Tôi nhớ đã lâu rồi, khoảng những năm 2003-2004 gì đó, tuần báo Văn nghệ có một chuyến đi về xứ Huế. Đêm đó chúng tôi ngồi trên con thuyền thơ trôi dọc theo sông Hương, lắng trong câu hò xứ Huế: Đò từ Hương Giang đò qua đập đá/ Đò về Vĩ Dạ thẳng ngã ba Sình/ Nơi đây là chỗ rẽ của tình... ơ... Cứ như thế chúng tôi mê đắm trong câu hò xứ Huế. Và tôi, vì mê đắm những câu hò xứ Huế, bỗng nhiên có một nhu cầu muốn những nghệ nhân xứ Huế hò mấy câu ca dao đang thôi thúc trong nỗi nhớ của mình: Chim xa bầy thương cây nhớ cội/ Người xa người tội lắm người ơi/ Thà rằng chẳng biết thì thôi/ Biết ra mỗi đứa một nơi thêm buồn...
Khi tôi đưa câu hát, không ngờ những cô gái sông Hương như nhập đồng và đã đưa vào đó những giọng hò Huế rất say sưa, làm cho cả đoàn báo Văn nghệ chúng tôi thêm ngây ngất.
|
Ấn tượng những câu hò xứ Huế cứ như thế ám ảnh và chiếm lĩnh tình cảm của tôi với xứ Huế. Mà không chỉ có thế! Nghĩ về Huế, yêu Huế còn là những gì rất sâu đậm của một nền văn hóa uyên thâm, nơi nuôi dưỡng nhiều văn nhân tài ba nổi tiếng.
Khung cảnh của sông nước - sông Hương, núi Ngự; của chùa chiền, đền đài thành quách của cố đô Huế qua bao triều đại. Huế yêu thương, Huế kiên cường trong những cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước của toàn dân tộc. Tôi cũng không biết đã yêu thế tự bao giờ với những người bạn thơ xứ Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh... Và tôi yêu Huế một phần là tôi có chị - chị Ngọc Trai - Tôn Nữ Ngọc Trai - nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai.
Mới đây chị vừa cho ra mắt cuốn hồi kí O tôn nữ Huế tha hương được xuất bản năm 2023 khi chị vừa 90 tuổi.
90 tuổi, một chặng đường đáng nể của một con người. Ngồi bên chị, chị vẫn mạnh khỏe, vẫn minh mẫn và luôn vui vẻ hồ hởi. Nụ cười hiền nhưng luôn tươi tắn thường trực trên khuôn mặt sáng ngời. Rồi cứ như thế, chị đưa tôi về ký ức với Huế, với quê hương của chị. Vẫn giọng nói Huế nhẹ nhàng, êm dịu thân thương, từng chặng đường của cuộc đời đang lướt qua ký ức của chị.
Chị đã có một cuộc đời thật đáng tự hào của một người con xứ Huế!
Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình quan lại phong kiến cao cấp. Cha chị là cụ Tôn Thất Đàn, từng giữ chức Bố chánh Nghệ An, được vua khen là phên dậu của quốc gia, dân tình hòa hợp. Sau cụ Tôn Thất Đàn được cử làm Tổng đốc Nghệ An, Thượng thư Bộ hình. Năm 1932, Bảo Đại phế truất các cụ viện cơ mật thuộc phái thủ cựu, trong đó có cụ để thành lập nội các mới thân Pháp. Việc bãi bỏ đột ngột một lúc năm đại thần viện cơ mật gây sốc trong dư luận quần chúng nhân dân. Bốn năm sau, năm 1936, cụ ốm rồi ra đi khi 66 tuổi.
Chị Ngọc Trai mồ côi cha khi mới 3 tuổi. Nhưng người giữ lại nền nếp gia phong của gia đình chính là mẹ chị. Chính mẹ đã là một nguồn ảnh hưởng lớn nuôi dưỡng chị lớn lên và trưởng thành. Tôi đồ rằng tất cả những phẩm chất tốt đẹp của chị như nền nếp gia phong, nhẹ nhàng dịu dàng, kiên trì bền bỉ, miệt mài phấn đấu, bao dung độ lượng và giàu đức hy sinh.... có được là do sự vun đắp và ảnh hưởng từ người mẹ. Có một lần chị tâm sự khi xây dựng Trung tâm giúp đỡ người cao tuổi, chị luôn luôn nghĩ đến mẹ. Chị ảnh hưởng từ mẹ một phẩm chất tuyệt đẹp đó là: cho đi là còn lại!
