Diễn đàn lý luận

Nhớ về cơn gió lạ cao nguyên

Ngô Xuân Hội
Chuyện văn chuyện đời
09:00 | 09/09/2024
Baovannghe.vn - Nhớ năm 1990, khi cuộc thi truyện ngắn lần thứ 8 của Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam đi được nửa chặng đường. Trong một lần chuyện vãn,
aa

Năm 1990, khi cuộc thi truyện ngắn lần thứ 8 của Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam đi được nửa chặng đường. Trong một lần chuyện vãn, Nguyễn Quang Lập bảo chúng tôi: “Cuộc thi Truyện ngắn báo Văn nghệ lần này đọc mãi chỉ thấy được một Kẻ sát nhân lương thiện của Lại Văn Long là hay…”

Rất tin ở sự thẩm văn của Lập, tôi về lục báo xem, thấy đúng như Lập nói, hay và xót đắng. Một ông Trung tá, anh hùng của cuộc chiến vừa đi qua; một bà vợ già nhàu nhĩ qua thời gian và qua những vật lộn mưu sinh; một thằng thanh niên con của hai ông bà, đã ít nhiều nếm trải sau những năm tháng xuất khẩu lao động ở một nước anh em, sống trong ngôi biệt thự sang trọng có tên Villa Pensée (tiếng Pháp: Tư tưởng), thành quả của hơn hai mươi năm tham gia kháng chiến của ông Trung tá. Những tưởng từ đây trang mới của cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn. Thời thế thay đổi, đất nước mở cửa, chúng ta chủ trương năm thành phần kinh tế, thừa nhận sự tồn tại của tư bản tư nhân và sự mua bán sức lao động. Chủ cũ ngôi biệt thự trở về… Bi kịch xảy ra, một người chết, ba người bị thương. Kẻ sát nhân lương thiện là lời cảnh báo thống thiết về những bi kịch xã hội, đặc biệt trong quản lý nhà cửa, đất đai ở nước ta thời mở cửa.

Lại Văn Long viết truyện ngắn này năm 1990, khi sự đổi mới đang vỡ vạc. Truyện là sản phẩm của trí tưởng tượng, các nhân vật không liên quan gì đến anh ngoài đời, nhưng vẫn ít nhiều phản ánh thân phận người viết: Con thứ tư của một gia đình bảy con; bố mẹ nghèo, không sắm nổi nhà, chuyên đời ở trọ làm thuê. Bố Long quê Phú Vang, Thừa Thiên - Huế; mẹ quê Tuy Phước, Bình Định, gặp nhau ở Nha Trang sau đó kéo nhau lên Đà Lạt sống. Trước những chộn rộn của cuộc chiến, đầu năm 1975 hai ông bà lâm cảnh thất nghiệp hết tiền, bị chủ trọ đòi nhà. Trong cơn khốn quẫn, thấy khu gia binh trường Đại học chiến tranh Chính trị quân đội Sài Gòn ở đường Nguyễn Công Trứ nhiều nhà bỏ trống, họ mới dẫn đàn con vào kiếm chỗ tá túc. Đầu năm 1976 bộ đội ta tiếp quản trường đã đưa những gia đình sống nơi đây đi kinh tế mới ở Đức Trọng, cách Đà Lạt 38 cây số.

“Con nhà giàu hay mần, con nhà bần hay ăn”, cho đến lúc ấy, anh chị em Long chưa ai trưởng thành. Gần chục nhân mạng nhốt nhau trong một căn phòng trọ chật đút giữa bốn vách tole lạnh cóng và những trận mưa dầm dai dẳng, thường bó gối ngồi nhìn nhau với những cái bụng đói meo. Vì thế, luôn luôn Long cám ơn những năm tháng tuổi thơ ở khu Kinh tế mới. Nó cơ cực, nhưng đã dạy anh nhiều kỹ năng sống, truyền cho anh nghị lực vượt khó; để năm 20 tuổi, nhập môn Triết học ở Đại học Tổng hợp TP.HCM, đã rất tâm đắc khi nghe thầy giáo giảng: “Chủ nghĩa Cộng sản là một học thuyết dạy người nghèo biết cách đấu tranh đòi lại những quyền lợi của mình trong tay giai cấp tư bản” mà lao vào học say sưa, hy vọng mai kia đem sở học được truyền thụ ra tranh đấu.

