Diễn đàn lý luận

Cùng Hồ Dzếnh về chân trời cũ

Đặng Ngọc Hùng
Chuyện văn chuyện đời
17:08 | 21/12/2024
Baovannghe.vn - Cũng như Trịnh Công Sơn…, Hồ Dzếnh là người có một nửa dòng máu Trung Hoa chảy trong huyết quản. Và cũng như nhạc sĩ họ Trịnh, ông xem quê ngoại là quê hương máu thịt của mình. Với Hồ Dzếnh, đó là hồn Việt, những câu văn ca tụng nước Việt hay và cổ điển.
aa

Một lòng đoái tưởng về Chân trời cũ

Trong văn xuôi giai đoạn 1930-1945, với tập Chân trời cũ, Hồ Dzếnh cho thấy ông là một “ca” đặc biệt. Có một số người xếp ông ngồi cùng “chiếu” với Thanh Tịnh và Thạch Lam. Tôi nghĩ điều này có lý nếu xét về phong cách nghệ thuật. Nhưng Hồ Dzếnh vẫn là Hồ Dzếnh vì suy đến cùng, toàn bộ Chân trời cũ gần như là tự truyện nhưng nó lại khiến độc giả có cảm giác mình vẫn gián cách với những gì được viết ra trong tác phẩm một quãng điển hình hóa thường vẫn (phải) có của văn hư cấu.

Đọc truyện Ngày gặp gỡ, người ta biết cha của Hồ Dzếnh là người Quảng Đông tha phương đến Việt Nam, tình cờ gặp gỡ mẹ ông là một cô lái đò trên sông Ghép ở Quảng Xương, Thanh Hóa vào “một buổi chiều hè vàng rực”. Người khách ấy có “đôi mắt sắc”, chiếc trán “bướng bỉnh”, cái đầu gần như “trọc tếch”, “đầu ngón tay dài vẩn ghét” mặc bộ đồ màu đen bằng vải lĩnh, lấp loáng ở bụng “một lưỡi dao nhọn như lá bùa hộ mệnh”. Trong ánh hoàng hôn xứ Việt “ưu hoài như một chinh phụ nhớ chồng”, gã giang hồ ngồi ven sông, tháo cái túi vải để lấy cơm nắm với cá khô ra ăn. Có tiếng hò chèo thuyền vẳng lại, mỗi lúc một gần. Lữ khách đứng dậy gọi “Tồ ui!” (Đò ơi!) rồi xăm xăm xuống thuyền. Sau đó, cô lái đò vừa chèo, vừa liếc người khách mà “có cái cảm tưởng hãi hùng như gặp một giặc cướp tàu ô ghê gớm”.

Đó là những câu văn đầy chất điện ảnh mà Hồ Dzếnh tả về cuộc gặp gỡ ban đầu của cha mẹ mình. Người lữ khách xa lạ Quảng Đông đã thành thân với cô gái chèo đò mà Hồ Dzếnh là đứa con út của họ. Bằng nghị lực phi thường, suy nghĩ thực tế, hành tung quyền biến, cha của Hồ Dzếnh đã trở thành một doanh nhân thành công, có thêm một người vợ lẽ mà Hồ Dzếnh vẫn lễ phép gọi là dì. Thế nhưng cha của nhà văn không sống lâu với đứa con trai út mà ông hết mực cưng chiều. Sau khi cha qua đời, gia cảnh của Hồ Dzếnh ngày càng sa sút như một tiếng thở dài không thể nào ngăn lại được. Toàn bộ Chân trời cũ được Hồ Dzếnh viết ở Hà Nội, ở cái tuổi đã biết trót “đem châu báu của lòng ném hết vào những cuộc tình duyên vô vọng”, “phao phí thanh xuân đi để chóng thấy cái ngày già sắp tới” (Người chị dâu tôi), kể về những tháng năm ở Thanh Hóa, ở làng Hòa Trường, về những người thân trong gia đình, những người hàng xóm nghèo khó, khổ sở.

Điều đáng nói là tại sao vẫn là Chân trời cũ khi mà ở Hà Nội, Hồ Dzếnh tự thấy “phấn son và phù hoa đã quyến tôi đi xa ngày trước quá” (Chị Yên)? Thiết nghĩ, việc tìm ra câu trả lời này sẽ mang lại nhiều ý nghĩa về con người và văn nghệ.

