Diễn đàn lý luận

Con tằm rút ruột tơ vàng...

Ngô Xuân Hội
Chân dung văn học
06:00 | 15/09/2024
Baovannghe.vn - Với nghề chữ nghĩa, Nguyễn Công Bình là con nhà nòi. Cha ông, nhà thơ Nguyễn Công Ký dù không nổi tiếng như một số “nhà thơ cha” cùng thời khác, để khi nhắc tên bố, người ta nhớ ngay đến tên con (và ngược lại). Nhưng bố Nguyễn Công Bình, ông Nguyễn Công Ký là cây lục bát tài hoa. Năm 1957, khi còn là người lính binh nhất ông đã có thơ đăng trên tạp chí Văn nghệ Hội nhà văn Việt Nam và tạp chí Văn nghệ quân đội (1959)…
aa

Nhà thơ Nguyễn Công Bình, bút danh: Hoàng Văn, Vũ Vân Bằng… Sinh ngày 25 tháng 2 năm 1957. Quê quán: Phù Việt, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Thường trù tại P. Tân Phú - Quận 7 - TP Hồ Chí Minh. Vào Hội năm 2003.

Quá trình học tập và công tác: Từ năm 1978, giáo viên trường CĐSP tỉnh Thuận Hải, cán bộ quản lí GDCN.UBND tỉnh Thuận Hải. Từ năm 1991 về Sài Gòn làm báo và làm sách. Là Biên tập viên, phụ trách khối biên tập phía Nam - Nxb Thanh Niên. Sáng tác thơ từ ngày còn học phổ thông.

Tác phẩm thơ đã xuất bản: Gió quê hương (in chung, 1985), Người gánh bóng mình (1994), Nụ và quả (in chung, 1998), Một người phía chân trời (2001), Tạ lỗi mùa thu (in chung, 2004), Chim Lạc trở về (2012), Sông chảy về trời (2015).

Giải thưởng văn học: Giải nhất thơ thiếu nhi Hà Tĩnh (1972); Giải thưởng thơ 10 năm (1975-1985) của UBND tỉnh Thuận Hải; Giải thưởng cuộc thi thơ lục bát báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam (2002); Tặng thưởng Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh cho tập thơ "Chim lạc trở về"(2012)…

Với nghề chữ nghĩa, Nguyễn Công Bình là con nhà nòi. Cha ông, nhà thơ Nguyễn Công Ký dù không nổi tiếng như một số “nhà thơ cha” cùng thời khác, để khi nhắc tên bố, người ta nhớ ngay đến tên con (và ngược lại). Nhưng bố Nguyễn Công Bình, ông Nguyễn Công Ký là cây lục bát tài hoa. Năm 1957, khi còn là người lính binh nhất ông đã có thơ đăng trên tạp chí Văn nghệ Hội nhà văn Việt Nam và tạp chí Văn nghệ quân đội (1959)… Thời gian nước chảy chân cầu, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh - người trấn giữ gôn thơ kỳ cựu của Tạp chí Văn nghệ quân đội lúc sinh thời, mỗi lần nhắc tên đồng đội vẫn nắc nỏm đọc vài câu thơ của Nguyễn Công Ký mà ông tâm đắc. Còn cố nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi thì vinh danh Nguyễn Công Ký bằng một bài viết dài có tên: “Về Giang Đình, một bài thơ lục bát thật hay” in báo. Trong đó ông Vợi đánh giá: “...đây là một bài thơ lục bát toàn bích…” . Tôi đọc lời bình của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, lại đọc những câu thơ của Nguyễn Công Ký: “Một thời xiêm áo vàng son/ Một thời ăn lộc bà con làng cày/ Đục trong nhân thế vần xoay/ Trầm luân chao nhịp võng đay mơ màng…/ Con tằm rút hết tơ vàng/ “Trăm năm…” lệ chảy từng hàng từ đây…”, thấy ông Vợi có lý.