Nhớ về cơn gió lạ cao nguyên
Nhà văn Lại Văn Long

Nhưng tranh đấu với ai đây, khi chung quanh đều là quân ta và đều nghèo? Năm 1988, ở cơ quan - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng (nơi Long “tranh đấu” sau khi tốt nghiệp đại học), anh được giao chức Phó Giám đốc Xí nghiệp đời sống, chuyên làm kinh tế, đem tiền về cho Ban. Sứ mệnh thì cao cả vậy, mà Xí nghiệp không được Ban cấp một đồng vốn nào. Để có tiền hoạt động, “ông Phó” phải vay tiền mọi người rồi xuống các huyện mua nông sản đem về Đà Lạt bán kiếm lời. Noel 1990, một bữa đi qua đồi thông thấy Lâm nghiệp đang cắt cây, tỉa cành. Nghĩ sáng nay ra cửa bước chân phải gặp may, Long mua ngay 1.000 cành, thuê xe, một chiếc Hino 16 bánh dài như một toa tàu hỏa, chở về Sài Gòn. Chất hết ngần ấy hàng lên thùng, lúc chạy chiếc Hino trông như một đồi thông đang mobile trên đường. Trong địa phận tỉnh nhà không sao, nhưng xuống các tỉnh láng giềng, bùa hộ mệnh (tức giấy giới thiệu của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lâm Đồng) hết thiêng, xe bị CSGT phạt te tua. Cứ mỗi lần áo vàng tuýt còi, Long lại mất 100 – 200 ngàn đồng (gần một chỉ vàng) bôi trơn. Tới TP Hồ Chí Minh, anh thuê mặt bằng ở Công viên Lê Văn Tám và nhà thờ Đức Bà làm bãi đổ cây. Lác đác có người hỏi mua, mỗi cành bán ra lời sơ sơ hơn cả chục lần vốn, khiến ông Phó giám đốc chắc mẩm. Còn mấy ngày nữa tới Noel, để giữ tươi cành, Long thuê xe tưới nước. Rồi Noel tới, buổi sáng Long hối anh em dỡ đống cành thông ra bán, thì than ôi! Bị hầm nước lâu ngày, cành nào cành ấy úa vàng, héo rũ. Báo hại Long lại phải thuê xe của Công ty Công viên cây xanh TP chở đi đổ bỏ. Kết quả thương vụ, anh bị lỗ một số tiền khổng lồ (khoảng 3 cây vàng). Xui cho Long, đúng thời điểm đó ông Cừ, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh, người bảo trợ của Long, người đã vô tư nhận anh vào làm việc bị bệnh ung thư dạ dày nằm viện, mấy ông Phó ban khỏe mạnh ở nhà sinh sự đánh nhau. Một hôm, ông Phó - Thủ trưởng trực tiếp của Long gọi anh tới nhà, cho ăn một bữa ngon rồi hỏi:

“Nghe nói mày bị nợ dữ lắm phải không?”

Long ngay tình:

“Quãng vài triệu chú”

“Vậy mày muốn có tiền trả nợ không? Tao cho”.

Long mừng lắm. Nhưng chẳng ai cho không ai cái gì bao giờ. Để nhận được tiền, ông ra điều kiện, buộc Long phải làm đơn tố cáo ông Trưởng ban đã ép mình đi buôn, gây nên cảnh nợ nần. Long không chịu. Sóng gió nổi lên. Đau hơn là sau đó ở buổi họp kiểm điểm Long, ông H lái xe cơ quan, người hai năm trời qua đã cùng Long chung lưng đấu cật trong những thương vụ buôn đầu chợ, bán cuối chợ (tức là xuống các huyện mua hàng mang về Đà lạt bán) đứng ra làm chứng ngược, phủ nhận việc ông được cơ quan phân công cùng Long đi buôn. Việc ông đánh xe đi với Long là xuất phát từ tình cảm anh em. Thấy lạ, Long tìm hiểu mới hay trước khi vào cuộc họp ông H đã được Thủ trưởng dặn ra công luận cứ nói như thế… như thế… Ông sẽ nhận vợ H vào làm Kế toán. H chấp nhận bán mình.