Chị Ngọc Trai sinh ra và lớn lên tại làng cổ Lại Thế, thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, nhà chị cách trung tâm Huế 3km.
Tuổi thơ của chị gắn bó với sông Hương, với núi Ngự, hằng ngày đi học qua thôn Vĩ Dạ... Những cái tên của miền đất Huế thân thương đã gắn với các tác phẩm văn học của các nhà văn nhà thơ nổi tiếng.
Vốn hiếu động và mạnh dạn, ngay khi còn học ở trường Đồng Khánh, chị đã tham gia vào các hoạt động yêu nước của một người thiếu niên mới lớn. Chị tham gia các hoạt động kháng chiến bí mật trong lòng Huế bị Pháp chiếm đóng, thăm nuôi bạn tù và tổ chức vượt ngục cho bạn bị tù đày.
Cũng phải nói thêm rằng mặc dù là con cái của gia đình quan lại, nhưng chị đã được các anh các chị trong gia đình trong dòng tộc giác ngộ để đến với cách mạng. Tuổi thanh niên sôi nổi chị tham gia vào các hoạt động bí mật bãi thị, bãi công, rải truyền đơn rồi làm liên lạc... cũng đã bị địch bắt rồi may được thả ra (do người của ta cài vào trong hàng ngũ địch bày cách nên trốn ra được).
Gia đình chị Ngọc Trai có đến 16 anh em (cụ Tôn Thất Đàn có đến 4 người vợ) 7 trai và 9 gái. Mặc dù là gia đình phong kiến kỳ cựu nhưng các con trai và gái trong gia đình đều được bình đẳng. Gia đình không phân biệt con của bà vợ nào, hễ ai được sinh ra trước là anh là chị, còn sinh ra sau là em. Sự bình đẳng ấy đem lại hoà khí và nếp sống tôn ti của dòng họ, cho nên mặc dù là con gái, mặc dù cha chị mất khi chị mới 3 tuổi nhưng chị đã được quan tâm với một tinh thần giáo huấn công bằng đó và chị cũng như những anh chị em trong dòng họ, luôn luôn được quan tâm tới việc rèn luyện học hành phấn đấu vươn lên.
Không thể không nhắc lại một câu chuyện về người mẹ yêu quý của chị đã quan tâm tới việc học hành của các con đến như thế nào. Do chị tham gia hoạt động bí mật và bị lộ nên chị đã không được nhận vào học trong các trường của thành Huế. Tổ chức tạo điều kiện và muốn cho chị và em trai lên chiến khu Việt Bắc để theo học, lúc ấy chị mới 17 tuổi, em trai chị 14 tuổi. Mẹ chị không yên tâm để hai con ra đi, mẹ đã bỏ tất cả lại cuộc sống an nhàn của một mệnh phụ phu nhân (mặc dù lúc này cụ Tôn Thất Đản đã mất), bà đã đi theo hai con với một niềm tin cách mạng sẽ đem lại cho các con một tương lai mới thoát ách kìm kẹp của thực dân Pháp.
Sau chặng đường 1000 cây số từ Huế đến chiến khu Việt Bắc đi bộ ròng rã 6 tháng trời, bà mẹ đã cùng hai con lên đến chiến khu, và từ đó được tổ chức cho hai con sang khu học xá Trung Quốc học tập.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai và nhà thơ Đỗ Bạch Mai |
Chị kể lại: sau khi học ở khu học xá về, chị dạy học, rồi làm giáo vụ trường Đại học Tổng hợp. Quãng thời gian sau đó, chị phấn đấu vươn lên trong công việc với một nghị lực đáng kinh ngạc và một tấm lòng trong sáng. Và dù ở cương vị nào, chị cũng làm hết sức mình. Tôi chỉ xin kể lại một vài việc chị đã làm và làm được:
- Khi làm ở tiểu ban Văn nghệ giải phóng, do không được đi B vì lý lịch, chị đã hết mình giới thiệu bài vở của các cây bút từ miền Nam gửi ra, rồi viết bài giới thiệu... Những năm chống Mỹ, chúng ta được làm quen với các tên tuổi của các nhà văn nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Giang Nam, Thanh Hải, Nguyên Ngọc… là do công lao đóng góp kịp thời của chị.
- Sau này khi về báo Văn nghệ với nhiệm vụ của một Trưởng ban Lý luận Phê bình, rồi sau là Phó Tổng biên tập, chị tả xung hữu đột. Nơi nào có khó khăn là Tổng biên tập Nguyên Ngọc điều chị đi giải quyết. Còn nhớ, những năm đổi mới, khi xuất hiện những bài bút ký Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc và Thủ tục làm người còn sống của Minh Chuyên, chị đã phải lặn lội về Thanh Hóa, về Thái Bình gặp các cấp lãnh đạo để bảo vệ các tác giả viết bài...