Với chút vốn liếng ấy, nếu chuyên chú Nguyễn Công Ký hoàn toàn có thể xây cho mình một tên tuổi. Nhưng tính ông Ký ham chơi, làm thơ amateur mà sự ngất ngưởng thì có đủ, nên dù 15 năm quân ngũ và là một sĩ quan quân đội từng ba lô trèo Trường Sơn, từng được quân đội điều sang xứ Trung Hoa công tác nhưng vẫn mang cá tính, vẫn lãng đãng thi sĩ để quên cả việc ra mắt báo cáo chính quyền xã mỗi lần về phép, khiến một số bậc “phụ mẫu chi dân” xã Phù Việt không bằng lòng. Vì vậy khi Nguyễn Công Bình con trai ông tốt nghiệp phổ thông, cần một bản lý lịch sạch sẽ để rộng đường bay nhảy thì ông Chủ tịch xã Phù Việt đã bút phê vào đó những lời ác hiểm, khiến mọi mơ ước tung cánh của Bình đành dừng lại tại ngôi trường Đại học Sư phạm Vinh gió lào, cát xoáy. Bình không biết điều này, việc “thẩm tra lí lịch học sinh” ngày ấy Ban Tuyển sinh tỉnh làm theo qui chế “mật”. Chục năm sau, khi đã trở thành cán bộ tổ chức của Ban Giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Thuận Hải, có điều kiện tiếp xúc với hồ sơ viên chức của mình, đọc những dòng bút phê của ông Chủ tịch xã, anh mới ngã ngửa. Nhưng con đường số phận vô tình lại có sự hữu lý của nó: một học sinh giỏi văn miền Bắc, được vào lớp “đặc biệt văn” của tỉnh, nhận giải Nhất cuộc thi thơ thiếu nhi của tỉnh Hà Tĩnh năm 1972, hết phổ thông vào Đại học Sư phạm trở thành thầy giáo ra trường truyền thụ lại sở học của mình cho học sinh, tưởng không còn gì hợp lý hơn…

Khoa văn Đại học Sư phạm Vinh cùng canh rau muống toàn quốc và bánh mì luộc cứng như đất sét đã tiếp tục đào tạo nên một Nguyễn Công Bình lãng đãng yêu đời, lãng đãng yêu thơ. Bài thơ Bắt đầu từ đó của anh làm ngày ấy với những câu thơ dễ thương: “Em thức khuya nên gương mặt hao gầy/ thương em nhiều/ anh không dám trách/ Bởi tình yêu sẽ chia thành khoảng cách/ Nếu cuộc đời mình riêng chỉ có thương nhau…” những năm sau còn vẹn nguyên trong hành trang ký ức của nhiều thế hệ sinh viên nhà trường.

Bốn năm buồn vui dưới mái gianh trường Sư phạm, triền miên thiếu thốn và những cơn đói cồn cào, hễ được dịp nghỉ học vài ngày Bình lại cuốc bộ về quê (cách trường hơn 40 cây số). Nhiều bữa gặp may, qua phà Bến Thủy anh nhảy trộm lên thùng một chiếc xe tải nào đó. Cách “quá giang” xe kiểu ấy nói chung thành công, vì các xe khi vào đến Bãi Vọt thường dừng đỗ cạnh một quán xá nào đó bên đường. Tuy nhiên, cũng có hôm xe không dừng mà chạy tuốt luột tận chân đèo Ngang… khiến con đường về nhà kiếm một bữa cơm độn khoai của gia đình của Bình bỗng xa vợi: Quê nhà lăng lắc cơn mơ/ Tình xưa chập chờn hy vọng/ Chếnh vếnh bên trời một bóng/ Số phận gập ghềnh bước thấp, bước cao…”.

Năm 1978 tốt nghiệp Đại học, Bình được phân công vào Thuận Hải công tác, làm giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh. Bản lý lịch với dòng nhận xét “mật” ác ý của ông Chủ tịch xã ngày nào gây cho anh nhiều phiền toái… May sao bà Trưởng ban tổ chức UBND tỉnh, một người công tâm, trong một lần xuống trường công tác xem hồ sơ giáo viên, bị kết quả học tập của Bình thể hiện qua học bạ thuyết phục, đã lập tức điều anh về tỉnh. Từ đấy con đường hoạn lộ của Bình hanh thông, anh mạnh mẽ phấn đấu vươn lên. Nhiều năm làm bí thư đoàn thanh niên của khối cơ quan cấp tỉnh, làm bí thư chi bộ, thuộc diện cán bộ trẻ triển vọng phát triển. Thế rồi không hiểu trời xui đất khiến thế nào, một buổi tối nọ: “Bỗng dưng trời nổi da gà/ Văn chương nghiệp chướng nhập qua đời Bình”, những câu thơ ập vào anh sau gần chục năm bỏ bẵng. Anh bâng khuâng tự hỏi: Có lẽ thơ mới là cứu cánh cho những hụt hẫng, khoảng trống chốn quan trường chăng? Sau cái đêm định mệnh đó, những chuyến đi công tác xa, ra Huế, Hà Nội, hay vào Sài Gòn, Bình luôn dành thời gian tìm gặp bạn bè văn chương để thăm hỏi, chuyện trò. Ý định “trở cờ” theo thơ, thỏa cái chí tự do trong tư duy xã hội của Bình ngày một lớn dần. Thế là năm 1990 khi Thuận Hải tách tỉnh, anh lặng lẽ làm cái việc tách khỏi chốn quan trường đang rộng mở, chuyển cư vào thành phố Hồ Chí Minh.