Buồn cho nhân tình, Long bỏ đi lang thang, mấy ngày liền không đến cơ quan. Một hôm anh đang đạp xe lên dốc Quang Trung (đoạn gần ga xe lửa) thì gặp một ông dáng mập, nói giọng Bắc đứng bên lề đường vẫy lại nói rất hách:

“Thằng bé, mày chở anh đi tìm nhà thơ Bùi Minh Quốc, Chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng nhé”.

“Thằng bé” ghé vào, sau đó hì hục đạp xe chở ông khách “nặng ký” vượt dốc. Trong hơi thở hổn hển, Long kể cho khách nghe chuyện thời sinh viên, Long đã có truyện ngắn đầu tay Màu mận chín đăng báo Tuổi trẻ chủ nhật. Ông khách thích thú ồ à. Chia tay, ông nhìn gã phu xe trẻ cười cười đưa cho y tấm danh thiếp với lời dặn:

“Anh là Trần Ninh Hồ, Trưởng ban Văn xuôi báo Văn nghệ. Sau này mày có viết được cái gì thì gửi cho anh. Thấy được, anh sẽ in cho”.

Nhớ lại hồi chuẩn bị thi Đại học, thầy Nguyễn Văn Hương dạy văn lớp 12 của anh ở trường cấp ba Đức Trọng nói trước lớp: “Ngoài Hà Nội có Trường Viết văn Nguyễn Du chuyên đào tạo nhà văn. Nhưng để vào trường, phải có tác phẩm được công nhận…”. Long nghĩ, nếu bây giờ mình viết một truyện gửi anh Trần Ninh Hồ in cho rồi đi học trường Viết văn Nguyễn Du cũng tốt. Thế là Long đạp xe về cơ quan ngồi viết một mạch 12 tiếng đồng hồ (từ 5 giờ chiều nọ đến 5 giờ sáng kia) xong truyện Kẻ sát nhân lương thiện. Đưa bạn văn, nhà báo Uông Thái Biểu xem. Uông Thái Biểu bảo:

“Truyện anh viết quá hay…”

Bán tín bán nghi, Long ra chợ Đà Lạt thuê đánh máy. Tiền công 13.500 đồng, trong túi Long chỉ có 8.500 đồng, nợ người đánh máy 5.000 đồng. Trần Ninh Hồ khi đó đang ở Đà Lạt, Long tìm gặp đưa cho ông một bản, bốn bản còn lại anh gửi đi bốn báo khác. Ít hôm sau Long nhận được một bức thư từ một người lạ dưới Sài Gòn gửi lên. Thư viết (đại ý): “Mình là Phạm Khắc Lưu (Phạm Lưu Vũ), kỹ sư xây dựng. Anh Trần Ninh Hồ từ Hà Nội vào, ở nhà mình. Hôm rồi anh đi Đà Lạt về, có mang theo nhiều bản thảo, trong đó có truyện “Kẻ sát nhân lương thiện” của bạn. Mình đọc thấy hay. Mình cũng rất thích văn chương, vậy khi nào bạn xuống Sài Gòn, mời ghé cơ quan mình ở đường Trần Nhật Duật, quận 3 chơi…

Được lời như cởi tấm lòng, Long xuống Sài Gòn ở chơi với Phạm Khắc Lưu… từ bấy… đến nay.

