Sáng tác

Của gia bảo. Truyện ngắn của Nguyễn Tiến Hóa

Nguyễn Tiến Hóa
Truyện
13:53 | 11/02/2025
Baovannghe.vn- Chiều Matxcova hoàng hôn bảng lảng, tấm thảm vàng bất tận lá phong trải kín mặt đường. Vừa đi nghỉ ở miền Nam về, xách một cân vopla (cá khô) Actrakhan cùng một can bia, tôi rảo chân sáo đến ông.
aa
Của gia bảo. Truyện ngắn của Nguyễn Tiến Hóa
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

1

Trông thấy Kolia ôm mặt tức tưởi, tôi choáng choàng lao tới:

- Cậu sao thế?

- Bố tao mất rồi.

Bàng hoàng xa xẩm tôi không tin nổi một sự thật, dù đó là sự thật 100%. Mới cách nay một tháng tôi còn được ngồi nhâm nhi với ông, chẳng ngờ lần ấy là lần cuối. Hôm ấy, chiều Matxcova hoàng hôn bảng lảng, tấm thảm vàng bất tận lá phong trải kín mặt đường. Vừa đi nghỉ ở miền Nam về, xách một cân vopla (cá khô) Actrakhan cùng một can bia, tôi rảo chân sáo đến ông. Thứ cá này đặc sản miền Nam, người Nga rất thích nhâm nhi chúng với bia hơi. Hồi bọn tôi mới sang, thấy người Nga ăn cá khô như rau ghém, tò mò ăn thử, nhiều đứa không chịu được, nôn ọe vì mùi. Nhưng dần thành quen, thấy ngon, thậm chí còn nghiện nữa. Cá khô được bóc vẩy còn láng dầu thuộc loại cá đầu bảng, ngon tuyệt. Thịt cá xé miếng nhỏ như đầu đũa nhắm với bia thì không gì bằng. Hết thịt tìm đến đầu cá và bong bóng. Đôi khi chỉ một cái đầu, một cái bong bóng hơ qua lửa cũng làm mồi cho cuộc nhậu tiếp tục. Tôi rót bia, mời hai bố con cụng ly. Quan sát thấy Kolia dửng dưng chỉ uống mà không ăn, thấy lạ tôi liền hỏi:

- Cậu chê cá à?

- Đâu có

- Sao không thấy ăn?

- Tao định để phần cho con tao một chút, đã lâu lắm rồi nó không biết cá vopla là gì!

Nghe xong trố mắt, tôi lấy luôn hai con cá to nhất đưa cho Kolia và nói: Đây là phần của ông cùng cháu còn lại là phần của chúng ta. Kolia rất cảm động. Lần ấy, bác Mikhain, bố Kolia mang Album ảnh gia đình cho tôi xem. Bác chỉ từng tấm ảnh- những đồng đội của bác- khi họ tham gia phòng tuyến bảo vệ Matxcova. Bác thở dài nhìn tấm ảnh xạm đen, vì khói lửa, mắt bác dõi nhìn về hướng xa xăm. Một địa danh chỉ cách Matxcova chừng ba mươi cây số vào năm 1941.

2

Kolia là bạn học “ba cùng” với tôi - cùng ngành, cùng khoa, cùng phòng- ở trường Bách khoa, bạn kiểu “con chấy cắn đôi”. Tôi đã về quê Kolia lúc anh nó cưới vợ. Đám cưới tổ chức rình rang mấy ngày liền, rượu bia hàng thùng, đổ ra như suối. Đàn ông say, đàn bà say, ai đến đây cũng say. Người Việt khi tới điểm say thì dừng, nhưng người Nga thì là điểm bắt đầu. Và người ta uống như uống nước, thậm chí còn nhiều hơn cả nước. Chú rể và cô dâu cũng say. Chú rể kéo tôi đến nói nhỏ: “Vợ tao nó thích mày lắm, mày nhảy với nó đi”. “Cảm ơn anh, người Á Đông không làm thế được” Nhưng anh ta không chịu cứ bắt tôi nhảy với vợ anh. Chị chìa tay kéo tôi ra sàn. Không thể thoái thác, tôi đành phải chiều vợ chồng anh. Khi bài nhảy sắp kết thúc, trong không gian mờ ảo, đặc quánh, chị ấy cong lên như tôm càng, ôm ghì lấy tôi xiết chặt vào vòng một, vòng ba ngoại cỡ rồi đặt lên môi tôi một nụ hôn nồng nàn. Nụ hôn đầu tiên trong đời tôi. Người tôi trẹo trật, uồn oải. Tôi không hiểu, chị hôn, rượu hôn hay cả hai.