Không khí đổi mới đã xộc vào tận các toà soạn báo - mặc dù là Phó Tổng biên tập nhưng chị kiêm luôn cả Trưởng ban Bạn đọc. Chị theo dõi từng bức thư của bạn đọc để tham gia vào những cuộc trao đổi của bạn đọc gần xa trong không khí đổi mới.
Những ngày làm báo Văn nghệ, chị còn đeo đuổi một đam mê của mình đó là viết các bài phê bình văn học, viết các bài về chân dung các nhà văn. Nhìn vào số lượng chị viết không nhiều, nhưng khi đã viết về người nào, bao giờ chị cũng viết hết lòng, bao giờ chị cũng đi tới cùng cảm xúc. Khi chị viết về Hoàng Phủ Ngọc Tường, người ta thấy rất nhiều “ánh lửa” trong tâm hồn của anh. Khi viết về Nguyễn Minh Châu, chị đã làm cho mọi người hiểu được rằng ngòi bút của Nguyễn Minh Châu là một sự khám phá về con người Việt Nam. Khi bàn về Nguyễn Quang Sáng chị làm cho người đọc hiểu được một Nguyễn Quang Sáng trữ tình nhẹ nhàng, một Nguyễn Quang Sáng giàu cảm xúc yêu thương...
Nghĩ về những trang viết của chị Ngọc Trai, tôi rất tâm đắc với lời nhận xét của nhà phê bình Vương Trí Nhàn: “Chị lúc nào cũng chỉ muốn đứng đằng sau, không muốn ló mặt ra...” Tôi nghĩ đó chính là một phẩm chất nên có ở người làm công tác phê bình.
Trong cuộc đời văn chương của mình, chị đã dành nhiều tâm huyết để thu thập tài liệu nghiên cứu về nhà văn Nguyễn Tuân. Khi tôi hỏi chị lý do, chị tâm sự: “Trước đây mình đã mê văn Nguyễn Tuân, vì những điều ông viết rất gần gũi với Huế, với gia đình mình. Lúc học khoa Văn Đại học Tổng hợp mình đến xin hỏi ông để làm luận văn tốt nghiệp về Nguyễn Tuân, ông cười bảo: ‘Cô chọn người khác mà làm, viết về tôi là trượt tốt nghiệp đấy!’ Nhưng mình vẫn thích tìm hiểu về Nguyễn Tuân và muốn viết về ông.”
Tôi hiểu rằng chị đã yêu quý và kính trọng nhà văn Nguyễn Tuân đến nhường nào. Khi đọc những tác phẩm của chị viết về Nguyễn Tuân tôi rất thích thú và cảm động. Những dòng chữ chị viết về Nguyễn Tuân không hề đánh bóng tô hồng, nó là những ghi chép chân thành và cảm động để cho chúng ta hiểu rõ một Nguyễn Tuân của đời thường, một Nguyễn Tuân bằng xương bằng thịt, một Nguyễn Tuân tài hoa, hài hước, thông minh, hóm hỉnh, một Nguyễn Tuân trong sáng, yêu ghét phân minh.
Viết đến đây tôi lại lần nữa nhớ tới nhận định của nhà nghiên cứu phê bình Vương Trí Nhàn: “Dù có bao nhiêu nhà nghiên cứu đổ công sức tìm hiểu về cụ Nguyễn, dù có bao nhiêu luận văn tiến sĩ, thạc sĩ viết về cụ Nguyễn tiếp tục ra đời, thì một công trình mang tên Trò chuyện với Nguyễn Tuân mà Ngọc Trai ấp ủ cũng sẽ không gì thay thế được.”
Trước khi về hưu, chị chuyển sang làm Phó Giám đốc Quỹ văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Dù ở cương vị nào chị cũng say mê hết lòng, tận tuỵ với công việc.
Khi về hưu, chị vẫn nung nấu làm một công việc gì đấy có ích cho mọi người, cho cộng đồng. Lúc đầu chị nghĩ đến thiếu nhi, những em bé lang thang ngoài đường. Chị tham gia thành lập Tổ bán báo xa mẹ. Nhưng phải đến sau khi gặp ông Phạm Khuê, giáo sư, bác sĩ, Viện trưởng Viện Lão khoa tư vấn, chị nhận thấy vấn đề những người già trong xã hội là một vấn đề lớn. Những người già sống khổ sở, những người già sống cô đơn bị bạc bẽo, bị lãng quên. Thế là chị hợp tác cùng mọi người thành lập Trung tâm nghiên cứu trợ giúp người cao tuổi.
Có lẽ đây là giai đoạn chị đã toại nguyện, chị đã đi khắp nơi từ trong nước đến nước ngoài và đã làm được rất nhiều việc. 5 năm đầu tiên chị đã nhờ sự hỗ trợ của trong và ngoài nước tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, liên lạc với các bộ cơ sở mở nhiều lớp tập huấn ở các tỉnh và trung ương để chăm sóc người già. Chị đã mời được nhiều bác sĩ, nhà nghiên cứu, nhà quản lý xã hội... làm cộng tác viên tham gia vào các hoạt động của trung tâm.
Khi tôi hỏi “Chị lấy kinh phí đâu để đầu tư?”, chị cười nói “Mình có Quán Huế!”
Đúng là chị Ngọc Trai còn nổi tiếng về quán ăn Huế của chị ở số 6 Lý Thường Kiệt. Ban đầu chị mở quán vì kinh tế gia đình khó khăn, các con đang đi học, còn anh Hồng Phong chồng chị lại đang ốm nặng, phải có tiền để giúp đỡ gia đình, phải tự cứu mình trong lúc khó khăn. Chị vốn là người khéo tay, lớn lên trong một gia đình xứ Huế, được mẹ “rèn luyện” bài bản về ẩm thực, thế là “liều” mở Quán Huế. Không ngờ làm ăn được. Nhờ có Quán Huế, chị có thêm tiền để hỗ trợ cho trung tâm hoạt động. Nhờ có Quán Huế chị có kinh tế để đi Pháp, đi Đức, đi Hàn Quốc... học tập tìm hiểu cách làm để trợ giúp người cao tuổi. Trung tâm của chị hoạt động ngày càng có hiệu quả. Các tổ chức quốc tế đã mời trung tâm chị không chỉ một lần mà nhiều lần tham gia diễn đàn quốc tế.
Năm 2005, diễn đàn người cao tuổi ở Liên hợp quốc đã mời 4 đại biểu ở 4 châu lục tham dự để giới thiệu về các hoạt động trợ giúp người cao tuổi của tổ chức mình và đề xuất kiến nghị, chị được mời thay mặt cho người cao tuổi châu Á. Chính phủ Hàn Quốc đã có một dự án cho hoạt động giúp đỡ người cao tuổi trong 10 năm, từ năm 2002 dành cho khu vực ASEAN, trung tâm của chị Ngọc Trai được chọn thực hiện dự án tại Việt Nam.
Đến bây giờ khi đã 90 tuổi, chị vẫn giữ cho mình một phong thái vui vẻ và hồ hởi. Chị vẫn lo cho trung tâm. Do tuổi cao và vì sức khoẻ, chị đã chọn và mời được người xứng đáng thay chị chỉ đạo trung tâm, chị vẫn canh cánh bên lòng nghĩ đến những người già ốm đau, những người già cô đơn.
Tôi hiểu chị đã tìm thấy niềm vui của mình trong các hoạt động vì mọi người. Chị thật sự là một nhân vật vì cộng đồng, một con người sống vì cộng đồng.
Khi tôi viết những dòng này về chị, chị đã bước sang tuổi 91, chị ngồi đây, mái tóc bạc trắng xóa với nụ cười vẫn luôn tươi rói, vẫn giọng Huế hồ hởi mà dịu nhẹ thân thương. Lại nhớ chị tâm sự: “Huế quê mình là nơi đi để nhớ, ở để thương... Không thương răng được...”
Chị đã viết O tôn nữ Huế tha hương để gửi gắm bao nỗi niềm tâm sự của một người con xứ Huế, yêu biết bao và đẹp biết bao. Và tôi, tôi vẫn không quên được hình ảnh con đò thơ xuôi dòng sông Hương với những câu hò Huế vang lên làm ta ngây ngất: Đò từ Hương Giang đò qua đập đá/ Đò về Vĩ Dạ thẳng ngã ba Sình/ Nơi đây là chỗ rẽ của tình... ơ...
Chẳng biết từ bao giờ tôi đã mê và yêu xứ Huế của một chị Ngọc Trai thân thương và yêu lắm người con xứ Huế - là chị!
Đỗ Bạch Mai | Báo Văn nghệ
----
Bài viết cùng chuyên mục: