Tôi từng rất “sướng” đọc thơ tuổi sinh viên, học trò từ năm 1990 đến 2000. Đặc biệt thơ trong Hội bút “Hương đầu mùa” của báo Hoa học trò mà Bình Nguyên Trang là thành viên. Bài thơ để lại ấn tượng nhất đối với tôi, thậm chí tạo ra một vùng ký ức của tôi, là Nỗi niềm tháng ba của nữ thi sĩ. Đây là bài thơ được rất nhiều người chép vào sổ tay, trong đó có tôi để đọc đi đọc lại. Những câu thơ xúc động, với hình ảnh mẹ và quê hương rất đỗi thân thương: Năm ấy mẹ sinh em mùa đói/ Tháng ba nhọc nhằn hoa gạo rụng hố vôi/ Cha đi vắng rét nàng Bân buốt nhói/ Mẹ ướt mồ hôi, em khóc chào đời/ Cây gạo ấy bây giờ em vẫn nhớ/ Năm tháng đi phai sắc đỏ mỗi mùa/ Tuổi thơ em với bạn bè đồng lứa/ Nhặt vỏ sò trên cát vắng ven sông… Quê tôi ở ngoại thành Hà Nội, mỗi tháng ba, mùa xuân ấm, trên con đường dẫn về quê có những cây gạo thắp lửa lên trời. Thể nào, tôi cũng sẽ lại nhẩm đọc: Tháng ba buồn dại ý hẳn ngậm ngùi/ Nhắc em ngày sinh và hố vôi đầy hoa gạo rớt/ Quê em đó, cơn mưa dài không ngớt/ Khóc từ lúc sinh em cho đến tận bây giờ/ Đành rằng tháng ba vẫn thắp màu hoa cũ/ Nhưng có những điều phải sống khác ngày xưa. Mãi đến sau này, tôi vẫn thường đọc lại Nỗi niềm tháng ba để yêu thêm những miền quê, những vùng ký ức của tuổi trẻ.
|
Nhà thơ Bình Nguyên Trang, tâm sự: “Tôi thấy rằng ký ức luôn có một thứ ánh sáng thật đẹp. Nó là cái đã qua và vì nó không bao giờ trở lại nên khiến người ta dễ tiếc nuối, hoài niệm. Với người cầm bút như tôi, quá khứ, ký ức còn cung cấp chất liệu cho mình kể chuyện hôm nay. Những gì của hôm nay chắc chắn phải có một mạch nguồn từ trong quá khứ”.
Tuổi hoa niên của chị, cũng như tôi đã qua rồi. Nhưng tôi vẫn luôn nhớ về những năm xưa cũ, mình thường đón đọc những tác giả cùng trang lứa với Bình Nguyên Trang, như Đàm Huy Đông, Hoàng Anh Tú, Chu Minh Khôi, Trần Văn Lợi… trên các báo, tạp chí Hoa học trò, Sinh viên, Tiền phong, Ước mơ xanh, Nữ sinh… Đó là những vần thơ ngân rung trong nhịp đập của một thế hệ học sinh, sinh viên trong giai đoạn xã hội mở cửa, song chưa thật sự phát triển. Học sinh, sinh viên vẫn ham thích đọc sách và báo giấy. Và hẳn nhiên, thời mà Bình Nguyên Trang sáng tác nhiều cho tuổi hoa niên, cũng là thời nở rộ của các ấn phẩm báo chí. Chị nhớ lại: “Ngày xưa, những tờ báo và ấn phẩm văn chương dành cho lứa tuổi hoa có nhiều, lại thường xuyên dành dung lượng tối đa để đăng tải các trang viết của chúng tôi. Nhiều cô chú làm việc tại các tòa soạn là nhà thơ, nhà văn, nhà báo thực sự dành thời gian và tâm huyết để chăm chút cho những trang viết đầu đời của các cây bút học trò. Nhờ đó phong trào sáng tác trong lứa tuổi hoa niên phát triển mạnh mẽ, với nhiều bút nhóm được thành lập. Đó là một thời sôi nổi, tạo ra nhiều cảm hứng, động lực cho những cô cậu học trò yêu và say mê văn học”.
