Một trong những câu chuyện cảm động nhất về những người đọc sách: đoàn thám hiểm của Ngài Robert Falcon Scott đi thám hiểm Nam cực mà vẫn mang theo những cuốn sách dày cộp, nào là toàn tập 5 cuốn về những chiến dịch của Napoleon ở bán đảo Iberia của Charles James Napier, nào là những tập thơ của Tennyson, nào là một cuốn tiểu thuyết kinh điển về đời sống của một gia đình ở nông thôn, The Vicar of Wakefield để đọc trong những giờ rảnh rỗi.
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn: ABC News |
Tôi luôn rất thích câu hỏi: nếu bước vào một chuyến du hành hiểm trở không hẹn ngày về, ta sẽ mang gì theo mình? Chưa kịp nghĩ về những vật dụng có giá trị sinh tồn, tôi đã nghĩ đến việc phải mang sách. Nếu đằng nào cũng phải chịu đày ải, chi bằng được chịu đày ải với một vài cuốn sách ở bên. Sách luôn là thứ đầu tiên trong mọi quy hoạch đời sống của tôi - lần đầu tiên sống một mình, phòng đọc sách nên thiết kế sao đây, và rồi có phòng đọc sách rồi thì sách vẫn vung vãi trên sàn, trên ghế, trên giường, trong… toilet; chuẩn bị hành lý đi chơi hai tuần, mang bao nhiêu cuốn sách cho vừa, chỉ có hai mốt cân hành lý thôi đấy, nhưng có khi tới năm-bảy cân sách. Trên thế giới và ở nước ta đều có ngày đọc sách, nhưng ba trăm sáu lăm ngày với tôi không có ngày nào không là ngày sách.
Có độc giả từng bảo thẳng tôi rằng: nhà văn đọc nhiều tất nhiên là tốt, nhưng đọc nhiều đâm trích nhiều, trích thì là văn người, nào phải văn mình, như thế thì không nguyên bản, không độc đáo. Tôi chỉ cười, vậy bạn hãy nói thế với Kawabata Yasunari, cả diễn từ Nobel của ông toàn trích những văn nhân thi nhân đi trước cả. Thậm chí, có người hỏi xin chữ ông, ông cũng chẳng thèm lấy lời mình viết mà chép tặng họ, ông… lấy luôn lời của thiền sư Cuồng Vân: “Phật giới nhập dị/ Ma giới nhập nan”. Mà có riêng gì Kawabata, đọc diễn từ các nhà văn Nobel, gần như không thấy ai là không trích những người khác, thậm chí, trích điên cuồng. Ōe Kenzaburō, vừa vào câu đầu đã nhắc đến ngay thời tuổi thơ sống trong thung lũng Shikoku, có hai cuốn sách ông thực sự yêu thích: Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn và Những cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils. Một câu trong cuốn truyện về Nils, rằng: “je suis de nouveau un homme” (con sẽ lại làm người) đã ở lại với ông mãi mãi, trở thành một phần văn chương ông, với những tác phẩm từ chính đứa con bị dị tật bẩm sinh của mình. Ông cũng đâu ngần ngại thừa nhận, tựa đề bài diễn từ của mình lấy cảm hứng từ chính tựa đề bài diễn từ của Kawabata; và ông cũng “mắc nợ” thi sĩ người Ireland, William Butler Yeats tựa đề một tiểu thuyết ông coi là đỉnh cao văn nghiệp của mình.
“Mắc nợ”. Chính xác là từ ấy. Tôi chưa thể nhớ ra có nhà văn nghiêm túc nào lại không “mắc nợ” bất cứ ai đã đi trước mình. Đến cả James Joyce còn mắc nợ Homer đấy thôi? Nguyễn Du cũng mắc nợ Thanh Tâm Tài Nhân. Một người bạn văn thân thiết của tôi còn phát hiện ra, Borges “mượn” nguyên một truyện của Liệt Tử - ai dám nói Borges không độc đáo hay không nguyên bản? Xin thưa, tôi còn chẳng tìm ra ai nguyên bản hơn hay độc đáo hơn Borges trong thế kỷ 20. Nếu các văn hào lớn còn như vậy, tôi là ai mà nghĩ rằng mình không nên mắc nợ bất cứ văn sĩ nào? Một nhà văn dám tuyên bố tôi chẳng “mắc nợ” bất cứ ai thậm chí còn đáng nghi ngờ là khác. Nói mình không “mắc nợ” là một sự ngạo mạn. Ở đâu nợ là không tốt, chứ trong văn chương, nợ là một điều tốt.
Adam Zagajewski, trong một tiểu luận ở tập A Defense of Ardor, khuyên những nhà thơ trẻ: “Cứ đọc loạn xạ lên!” Để lấy ví dụ, ông gỡ tung cái vali sách mang theo tới Thuỵ Sĩ với đủ thứ hầm bà lằng sách vở. Mà đừng chỉ có đọc thơ, ông khuyên thế. Với ông, làm nhà thơ mà chỉ đọc mỗi thơ thì cũng y hệt như một nhà thiên văn học trẻ chỉ đọc sách thiên văn học, một sinh viên sinh vật học chỉ đọc sách sinh vật, hay một vận động viên chỉ đọc mục thể thao trên báo chí. “Chẳng có gì sai lầm nghiêm trọng trong việc chỉ đọc “mỗi” thơ - vậy nhưng đã lửng lơ một cái bóng của sự chuyên nghiệp hoá quá sớm phía trên thực hành ấy. Một cái bóng của sự nông cạn.” Vì thế, phải đọc hết, phải đọc tất, đọc điên đảo, đọc không tha một tài liệu nào, phải đọc “cho sự hỗn loạn ngọt ngào trong cái đầu đáng yêu của bạn”.
Nếu như sợ rằng đọc nhiều thứ hỗn tạp quá đâm tẩu hoả nhập ma, thì đừng lo lắng gì cả, vì… đấy chính là mục tiêu. Bạn sợ rằng mình đang đọc nhiều quá ư? Không sao cả, Adam Zagajewski còn tự nhận bản thân là “một độc giả loạn thần”.
Quay lại câu chuyện về Robert Falcon Scott mà tôi yêu thích. Kết cục của câu chuyện ấy chẳng hề có hậu: Những quý ngài lãng mạn cuối cùng bỏ mạng vì đã cạn kiệt thức ăn mà vẫn còn cố kéo lê theo mình một bao tải hoá thạch cuối kỷ Paleozoi. Cùng thời điểm ấy, một nhà thám hiểm khác là Roald Amundsen thám hiểm Nam Cực thành công. Amundsen và những cộng sự của mình, tất nhiên chẳng mang theo hành lý là sách, và cũng chẳng cố mang vác về những bao tải hoá thạch nặng trình trịch. Bạn có nghĩ rằng có sự liên kết giữa hai hành động ấy không? Rằng chỉ có những kẻ điên rồ tới mức tha lôi một loạt sách vở theo một chuyến hành trình năm ăn năm thua như thế, mới có thể tiếp tục điên rồ tới độ thu thập những mẫu hoá thạch bất chấp đến thức ăn cũng chẳng còn. Đó là điều ngớ ngẩn mà chỉ có thể đến từ những kẻ lậm chữ nghĩa, lậm sách vở, lậm tri thức. Và người ta có thể bảo rằng, chết như vậy chẳng đáng. Nhưng trên đời này còn có những cái chết vớ vẩn hơn nhiều: chết vì những chủ nghĩa, chết vì tiền, chết vì quyền lực. So ra, chết vì tri thức, cũng đâu đến nỗi nào.