Tôi đóng tập thơ Mây âm tính lại và trong đầu mình hiện lên hình ảnh nhà thơ Võ Văn Luyến, người con của đất Quảng Trị, một người đàn ông cao dong dỏng và thâm trầm ưu tư hiện hữu rõ lên trên nét mặt anh. Tập thơ đầy đặn 100 bài này từng đoạt giải A của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, cũng đoạt luôn giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị. Thơ và người Võ Văn Luyến như nhập làm một. Câu chữ y hệt tính cách anh, đầy nét lặng trầm và thao thiết nỗi tự sự. Như một cuộc đối thoại với chính mình, từ đó thơ trổ lên những thông điệp nhân văn trong buổi thời láo nháo kim tiền vật chất.
Tháng 6 năm 2022, tôi lần đầu gặp nhà thơ Võ Văn Luyến trong một trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức ở Cần Thơ. Tôi có lẽ là trại viên cuối cùng nhập trại, ngay giờ khai mạc mới có mặt tập trung cùng mọi người, thế nhưng, anh vừa gặp đã nhận ra ngay, dẫu chỉ đọc nhau, nhìn nhau qua trang mạng xã hội cá nhân. Những buổi tối ngồi bên ấm trà của mùa mưa châu thổ Cửu Long buồn da diết. Anh kể chuyện Quảng Trị của 81 ngày rực lửa thành cổ. Anh nhắc về con sông Thạch Hãn với những đóa hoa trôi sông miên mải bao tháng ngày qua. Anh kể mỗi một nhà dân đất cằn cỗi này luôn có bàn thờ ngoài trời. Bởi đâu đó đất Quảng Trị vẫn còn những gia đình vọng hương linh con mình mãi chưa trở về. Câu chuyện trôi vào đêm. Kí ức trôi vào thơ. Và chúng tôi trôi vào một không gian chung đầy day dứt của văn chương.
|
Đọc thơ Võ Văn Luyến, tôi như bị dắt vào một khu vườn nội tâm của anh. Ở đó, mỗi nỗi ưu tư như một góc kiểng huê nảy nở những xanh lành, cũng có góc bạc thếch niềm thương tưởng, và đôi góc anh để mặc nắng gió mưa giông đến trơ trụi lá hoa. Nhưng, sâu thẳm trong câu chữ luôn lấp lánh những vọng ước cho sự thảo thơm chảy tràn trong cuộc đời này. Guồng quay của thân phận theo tháng tháng ngày ngày, theo bốn mùa luân chuyển cứ vậy mà đi qua hoan, lạc, bi, ai rồi bắt đầu tái sinh như vốn dĩ lẽ đời luôn bắt đầu và kết thúc từ những sát na sanh diệt: lửa từ những ngôi nhà/ nói với tôi rằng/ hơi ấm hạnh phúc lan tỏa/… trái tim nhủ thầm với tôi rằng/ ngày nào đó ngừng đập/ kỷ niệm mới bắt đầu sự sống (Bắt đầu và kết thúc).
Quảng Trị là mảnh đất đã đi qua chiến tranh với những dấu tích xưa cũ vẫn âm ba vọng động vào tâm khảm của bất cứ người con nào của đất này. Có thể bây giờ, đất nảy lên những tòa nhà vững chắc, đất nở ra lộc đời để người dân sống bằng an, nhưng, có những điều thời gian chỉ làm dày thêm cho ký ức, chứ không thể bôi xóa đi được. Câu chuyện chia ly có lẽ cũ, nhưng với đất này luôn hiện hữu vẹn nguyên, khác chăng là nỗi niềm đã lắng vào trầm tích của đất, của sông và của lòng người. Vì thế, bài thơ Mẹ giới tuyến được Võ Văn Luyến viết nhẹ nhàng nhưng đầy đặn sự thấm thía: không còn núi cách sông ngăn/ mẹ thôi ngày chờ đêm đợi/ đức tin gửi vào chiếc khăn/ xanh như chưa hề có tuổi/ đạn bom vày nát giới tuyến/ con chim thương tiếc đất lành/ đò tình người xưa lỡ chuyến/ trách chi mưa nắng đành hanh/ một ngày trời thôi trở gió/ lời ru ấm cả mùa đông/ ước ao một lần được thấy/ nhưng mẹ hóa vào núi sông.
Thơ Võ Văn Luyến cứ chân phương như chính tình cảm của anh dành cho bạn bè văn chương dẫu lần đầu gặp gỡ. Cảm xúc như là sợi dây thắt anh vào thơ, cột anh cùng những bạn văn, và cứ vậy, anh sống những ngày về hưu cùng câu chữ một cách thong dong tự tại. Có lẽ chính điều đó làm cho phần lớn các bài thơ anh mạnh về cảm xúc chứ không cầu kì kĩ thuật viết, hay trưng trổ chữ nghĩa, và càng không có những sự cắt tỉa mài gọt cho câu thơ bóng bảy lồng lộng. Dễ đọc, dễ cảm và dễ tìm thấy những câu chuyện phía sau nỗi u hoài lẵm xa đó chính là sự chấp nhận, thích nghi và ứng biến với xoay vần con tạo trong cuộc người.
Tôi nhớ lần đi trại cùng năm đó, chúng tôi ở Trạm T80 của Quân khu 9, một mùa mưa chiều đặc sản Cửu Long. Gọi là đặc sản bởi khi miệt chín nhánh sông này hễ vào mùa mưa, sẽ có những cuộc mưa chiều liên tiếp dài ngày và thường rất to. Hôm đó mưa ngập sâu cả sân rộng lớn của trạm, các trại viên trẻ nhất cũng đã ba mươi mà lớn nhất thì ngót chừng tám mươi tuổi đời, chúng tôi tắm mưa, lội mưa bì bõm đến nhà ăn mà đùa giỡn như đang lội vào vùng nước nổi trứ danh của châu thổ này. Đêm đó, bên hành lang vẫn còn hắt bóng mưa bụi, anh Luyến kể về cái nắng, cái gió, cái khô cằn nứt nẻ của Quảng Trị. Ngay như hôm ấy, miền Tây Nam Bộ mưa ngút trời còn xứ quê anh vẫn nắng ran rát. Khô hạn khiến mảnh đất quê anh cằn cỗi hơn bất kỳ đất nào. Lại thêm những lần bão lũ thì khốn khó chồng chất. Giọng nói trầm buồn, ánh mắt xa xăm và anh nhả khói vào đêm. Tấc lòng của anh hôm đó, tôi tìm thấy trong thơ anh, đó là một nỗi xao xác dành cho bản xứ của mình. Những câu thơ như chắt chiu từ biến thiên thời cuộc, từ mùa gió quần quật phận người, từ cơn nóng quắt quéo ruộng đồng, từ nứt nẻ đất hằn dấu chim di, từ những ngày mưa ngập ngụa mắt hiền và lam lũ của đời người nhưng phẩm hạnh lệ quê: ở đây từng dưới nghìn độ lửa/ ở đây từng máu loang dòng sông/ ở đây từng đò giang cách trở/ ở đây từng hai phía chờ mong/ ở đây phóng khoáng nhất là gió/ ở đây ào ạt nhất là mưa/ ở đây nắng hồng như than đỏ/ ở đây sống nhiều với ngày xưa/ ở đây bom đạn kê không hết/ ở đây mở mắt gặp mộ bia (Ở đây).
Quảng Trị hiện lên trong thơ Võ Văn Luyến đầy những yêu thương trầm ngãi. Rất nhiều câu thơ của anh khiến chính tôi bổi hổi lòng mình trong một đêm Sài Gòn chợt mưa sau những ngày nắng dầu dãi. Tiếng mưa và màn đêm như đồng lõa cho cảm xúc dâng tràn. Ngay khi ban đầu lần giở từng trang thơ, chủ thể “tôi” của Võ Văn Luyến như một thứ ngãi mê nào đấy có mị lực cuốn người đọc đi vào thơ anh trong tâm thế bị quyến dụ bởi sự mộc mạc: tôi đánh mất ngày sinh của mình/ chiến tranh cướp ngày thiêng liêng mẹ tôi đớn đau trở dạ/ những trận giặc càn đi quét lại/ tuổi tránh đạn bom cứ thế đi lùi/… tôi lớn dưới tiếng pháo bầy/ biết nằm sấp vòng tay trước ngực/ biết bịt tai đón trận mưa bom đinh tai điếc óc/ biết cơm nắm muối rang/ biết cha mẹ ngàn đêm thao thức (Nhờ sông nhắc tuổi mình).
Võ Văn Luyến chỉ là mượn đôi dòng tâm sự chứa chan những nỗi riêng mình mà thoát ý thành niềm quê xứ. Như cuộc độc thoại đào sâu vào nội tâm, từ đó thơ bật ra những thông điệp. Sợi dây tự sự được nhà thơ xâu vào từ những bài thơ đầu đến cuối, độc giả chỉ cần lật từng trang sách và rút dần dần sợi dây đấy, đến khi đóng tập thơ lại sẽ buông tiếng thở dài và ngẫm nghĩ. Bởi suy cho cùng, thơ là tiếng nói của ký ức vọng đến hiện tại và vượt lên tất cả để trở thành một tiếng chuông gióng vào thời đại. Ngay chính lúc này khi chúng ta đang đối diện với nhiều xô bồ cuộc người trong hỗ lốn nhân gian, thì người viết cũng không thể đứng ngoài những liến xáo lệ thường ấy. Có chăng, bằng dự cảm và độ lắng của mình, người viết chọn cách nói khác, mượn câu chữ như một phương thức để trung chuyển niệm lành đến với người đọc. Tôi tin, người viết tử tế nào cũng mang trong mình một trữ lượng yêu thương để lan tỏa. Và Võ Văn Luyến chọn cho mình cách soi chiếu chính mình để mở ra chiều kích của xã hội.
Sau kì gặp nhau ở trại sáng tác năm 2022, thì cuối năm đó, chúng tôi lại chạm mặt nhau ngay đất Thủ đô bởi cùng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Lần gặp thứ hai, vẫn là cái bắt tay ấm áp và giọng nói đầy chân thành, nhà thơ Võ Văn Luyến mời tôi về Quảng Trị một chuyến. Anh bảo Quảng Trị có nhiều thứ để tôi viết. Nhưng chí ít, trước khi viết gì đó về Quảng Trị, có lẽ tôi sẽ viết về anh, một người thơ rất Quảng Trị. Trong thơ anh có một Quảng Trị rất thật thà mê đắm. Hệt như câu thơ anh đã viết: tôi đánh rơi tuổi mình/ lúng liếng à/ xin chớ hỏi vì sao/ cuối sông mê còn chở nặng thật thà (Nhờ sông nhắc tuổi mình).