Bình Nguyên Trang tên thật là Vũ Thị Quỳnh Trang, sinh năm 1977, quê ở Nam Định; từng công tác tại các báo Tiền phong, Hoa học trò, Công an nhân dân, hiện làm việc tại Báo Nhân dân. Chị đoạt giải Nhất Tác phẩm tuổi xanh Báo Tiền phong (1997); Giải B Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ Những bông hoa đang thiền (2012)…
Trong mắt bạn bè, Bình Nguyên Trang là cây bút đa tài. Chị viết nhiều thể loại như thơ, tản văn, truyện và ký nhưng thơ mới là thế mạnh và để lại dấu ấn cá nhân đậm nét nhất của chị. Kể từ tập thơ trình làng Lối về vào năm 1995 đến nay, Bình Nguyên Trang có tổng 12 đầu sách, Đêm hoa vàng là tập thơ thứ năm, cũng là tập thơ mới nhất. Chị bảo, thời gian mình “im hơi lặng tiếng” là để mưu sinh và có phần muốn rời bỏ văn chương. Nhưng rồi chị thua cuộc. Chị vẫn thấy việc ngồi vào bàn và viết một điều gì đó lên trang giấy là niềm an ủi, niềm hân hoan đáng kể trong đời sống của mình. Khi có trang giấy làm bạn, mọi cảm xúc đều được thăng hoa, được sẻ chia rất lớn.
Tập thơ Đêm hoa vàng được bạn đọc quan tâm. Đó là một phần những gì chị đã viết trong khoảng thời gian gần chục năm trở lại đây - khoảng thời gian có nhiều thay đổi trong đời sống cá nhân chị, cũng như đời sống xã hội. Những chiêm nghiệm đó ít nhiều đã thay đổi cách chị nhìn nhận cuộc sống, tìm kiếm và trả lời những câu hỏi trước đó chị chưa từng đặt ra. Có một sự khác đi trong việc viết, tuy nhiên cái “biết” này rất cá nhân. Chị không mấy chờ đợi xem mọi người đón nhận sách của mình ra sao.
Nữ nhà thơ giãi bày: “Số đông là điều gì đó rất khó để nói, tôi thì có mong muốn nhỏ bé hơn là tìm tri âm, tìm sự chia sẻ qua thơ, và tự biết có thể điều này không nhiều. Nhưng tập thơ đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn tôi nghĩ. Bạn đọc đã mua sách, đã tương tác với tôi trên mạng xã hội, và bỗng dưng trong một khoảng thời gian trang cá nhân của tôi trở nên rộn ràng hơn. Đó là một niềm vui, tôi rất biết ơn độc giả đã tặng cho tôi niềm vui đó”.
Là người đã đọc kỹ tập thơ Đêm hoa vàng, PGS.TS Phùng Gia Thế chia sẻ: “Thế giới thơ Bình Nguyên Trang không ít khát khao, nhưng luôn chen lấn những dự cảm mơ hồ về nỗi bất an, về những đứt gãy vô thường của cuộc đời, cả những rạn vỡ thầm thì trong tâm hồn người con gái. Chị là người khéo chọn những tín hiệu thẩm mỹ dễ làm lây lan và đồng điệu cảm xúc ở người đọc: khăn quàng áo mỏng, hoa gạo tháng ba, bờ sông đầy gió… Ngôn ngữ thơ Bình Nguyên Trang tinh tế, dường như không có sự sắp đặt cầu kì mà tự nhiên gọi nhau về theo cảm xúc, và do thế, nó chạm rất sâu và lây lan nhanh vào trái tim người đọc”.
Xuân đang xôn xao trên từng cành hoa, ngọn cỏ. Rất nhiều người lại ao ước những chuyến đi xa. Tôi hỏi Bình Nguyên Trang, hiện nay, không ít người đã chọn cho mình những cách du xuân khác nhau, trong đó họ đi những vùng núi cao để trải nghiệm, còn chị? Trang nói: “Tôi đã có năm đi chơi xa ngày Tết. Chúng tôi đón giao thừa ở một nơi xa, đi chơi trong yên tĩnh. Nhưng thú thật, tôi vẫn cảm thấy có gì đó rất thiếu trong tâm hồn. Hình như cái thiếu đó là không khí của gia đình quây quần, có mẹ cha. Nên tôi vẫn thích một cái tết trở về với cha mẹ hơn. Khi bố mẹ nhiều tuổi lên tôi luôn cảm thấy thời gian không còn đủ với mình. Mỗi lần được về với cha mẹ luôn là một cơ hội quý giá. Mỗi giao thừa được ngồi bên cha mẹ trong ngôi nhà tuổi thơ mình đã lớn lên là một cơ hội quý giá. Mỗi mùa xuân còn có cha mẹ là một niềm may mắn hạnh phúc tuyệt vời. Hiện nay có phong trào nhiều gia đình đi chơi xa ngày Tết, tôi nghĩ đó cũng là một trải nghiệm thú vị. Mọi người đã làm việc vất vả cả năm rồi, những ngày đầu năm mới có cùng nhau đi chơi xa, lễ lạt giảm bớt đi để tận hưởng thời gian nghỉ ngơi thư giãn. Tuy nhiên với riêng cá nhân tôi và trong hoàn cảnh của tôi, thì nghỉ ngơi tuyệt vời nhất là ở cạnh cha mẹ của mình”.
Mẹ của Bình Nguyên Trang năm nay 78 tuổi và mắt còn sáng nên có sử dụng các nền tảng như Facebook, Zalo để kết nối với bầy con cháu ở xa đứa Hà Nội, đứa Sài Gòn. Mẹ chị đọc tất cả những gì con gái viết trên Facebook, và thường hay lo âu gọi điện hỏi han nếu chị viết gì mà bà thấy rằng con đang không vui, không bình yên. “Dĩ nhiên thơ tôi mẹ tôi đọc. Bà cũng thường hay xúc động về những gì tôi với viết về Mẹ. Mẹ tôi rất chiều chuộng các con và tinh thần của bà là luôn nỗ lực, ít phiền các con nhất có thể. Chúng tôi đều rất thương yêu mẹ. Đối với tôi, mẹ là một điểm kết nối rất quan trọng. Mẹ vừa là hình ảnh có thật, vừa là biểu tượng cho tình yêu thương ấm áp, là nơi chốn để quay về, chở che cho những người con mỗi khi gặp thất bại, nghịch cảnh. Mẹ là một ‘nhân vật trữ tình’ thường xuyên xuất hiện trong thơ tôi”, nhà thơ Bình Nguyên Trang chia sẻ.
Suốt hành trình hơn 30 năm cầm bút đã qua của Trang, mẹ là điểm kết nối rất quan trọng trong thơ. Và với chị, mẹ là cả một bầu trời ký ức, mở rộng đón những đứa con. Bình Nguyên Trang bày tỏ: “Tôi có một bà mẹ yêu tôi như nhiều bà mẹ khác trên đời. Một bà mẹ cụ thể với cơm áo, chợ đời, với vất vả truân chuyên, và trở thành một ví dụ cho tôi hiểu về phụ nữ cũng như thân phận con người. Nhưng có lẽ hơn thế, mẹ từ lâu đã trở thành một biểu tượng tinh thần, một điểm tựa, một bến sông, một ngôi nhà, một nơi chốn, để tôi quay về. Quả thật, trong tôi vẫn luôn có một đứa trẻ yếu đuối, và tôi luôn cần có mẹ đồng hành. Người dẫn tôi đến với bình an như vậy thì là Phật của riêng tôi, là lời kinh, là một con đường để tôi đi, và tất nhiên là ‘nhân vật trữ tình’, là mùa xuân trong thơ tôi nữa”.