Cùng Hồ Dzếnh về chân trời cũ
Nhà thơ Hồ Dzếnh

Dưỡng chất của ký vãng

Đó là những rung động tự nhiên của một tâm hồn đa cảm, đa đoan thời tuổi nhỏ khi cậu bé út Hồ Dzếnh chứng kiến, giao tiếp với những phận người, cảnh đời không may mắn. Đó là người chị dâu trong truyện ngắn Người chị dâu tôi. Sợ lạc giống và mất chất Trung Hoa, cha ông quyết định cho một trong ba đứa con trai về quê bất chấp sự phản đối của vợ. Người con cả đảm nhận “sứ mệnh” này. Sau bốn năm trời ăn học, người con cả cưới một cô gái con một của một gia đình quý phái, có nhan sắc. Khổ nổi, nguồn gốc đó của cô dâu không phù hợp với gồng gánh, xay giã. Cô con dâu Trung Hoa lúc nào cũng buồn buồn, ngơ ngác, khóc rưng rức vì cái quan hệ ứng xử mẹ chồng - con dâu có từ ngàn đời ở xứ Việt. Cậu bé út thương chị dâu lắm, thậm chí giận mẹ vì đã bắt chị dâu xay lúa. May mà ngoài tình yêu của chồng, người chị dâu còn tìm thấy hơi ấm từ tình thương của cậu bé em chồng. Ở cái nhà đó, tất cả đều ăn cơm ghế khoai, trừ cậu con út. Thương chị dâu gốc đài các nay phải khổ sở, cậu đã lén nhường cơm trắng cho chị và chị đã… ăn thật, ăn ngon lành. Chao ôi, người đàn bà ấy đã vĩnh viễn quên áo dài hoa, đôi giày nhiễu, thay vào đó là bộ quần áo chàm và đôi dép da trâu, “chăm chỉ và lặng lẽ như dấu hiệu của một cuộc sống vâng lời, ngu muội”. Hoàn cảnh đó của chị dâu là lý do để cậu em chồng “khóc bằng thơ để làm hoen ố cả một buổi bình minh đáng lẽ rất tươi đẹp”.

Tâm hồn đa cảm của Hồ Dzếnh còn dành cho đứa em gái cùng cha khác mẹ là em Dìn trong truyện ngắn cùng tên. Mười lăm tuổi, Dìn biết yêu. Hồi đó, ở cái tuổi đó mà biết yêu kể cũng không có gì quá đáng. Anh út con vợ lớn là Hồ Dzếnh biết chuyện đó nhưng vì thương em nên giấu đi, thậm chí có lần phải nói trệch, nói trại đi để bản thân mình bị dì mắng té tát. Cây kim trong bọc lâu ngày cũng thòi. Thế là Dìn bị mẹ cho một trận đòn khủng khiếp, bị nhốt để cách ly. Cái giống tình yêu trai gái nó mạnh lắm, khiến người ta không biết sợ là gì. Vậy là Dìn phá cửa trốn đi. Nhưng đời em Dìn quá khổ: Dìn bị phụ tình. Ba tháng sau, dì ghẻ cũng bỏ nhà đi, mang theo bao nhiêu của cải, mồ hôi, nước mắt là một đời chồng - tức cha - của Hồ Dzếnh làm được. Tết năm sau, trời rét, lại có mưa, Dìn rón rén trở về, đứng nép bên nhà hàng xóm, nhờ vú già gọi anh út ra để xin anh năm đồng xu và nức nở tạm biệt anh để quăng thân vào gió bụi. Anh út nghẹn ngào vì thương em. Một mặt, người anh thấy mình đã “dung thứ sự thầm lén của em” nên mới dẫn đến cơ sự đó, đồng thời “đau đớn thấy mây gió ngày xưa dần dần xa vắng bên những giấc mộng chỉ còn là nỗi thương tiếc nức nở giữa cuộc đời”.

Trong hồi ức của Hồ Dzếnh, mẹ là hình ảnh bao trùm của tình thương yêu bao la, cao đẹp. Hồ Dzếnh nghĩ, nhớ về mẹ qua nhiều thiên truyện nhưng đậm đặc nhất là truyện Lòng mẹ: “Ngày nhỏ, tôi yêu mẹ tôi một cách bịn rịn”. Sau khi cha chết, gia đình khánh kiệt, mẹ phải tất cả quảy gánh hàng ra chợ để kiếm chút tiền còm nuôi con. Ấy vậy mà mẹ thương thằng út lắm, đòi gì cũng cho. Trước khi thi bằng thành chung, Hồ Dzếnh theo bạn đi học thêm dù chưa hỏi ý kiến mẹ. Học được ba ngày, thầy giáo nhắc tiền học: bốn đồng, là hai mươi quan, rất lớn. Cậu cuốc bộ từ tỉnh về quê để xin tiền mẹ. Mẹ bảo cậu lên nhà nằm nghỉ, kỳ thực là mẹ không muốn cậu nhìn thấy mẹ khóc. Mẹ nói cậu xin khất với thầy vài hôm. Rồi mẹ lên tỉnh gặp cậu, cắp cái thúng đựng mười quan tiền. Hai đồng bạc còn lại mẹ để trong ruột tượng: Nó là tiền của thím để ở đầu giường, mẹ bí quá, “mượn” tạm để sau này trả. Đó là hành động không thể chấp nhận được nhưng cũng vì thương con quá mà ra. Hình tượng tác phẩm cho phép người đọc hiểu sau này người mẹ trả hai đồng bạc kia cho người em dâu. Người mẹ ấy thời thanh xuân thì gian khổ, phải chèo đò để kiếm sống; được vài năm hơi an nhàn thì chồng mất, phải gánh cả gia đình, đến nỗi tác giả đã khái quát lên thành những câu văn u buồn: “những bà mẹ Việt Nam đều phải đau khổ ngay từ lúc lọt lòng”, “chỉ biết vâng theo”, “những tiếng thở dài mất tăm trong đêm tối, những mái đầu rối nghiêng xuống bổn phận hàng ngày, tầm thường và nhỏ mọn” (Ngày gặp gỡ).

Lòng thương cảm mênh mông của cậu út cũng dành cho chị đỏ Đương ở làng Chung Thượng, có chồng đi Tân Thế Giới biệt tích. Mòn mỏi đợi chồng bao nhiêu năm tháng nhưng chị vẫn còn đẹp. Thương chị, cậu gán anh Hai của mình với chị. Mẹ cậu cũng chịu. Sau cùng anh Hai ở Hà Nội cũng nghe lời mẹ và em. Mẹ cậu làm cái lễ dạm ngõ. Chị đỏ Đương gật đầu. Cậu út là người vui nhất vì mong ước của cậu đã thành. Vậy mà anh Hai không một lần trở lại sau lễ dạm ngõ, anh biến mất vào cái đời trụy lạc, lời thề thốt cũ đã chết đi trong anh. Số phận đưa đẩy, chị đỏ Đương cũng có được một người chồng, ru con bằng bài ca dao con đò khác xưa não ruột.

Chính tâm hồn Hồ Dzếnh đã làm cho tác phẩm của ông tác phẩm của ông không hoàn toàn là tự truyện. Đó chính là hiện thực tâm hồn. Mà tâm hồn đó đã được hình thành, sống với dưỡng chất từ “chân trời cũ”, nó đã biết đến nỗi buồn man mác, đau khổ, cơ cực, chiếc bóng cô đơn, tiếng khóc, đứt gánh, hoang mang, nghẹn ngào, ngơ ngác, gào khóc, ngã vật, mếu máo, thở dài, sụt sùi…Trong cuộc hải hồ trên đường đời sau này, thể xác thì có khi “sáu năm rồi mà không một lần nào nghĩ đến chuyện trở lại” nhưng tâm hồn thì “không sao quên được dĩ vãng và những kỷ niệm buổi đầu” (Người chị dâu tôi) trên nền năm tháng cũ.

Bán kính thẩm mỹ

Hồ Dzếnh cũng là nhà tâm lý học, mỹ học thực hành tài ba. Qua tác phẩm của mình, ông gián tiếp nêu lên những luận đề về chủ thể thẩm mỹ rất sâu sắc. Trở lại truyện Em Dìn, tuy thương tiếc cho số phận của em gái nhưng Hồ Dzếnh cũng thấy em gái đem cái tuổi mười lăm ra để thử thách là liều lĩnh, là dại dột, từ đó ông nghĩ: “Xa nhau là yêu nhau thêm lên, vì hai trái tim vẫn tưởng nhau đẹp đẽ, nghĩa là vẫn sung sướng đánh lừa được nhau, vẫn mơ hồ và…tưởng tượng”. Suy nghĩ này có thể bị hiểu là tình yêu mộng tưởng nhưng không phải không có cái lý của nó.

Truyện Trong bóng rừng bàng bạc như sương khói. Truyện kể một quãng tuổi thơ của Hồ Dzếnh khi cha ông kinh doanh ở miền núi, thỉnh thoảng ông theo cha đến nhà một người bạn của cha tên là Châu Khâm để cha ông trò chuyện và hút thuốc phiện. Giữa cái cảnh sắc miền núi với màu cỏ xanh giàn giụa, bóng núi thanh bình, thì hình ảnh của Fin - con gái của ông Châu Khâm - có vẻ gì đó là lạ, có một phần giống cô Mỵ của Tô Hoài trong Vợ chồng A Phủ: “ngày ngày vẫn quay tơ, để tiêu bình thản thời giờ bằng cách rút hết guồng sợi này đến guồng sợi khác”. Fin có đôi mắt đẹp, ít nói. Hai đứa có với nhau một số trò chơi, cuộc nói chuyện kiểu tuổi nhỏ. Trong khi Fin lạnh lẽo thì “lòng tôi rộn lên một niềm say sưa”. Cha mất, thời gian thấm thoát trôi, Hồ Dzếnh lên hai mươi tuổi, có một lần nghỉ hè, ông về nhà ông Châu chơi, Fin vẫn đẹp, vẫn ngồi quay chỉ, đạp guồng. Trong lúc nói chuyện, Hồ Dzếnh khơi lại một số kỷ niệm, Fin lạnh lẽo nói Fin quên hết rồi; khi được hỏi sắp lấy chồng chưa thì Fin trả lời sắp lấy “một người con trai làng tử tế lắm”. Hồ Dzếnh hiểu trong lòng Fin có một tình cảm khác, nó chỉ thuộc về thung thổ rừng núi, không gì trên đời này có thể mua được. Nhưng mãi về sau Hồ Dzếnh nhận ra ông vẫn còn yêu Fin. Tại sao? Ông trả lời: “đó chỉ vì tôi ở xa Fin”. Và ông đã đúc kết loại cảm xúc này trong một câu văn mà tôi nghĩ rằng nó hay vào bậc nhất trong văn học Việt Nam hiện đại: “Muôn trùng sở dĩ rạo rực được lòng người, vì muôn trùng là nỗi thương nhớ mênh mang của những tấm lòng rất bạn”.

Hai câu chuyện của Hồ Dzếnh nhìn dưới ánh sáng mỹ học chính là ví dụ sinh động về cái bán kính của cảm xúc thẩm mỹ. Cái đã qua là quá khứ, chúng ở xa ta; còn hiện tại là cái mà ngày nào ta cũng thấy, cũng vào đụng ra chạm. Cái ở gần thường khiến ta thấy bình thường, thậm chí tầm thường, nhàm tẻ. Còn cái ở xa thường khiến ta bồi hồi, xao xuyến, bâng khuâng, nhớ nhung, thậm chí chúng ta còn cung cấp cho khách thể những phẩm chất, giá trị mà có khi chúng không có, hoặc có nhưng không đến mức như ta tưởng, nên chúng thường đẹp, lung linh trong hoài niệm, nỗi nhớ. Tình cũ không rủ cũng tới là vì thế. Trạng thái này của tâm lý là không công bằng nhưng biết sao được. Vì vậy sống ở Hà Nội mà lòng ông khôn nguôi nghĩ về “chân trời cũ”. Trong bài thơ Ngập ngừng, ông đã khái quát điều này bằng hai câu mà không ít người trong cuộc đời này thường ngâm ngợi như là của chính mình: Tình mất vui khi đã vẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.

Cùng Hồ Dzếnh về chân trời cũ
Tranh minh họa: Phạm Quốc
Ngã rẽ một dòng sông. Truyện ngắn của Huỳnh Thạch Thảo

Ngã rẽ một dòng sông. Truyện ngắn của Huỳnh Thạch Thảo

Baovannghe.vn - Tôi trở lại và ngồi bên dòng sông quê lúc trời về chiều. Một quãng đường xa thêm chuyến xe ôm gần cả tiếng đồng hồ mới tới được ngã rẽ dòng sông
Bản tin Văn nghệ ngày 21/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 21/12/2024

Baovannghe.vn - Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trang trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm 80 năm văn hóa, văn nghệ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Bài thơ "Dâng trà" của Nguyễn Quang Thiều

Bài thơ "Dâng trà" của Nguyễn Quang Thiều

Baovannghe.vn - Nhà thơ trở về với bản thể trong một nghi lễ giản đơn mà thiêng liêng! Người đọc nhận ra trong bài thơ một Nguyễn Quang Thiều luôn có sự thiết tha với cội nguồn, gốc rễ của mình.
Tập trung giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Tập trung giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Baovannghe.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa và những “cửa ải” khó “nhằn”

Biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa và những “cửa ải” khó “nhằn”

Baovannghe.vn - "Có những năm chúng tôi phải 'nín thở', không nghĩ là có thể cung ứng kịp sách cho năm học mới," PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó TBT Nxb Giáo dục Việt Nam chia sẻ