Diễn đàn lý luận

Nhà thơ Ngọc Khương: Một trái tim trong trắng, thuỷ chung

Đỗ Thành Đồng
Chuyện văn chuyện đời
11:00 | 13/04/2025
Baovannghe.vn - Là một nhà thơ có sức sáng tạo dồi dào, trong suốt hành trình “gọt chữ thành văn” của mình, ông đã cống hiến cho thi đàn một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Ngọc Khương đã cho ra đời 18 tập thơ, trong đó có 5 tập thơ cho thiếu nhi. Ngoài thơ, ông còn có 2 tập nghiên cứu văn hóa và kịch bản truyền hình.
aa

Nhà thơ Ngọc Khương, tên thật là Nguyễn Ngọc Khương, sinh năm 1949 tại làng Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình. Hiện ông sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và là Trưởng ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh.

Ngọc Khương tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm và Đại học Luật, là thầy giáo của nhiều thế hệ học trò ở làng Hạ Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ Lưu Trọng Lư.

Khi Bắc - Nam bị chia cắt, cha mẹ di cư vào Nam, Ngọc Khương vừa lên năm.

Ngọc Khương đã không đi theo cha mẹ với câu nói cương quyết: “Con ghét Tây lắm, con ở nhà với ông mệ nội thôi.”

Đất nước thống nhất, Ngọc Khương vào thành phố Hồ Chí Minh tìm cha mẹ, tìm cơ hội thực hành tài năng văn chương. Ông vừa viết bài cho các báo lớn, vừa mở doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng tiệc cưới, hỗ trợ các cặp đôi thanh niên nghèo là người lao động nhập cư.

Nhà thơ Ngọc Khương: Một trái tim trong trắng, thuỷ chung
Nhà thơ Ngọc Khương

Nhà thơ Ngọc Khương quan niệm: “Thơ là phần hồn, là tiếng nói tâm linh được phát sáng qua khoảnh khắc thăng hoa của xúc cảm; là tiếng vọng khẽ khàng của hạnh phúc và đắng cay. Thơ phải trong sáng, giản dị, chân thật và ngôn ngữ cần đạt tới sự lung linh, huyền ảo. Nàng thơ là “người tình”, luôn song hành với nhà thơ. Nàng vừa đỏng đảnh, vừa mộng mơ, vừa nghiêm nghị, vừa cao sang. Nhưng nàng cũng rất ngọt ngào, nhân hậu và có một trái tim trong trắng, thủy chung.”

Là một nhà thơ có sức sáng tạo dồi dào, trong suốt hành trình “gọt chữ thành văn” của mình, ông đã cống hiến cho thi đàn một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Ngọc Khương đã cho ra đời 18 tập thơ, trong đó có 5 tập thơ cho thiếu nhi. Ngoài thơ, ông còn có 2 tập nghiên cứu văn hóa và kịch bản truyền hình.

Các tác phẩm thơ của Ngọc Khương đã xuất bản: Trăng nghiêng (Nxb Hội Nhà văn 1994); Cây đàn và bông hồng (thơ thiếu nhi, Nxb Văn nghệ TP.HCM 1995); Hồn quê (Nxb Văn học 2000); Bim Bim và Mướp Vàng (thơ thiếu nhi, Nxb Trẻ 2001); Cõi người (Nxb Lao động 2004); Cây đổi màu (Nxb Hội Nhà văn 2012); Vọng tình (Nxb Hội Nhà văn 2012); Trăng Nhật Lệ (Nxb Hội Nhà văn 2012); Cò bay giữa phố (thơ thiếu nhi, Nxb Hội Nhà văn 2017); Đất nước tôi (Nxb Hội Nhà văn 2017); Lục bát Đảo (Nxb Hội Nhà văn 2018); Điệu khúc của những chiếc cầu (Nxb Hội Nhà văn 2019); Tuyển tập thơ Ngọc Khương (Nxb Hội Nhà văn 2020)…

Thường nhiều người làm tuyển tập khi sức viết đã hạn chế. Nhưng Ngọc Khương không vậy, sau tuyển tập, ông vẫn liên tục ra thơ mới: Hồi tưởng (Nxb Hội Nhà văn 2023; Muôn lời thiên nhiên (Nxb Hội Nhà văn 2023). Tháng 3/2025, ông xuất bản tập thơ Bóng quê (Nxb Hội Nhà văn), trong đó, chủ đạo là trường ca Vĩnh Phước quê tôi. Điều đặc biệt, ông quyết định tổ chức ra mắt Bóng quê tại nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Tác phẩm là linh hồn của tác giả, là những yêu thương, những “ước mong nhức nhối” mà tác giả gửi gắm; từ con chữ, ta thấy được cả con người thi nhân. Bóng quê là một tập thơ như thế.

Đọc Bóng quê, tôi giật mình bởi ý tưởng và sự ray rứt của Ngọc Khương: Tôi muốn cõng quê tôi vào với Sài Gòn/ nhưng sông Gianh làm sao tôi cõng nổi?... Phải, vì không cõng nổi quê đi theo, nên anh đã làm điều ngược lại, “cõng” thơ về quê.

Nhà thơ Mai Văn Hoan đã viết về Ngọc Khương và Bóng quê: “Theo dõi thơ Ngọc Khương, tôi nhận thấy bên cạnh mảng thơ viết về đề tài thiếu nhi, anh còn dành nhiều tâm huyết về đề tài cội nguồn, quê hương. Tác phẩm Bóng quê minh chứng cho điều đó. Cội nguồn, quê hương luôn đau đáu trong tâm thức của anh…”

Tập thơ Bóng quê được cấu trúc thành hai phần: Trường ca Vĩnh Phước quê tôiNhững bài thơ khác. Tuy tách biệt, nhưng xuyên suốt đều là những áng thơ viết về Quảng Bình nói chung và Ba Đồn, Quảng Lộc nói riêng. Trong bài viết này, xin nhấn mạnh hơn đến trường ca Vĩnh Phước quê tôi.

Một tác phẩm thi ca thiên về điển tích, lịch sử nếu người viết non tay sẽ chỉ là những dấu mốc thời gian và những câu chuyện khô khan. Trường ca Vĩnh Phước quê tôi đã vượt qua được điều đó để mang lại cho người đọc chất sử thi bi tráng. Ấy là nhờ nghệ thuật ngôn ngữ, hình tượng thơ có tính biểu cảm cao của Ngọc Khương: Năm trăm năm/ Chao mình cánh võng/ Tiếng gõ chài đánh thức vầng trăng… (Chương I). Vầng trăng luôn “dan díu” với thanh âm; nếu trăng trên kia “thức” bởi tiếng gõ chài, thì trăng ở đây “ngọt” với tiếng mõ kháng chiến: Ngày kháng chiến mõ đình giục giã/ Đêm hẹn hò giếng Mới ngọt môi trăng… (Chương I). Trăng và sao và sự ám ảnh những âm thanh của làng quê xưa chính là những gợi thức tâm hồn của Ngọc Khương: Khuya tháng năm rộn rập đồng làng/ Tiếng đập đất gõ vào giấc ngủ/ Những chú bò cùng phận người lam lũ/ Vẹt đường cày, mong một ánh sao rơi… (Chương I). Chỉ chừng đó thôi, người đọc đã hiểu được ngôi làng Vĩnh Phước với ruộng đồng, sông nước, nghề nghiệp, đấu tranh sinh tồn như thế nào.

Với Vĩnh Phước quê tôi, phải khẳng định rằng, chỉ có một người kiến văn sâu rộng và tràn đầy nhiệt huyết mới viết được một trường ca đậm chất sử thi như vậy. Từ sử tích lập làng ở vùng Nam Gianh đất đai mỡ màng: Nào đắp đê, chống lũ/ Nào khơi nước, be bờ/ Họ thỏa nguyện ước mơ/ Lập làng Ngang - Vĩnh Phước, cho đến: Nay trời xanh, chim hót/ Làng hóa phố mỗi ngày/ Đường loáng bóng xe bay… (Chương II). Từ nhân vật lịch sử - Thượng tướng Nguyễn Khắc Minh chiến công lẫy lừng, huyền thoại: Được dân tôn như vị anh hùng/ Xứng dòng dõi trâm anh, quyền quý/... Vua Duy Tân, Khải Định đã truy phong/ “Đoản Túc Tôn Thần”, “Thành Hoàng Bổn Thổ”/ Được lập miếu tôn thờ khắp Thị Lệ/ Được ghi công vào sổ ngọc triều đình (Chương III), cho đến một “Truy Viễn đường”, nơi an táng cũng là nơi thờ phụng Nguyễn Khắc Minh đã trở thành Nơi tráng sĩ luận bàn đánh giặc/ Đền thờ hóa pháo đài vững chắc/ Cháu con thành dũng sĩ kiên trung… (Chương III), là Di tích lịch sử của Quảng Bình.

Trong Vĩnh Phước quê tôi còn là câu chuyện hùng ca của Chánh Vệ úy Lê Nho Can: Từng theo vua Quang Trung đánh giặc/ Người tiên phong trong đoàn quân Bắc phạt/ Thần tốc, xé sóng, vượt Linh Giang (Chương IV). Còn là câu chuyện lịch sử hình thành làng Đạo (Thiên Chúa) từ năm 1629 với: Mấy trăm năm vui buồn đất Việt/ Dân quê tôi vẫn mến Chúa, thương (Chương V). Đó còn là câu chuyện của một ngôi làng kiên trung trong kháng chiến chống Pháp: Cùng tuốt lê ra trận, xông lên/ Ào ào sóng cuộn dòng Gianh/ Phú Trịch quân Pháp máu tanh ngập bờ. Đó là nỗi đau bom đạn Mỹ: Cồn Hàu thân xác ngổn ngang/ Mấy lần xóm Miệu xương tan, thịt bầm… Nhưng ý chí làng luôn kiên cường bất khuất: Giương cao súng hạ tàu bay Mỹ… (ChươngVI).

Người xa xứ khi nghĩ về quê hương, ai cũng nặng lòng hoài cổ. Đó là những khung cảnh làng quê mộc mạc mà cô đọng tình người: Tôi lớn lên bên đồng quê gió thổi/ Nghe nôn nao tiếng nghé gọi chiều về/ Tiếng cấy cày ướt vạt sương khuya/ Tiếng ré nước tháng Mười tôm cá quẫy… (Phần VII). Tuy nhiên, ngày trở về, bên cạnh niềm vui của sự phát triển đô thị hóa mang lại nhiều thay đổi tích cực về kinh tế và đời sống văn hóa: Bến cũ bây giờ đã khác xưa/ Cầu qua Cồn Sẻ, nắng chiều mơ/ Cô gái tóc vàng, căng ngực nõn…, là sự trăn trở của thi sĩ bởi những tác động tiêu cực đến văn hóa truyền thống và môi trường sinh thái: Thuyền chen, nhà lấn, nghẽn đôi bờ/ Quặn mình biển chết, sông ngắc ngoải/ Thất thểu con tàu, rã giấc mơ/... Còn đâu gương nước trong như ngọc/ Trăng lặn mất rồi, buốt câu thơ…

Vĩnh Phước, Quảng Lộc không chỉ được bao bọc bởi sông Gianh, mà còn có con sông đào Hòa Giang nên thơ một thời, ấy vậy mà: Bây chừ/ Gương ố mất rồi/ Sông quê nghẹn đục/ Nổi trôi lục bình!/ Cầu vồng/ Đã níu Lộc - Ninh/ Mà hương cau/ Với dáng hình em đâu? Sự ngắt nhịp của những câu lục bát, đủ sức nặng về trăn trở của người cầm bút.

Chợ quê từng mang đậm nét văn hóa giao thương của người nông dân nay vắng bóng dần khi các siêu thị, cửa hàng mọc lên: Ta về gom nhớ, nhặt thương/ Thương sông hấp hối/ Chợ Trường vắng thưa… Giếng làng là nhân chứng của tình yêu đôi lứa: Cha mẹ tôi gặp nhau/ Trao cái nhìn đáy giếng/ Cùng nắm sợi dây gàu/ Níu tình yêu vĩnh viễn. Ấy vậy mà bây giờ: Giếng trong hóa đục/ Biết giờ hỏi ai/ Mẹ tôi nén tiếng thở dài/ Bên bờ giếng cũ/ Ngồi hoài sương rơi…

Phát triển là đương nhiên, nhưng cần có những giải pháp hài hòa để bảo vệ cả môi trường và bản sắc văn hóa. Nếu không hành động kịp thời, nông thôn sẽ chỉ còn lại những dấu vết của sự phát triển thiếu bền vững. Đó cũng chính là giấc mơ của thi sĩ: Ước gì/ Xanh biếc dòng xưa/ Gương quê lại sáng/ Giấc mơ lại lành. Trường ca Vĩnh Phước quê tôi với thể thơ, nhịp thơ thay đổi liên tục, tôi nghe như nhịp thở đầy trăn trở trong lòng của Ngọc Khương vậy.

Với Bóng quê nói chung, thơ của Ngọc Khương luôn sử dụng bút pháp, ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu nhưng chứa đầy hình tượng, thi ảnh đẫm chất thi ca. Nó như “trái tim trong trắng, thủy chung” của ông vậy.

"Huyền tình Dạ Trạch" - dự án phim đặc biệt của Đài PT-TH Hà Nội

"Huyền tình Dạ Trạch" - dự án phim đặc biệt của Đài PT-TH Hà Nội

Baovannghe.vn - Đài PT-TH Hà Nội vừa công bố dự án phim đặc biệt mang tên “Huyền tình Dạ Trạch”, lấy cảm hứng từ chuyện tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Traphaco: Đổi mới hệ sinh thái dược phẩm để bứt phá tăng trưởng

Traphaco: Đổi mới hệ sinh thái dược phẩm để bứt phá tăng trưởng

Baovannghe.vn - Năm 2024, trong mảng Đông dược, nhóm sản phẩm cao cấp đạt mức tăng trưởng 49%. Dòng sản phẩm nổi bật nhất là Boganic Premium tăng trưởng 36%.
Bản tin Văn nghệ ngày 17/4/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 17/4/2025

Baovannghe.vn - Cầu truyền hình đặc biệt nằm trong loạt chương trình trọng điểm do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập

Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập

Baovannghe.vn - Ngày 29/1/1977, Hội Văn nghệ giải phóng hợp nhất với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, hai tờ báo Văn nghệ giải phóng Văn nghệ cũng hợp nhất lấy tên là Văn nghệ ra hàng tuần.
"Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ Ba được tổ chức tại Huế

"Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ Ba được tổ chức tại Huế

Baovannghe.vn - Ngày 16/4, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định 1045/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức "Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ ba - Huế 2025.