luật “Kiểm soát hoạt động của những người chịu ảnh hưởng của nước ngoài” ở LB Nga, những cuốn sách của tác giả-“đặc vụ nước ngoài” phải dán nhãn “18+”, và được gói bằng bao bì trong suốt.