Gom góp những số tiền dành dụm được, vợ chồng Bình đi kiếm đất rẻ ở vùng sâu Nhà Bè dựng nhà tạm bợ, rồi anh chăn vịt, chạy xe ôm. Tới bến xe miền Đông mấy bận chờ mỏi cổ, lòng vòng hết xăng mà chẳng có khách nào hỏi tới. Thế là bỏ nghề. Sau này tìm hiểu anh mới hay, chạy xe ôm mà áo quần đóng thùng như đi công sở, lại không biết cách chào mời, thêm vài đứa ma cô chạy theo gườm gườm thì thua là phải. “Cùng tắc biến…”, học các tiền nhân miền Trung 300 năm trước theo Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam khai phá, lập điền. Trước cồn bãi mênh mông của Nhà Bè, máu nông dân trong Bình trỗi dậy. Anh quyết định bán xe máy lấy tiền mua vịt nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Vợ chồng con cái đặt hết niềm tin vào một đàn vịt 200 con. Vất vả mà hăm hở nghĩ khi vịt lớn đẻ ngày vài trăm trứng, giàu là cái chắc. Chứng tỏ mình là một nhà “vịt học” không chỉ trên lý thuyết, Bình sắm ràng giữ vịt, sắm mấy cây sào dài đầu buộc lá chuối khô dùng đuổi vịt. Thời gian biểu của Bình những ngày ấy thật thanh bình: Sáng dẫn vịt ra đồng, chiều ra lùa vịt về, đêm làm thơ hoặc đọc “bách gia chư tử”. Tập thơ in riêng đầu tiên của anh Người gánh bóng mình ra đời trong hoàn cảnh ấy. “Nuôi vịt, anh gom thóc lép ở chợ Trần Chánh Chiếu/ Nuôi thơ, anh gom thóc lép toàn thế giới”(*) Lũ vịt ăn như thần trùng, bao nhiêu thức ăn đổ vào chúng cũng chén sạch, mà không cho ăn thì chúng không lớn, nên cứ phải đua theo. Đều đặn tuần hai lần, nhà thơ phải đạp xe xuống Bình Chánh xa vài chục cây số, tới chợ Trần Chánh Chiếu mua ngô, thóc lép. Đường xa chở nặng, gặp chỗ gập ghềnh khó đi, không đếm hết bao nhiêu lần những bao hàng phía sau gác ba-ga xe vật Bình ngã chỏng quèo. “Quân tử cố cùng”, sau mỗi lần ngã Bình lại lồm cồm bò dậy dựng xe, chất các bao hàng lên đi tiếp. Cứ thế người và xe quần nhau cho tới tận nhà.

Nuôi vỗ thì thế, đến khi vịt lớn còn gay go hơn. Thương lái trả rẻ như bèo, mà chường mặt ra ngoài chợ bán từng con một vợ chồng Bình không làm được. Chỉ còn cách thịt ăn. Sáng vịt, trưa vịt, tối vịt. Nếu buổi sáng đã luộc thì trưa sẽ nấu cháo hoặc làm gỏi. Được ba ngày, vợ chồng cha con hơi vịt thở ra đằng lỗ tai. Bạn bè đến chơi, cứ vịt nhậu no say… Khi con cạc cạc cuối cùng lên bàn nhậu, Bình lẩn thẩn ngồi ngẫm câu nói dân gian “Phàm con gì đã nuôi thì phải thịt” để giễu những mối quan hệ cha - con mập mờ ngoài đời, thấy rất có thể nó bắt đầu từ nghĩa đen chỉ một ông chăn vịt thất bại như anh. “…biến tắc thông”. Nuôi vịt thất bại, chạy xe ôm thất bại thì Bình đi làm báo. Nhà thơ Cao Xuân Sơn, Trưởng đại diện Nxb Kim đồng tại thành phố Hồ Chí Minh đọc thơ Bình, yêu cái nét thơ tinh tế, giàu cảm xúc của nhà thơ xứ Nghệ liền đứng ra giới thiệu anh với lãnh đạo Tạp chí Thanh Niên của Trung ương Đoàn xin cho về làm phóng viên. Được mấy năm thì Bình “no báo”, nhà thơ Thái Thăng Long lại giới thiệu Bình với giám đốc Nxb Thanh Niên đưa Bình về làm biên tập sách. Cứ thế, Bình lấy sách báo nuôi thân mà hồn lúc nào cũng đau đáu về thơ, làm gì cũng chập chờn thi hứng, đi đâu cũng bồn chồn thi tứ:

Con tằm rút ruột tơ vàng...