Mọi sự về sau ta biết, “Kẻ sát nhân lương thiện” được báo Văn nghệ trao giải Nhất cuộc thi. Tác phẩm của Long như một cơn gió lạ thổi từ cao nguyên, người khỏe bảo gió lành, người yếu bảo gió độc. Dư luận dữ dội hai phía khen, chê. Phía chê bảo anh không nắm được chủ trương, chính sách về cải tạo và hóa giá nhà của Nhà nước, “bắn vào Việt kiều”, là “truyện ngắn đẫm máu”… Phía khen bảo “Kẻ sát nhân lương thiện” đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, một lời dự báo, cần thiết của xã hội đang biến đổi liên quan đến đất đai, nguyên nhân của mọi xung đột xã hội. Nhưng bao trùm truyện là tính nhân văn, nhân bản, là khát vọng được sống công bằng.

Mặc mọi sự khen chê, tác giả của nó giống như Trình Giảo Kim đánh ba búa đầu ác liệt rồi bỏ chạy. Nhận xong giải thưởng, anh “tuyệt tích giang hồ”, đến nỗi Kỹ sư Phạm Khắc Lưu, một người mới ngày nào còn nồng nhiệt với anh là thế, đã thốt lên đầy cảm khái: “Giải thưởng vừa làm nên một tác giả Lại Văn Long, thì cũng đồng thời làm mất tích luôn anh nhà văn trẻ lúc đó mới 26, 27 tuổi đời… Anh trở thành nhà báo tròn quay, mập ú từ đó đến nay…”.

Tội nghiệp Long, nhà nghèo cả dây. Bố mẹ nghèo, chị với hai anh nghèo… các em và các cháu… lũ chim non đói mồi, lúc nào cũng chiu chíp đòi ăn. Trong lúc đó món nợ từ những ngày làm Phó giám đốc xí nghiệp Đời sống còn “nguyên đai nguyên kiện”. Anh lao như điên vào làm báo kiếm tiền; ngày theo việc cơ quan, tối về xem xong chương trình thời sự trên Tivi thì đi ngủ, 1 giờ sáng dậy ngồi viết đến 5 giờ. Một đêm cày bốn, năm bài báo là chuyện thường. Quần quật như thế gần hai chục năm trời, Long xây được nhà cho bố mẹ ở quê (Đức Trọng, Lâm Đồng), nuôi hai đứa em và một đàn cháu học xong đại học.

Năm 2009 anh trở lại văn đàn với tiểu thuyết Thạch đế. Lác đác có lời khen, nhưng dè dặt lắm. Cũng là điều dễ hiểu, vì anh “mất tích”quá lâu nên không chỉ một Phạm Khắc Lưu, nhiều người khác cũng nghĩ anh được giải thưởng là ăn may chứ không có thực lực. Chẳng trách được họ, 17 năm, quãng thời gian quá dài đủ làm tiêu tan mọi kỳ vọng. Trong lúc đó tân, rồi cựu Trạng nguyên của họ chẳng lúc nào quên sứ mạng văn chương, nhưng do việc làm báo quá bận, vả lại trót lên đỉnh Olimpia rồi không thể viết ẩu; nên chi Thạch Đế chỉ 216 trang mà anh viết mất 19 năm (1991 - 2009). Thủy cơ (tập truyện, 2012) dày 330 trang, viết… 22 năm. Chạy roda chấp nhận thế, khi đã khơi lại được văn mạch rồi, Long viết rất nhanh. Đứa con thời hậu chiến (tiểu thuyết, 2016) dày 190 trang viết 7 tuần; Người khổng lồ đội mồ kể chuyện (tiểu thuyết, 2019) dày 370 trang, viết 9 tuần.

Cả ba tiểu thuyết (Thạch đế, Đứa con thời hậu chiến, Người khổng lồ đội mồ kể chuyện) đều được tác giả phát triển từ truyện ngắn. Lúc đầu, mỗi tác phẩm anh tính phóng bút maximum 5.000 chữ, song càng viết càng say sưa, nên đành cho cảm xúc tuôn chảy tự do, để mình trong trạng thái “nửa mê nửa tỉnh” với giấc mơ ngọt ngào kéo dài suốt cả trăm ngày đêm… Ba tiểu thuyết, ba phương pháp kể chuyện khác nhau. Thạch đế nhiều “tham vọng” về triết, sử, thời cuộc và là cuốn tiểu thuyết đầu tay nên viết chậm, khi phát hành, nhiều người đọc cho là “khó nuốt” vì ẩn dụ nhiều quá, triết học nhiều quá, kể cả “khô” quá. Đứa con thời hậu chiến viết theo kiểu “giảm duy lý, tăng cảm xúc” nên viết cũng dễ mà độc giả phản hồi cũng tích cực hơn. Thậm chí, còn lấy được nước mắt của nhiều chị em. Khác với hai người anh em, Người khổng lồ đội mồ kể chuyện hồn nhiên, ảo diệu, kể chuyện ngày xưa mà cứ như hiện nay. Hình ảnh người chiến binh khổng lồ Ar My thần thông quảng đại, bị trói buộc bởi lời thề trung thành với Thánh kinh Vệ đà, không thể cống hiến nhiều hơn cho đất nước, cho dân tộc mình cũng như đòi lại phần lãnh thổ, lãnh hải bị ngoại bang cưỡng chiếm, đã gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ về tinh thần trách nhiệm, phân biệt tính phải trái trong quan hệ riêng - chung…

Lấy ngắn nuôi dài, viết tiểu thuyết, Lại Văn Long còn viết báo, truyện ngắn, kịch bản phim và đi thỉnh giảng các môn báo chí như: Nghiệp vụ phóng viên, Phóng sự điều tra… ở nhiều trường đại học. Truyện ngắn Lại Văn Long cốt truyện thông minh, hiện thực bộn bề, ngôn ngữ hiện đại, gân guốc, tiết tấu nhanh có tính ẩn dụ cao, những vấn đề tác giả đề cập luôn mang tính thời sự. Bút pháp trong từng chuyện cũng đa dạng. Sắc lạnh ở “Kẻ sát nhân lương thiện”; bàng bạc, liêu trai trong Thổn thức ngọn gió cao nguyên”; tươi sáng với lối kết thúc có hậu của những câu chuyện kể dân gian trong Lộc tình, Lọ lem, Cá vàng, Đường lên trời xa lắm

Viết như lên đồng, viết đến nỗi huyết áp tăng cao, phải nhập viện. Sau 12 năm “tái xuất” (2009 - 2021), Lại Văn Long đã sở hữu một gia tài văn chương đáng nể với 40 truyện ngắn, 12 tiểu thuyết, trong đó có bộ Hồ sơ lửa 7 tập, dài 3000 trang, kỳ vọng lập kỷ lục “Tiểu thuyết hình sự Việt Nam dày nhất”. Đặc biệt trong số này có tiểu thuyết Thánh Thi cuốn sách cả một đời tâm huyết dày 1.000 trang, được tác giả viết trong 5 năm. “Cơ máy sinh cơ tâm?” Có phải sợ vậy không mà Long không dùng máy vi tính. Tất cả bản thảo được anh viết tay bằng chiếc bút kim màu đỏ, trên những trang giấy báo thải đã in một mặt.

Theo anh, tiểu thuyết Việt Nam giỏi mẹo luật, giỏi khai thác sự khác biệt vùng miền, nhưng tính khái quát, tính tư tưởng (theo nghĩa triết học) thấp. Biết vậy, ở tiểu thuyết mới Thánh thi, anh đã cố gắng “phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm” cho tác phẩm hay hơn. Nhưng “Mưu sự tại nhân, thành sự tại các cơ quan xuất bản”. Nói vậy, bởi đến nay bản thảo đã được anh lần lượt gửi cho hai nhà xuất bản. Nhà nào cũng khen hay, cũng cấp phép và sau đó cũng ra quyết định thu hồi với cùng một lý do: Chưa phải thời điểm thích hợp!

Ngô Xuân Hội | Báo Văn nghệ

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Ra mắt bộ sách " Hồ sơ lửa" gồm 6 tập của nhà văn Lại Văn Long. Nhà văn Lại Văn Long: Ngàn trang tiểu thuyết viết tay Vụn vỡ và long lanh Ra mắt "Cõi xưa", "Minh Chuyên – Cây bút hậu chiến" của tác giả Nguyễn Công Nghiệp Gương mặt mấy nhà Văn - Nghệ
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.