Diễn đàn lý luận

Về nơi mây trắng ngàn năm...

Đặng Huy Giang
Lý luận phê bình
08:00 | 11/09/2024
Baovannghe.vn - “Gọi nắng” là tập thơ thứ 6, cũng là tập thơ mới nhất của nhà thơ Dương Văn Lượng, sau những “Khoảng lặng”, “Miền ký ức”, “Hoa sóng”, “Tự thức”
aa
Về nơi mây trắng ngàn năm...
Nhà thơ Dương Văn Lượ

“Gọi nắng” là tập thơ thứ 6 của nhà thơ Dương Văn Lượng, sau những “Khoảng lặng”, “Miền ký ức”, “Hoa sóng”, “Tự thức”, “Qua miền tối sáng”. Để thấy sức viết đáng kể và đáng nể của nhà thơ người Hà Nội gốc Quảng Bình này. Đấy là về mặt số lượng, còn về mặt chất lượng, thì sao? Có thể nói, Dương Văn Lượng đã tạo nên một thứ “ánh sáng chậm” khác lạ trong thơ, như cách nói của một nhà thơ nổi tiếng người Bun-ga-ri mà tiếc tôi không còn nhớ tên. Và Dương Văn Lượng đã góp phần khẳng định: Đến với thơ không bao giờ chậm và không bao giờ muộn cả.

“Gọi nắng” có nhiều bài thơ nói về thơ và những gì liên quan đến thơ, thật thấu tình, đạt lý bằng thơ. Dương Văn Lượng quan niệm: Thơ phải tự “tìm lối đi”, phải “đánh thức bản năng người”, “trước linh thiêng ngôi đền thi ca/ thần sáng tạo gọi tên bình đẳng”, tác giả phải “né sang bên/ để người đọc đi tiếp”(Lối, Tự biết, Vịn, Trả lời bạn thơ) và thơ viết không phải chỉ để cho người viết, cho một người: “Có biết đâu khi tôi viết cho tôi/ Cũng là lúc tôi viết cho người khác” (Viết cho người khác). Còn một khi đã làm thơ, đã hết lòng với nghiệp thơ thì cũng chẳng khác nào “Thân đã tằm sao thoát vương tơ” (Thi nhân). Như vậy, thơ phải làm gì, nhà thơ phải làm gì, và nhà thơ là ai, thiên chức của nhà thơ là gì, thân phận nhà thơ thế nào… đã được trả lời rất cô đọng, tối giản trong thơ.

Vẫn tiếp tục cái mạch ấy, “Về phía nỗi đau” là một tứ thơ hay với nhiều câu thơ hay. Sau xuất phát của những gì rất thực chứng, mang giá trị thực chứng, tứ thơ được khái quát, được dồn nén lại ở 4 câu: “Những dòng người bỏ quê lên phố/ Giấc đổi đời trằn trọc đêm đêm/ Sấp ngửa chợ người bạc mặt mưa nắng/ Kiếp nửa làng nửa phố bấp bênh” và kết ở hai câu thật đắt:

Câu thơ tôi vương mùi trần tục

Lặng về phía nỗi đau không tên.

Chỉ là người đau đáu về kiếp người, đau đáu trước thời cuộc có nhiều biến động, thay đổi, mới sở hữu được những câu thơ như vậy! Đó là những câu thơ ngỡ như giản dị mà lại khó làm. “Lặng về phía nỗi đau không tên” hay hướng “về phía nỗi đau không tên”, cũng chính là cách nói, cách nghĩ thật nhân bản mà người phương Tây từng nói: “Tôi đứng về phe nước mắt”.

“Rêu” cũng là một tứ thơ nổi bật, đầy hàm ý, có màu sắc cập nhật, cũng rất đời sống, được thể hiện qua những câu thơ đọc lên không dễ quên:

Thế thái nhân tình đổi thay chóng mặt

Lòng người khúc khuất đa chiều

Chợ trời trắng đen sấp ngửa

Ta bỗng thành hòn đá

Lăn phía nào cũng rêu…

Riêng hai câu: “Ta bỗng thành hòn đá/ Lăn phía nào cũng rêu” là một đơn vị thơ cũng thật hay.

Nỗi đau đáu về kiếp người, đau đáu trước thời cuộc có nhiều biến động, thay đổi còn được nối dài ở hai câu trong “Những hàng bia tiến sĩ”, “Ai hay buổi kim tiền sấp ngửa/ Bia đá ông nghè cũng mặt chau”. Rồi nhờ “Soi trong gương rạn/ Thấy đời hiện sinh” (Hiện sinh), rồi bởi “Phần mờ phần tỏ/ Phần cũng tại góc nhìn” (Đón cháu) cộng với chứng kiến lẫn trải nghiệm cá nhân mà Dương Văn Lượng nhận ra một cách hết sức sâu sắc, gẫy gọn và sáng tỏ: “Mỗi bước nhân loại lên bậc thang văn minh/ Không tẩy hết vết bùn đạo đức”.

Về nơi mây trắng ngàn năm...
Một số tập thơ của Dương Văn Lượng

Bên cạnh những câu thơ khúc chiết với nhiều ngẫm ngợi, gợi mở trên, ta còn bắt gặp ở Dương Văn Lượng một phẩm chất thi sĩ, qua cái nhìn say cháy của một thi nhân. Có lẽ ít có người nhìn ra được vẻ đẹp vốn rất bình dị mà sống động, lại rất nên thơ ở một bản làng của một tỉnh miền núi như Dương Văn Lượng. Chỉ nhìn “Em gái bản/ Rải tóc mình ra phơi” mà Dương Văn Lượng cảm và thấy: “Suối đột nhiên ngừng chảy/ Mây đột nhiên ngừng trôi/ Đàn bướm thôi bay lượn/ Hoa cúi mặt không cười/ Con chim rừng quên hót/ Lá bên rừng kém tươi…” Rồi trong một chuyến tàu đêm thôi, ôm bó hoa tặng trong tay, Dương Văn Lượng thấy nhớ người tặng hoa và trong lòng ông hốt nhiên bật ra câu hỏi: Về đâu và những câu thơ nặng trĩu và da diết ân tình: “Nhìn hoa/ hoa vẫn còn tươi/ Còi đêm/ tàu chạy nhớ người tặng hoa/ Cuộc đời là mấy sân ga/ niềm riêng một khúc biết là về đâu/ Tình như nước quyện chân cầu…”

Cách nay đã lâu, trong “Tặng người sinh sau”, nhà thơ lớn người Đức Bectol Brecht khẳng định: “Người bạn sau cùng/ Ngồi đối mặt với chúng ta/ Là Hư Vô. Nhiều năm sau Bectol Brecht, Dương Văn Lượng viết trong “Trở lại Tràng An”:

Giữa mênh mông sông núi đất trời

Ta muốn hỏi vô cùng vô tận

Ta là ai

Ta từ đâu đến

Ta về đâu trong cõi vô thường?

Nêu thế để thấy những câu hỏi trên, tuy vẫn là những câu hỏi muôn thuở, nhưng vẫn còn nguyên giá trị, vẫn mới, nếu như con người vẫn muốn đi tìm ý nghĩa đích thực của đời sống và đích thực lẽ làm người.

Đặng Huy Giang | Báo Văn nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Xóm Hà Tiên: Đông Hồ - Mộng Tuyết Gương mặt mấy nhà Văn - Nghệ Như những ngọn gió sang thu Bài thơ "Chiếc lá vàng rơi" của Trương Vạn Thành Thơ lục bát bốn câu của Vũ Công Đoàn tuôn chảy những say đắm và kiêu sa
Diện mạo của Nghệ thuật đương đại qua "Nhìn lại, tiến bước"

Diện mạo của Nghệ thuật đương đại qua "Nhìn lại, tiến bước"

Baovannghe.vn - Chương trình thảo luận để đưa ra một cái nhìn toàn diện về nghệ thuật đương đại mang tên "Nhìn lại, tiến bước", sẽ diễn ra tối 15/5 tại Viện Goethe Hà Nội. Tại thảo luận, một số ấn phẩm tiêu biểu sẽ được giới thiệu đến đại biểu, công chúng quan tâm dự sự kiện.
"Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình"

"Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình"

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình". Bài viết nhấn mạnh, thể chế, pháp luật có chất lượng, phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của mỗi quốc gia.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 5/5/2025

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 5/5/2025

Baovannghe.vn - Chiều 4/5, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo thông tin về kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo.
Mùi hương kí ức

Mùi hương kí ức

Baovannghe.vn - Nhà tôi nằm sâu trong một con hẻm nhỏ của thành phố. Một căn nhà tường nhỏ, không gác lửng, không lầu... Gia đình tôi cũng là một gia đình công chức bình thường như nhiều gia đình khác trong khu phố này.
Thành cổ Quảng Trị - Thơ Nguyễn Việt Chiến

Thành cổ Quảng Trị - Thơ Nguyễn Việt Chiến

Baovannghe.vn- Các anh đã hoá Thành cổ/ Nửa thế kỷ rồi