Nhưng bù lại, nó tạo nên một luồng không khí mới, nói như nhà thơ Chế Lan Viên, đây là một vẻ đẹp mới mẻ của thi ca thời chống Mỹ. Dễ có tới hơn mấy chục năm rồi, kể từ khi cái chùm thơ gần như đầu tiên ấy được in trên tạp chi Tác Phẩm Mới được nhà thơ “đại tướng” Chế Lan Viên nồng nhiệt giới thiệu, nói như cách nói của nhà thơ Xuân Diệu, đó là một niềm vinh dự tự hào không phải người làm thơ nào thời ấy cũng có, với một khoảnh khắc may mắn đầy kiêu hãnh
Nhà thơ Thanh Thảo |
Chùm thơ ấy như một lời chào của Thanh Thảo khi bắt đầu được khoác áo hoàng bào hùng dũng nhảy lên lưng con ngựa thơ của mình xông trận. Cái con ngựa thơ ông nhảy lên yên cương với tư thế tự tin thật khác với các con ngựa thơ mà bạn bè cùng lứa với ông cưỡi quá. Nó vừa có cái vẻ linh hoạt tinh anh từng trải của chiến mã, lại vừa có cái vẻ khoan thai, ung dung của những chú ngựa cung đình. Ngay cả lúc ông buông cương thả nổi thì nó vẫn cứ toát lên cái vẻ bình dị nhưng vẫn sắc sảo lạ lùng, khiến cho một vài chiến mã bạn bè bị kích động đến choáng ngợp muốn vượt lên. Đó là một biểu hiện lành mạnh tạo nên không khí chạy đua thật thú vị của một thời thơ ca đối với cuộc sống nhân dân như là một nhu yếu phẩm không thể thiếu, đặc biệt là giới trí thức trẻ. Bằng chính cốt cách của mình, con ngựa thơ của Thanh Thảo chạy trên cánh đồng thơ ngào ngạt ấy với những đường bay hoa mỹ. Đa số các bạn chiến mã thơ cùng trang lứa thời bấy giờ háo hức muốn bứt phá vượt lên. Nhưng để vượt lên qua những câu thơ “Xin mẹ cứ nhai trầu/ cho buổi chiều yên tĩnh” thì cũng thật khó khăn lắm thay. Đó là một câu thơ càng đọc, càng ngẫm càng thấy hay, nó thật là thi sĩ, thật là hiện đại mà lại thấm đẫm vẻ đẹp Việt Nam, nhất là nó nằm trong thi cảnh của không khí thiên trường ca Những người đi tới biển đặc sắc giàu cảm hứng của ông thuở trai tráng hùng cường và đa cảm. Ấy là thời “Dấu chân qua trảng cỏ” trong sáng, hồn nhiên, khiêm nhường và giản dị. Tập thơ “Dấu chân qua trảng cỏ” chủ yếu viết về vẻ đẹp tâm hồn của người lính. Nó không ồn ào như những tiếng kèn xung trận của cả thế hệ đang náo nức xung trận. Nó cũng không bay bướm “lãng mạn hoá” kiểu như thể thơ trữ tình cổ động “Không có kính không phải vì xe không có kính” của Phạm Tiên Duật rất tài hoa, kích thích trực diện vào khí thế của người lính thời chiến. Thơ Thanh Thảo thấm đượm vẻ đẹp bên trong tâm hồn, vẻ đẹp vừa cường tráng lãng mạn lại vừa có ý tưởng sâu xa của một lớp lính mới, lớp lính trí thức từ các ngôi trường đại học tạm xếp bút nghiên ra trận. Nó như là một bước chuẩn bị cho “Những người đi tới biển” sau này ra đời đúng thời điểm đất nước vừa được thống nhất. Một thời điểm mà cả nước trong lòng ai cũng chỉ nghĩ điến điều cao đẹp, hoành tráng vì vừa gặt hái những thành quả phi thường và tiếp đó là những dự định bay bổng. Nó được thể hiện hào hùng nhưng không quá chói lọi phô trương một cách tài hoa và sang trọng. Thanh Thảo không bận vướng nhiều tham vọng khác, ngoài thơ. Thơ ông luôn luôn có những bứt phá ngoạn mục, đột nhiên chớp sáng, đột nhiên sập tối, rồi lại hừng lên hư ảo tựa hồ ma thuật của trò chơi trí tuệ. “Khối vuông ru-bích” là một trường ca có tính chất đột phá mới cả về hình thức lẫn nội dung thể loại. Nó được hiện ra táo bạo với một bút pháp linh hoạt trong không gian mở nhưng không kém phần quyết liệt. Thanh Thảo chưa bao giờ nghiêm trọng bất cứ điều gì, nhưng không điều gì qua khỏi mắt ông, kể cả niềm vui lẫn nỗi buồn, kể cả tật xấu tốt hay những vân vi của bạn bè cho đến cả những thành tựu, những khám phá thành công của chính mình. Trong cuộc sống thường ngày, những điều nghiêm trọng bao giờ cũng được ông “chuyển thể” thành nhảm nhí, thành khôi hài, thậm chí ông diễu cợt tất cả. Một hồi, sau 1975, ông thân nhất với nhà thơ Ngô Thế Oanh và nhà văn Nguyễn Trung Đức. Mỗi lần ông ra Hà Nội, nhà Trung Đức trở nên trung tâm tụ tập bạn bè mà có lần tôi nói, nhà anh Đức trở thành cái “rốn bão” bạn bè của hai người. Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi lần đầu tiếp xúc với Thanh Thảo, lần đầu thấy cảnh bạn bè la liệt, đồ ăn thức uống la liệt, những lời đao to búa lớn la liệt, sách vở và hoa la liệt, la liệt niềm vui và la liệt niềm khổ ải cho chị Thanh, vợ nhà văn Nguyễn Trung Đức, “bà khổ chủ” nhưng cũng là “bà vinh dự chủ” bởi chị Thanh lúc nào cũng vui tươi cùng đám bạn văn ba hoa khoác lác nhưng sâu nặng nghĩa tình của chồng. Ở đời có luật bù trừ thật, tôi vẫn thường nghĩ. Thanh Thảo thân với Ngô Thế Oanh, một ông Oanh cận đến mòn hai con mắt, tính tình thì nhu mì từ hạnh, ưa tĩnh, ít di chuyển, quanh năm suốt tháng chúi mũi vào ngẫm ngợi âm thầm với sách vở với thi ca, và chăm chỉ cần mẫn với học thuật, cực đoan với chữ nghĩa, còn một ông hiếu động du canh du cư, chân thì cụt hẫng mà đầu thì bay nhảy, không chịu ngồi yên, không chịu dừng lại, nay đây mai đó, đi đến đâu, ở đâu cũng ồn ã “một đống” bạn bè. Lại nữa, cái ông nhà văn chuyên dịch thuật những kiệt tác Mỹ La tinh Nguyễn Trung Đức thì quanh năm suốt tháng cũng chỉ biết chúi mũi vào các con chữ li ti, đánh đu với từ điển và những quan niệm mới nhất của văn học thế giới; những chuyển biến chính trị của đất nước và thời đại ấy vậy mà lộ trình đi về hàng ngày của ông chỉ từ nhà đến Viện văn học và từ Viện văn học về nhà. Tính khí ông lại cũng rất cực đoan, nghiêm trọng đến gàn dở: nói to, cười lớn, yêu ghét rõ ràng, quyết liệt đến không khoan nhượng mà tâm địa lại thật thà, chất phác, cả tin, cần mẫn và chu đáo đến khó chịu.
|
Thanh Thảo và Nguyễn Trung Đức thân nhau, thân đến mức chỉ cần bạn chê thơ hoặc chê một nét gì đó củaThanh Thảo, lập tức bạn trở thành “chấy rận” trong mắt Trung Đức ngay! Kể như thế cũng khiếp thật và cũng đáng yêu thật! Trong khi đó với Thanh Thảo, cái anh nhà thơ lúc nào cũng tếu táo đùa giỡn, coi trời bằng vung, bán giời không văn tự, gọi Rùa bằng Cụ, gọi Cóc bằng Ông, gọi Trâu bằng Ngài, thích trêu chọc, giễu cợt, phiền nhiễu, quấy quả bạn bè, nhất là những bạn bè làm quan chức. Ông có cảm hứng khi đem cái nghiêm trọng ra vung tí mẹt giữa chợ giời, đem cái trọng vọng ở chỗ này ra chỗ kia làm trò giải trí, nhưng bạn cũng chớ đùa, bạn hãy chê Trung Đức một tí xíu trước mặt Thanh Thảo thử coi! Tôi hình dung ra gương mặt vốn rất sáng của ông tối sầm lại, goằm xuống ngay! Ôi thôi, chúng ta hãy coi đó là điều giản dị và bình thường, nhưng quả tình đối với người lạ ắt hẳn cũng sẽ là đặc biệt, dẫu như bạn thấy đấy, trên đầu chúng tôi hai thứ tóc cả một lũ rồi. Hơn thế, anh Đức đã về giời mấy năm nay chứ có còn bé bỏng gì nữa cho cam!
Lại nói về trường ca Thanh Thảo. Đọc “Khối vuông ru-bích” ta nhận ra chân dung ông rõ nhất bởi cái chất ngông ngạo thông thái và cả hồn nhiên gần gũi ấm áp của cá tính Thanh Thảo. Nó được tích tụ trong cấu tứ và cả trong cách diễn đạt liên tục mới mẻ. Ông là người ham bạn, ham thơ, nhưng bề ngoài ít ai thấy ông biểu hiện tình cảm với cái sự “ham” ấy của mình. Thậm chí không mấy khi ông thuộc hết những bài thơ mới làm. Ông thua kém các bạn đồng nghiệp ở cái khoản đọc thơ liên miên hết bài này sang bài khác trong tiệc rượu, bàn thơ. Ông không có năng khiêu phô trương đọc thơ, nói chuyện thơ như một vài nhà thơ “thầy cúng” chuyên nghiệp. Nhưng Thanh Thảo lại rất có khiếu “gầy” những cuộc vui bởi chính ông là người rất ham vui. Trong tất cả những câu chuyện giữa chiếu thơ bàn rượu quy tụ bạn bè, dù trong Nam hay ngoài Bắc, ở đâu ông cũng là tâm điểm gây cười. Lối sống thiên về cảm tính lại nhạy bén trước những biến thiên của đời sống xã hội và cả của con người cá nhân, dù nhiều năm sống ở tỉnh lẻ, ở nơi khuất nẻo, trái đường, nhưng ông đâu có nhuốm mùi tỉnh lẻ ngu ngơ trước những thông tin mới nhất của thời cuộc. Đặc tính nhạy cảm trời cho và máu chịu chơi, chịu sống với bè bạn hết mình khiến ông đến đâu cũng được bạn bè ngưỡng mộ và chiều chuộng. Thơ ông đằm dần theo thời gian, nhưng lại thỉnh thoảng làm ta giật mình vì những bứt phá. Từ “Một người lính nói về thế hệ mình” đến “Thử nói về hạnh phúc” như tuyên ngôn của cả thế hệ trong hai thời điểm khác nhau của cuộc sống. Từ “Trẻ em ở Sơn Mỹ” trữ tình và bi thương đến “Hà Nội nhìn từ phía tôi” mang tâm trạng của người thấy Hà Nội không còn là Hà Nội thanh lịch mà giờ đây Hà Nội trở nên đầy trắc trở. Rồi “Đêm trên cát” xuất thần ngẫu cảm... Thanh Thảo là một nhà thơ không bao giờ chịu ngồi yên “trên lưng con ngụa thơ bất kham” của mình. Ông luôn luôn tự làm mới mình bằng chính cuộc sống của ông giữa nhân dân và những chuyến đi xa về gần cùng bầu bạn và thơ. Trong lao động nghệ thuật của thi sĩ, không phải lúc nào cũng bình lặng, cũng xuôi chèo mát mái. Nhưng chuyện ấy chưa phải là đáng sợ, cái đáng sợ nhất, ấy là sự lặp lại chính mình. Đúng thế, nếu không muốn lặp lại ắt phải biết mình đang đứng ở đâu và muốn vượt qua “nó” anh ta cũng phải thế nào! Đối với Thanh Thảo, và có lẽ không chỉ riêng Thanh Thảo, đó là tâm trạng chung của những người lao động sáng tạo chân chính mỗi khi hoàn tất một công việc và đến với một công việc mới, đó là sự bị hẫng hụt. Thanh Thảo gọi tâm trạng của ông hồi viết xong “Khối ruông ru-bích” là sự rỗng cảm giác. Nó đã đẩy ông đến chỗ tưởng như chẳng còn gì để làm nữa. Ông trở thành một con người khác. Bên ngoài ông như kẻ bán trời chỉ còn cái xác, cái vỏ, kẻ “lưu lạc” trên quê hương mình. Những cuộc tụ tập bạn bè, nhậu nhẹt vỡ trời, đọc thơ thâu đêm, tán thưởng nhau thâu đêm triền miên hàng năm trời không bù đắp được khoảng trống bên trong tính cách ngang tàng của kẻ “không còn gì” ấy. Tôi cứ bị ám ảnh mãi bài thơ “Ôi KaLa” của ông sau một đêm chúng tôi uống ở cổ viện Chàm Đà Nẵng:
...ôi kala! kala!
ta ngước nhìn vực thẳm
dưới chân mây lộn nhào
ta âm thầm lau bụi
tháng năm dường chiêm bao
ôi kala! kala!
ta là kẻ bán trời
mua niềm vui nhỏ giọt...
Kala là một loại tượng mặt nạ cổ Chàm. Đó không phải là một hiện vật quý hiếm, tuy nhiên cực kỳ biểu cảm và đẹp đến mê hồn. Theo cách lập luận của chúng tôi hồi ấy, đối với khối lượng tượng cổ Chàm khổng lồ ở Đà Nẵng mà chúng tôi được biết, và cả theo cách “biết” của chúng tôi do nhà dân tộc học, “nhà” Chàm học Trần Phương Kỳ giới thiệu. Nó còn được lưu giữ nhiều trên khắp các miền Chàm Trung bộ. Thực tình khi ấy chúng tôi (tôi và nhà văn Thái Bá Lợi, nhà thơ Ngô Thế Oanh) bị tính cách mạnh của Thanh Thảo cuốn theo không chỉ trong đời sống hàng ngày mà cả trong quan niệm sáng tác. Thanh Thảo là người mê thơ văn và cuộc đời Cao Bá Quát cũng như mê tâm hồn cao khiết từng trải đầy tâm trạng trước thời cuộc bất trắc của một tính cách phóng túng ngang tàng, một trang tài tử nho gia nhiều khát vọng yêu nước thương nòi.
“trên đất nước trận bão đen tàn lụi
bầy châu chấu từ đâu về che kín mặt trời…”
Cao Bá Quát trắng đêm cùng những tâm tư quằn quại.
“Những giọt nước mắt
tắt nhanh trên cát …”
và để đi đến:
“Ta sẽ trở lại
dù phải húc đầu vào đá
để mở cưả…”
Thuở còn là tân binh của trại sáng tác Khu Năm, tôi cũng nhiều lần được ngồi uống với Thanh Thảo, Thu Bồn, Thái Bá Lợi, Ngô Thế Oanh. Đôi lúc vui chuyện ngà ngà, bốc lên, chúng tôi hùa theo ông nâng cốc với vầng trăng trên sân thượng sau khi ông và Thu Bồn cùng hét vang đòi tắt điện, đòi trả thiên nhiên về với thiên nhiên. Chuyện nhỏ ba mươi giây! Tắt điện thì điện tắt. Ngay lập tức chính chúng tôi cũng bị ngập chìm vào không gian mê hoặc của thơ Cao Bá Quát, của phong cách Cao Bá Quát. Thanh Thảo là người có sức cuốn hút bạn bè vào mê lộ tình cảm của mình, mặc dù ông rất kém cái khoản đọc thơ quảng trường, rất yếu diễn thuyết trước đám đông như một vài nhà thơ chuyên nói chuyện thơ bằng đôi ba bài có sẵn như thầy cúng. Thanh Thảo cũng không phải là kẻ có lối sống lập dị buông tuồng, bất cần đời, nhưng ông sống hết mình với người thân với bạn bè trong mọi tình huống, trong mọi hoàn cảnh. Chưa bao giờ tôi thấy Thanh Thảo bi quan trước một hoàn cảnh nào, kể cả khi ông bị lâm nạn gẫy chân. Kể cả sau khi sáng tác xong trường ca “Khối vuông ru-bích” có tính chất đột phá vào chính thể loại sở trường của ông. Sự cách tân cả về cấu trúc lẫn đổi mới tư duy sáng tạo khiến ông lâm vào tình trạng “chẳng con gì để viết!”. Tư chất thông minh và bản tính khôi hài hóm hỉnh của ông đã dìu ông ra khỏi trạng thái rỗng của một người mẹ mới qua cơn vượt cạn - vừa thỏa thuê sảng khoái thái quá lại vừa như hẫng hụt kinh hoàng. Nó dìu ông, hay nói đúng hơn, nó đã bốc ông ra khỏi chính sự kiệt sức và cơn ngộ nhận tài năng để đem ông trở lại với đời thường của người lao động tìm tòi đích thực đầy khốc liệt. Có lần cùng nhà thơ đàn anh Tế Hanh về quê, trong một cuộc đàm đạo, hai ông nói với nhau về cuộc đời và thơ văn Cao Bá Quát. Thanh Thảo buột thốt lên: Tôi phải viết một cái gì đó về Cao Bá Quát! Đó chỉ là một câu bỗng dưng, nhưng chính đó là khoảnh khắc chín mồi cho bài thơ dài “Đêm trên cát” sau đó của ông. Ông là nhà thơ không khoan nhượng với cái cũ, dù đôi khi có những cái mới, mới chỉ là manh nha, thậm chí mới chỉ là tín hiệu mong manh, ông cũng hết lòng ủng hộ. Thanh Thảo là người có năng lực tự phù phép lôi cuốn chính bản thân mình ra khỏi những cơn mê để rồi tái tạo nó, dựng nó lên thành điểm tựa cho những cảm xúc sáng tác đầy ngẫu hứng. Tài năng, thông minh không phải là tất cả. ông biết và ông chế ngự được nó tự nhiên, cũng tự nhiên như ông huy động được cảm hứng khích lệ những cơn bột phát xuất thần không hẹn không tìm kiếm không cố gắng phấn đấu, không mời mọc lôi kéo nhưng khi nó tới thì quyết vồ bằng được, không buông tha, không một li nhân nhượng. Xét cho cùng, những điều đó, tất cả đều thuộc về tấm lòng của người lao động. Mọi sự phát sáng đều bắt nguồn từ đó, tuy nhiên không có tài năng thì làm sao phát sáng! Vì thế tôi gọi “Đêm trên cát” là một kệt tác của phong cách thơ vụt sáng không phải chỉ có ở Thanh Thảo, nhưng Thanh Thảo đã vụt sáng.
Trung Trung Đỉnh | Báo Văn Nghệ
----------
Bài viết cùng chuyên mục: