Diễn đàn lý luận

Hồng Thanh Quang: “Một mình ta đã quá chật ta rồi”

Trần Vũ Long
Chuyện văn chuyện đời
10:00 | 12/09/2024
Baovannghe.vn - Cũng như bao người khác, cuộc đời nhà thơ Hồng Thanh Quang cũng trải qua nhiều vui buồn nhiều sóng gió. Hồng Thanh Quang, tên thật là Đặng Hồng Quang
aa

Cũng như bao người khác, cuộc đời nhà thơ Hồng Thanh Quang cũng trải qua nhiều vui buồn nhiều sóng gió. Khi đã đi qua tất cả những thăng trầm đó, ta mới thấy cuộc đời thật thú vị và cuộc đời thật vô thường. Và một ngày ta chợt nhận ra dường như cuộc đời chỉ quan trọng là ta đã sống như thế nào và đối diện với nó như thế nào. Báo Văn Nghệ xin giới thiệu một bài viết cũ của nhà thơ Trần Vũ Long về nhà thơ Hồng Thanh Quang.

Hồng Thanh Quang, tên thật là Đặng Hồng Quang, Sinh năm 1962 tại Hà Nội. Quê quán: Nguyên Hòa, Phù Cừ, Hưng Yên. Tốt nghiệp kỹ sư vô tuyến điện tại Liên Xô cũ năm 1986. Cử nhân báo chí. Từng là phóng viên tờ tin Binh đoàn Tây Nguyên (1987 - 1988) và báo Quân đội Nhân dân (1988 - 2002). Từ tháng 12/2003, chính thức là phóng viên báo An ninh Thế giới và báo Công An Nhân dân. Anh từng là Đại tá An ninh Nhân dân, Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân - chuyên đề An ninh thế giới. Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết. Đã xuất bản trên 10 tập thơ và sách dịch.

Giải thưởng trong cuộc thi thơ do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức năm 1998 - 2000. Bằng khen về các tác phẩm dịch thơ Nga Xô Viết do Trung tâm hợp tác quốc tế về khoa học và văn hoá trực thuộc chính phủ liên bang Nga trao năm 2001. Giải thưởng Nguyễn Cảnh Toàn năm 2008.

Cũng không rõ lý do gì mà tôi đã nghĩ ngay đến cái tên Hồng Thanh Quang, khi lên kế hoạch chuẩn bị bài cho số kỉ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6). Xét về khía cạnh thơ ca thì anh cũng chẳng phải là nhà thơ tài năng thực sự xuất sắc. Xét về khía cạnh báo chí thì cái tên Hồng Thanh Quang cũng chẳng có gì quá nổi trội. Xét về quan hệ thì anh với tôi cũng chỉ là biết mặt biết tên nhau mà thôi, chứ chưa một lần ngồi trò chuyện. Mà, các nhà văn nhà thơ đi làm báo ở nước ta có nhiều, thậm chí là rất nhiều. Nhưng rõ ràng, cho dù ở lĩnh vực văn chương hay báo chí, dường như Hồng Thanh Quang đã làm cho công chúng không lãng quên cái tên của mình. Dẫu không quá nổi tiếng, nhưng anh cũng đã tạo dựng được uy tín, xác lập một chỗ đứng riêng cho mình để không bị trộn lẫn. Vậy có nghĩa là anh có những đóng góp nhất định trong cả lĩnh vực văn học và báo chí, để được công chúng nhớ đến. Thiết nghĩ đó cũng là thành công đối với người cầm bút.

Cách đây khoảng 20 năm, tôi đã có ấn tượng về nhà thơ Hồng Thanh Quang. Sự ấn tượng không phải vì những bài thơ, bởi thú thực khi đó tôi cũng chưa đọc thơ của anh. Tôi ấn tượng với anh trong vai trò làm người dẫn chương trình cho các sự kiện văn hoá nghệ thuật. Trong cái ấn tượng ban đầu đó của tôi về Hồng Thanh Quang, vừa có mặt tốt lại vừa có mặt không tốt. Nói ra điều này có thể Hồng Thanh Quang sẽ chạnh lòng hoặc ai đó không đồng tình nhưng đó thực sự là cảm nhận của tôi về một góc nhỏ của anh từ 20 năm trước. Điều mà tôi không thích lúc đó là cái giọng nói của anh, hình như nó không được truyền cảm cho lắm trong vai trò người dẫn chương trình. Có lẽ do chất giọng hay tại vì âm lượng mà anh phát ra to quá, nhanh quá khiến cho tôi cảm thấy vậy chăng. Nhưng ngược lại tôi thấy anh có cách dẫn đầy nhiệt huyết, ngẫu hứng, linh hoạt, sắc sảo của một người thông minh và am hiểu. Còn bây giờ, cũng lâu quá rồi tôi không được nghe anh dẫn chương trình. Hồng Thanh Quang giờ đã là đại tá, Phó tổng biên tập báo Công an Nhân dân, với bộn bề công việc của mấy tờ báo, chẳng có thời gian đâu để nghĩ đến chuyện lúc nào đó sẽ lên sân khấu dẫn chương trình. Hoặc cũng có thể với cương vị hiện tại anh sẽ cảm thấy ngại khi làm công việc đó. Nhưng, trong thâm tâm tôi nghĩ rằng Hồng Thanh Quang vẫn yêu thích công việc làm MC. Có lẽ, anh đã từng nghĩ về điều đó khi đang mơ màng ngồi trên chiếc ghế bành của ông phó tổng biên tập.

Con phố Yết Kiêu, nơi mà toà soạn báo Công an Nhân dân toạ lạc, đối với tôi cũng không có gì lạ lẫm, bởi tôi và một số anh em bạn bè vẫn thường hay lang thang cà phê, chè chén trên con phố này. Cũng chính vì thế mà ngôi nhà cổ được xây dựng từ thời Pháp, mang số 100 tròn trịa, nơi mà Hồng Thanh Quang đang giữ trọng trách Phó Tổng biên tập, cũng không có gì xa lạ với tôi. Nghe kể, ngôi nhà đó trước đây vốn là của gia đình danh hoạ Tô Ngọc Vân, Chỉ cách đó mấy nhà là ngôi nhà của gia đình một con người tài hoa khác, đó là nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao, cha đẻ của bài quốc ca mà người ta đang muốn đè ra để sửa lời.

Hồng Thanh Quang: “Một mình ta đã quá chật ta rồi”
nhà thơ Hồng Thanh Quang

Sau khi đi qua các tầng dưới được treo rất nhiều tranh, tạo cảm giác như bước vào một gallery đầy màu sắc, bước chân lên đến tầng bốn, cũng là tầng trên cùng của ngôi biệt thự cổ, nơi có phòng làm việc của Hồng Thanh Quang, dường như không khí tĩnh lặng thể hiện trong những gam màu sắc được trả lại như vẻ vốn có của ngôi nhà.

Phòng làm việc của nhà thơ Hồng Thanh Quang cũng khá rộng nhưng nó trở nên ngổn ngang bởi sách vở, tủ, bàn ghế. Trên tường thì treo nhiều tranh ảnh, đặc biệt là ảnh của con trai và con gái anh. Những bức ảnh được treo rất ngẫu hứng, không theo một bố cục hay trình tự nào cả. Nằm chính giữa phòng là cái ghế điện để mát sa to uỳnh. Nó bị kẹp giữa bàn làm việc và bộ bàn ghế tiếp khách. Hồng Thanh Quang bảo cái ghế này là bà vợ mua về nhà để anh mát sa, thư giãn, nhưng vì ngày nào cũng 8 – 9 giờ tối mới mò về đến nhà nên vợ lại thuê xe chở đến đây, nếu cứ để ở nhà thì sẽ chẳng bao giờ dùng đến. Xem ra thì cái ông nhà thơ lãng tử, đa tình này cũng được vợ chiều ra phết.

Hồng Thanh Quang quê gốc ở Hưng Yên, nhưng anh lại được sinh ra và lớn lên giữa trung tâm phố cổ Hà Nội. Đó là phố hàng Đào, một con phố buôn bán sầm uất bậc nhất của khu 36 phố phường. Chính vì vậy mà ta dễ dàng thấy được hình ảnh của phố thị hiện lên rất rõ trong thơ của anh, kèm theo chút hào hoa lãng mạn của chàng trai Hà Nội. Hồng Thanh Quang sinh ra trong một gia đình có bố là bộ đội, mẹ làm công nhân. Cuộc sống gia đình cũng khá vất vả. Cái tố chất lơ ngơ, mơ màng của một thi sĩ đã bộc lộ trong con người anh ngay từ nhỏ. Chính vì vậy mà Hồng Thanh Quang đã bị chúng bạn cho là khác người. Cậu bé Hồng Thanh Quang không ham những trò chơi bình thường như chúng bạn khác, mà chỉ suốt ngày ngồi mơ mộng và chúi đầu vào những trang sách. Anh vẫn còn nhớ như in cái tủ sách nhỏ xinh của mình hồi bé. Đó chính là vật dụng đầu tiên trong cuộc đời, thuộc quyền sở hữu của anh. Cái tủ sách đó được mua từ những đồng tiền lẻ mẹ cho mà anh đã dành dụm. Ngay từ khi còn là một cậu học trò, Hồng Thanh Quang đã có những câu thơ tình như thế này: “Ngang vai tóc thả mượt mà/ Nhìn ai ánh mắt thoảng qua nét cười?/ Dịu dàng khẽ mím bờ môi/ Chắc em không biết có người hôn em!” Thử hỏi các bậc phụ huynh khi đọc được những câu thơ tình được viết từ thằng con trai đang tuổi thiếu niên của mình, sẽ cảm thấy thế nào nhỉ. Tá hoả. Long óc. Chắc chắn rồi. Nhưng bài thơ đó đã được ra đời ở hoàn cảnh vô cùng dễ thương và hồn nhiên của một cậu bé sớm đa tình. Đó là khi cậu bé Hồng Thanh Quang nhặt được một tấm ảnh chân dung của cô bạn học cùng trường mà cậu mến mộ. Vậy là chút tình cảm với người con gái bấy lâu như có một chiếc chìa khoá mở cửa cho những cảm xúc được thể hiện, nhưng cũng chỉ dành riêng cho mình mà thôi. Hồng Thanh Quang cũng từng nói, dường như trong anh luôn tràn ngập những ý thơ, chỉ chờ có một tác động tình cảm nào đó là những câu thơ sẽ được vang lên, đôi khi nằm ngoài ý muốn của mình.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hồng Thanh Quang thi vào trường Đại học quân sự và đủ điểm đi học ở Liên Xô, chuyên ngành vô tuyến điện. Học xong, về nước, Hồng Thanh Quang làm phóng viên cho tờ tin tức Binh đoàn Tây Nguyên. Chỉ một năm sau anh về công tác tại báo Quân đội Nhân dân. Năm 2003, Hồng Thanh Quang chính thức chuyển sang báo An ninh Thế giới, sau một thời gian dài cộng tác. Hồng Thanh Quang còn tham gia cộng tác với nhiều báo và đã để lại những dấu ấn đáng ghi nhận: báo Văn nghệ trẻ, báo Hoa học trò, làm MC cho các chương trình truyền hình, đặc biệt có thời gian dài anh dẫn chương trình cho chuyên mục Câu lạc bộ người yêu thơ của VTV. Thỉnh thoảng, ta lại thấy Hồng Thanh Quang xuất hiện trên truyền hình với tư cách là khách mời hay thành viên ban giám khảo một cuộc thi nào đó. Vậy là với tấm bằng tốt nghiệp ngành vô tuyến điện loại ưu đã chẳng thể níu chân anh khi rẽ sang ngả khác với những con chữ. Hồng Thanh Quang bảo, tất cả những người bạn cùng học nghề vô tuyến điện với anh đều vô cùng giầu có. Nhưng anh đã không nhầm khi chọn con đường chữ nghĩa này, bởi anh đã được làm công việc mà mình yêu thích, cuộc sống vật chất cũng chẳng đến nỗi nào, cũng có xe ôtô để đi.

Có thể nói, Hồng Thanh Quang là người của công việc. Anh suốt ngày giam mình trong phòng và ôm cái màn hình vi tính. Dường như với anh được đắm mình trong những trang sách, lướt mười đầu ngón tay trên bàn phím máy vi tính để phiêu du cùng những con chữ của mình đó là niềm đam mê bất tận. Trung bình mỗi ngày anh viết hơn 1000 chữ. Nói như nhà văn Hữu Ước, Tổng biên tập báo Công an Nhân dân: “Hồng Thanh Quang là người viết khoẻ nhất, đa năng nhất, viết mọi thể loại, mọi lĩnh vực”. Hồng Thanh Quang bảo, anh đam mê và đắm chìm trong những con chữ một phần là do công việc phải làm nhưng điều quan trọng hơn là anh muốn được “phát tán” những tình cảm, ý tưởng, suy nghĩ của mình đến với người đọc. Chính vì vậy mà dường như viết bài cho báo thôi chưa đủ, anh còn viết cả blog, viết facebook. Và hình như với hình thức thông tin nào thì Hồng Thanh Quang cũng đã có một lượng bạn đọc đáng kể. Khi nghe tôi hỏi đùa: “Anh phát tán những con chữ của mình nhiều thế, nhanh thế, không sợ lây lan thành đại dịch sao?” Anh ngồi thẳng lưng, khua tay rất rộng, rồi lại đưa tay hất lọn tóc xoăn vừa kịp rơi xuống chiếc kính cận vuông cạnh, ánh mắt nhìn thẳng, dường như đã là hình ảnh đặc trưng của Hồng Thanh Quang suốt mấy chục năm qua kể từ khi anh mới bước chân vào con đường viết lách và được mọi người biết đến, cái volume như được kích to lên một tí, rồi tươi cười bảo: “Tôi luôn tự biết, nghề báo là nghề có khả năng gây ngộ sát cao. Nếu nhà báo không ý thức được điều đó, mà cho rằng công việc của mình có một quyền năng để ban phát, quyền năng để soi rọi, thì mức độ và tần suất ngộ sát là rất lớn. Tôi nghĩ khi làm bất cứ một công việc gì, chẳng riêng gì viết báo, chúng ta với tư cách là những người tử tế đều muốn làm những việc tử tế nhất cho cuộc đời này. Mặc dù vẫn biết thời bây giờ sống làm người tử tế khó lắm. Bởi tôi đã bị ăn đòn nhiều vì sự vô tư và sự tử tế”. Anh là người biết tự cân bằng, nếu không sẽ thật khó sống, khi mà cuộc sống này giống như cái đu quay cứ quay tít thò lò mà chẳng có một cái cột mốc nào để ta định hướng, đôi khi khiến cho chúng ta cảm thấy hoang mang. Trước mọi sự bon chen của cuộc đời, Hồng Thanh Quang luôn đứng lùi lại phía sau. Hồng Thanh Quang giờ đây đã bước qua cái tuổi tri thiên mệnh, nên điều quan trọng đối với anh là được sống là chính mình trong mỗi thời khắc của cuộc đời này. Ngay từ khi còn trẻ đã vậy và đến bây giờ thì càng không muốn ép xác mình vì một mục đích, một sự ham hố nào đó. Nếu có lúc nào đó, anh bị đẩy vào tình huống phải cạnh tranh thì anh luôn là người nhường. Hồng Thanh Quang bảo, mình có ăn non hơn người khác một chút cũng chẳng sao, còn hơn phải ăn hơn người nhưng vượt quá năng lực của của mình. Điều đó sẽ giúp cho tâm mình luôn thoải mái.

Hồng Thanh Quang: “Một mình ta đã quá chật ta rồi”
Từ trái sang Nhà thơ Hồng Thanh Quang, nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Phan Hoàng (đứng), hoạ sĩ Đỗ Dũng.

Hồng Thanh Quang đã từng được bạn bè cùng trang lứa xem như là một biểu tượng sẵn sàng hy sinh tất cả vì tình yêu. Cái biểu tượng đó đã được minh chứng bởi chính cuộc đời anh và cả thơ của anh. Ai cũng biết anh đã từng là chồng của một ca sĩ danh tiếng, đó là NSND Lê Dung. Để có được tình yêu đó, cả hai người phải hy sinh và vượt qua rất nhiều khó khăn để đến được với nhau. Đối với Hồng Thanh Quang thì tình yêu đó giống như một lễ hội. Thiết nghĩ, với một thi sĩ đầy nhiệt huyết như Hồng Thanh Quang, một người luôn tôn thờ vẻ đẹp của tình yêu thì tình yêu bao giờ cũng là một lễ hội. Bởi chỉ khi ta đốt cháy hết mình trong tình yêu thì ta sẽ chạm được đến hạnh phúc. Cho dù hạnh phúc đó có thể chỉ trong khoảnh khắc. Nhưng than ôi, lễ hội nào thì cũng có hồi kết thúc. Hạnh phúc thì cứ mong manh như những cánh hoa, còn chúng ta không phải lúc nào cũng là những người làm vườn tài ba để gìn giữ và nâng niu sự mong manh đó. Nhưng, có lẽ với Hồng Thanh Quang, tình yêu đó và cả sự tan vỡ đó là những trầm tích mà anh sẽ nâng niu và biết ơn với cuộc đời này:

… Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc

Tôi đã quên mình chỉ để yêu em

Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc

Còn điều chi em mải miết đi tìm …

Những câu thơ vang lên như một lời tuyên ngôn về tình yêu. Một thứ tuyên ngôn khờ dại của kẻ luỵ tình đầy kiêu hãnh khiến cho người đời ghen tị. Tình yêu có thể biến mọi sự vô lý trở thành có lý. Tình yêu có thể biến mọi sự mê muội mù quáng trở thành sáng suốt. Tình yêu phá vỡ mọi lề lối, mọi quan niệm, mọi ước giáo để tạo cho mình một lối đi riêng. Lối đi đó có thể là hoa thơm cỏ mật, lối đi đó có thể là chông gai và cay đắng nhưng đó là lối đi của sự đắm say mang tên Tình yêu. Và cứ thế Hồng Thanh Quang luôn để cho tình yêu tự dẫn dắt mình:

… Như chánh chim bị tình yêu đánh động

những kinh nghiệm tháng năm bỗng hoá dư thừa

ta không cần sự từng trải cầm tay ta nữa

đôi mắt mở như lần đầu tự dẫn ta qua …

Và tận hiến cho tình yêu:

… Nếu hạnh phúc cho nhau

Luật trời ta cũng sửa …

Có thể gọi Hồng Thanh Quang là nhà thơ của tình yêu, bởi phần lớn sáng tác của anh đều viết về tình yêu và được công chúng đón nhận, đặc biệt là những người trẻ. Thơ của anh chính là sự thăng hoa cảm xúc về kí ức, được cất lên có giai điệu, dễ đi vào lòng người. Đối với Hồng Thanh Quang, thơ ca cũng giống như tình yêu. Nó là sự mê muội con người mình nhưng lại để soi rọi cho người khác. Đôi khi để có được một câu thơ hay, nó là sự đánh đổi lớn. Bởi đằng sau mỗi câu thơ không chỉ là sự đau đớn của riêng nhà thơ nó còn là sự hy sinh của những người thân yêu. Và khi nhà thơ làm đau những người thân yêu của mình thì anh ta lại càng cảm thấy đau hơn bội phận. Vậy thử hỏi, có câu thơ nào sinh ra từ sự bình ổn đây?

Có lẽ vì thế mà các nhà thơ luôn tự mình tìm kiếm sự bất ổn, sự chênh vênh trong cuộc đời như để minh chứng cho chính những tuyệt vọng của họ về cõi nhân sinh này.Và rồi thơ đã cứu rỗi họ ra khỏi điều tuyệt vọng đó. Chính vì vậy, không có thơ thì họ còn gì nữa đây. Hồng Thanh Quang dường như cũng không nằm ngoài cái ngoại lệ đó. Anh bảo cho dù cuộc đời anh có lận đận với thơ bao nhiêu thì cũng không phải do thơ mà do số của mình như thế. Anh là kẻ luôn phá vỡ sự vuông tròn của cuộc đời mình để tìm đến sự lận đận. Bởi không làm như thế anh cảm thấy cuộc đời thật tẻ nhạt biết bao. Đối với người bình thường thì sẽ cho đó là những quan điểm của kẻ tâm thần. Nhưng than ôi, bản thân thơ ca đã là sự phi lý giữa cuộc đời này mất rồi, huống hồ là các nhà thơ. Và, rất nhiều khi chính nhà thơ là kẻ chán mình nhất bởi họ không hiểu nổi chính mình. Trong một bài thơ tình, Hồng Thanh Quang có viết thế này: “Em đừng khóc đừng van nài ta tới/ Một mình ta đã quá chật ta rồi”. Nếu câu thứ nhất là một câu thơ khá bình thường, nhưng câu thơ thứ hai, nó là sự thăng hoa của tài năng và cảm xúc. Có chút gì tuyệt vọng. Có chút gì mệt mỏi. Có chút gì hối hận. Nhưng nếu ta tách câu thơ “Một mình ta đã quá chật ta rồi” ra khỏi bài thơ tình đó thì bản thân nó tồn tại như một bài thơ, với đầy đủ cảm xúc, với đầy đủ những trải nghiệm, với đầy đủ thân phận của một con người trong cõi nhân sinh này.

Trước mặt tôi là: Nhà báo hồng Thanh Quang, Nhà thơ Hồng Thanh Quang, một ông đại tá công an Hồng Thanh Quang, một ông Phó tổng biên tập Hồng Thanh Quang. Dường như có điều gì mẫu thuẫn. Có đấy, dẫu anh không nói ra. Trong mỗi con người bình thường đã có vô vàn sự mâu thuẫn huống chi trong bốn con người mà tôi vừa kể ra ở trên. Hồng Thanh Quang vẫn trò chuyện một cách say sưa, như dụ người nghe vào thế giới của mình. Rồi bỗng dưng lại ngồi thẳng lưng, khua tay rất rộng. Rồi lại đưa tay lên hất lọn tóc xoăn vừa rơi xuống cặp kính cận vuông cạnh. Rồi cái volume được kích to thêm một chút. Rồi nhìn thằng vào người đối diện, cười một cách hiền lành…

Trần Vũ Long | BÁo Văn Nghệ

Thanh Thảo cùng con ngựa thơ bất kham của mình Nhớ về cơn gió lạ cao nguyên Ngô Phan Lưu, “Ẩn số văn chương” đất phú!- Tác phẩm đoạt Giải Nhất cuộc thi viết CHÂN DUNG CUỘC SỐNG Thơ Trần Đăng Khoa - Từ thức ngộ đến ngẫm suy Tươi tắn Đỗ Chu - Bút ký chân dung của nhà văn Tô Hoàng
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.