Người Nga uống rượu vào loại siêu, có thể là siêu nhất thế giới. Trong thế chiến thứ hai có người lính Hồng quân bị địch bắt. Lính Đức lấy chai rựơu nặng ép anh ta uống trong trạng thái bị bỏ đói, để hành hạ anh. Nào ngờ anh ta tu liền một hơi, ném vào không gian tiếng “hà” đục khan, làm lính Đức vãi linh hồn bái phục. Ra trường Kolia làm việc ở nhà máy chế tạo máy công cụ. Nó đã lấy vợ và có hai con một trai, một gái. Cháu trai 10 tuổi, đang học lớp 3, còn cháu gái mới được năm tháng tuổi, mẹ lại mất sữa nên phải nuôi sữa ngoài. Cả gia đình năm người đều sống bằng đồng lương của nó. Tuy có khó khăn nhưng cũng còn hơn ối nhà trong khu tập thể. Trong nhà ông chỉ treo một bức ảnh nguyên thủ đương thời. Người ông tin sẽ chèo lái con tàu “cải tổ” đến thành công, xây dựng được “chủ nghĩa xã hội đích thực”, mang lại cho đất nước sự giàu mạnh, dân chủ, công bằng, hạnh phúc, văn minh. Nhưng từ ba tháng nay hoàn cảnh nhà Kolia thay đổi đột ngột, khiến gia đình nó lâm vào thảm cảnh thiếu ăn trầm trọng, vì nhà máy ngừng sản xuất. Cả nhà chỉ trông cậy vào tiền trợ cấp tương đương 30đô-la của nó và tiền thương binh của ông. Phận sống mỏng tang, chao đảo, dật dờ. Nhưng hoàn cảnh của Kolia đâu phải hy hữu, nó đang trở thành hiện tượng phổ biến trong xã hội. Hàng loạt nhà máy, xí nghiệp đóng cửa, xã hội lâm vào cuộc tổng khủng hoảng. Tình trạng giết người cướp của, trộm cắp, trấn lột, trốn vé tàu xe xẩy ra nhan nhản. Đúng là “bần hàn sinh đạo tặc”. Kẻ gian “hỏi thăm” không trừ một ai, kể cả các gia đình cựu binh. Hôm đó nhà Kolia đi vắng chỉ có mình bác ở nhà. Kẻ gian gõ cửa mạo danh thợ nước đến kiểm tra đường ống. Hai thằng lọt được vào nhà, chúng huơ dao dọa bác: Nếu kêu sẽ cắt cổ. Biết là đụng bọn maphia bác để yên cho chúng lục soát. Lục chán không thấy gì có giá trị, một thằng sờ đến hộp đựng huân chương. Bác hét lên: “Không được lấy! Chúng mày muốn lấy gì cũng được, nhưng không được đụng đến tấm huân chương tao đã đổi bằng máu. Chúng bay mà lấy tao sẽ liều mạng”... Ông gầm lên, mắt sáng quắc vằn những tia máu, nhìn chúng như trút lửa, khiến chân tay hai thằng bủn rủn. Chúng bỏ hộp huân chương, lặng lẽ rút lui. Đó là lần thứ nhất kẻ gian muốn cướp huân chương. Chúng không thể nào hiểu được vì sao đụng đến tấm huân chương ông già lại phản ứng dữ dội như vậy. Trong khi huân chương, bằng cấp bây giờ người ta mua bán đầy rẫy ngoài chợ. Có gì là quí giá đâu? Giỏi lắm được mấy tuần sữa là cùng? Chúng làm sao hiểu được giá trị đích thực của nó, khi tấm huân chương đã được đổi bằng máu của chính bác và bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất này.

3

... Một ngày mùa Đông tuyết rơi dày đặc phủ kín hầm hào. Tuyết phủ trên cây, trên cành, trên lá, tuyết phủ cả lên quần áo mũ mão, chỗ nào hở ra là tuyết, cơ man nào là tuyết. Cả một cánh đồng mênh mông tuyết trắng. Tuyết dày tới nửa mét, nhiệt độ đột ngột xuống âm 25 độ. Thời tiết đang ủng hộ Hồng quân. Trời còn chưa sáng rõ, từng loạt đạn pháo của địch bắn xối xả vào trận địa đơn vị bác, tiếng xe tăng, máy bay địch gầm rú. Binh tình này có thể chúng sẽ phát lệnh tổng tấn công đánh chiếm Matxcova. Theo tin tình báo, nếu Đức chiếm được Matxcova thì Nhật sẽ mở mặt trận phía Đông. Cùng một lúc Hồng quân phải chống chọi với Đức phía Tây, với Nhật phía Đông thì không đủ sức. Vì vậy mất Matxcova là mất Liên Xô. Bảo vệ Matxcova là bảo vệ sự sống còn Tổ quốc. Đó là mệnh lệnh từ trái tim, là ý chí quyết tử của mọi người Xô viết. Các đơn vị tiền tiêu của địch đã tiến đến ngoại ô Matxcova, có nơi chúng chỉ cách thủ đô vài chục cây số. Trời sáng dần, Bác nhìn thấy từng đoàn lính Đức theo đội hình chiến đấu, núp sau những chiếc xe tăng tiến vào phòng tuyến Hồng quân. Lệnh phát hỏa, xe tăng của Hồng quân xuất kích nã đạn vào đội hình địch. Ba chiếc đi đầu bốc cháy. Cuộc chiến với hàng trăm xe tăng của hai bên diễn ra quyết liệt. Hàng chục xe tăng của ta và địch bốc cháy. Nhưng chúng vẫn liều mạng, cái trước cháy, cái sau vẫn lầm lũi tiến lên. Cả một vùng đồi núi rộng lớn bị xe tăng hai bên nghiền nát. Một chiếc xe tăng Đức lọt vào phòng tuyến Hồng quân. Bộ binh Đức ào ạt tiến theo. Tình hình cực kỳ nguy hiểm, phòng tuyến có thể bị chọc thủng. Trong tíc tắc một chiếc T54 bất ngờ từ đâu chồm đến lao thẳng vào hông xe địch, khiến cả hai xe lăn nhào xuống thung. Người lái xe tăng và bốn đồng đội đã anh dũng hy sinh. Người chiến sĩ ấy là người bạn thân nhất của bác - người đồng tuế, đồng ngũ - Bác Nikolai quê ở Gômen. Khi người đồng đội cảm tử vừa ngã xuống. một tiếng hô vang vọng: Hãy tử thù vì Matxcova, tất cả tiến lên. Cả đội hình chiến đấu bật dậy từ công sự, dội lửa vào quân địch. Quân Đức bị phản kích bất ngờ, hoảng loạn bỏ trận địa rút lui. Phòng tuyến của đơn vị được bảo toàn. Bộ tổng tham mưu điện khẩn khen ngợi tinh thần quả cảm chiến đấu của cán bộ chiến sĩ đơn vị, góp phần đập tan đợt tấn công chiến lược của địch, bảo vệ an toàn thủ đô. Nhưng tổn thất, mất mát thì vô cùng to lớn. Riêng đại đội bác có tới 53 người hy sinh, 40 người bị thương trong đó có bác. Chỉ có 27 người sống sót. Bác Nikolai và đồng đội được truy tặng danh hiệu anh hùng Liên Xô. Bác Mikhain được tặng thưởng huân chương “chiến thắng”. Trong trung đoàn của bác bảo vệ Matxcova có cả các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam. Một số người trong họ đã hy sinh vì mảnh đấy này. Bác lấy ra tấm huân chương “chiến thắng” do chính phủ Liên Xô trao tặng cho tôi xem. Bác bảo đây là kỷ vật vô giá bác sẽ giữ suốt đời. Kỷ vật mà bác và đồng đội đã hy sinh cho chiến thắng hôm qua. Bác bảo với con trai khi nào bác mất sẽ chôn theo mình, để được gần nó mãi mãi.

4

Cơn bão cải tổ tràn lan trên toàn lãnh thổ Liên bang như cơn sóng thần. Nó luồn vào mọi ngõ ngách, mọi phố phường, mọi gia đình, mọi số phận, làm trao đảo, rũ tung các giá trị xã hội. Đâu là lẽ phải? đâu là chân lý? Mới hôm qua điều này là tốt, ngày hôm nay đã thành điều xấu. Nguời ta chủ trương khuấy đục, rũ rối các giá trị đạo đức. Các thần tượng tôn thờ bị giật đổ chềnh ềnh trên phố. Ngày hôm qua trên báo Thanh niên Matxcơva xuất hiện một tranh áp phích miêu tả một người vác trên vai tấm biển chỉ đường bốn phương tám hướng, đoàn người đi theo như đàn cừu rồng rắn ngơ ngác?

Nhà Kolia lâm vào thảm cảnh, thỉnh thoảng tôi vẫn đến giúp tiền mua sữa cho các cháu, nhưng với giá cả điên đảo hiện nay thì sự trợ giúp của tôi cũng chỉ là muối bỏ bể. Các thứ có giá trị trong gia đình cứ lần lượt “đội nón” ra đi. Người lớn thì đã đành một nhẽ, tội nhất là cháu bé mới sinh, phải mua sữa ngoài nuôi cháu. Mỗi lần khát sữa, nó khóc ngằn ngặt, không cầm lòng được, bác Mikhain đã phải bán đến bộ quân phục cuối cùng để lấy tiền mua sữa. Trước khi bán quân phục hai tay ông run rẩy nâng nó lên ngang mặt, nhìn nó hồi lâu, ép nó vào ngực, cúi xuống hôn nó như hôn lên báu vật. Bán hết quân phục rồi, gia cảnh nhà ông còn gì để bán nữa?

Tình hình xã hội ngày càng thê thảm, người già cả phải đi xếp hàng để nhận phần cháo miễn phí của các tổ chức từ thiện. Nhiều người rủ bác đi lĩnh cháo, nhưng bác nhất quyết không đi. Ngoài chợ cóc người ta còn bán cả giày dép cũ. Ở ga tàu điện ngầm tôi đã chứng kiến một cụ bà ngoài tám mươi tay run bần bật, cầm đôi giày cũ đã há miệng mời chào, từ 6 giờ sáng lúc tôi đi qua đến 12 giờ trưa dưới nhiệt độ âm 20 mà vẫn không thấy ai mua. Lòng trắc ẩn chồi dậy, nhìn cụ già tôi đến bên biếu cụ chút tiền và bảo cụ về nhà. Cụ rưng rưng mắt: “Anh là ai? Sao anh cho tôi nhiều thế?”

Tôi với bác Mikhain có nhiều kỷ niệm đặc biệt trong đó có cuộc tao ngộ trên đường phố. Hôm ấy là ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức mồng 9 tháng 5. Ông vừa đi dự lễ từ quảng trường Đỏ trở về. Từ ga điện ngầm đi ra, bất ngờ ông bị một tên lưu manh lao đến. Ông nào có gì ngoài tấm huân chương trên ngực. Ông kêu cứu thất thanh, nhưng không ai tới giúp. Có người nhìn thấy, nhưng vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Thời buổi khó khăn nên con người trở nên vô cảm. Vừa lúc tôi đi đến, nghe tiếng la, tôi lao vào tên cướp. Bằng một miếng đá hiểm, tên cướp ôm bụng quằn quại rồi bỏ chạy. Tôi hỏi người cựu chiến binh:

- Bác có làm sao không?

- Chưa bị gì cả, Nó định cướp tấm huân chương của bác, may quá cháu đến kịp, Mà cháu có phải Hùng không? Bác hảo hển trả lời.

- Cháu là Hùng đây ạ.

- Sao bác lại nhận ra cháu?

Khi thấy cháu tung cước đá vào bụng thằng cướp, bác đoán đúng là miếng võ của Hùng đặc công rồi. Miếng võ mà cháu đã dạy cho thằng Kolia nhà bác

Dứt lời, hai bác cháu ôm chầm lấy nhau, mừng tủi như bắt được vàng. Đây là lần thứ hai bộ huân chương được bảo toàn khi bị cướp.

5

Lần cuối cùng gặp bác và Kolia, hai bố con nói với tôi khá nhiều chuyện. Từ những vấn đề vĩ mô về sự tồn vong của tổ chức Đảng, về số phận Liên bang đến những vấn đề vi mô về văn hóa đạo đức suy đồi, kinh tế kiệt quệ. Tôi vẫn nhớ như in lời cuối cùng bác nói: “Mất hết rồi, loạn mất rồi, đảo lộn hết rồi Hùng ạ! Người ta đòi viết lại lịch sử. viết lại sách giáo khoa Người ta đòi ly khai, độc lập. Ở Ban Tích người ta gọi những nguời giải phóng chúng tôi là kẻ xâm lược. Người ta gọi Bạch vệ là những người yêu nước, người ta giật đổ tượng đài LêNin”. Không ngờ những câu nói ấy là những câu cuối cùng nghe bác.

Lấy khăn lau nước mắt Kolia đưa cho tôi Album tang lễ. Nhìn quan tài ông trên xe tang, chân hướng về phía trước, ngược lại với tang lễ Đạo Phật, tôi hỏi Kolia:

- Thế vừa rồi vì sao ông mất?

- Tại con bé nhà tao

- Nó còn bé sao nên tội tình gì?

Giọng Kolia rầu rầu: Đêm hôm trước thấy ông không ngủ, cứ đi lại hút thuốc liên tục, tớ thấy lạ hỏi ông:

- Sao bố không ngủ?

- Không ngủ được. Nhà mình còn cái gì bán được không con?

- Hết sạch rồi bố ạ!

Gần sáng tớ thấy ông giở huân chương ra xem nhiều lần, mang ra, rồi lại mang vào. Tớ hỏi ông:

- Bố định bán Huân chương à?

- Bố đang lưỡng lự.

- Bố đã bán cả quân phục, cả giày quân nhân của bố rồi

- Bức bách quá con ạ

- Bố định bán huân chương cho ai?

- Có nguời nước ngoài muốn mua.

- Đây là kỷ vật vô giá đã hai lần suýt bị cướp mất.

- Đúng vậy! Bố muốn mang nó theo người khi chết. Nhưng mà...

Đúng lúc ấy, con bé nhà tớ khóc ré lên đòi bú, mà sữa mẹ nó đâu còn? Tớ thấy ông bật dậy khoác áo, đi ra phố. Ông đến khu vực bán đồ lưu niệm cho người nước ngoài. Sau khi thỏa thuận giá cả, hai tay ông run rẩy nâng tấm huân chương, lên ngang mặt. Người bỗng rung lên bần bật, chao đảo, lẩy bẩy. Sự xúc động còn hơn cả lúc ông nhận nó. Đắng đót, đớn đau, tiếc nuối ngập tràn trong ông. Ông dùng hai bàn tay ép chặt nó vào ngực rồi cúi xuống hôn lên nó ba lần trước sự ngạc nhiên đến sửng sốt người mua. Quá xúc động ông ta rút ra một tờ xanh (100 đô) tặng ông. Nhận tiền bỏ ví, ông lảo đảo ra về.

Đợi mãi không thấy ông, Kolia sốt ruột chạy bổ đi tìm, nhưng tìm mãi nhưng nơi ông hay đến mà vẫn bặt vô âm tín. Đến 9 giờ có điện thoại từ bệnh viện báo về ông bị nạn, tớ vội vã chạy đến. Công an giao thông cho biết ông bị tai nạn khi đi sang đường, Tiền nong trong ví của ông đã bị kẻ gian lấy mất, may còn để lại giấy tờ nên công an mới tìm đươc địa chỉ, số điện thoại nhà ông. Bác sĩ cho biết ông đang bị hôn mê. Tớ vào thăm, bất ngờ ông tỉnh lại, mở mắt nhìn tớ thều thào.

- Cái ví của bố đâu rồi?

- Con đang cầm đây.

- Con lấy tiền bán huân chương của bố để trong ví mang về mua sữa cho con.

- Vâng con sẽ mua cho cháu. Kolia nghẹn lời.

Tai họa từ đâu ập đến sầm sập trong khoảnh khắc. Mất huân chương, mất tiền, và mất người. Anh không còn điều kiện thực hiện di nguyện cuối cùng của cha. Anh không thể nói ra sự thật với cha, giúp ông giảm đi một nỗi đau, để ông ra đi được thanh thản.

Dường như toàn bộ sinh lực còn lại của ông đã chờ, dồn nén vào những câu trăng trối dành cho con. Đôi mắt mở to, trừng trừng nhìn lên tường nơi có treo ảnh vị nguyên thủ mà ông một thời ngưỡng mộ. Có điều gì trăn trở, hoài nghi hay tin tưởng, ông chưa nói ra được... Tim ông đã ngừng, nhưng mắt ông vẫn mở, Kolia phải lấy tay vuốt mắt.

VN21/2016

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Baovannghe.vn- Chiều về qua ngõ vắng/ Thấy nụ cười bâng khuâng
Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Baovannghe.vn - Chiều 25/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5, giai đoạn 2024-2025.
Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Baovannghe.vn- Nằm lại trong bệnh viện/ nhìn hàm răng cha rỉ máu
Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Baovannghe.vn - Ngôi nhà không có cửa sổ, trong nhà tối âm âm, ánh sáng dường như vất vả lắm mới len được vào qua cửa chính...
Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Baovannghe.vn - Đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp quyết định may mới gần 1.000 bộ phục trang để phục vụ làm phim