Nhà thơ Nguyễn Công Bình

Chị ấy địu con âm thầm quét rác

thơ phân vân chị ấy không chồng

Ông Tây trầm tư trên ghế đá

thơ hình dung ông ấy cô đơn

Ban công nhà ai gió lùa lạnh quá

Chồng ngoại chưa về

thơ lo nàng chết úa ngày xuân…

Thơ Nguyễn Công Bình đầy ắp hoài niệm: hoài niệm về tuổi thơ lay lắt, về quê hương nghèo đói cỗi cằn, về những tháng năm đi học trong những ngôi trường sơ tán, về thầy cô bè bạn, về tình yêu mới chớm hé của tuổi đầu đời, về người bà yêu quý, về người cha bộ đội làm thơ, đặc biệt là về mẹ:

Gió lạnh cuối trời mẹ đã vào đông

Bếp nhà ta có ai chiều nổi lửa

Nhớ thương con mẹ chẳng ngồi bậc cửa

Tuổi sáu mươi tối mặt ngoài đồng

Ở một số tập thơ xuất bản sau này anh thay đổi về hình thức, chuyên sâu thể loại. Sông chảy về trời, tập thơ thứ ba là một tập hợp gồm 160 bài thơ ba câu, Tạ lỗi với mùa thu thơ Lục Bát, Nụ và Quả thơ tứ tuyệt, rồi thơ sáu chữ, bảy chữ, thơ tự do, thơ văn xuôi… đủ cả. Ấy là anh muốn thử bút lực của mình ở cả truyền thống lẫn hiện đại.

Nguyễn Công Bình mạnh về lục bát. Thơ lục bát của anh trong trẻo, ngọt ngào:

Chiều đi ấp úng chân mây

Khói còng dáng mẹ bếp đầy hoàng hôn

Liềm trăng ai dắt đầu thôn

Bên sông cha vớt mảnh hồn người xưa.

Hoặc:

…Sông xưa lúa ngút bời bời

Còn nghe câu ví gọi người sang ngang

Vườn cau rượm nắng chiều vàng

Nhà ta mái cọ cuối làng đơn côi

Mẹ ta xa vắng lâu rồi

Ta về trong cõi xa xôi nhà mình.

Đó là những câu thơ lục bát hay, nói được hồn vía làng quê bóng mẹ.

Nhưng các thể thơ khác, nhất là thơ tự do mới là thể loại Nguyễn Công Bình thành công hơn cả. Viết thơ tự do, ngòi bút anh thoải mái tung tẩy, vượt ra ngoài quy phạm. Những câu hay, những bài hay của anh nhiều nhất là ở thể loại này. Này đây, những câu thơ sáu chữ viết về tình yêu:

Chợt tỉnh mới hay ký ức

Trăng đi vồng ngực quên rằm

Trăng đau xé mình một nửa

Anh cầm tiếc nuối trăm năm…

Này đây, những câu thơ tám chữ viết về tình chồng vợ:

Anh nghiêng ngả dọc bến bờ lúng liếng

Em lặng buồn vạt áo giấu hờn ghen

Anh thiên biến giữa đời em bất biến

Em êm đềm trong giông bão đời anh

Và thơ năm chữ:

Mình âu lo ngày mẹ

ta vụng về ngày cha

ta xanh hoài mây gió

Mình bạc nhàu tóc mai

ta bồng bềnh thơ phú

cơm áo, Mình lệch vai…

Còn đây, những câu thơ tự do viết về làng quê thời kinh tế thị trường:

Tiếng gàu dai kéo bạc sợi tóc buồn

Giếng soi mặt nàng tiên đã bao lần hạn khát

Trai làng mây bay, gái làng bèo dạt

Bến nhớ rêu mờ xao xác lá đa

Nẻo vườn xưa khói sương nhòe chực khóc

Vắng mẹ câu thơ cũng lạc nhà.

Viết về ám ảnh của đô thị hóa:

Ký ức quê nhà trong quang gánh cô hàng bán dạo

Tiếng rao nghiêng mái phố đầm đìa

Đi đi đi

Về về về

Chen lấn người xe hầm hập phố

Hút chìm một bóng tri âm…

Viết về chiến tranh:

Lòng mẹ ẩn vào đá tượng đài không rịn kín niềm đau

Mắt mẹ nuối trời cao

Những chàng trai mười tám, hai mươi vẫn hành quân trong đám mây ngũ sắc

Xin mẹ hãy nhìn xuống thấp

Các anh đã lặng nằm trong các nghĩa trang…

Viết về thơ, về công việc làm thơ:

Không câu rút hồn mình trên thánh giá thi ca, nhà thơ nén mặt trời vào ngực, cực nhọc cày xới và gieo trồng từng hạt ngữ ngôn lấp lánh chắt từ máu và nước mắt…

Cơn bão số 9 rú gào đập cửa. Cơn bão số 10 réo giục ngoài kia. Trên cánh đồng thơ có ai đốt lửa? Văng vẳng câu thơ khản tiếng gọi hồn…

Còn rất nhiều những câu thơ hay của anh mà tôi tiếc không thể trích dẫn hết.

Tuy nhiên bàn về thể loại, đề tài theo tôi chỉ để cho vui, cho tiện việc nghiên cứu, vì rất khó rành rẽ. Ví dụ những câu thơ trong bài “Gửi nàng Lọ Lem” anh viết năm 1997, khi việc lấy chồng ngoại của các cô dâu Việt ở các vùng sâu vùng xa bắt đầu trở thành “phong trào” thì nên xếp vào đề tài gì: Thơ chăng? Tình yêu chăng? Hôn nhân và gia đình chăng? Hay một “Thế giới phẳng”? Bởi đọc chúng, ta thấy có đủ:

Này ơi, thơ phú đa mang

Lọ Lem “tút” cánh bay sang xứ người

Nàng vui gấm vóc chân trời

Thơ ta lẩn thẩn khóc cười cho ai?

Nghĩa là anh viết về tất cả những gì cuộc sống va đập vào mình. Và trong những va đập đó, sự va đập của quê hương nguồn cội bao giờ cũng “Dữ dội và dịu êm”(**). Có lẽ vì thế mà đọc thơ Nguyễn Công Bình, người hay quên bỗng nhớ, người hay nhớ thấy mình được thông cảm, sẻ chia. Anh tinh tế trong cảm xúc, đồng cảm với người đọc trong mọi cung bậc tình cảm, khác hẳn vẻ cạn cợt thoạt thấy ngoài đời. Anh cũng có nhiều câu chữ mới, như “chếnh vếnh”(Chếnh vếnh bên trời một bóng), “lót thót” (Lót thót chiều về cuối ngõ xa), “ruộm” (Có hay tình ruộm chín?); có cách dùng chữ liền vần gây nhớ (Giọt vàng sóng sánh quánh chân qua)… Hay, không hay còn phải bàn, nhưng nó là của riêng anh, tôi chưa thấy ở một nhà thơ nào khác.

......................

* Thơ Thanh Thảo: “Nuôi lợn, anh lấy nước gạo hàng xóm

Nuôi thơ, anh lấy nước gạo toàn thế giới…”

** Thơ Xuân Quỳnh

Ngô Xuân Hội | Báo Văn nghệ

Thanh Thảo cùng con ngựa thơ bất kham của mình Về nơi mây trắng ngàn năm... Hồng Thanh Quang: “Một mình ta đã quá chật ta rồi” Nhà văn Ngọc Trai người con xứ Huế Nhớ về cơn gió lạ cao nguyên
Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Baovannghe.vn- Sông Hồng đi qua xứ Đoài/ Vác theo vùng trời vỡ rạn/ Đường trung du mốc trắng/ Xanh bãi bờ gọi niềm trai tráng
Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Baovannghe.vn - Mộc cười tự tình với trăng. Trăng chảy ướt đầm vai áo Mộc. Từng sợi trăng vút mềm tao nhã như đổ ra loang mềm trong ánh nhìn bượt bã của nàng.
Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Baovannghe.vn - Hình ảnh Lá rơi... lại tưởng bước chân ai về đã được nhắc đến trong thi ca khá nhiều. Nói cũ thì cũng đúng. Nhưng không hiểu sao với bài Mẹ ngồi tựa cửa của nhà thơ Hải Thanh, tôi lại không nỡ nghĩ như vậy.
Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Baovannghe.vn - Quả thực cô hỏi thế tôi cũng khó trả lời. Có lẽ các nhà văn, nhà thơ tặng sách cứ nghĩ rằng, ở cương vị lãnh đạo tôi là người ham đọc sách, nên họ ra sức tặng
Thời tiết ngày 6/10: Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác

Thời tiết ngày 6/10: Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 6/10: Hà Nội sáng sớm có sương mù. Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác.