Đầu xuân 2021, Nguyễn Thanh ra mắt thơ thứ ba, tập thơ lục bát có tên Chân quê thì lấm, chân trời thì xa. Là bạn học thời đạn lửa những năm 69, 70 của thế kỷ trước, tôi đọc Chân quê thì lấm, chân trời thì xa với tâm trạng háo hức. Gập cuốn sách lại, tôi cho rằng thơ lục bát của Nguyễn Thanh hay và ấn tượng.
Vậy cái hay trong thơ lục bát của Nguyễn Thanh là ở chỗ nào? Bài giới thiệu Chân quê thì lấm… rất tâm huyết của nhà phê bình Phạm Xuân Cần ở phần đầu sách đã nói không sót một ý nào, với văn phong tinh tế có pha chút tếu táo của mối bang giao bạn hữu. Ở đây chỉ điểm lại nét chung nhất của tập thơ. Đó là cảm xúc thiêng liêng và đẹp đẽ của chính tác giả về cuộc sống, về quê hương và về những vùng đất mà anh đã đi qua...
Có thể nói, Chân quê thì lấm, chân trời thì xa là cuốn nhật ký bằng những câu lục bát nhuần nhuyễn, ghi lại chặng đường tác giả đã đi từ nơi lọt lòng Thanh Hà, lớn lên với thành phố Hải Phòng và đã đặt chân đến các ngõ ngách hầu như xuyên suốt Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau, vươn ra các châu lục Mỹ - Phi - Á - Âu và Úc Đại Lợi.
Một chút nặng lòng với Đà Lạt - chiều cao nguyên: Không phố núi cũng lượn đèo/ Tím lan rừng nhớ những chiều hoa Mua.
Một thoáng đam mê với dòng Potomac trong mưa: Những cánh buồm lướt trên sông/ Đây Thiên Nga trắng lượn dòng trong xanh/ Trong mưa phố cổ yên lành/ Tôi đi say với màu xanh đất trời.
Ở đây, Đà Lạt hay dòng Potomac… và nhiều lắm, đâu còn là cảnh sắc thuần túy mà nó đã thấm đẫm những điều đẹp đẽ và thiêng liêng vốn ẩn sâu trong trái tim nay có dịp được phát lộ vụt bung ra như vườn hoa vào mùa đơm hương thơm ngát. Ngay cả đến đền, chùa, lăng tẩm và các bậc tiền bối…, nhất là với những con người cụ thể như mẹ, cha, vợ, con, thầy, cô, bằng hữu (chiếm gần trọn cả tập thơ)… đã được dựng lên thành những hình tượng vừa mang nét khái quát vừa đậm chất riêng tư có phần mộc mạc đơn sơ nhưng thật nặng ân tình.
Viết về vợ, người bạn trăm năm của mình: Chồng con mòn mỏi tuổi xanh/ Thảo thơm duyên phận bên anh một đời.
Người vợ ở đây như có thể chạm tới được nhưng đọc lên sao cứ thấy nao lòng. Thật đơn giản bởi vì thơ anh chính là nỗi lòng sâu nặng luôn thường trực trong trái tim anh.
Thơ lục bát của Nguyễn Thanh vẫn là thứ thơ nôm na, quê kiểng có mùi rạ rơm của đồng quê nhưng được pha lẫn thêm mùi son phấn của thị thành và mùi hương thơm của đền, chùa, nhà thờ họ tộc, nên dễ gần và dễ giành được cảm tình với độc giả có nguồn gốc nông dân… Đây là nét độc đáo mà Nguyễn Thanh đã ghi dấu ấn. Không phải là chút “hương đồng cỏ nội” của cô gái thôn quê ra phố “đã bay đi ít nhiều” trong thơ Nguyễn Bính mà là ngược lại, chất hương đồng cỏ nội của cô gái thôn quê trong thơ anh luôn đẫm đặc cho dù nàng hiện thời đã ra đóng đô ở phố: Nhà nàng ở phố Tản Đà/ Bốn mùa nàng vẫn mặn mà áo nâu/ Người ta say rượu say trầu/ Sao tôi say mãi màu nâu đậm đà.
Tự hỏi mình “sao tôi say mãi”, nhưng thật ra đã là lời khẳng định bởi vì màu áo nâu đậm đà nhà quê của nàng đấy. Hình như bị ám ảnh quá lớn với chất nhà quê gắn liền với những cô gái đồng quê xinh hiền mà sau này dù có đi đâu về đâu, như Pari, thành Rôma, xứ Angkor hay biển Caribe…, anh vẫn luôn mang hương vị đồng nội trong tâm tưởng. Khổ lục bát ám ảnh nhất trong tập Chân quê thì lấm, chân trời thì xa, anh đã dành cho nàng ấy: … Những chiều thả vó câu tôm/ Vớt lên cả ánh hoàng hôn đượm nồng/ Lênh loang cỏ nội hương đồng/ Gió mây đeo lệch lưng ong ỡm ờ/ Đuôi gà vương cọng rơm khô/ Mồ hôi khét nắng thẫn thờ phố xa…
Nhà thơ Hàn Mặc Tử sinh thời nói “Người thơ phong vận như thơ ấy”. Ướm vào Chân quê thì lấm, chân trời thì xa, thấy đúng. Phong vận Nguyễn Thanh vừa hào hoa vừa mộc mạc, hồn thơ Nguyễn Thanh vừa mộng mơ vừa chân thành. Sự đan xen kết nối của hai mạch nguồn ấy đã tạo ra một nhà thơ của sự giao thoa giữa chất thị thành và chất nhà quê mang hồn ca dao...
Lục bát của Nguyễn Thanh là chuyện con người lao tâm khổ tứ về nghề và vì miếng cơn manh áo của nhân quần. Cũng giống như nhiều tác giả làm thơ lục bát thành công khác, thơ lục bát Nguyễn Thanh đa phần được viết theo thể thơ truyền thống nhưng xen kẽ trong đó có thể thơ lục bát biến thể theo hướng đổi mới sáng tạo. Trong số 134 bài lục bát, có 13 bài phá thể chiếm gần 10 phần trăm. Về mặt số lượng, loại thơ lục bát phá thể không nhiều nhưng cách phá thể của Nguyễn Thanh có nét ngang ngang mang chút ngẫu hứng riêng của nhà doanh nghiệp. Nét ngẫu hứng ấy thể hiện rõ qua cách gieo vần phóng túng, lối cấu trúc bằng trắc lạ, thuật sử dụng âm điệu có chút liêu trai… và điển hình là ở lối ngắt nhịp đầy biến ảo.
Thống kê 13 bài lục bát phá thể của Nguyễn Thanh, ta thấy anh sử dụng lối ngắt nhịp tùy hứng, phá cách lúc theo nhịp 2-4/4-4; 3-3/4-4; 2-4/3-3-2; 2-4/6-2… lúc theo nhịp 3-3/4-4/, 2-4/2-2-4; 4-2/2-4-2… Cứ ngỡ như lối ngắt nhịp có phần bất cẩn này sẽ làm hỏng ý thơ. Nhưng không, ở đây anh đã có chủ ý gắn vào từng thời điểm tùy hứng ấy những hoài niệm, nhớ thương bất chợt lóe lên trong anh theo cung bậc cảm xúc của riêng mình. Ví dụ: Trăng buồn ở xứ đất triệu voi một đêm nhớ nhà, anh bâng khuâng: Mái chùa/ nghiêng xuống phố xưa/ Vũ trường vắng/ nhạc hững hờ/ lâm vông.
Cách ngắt nhịp 2-4/3-3-2 này phản ánh tâm trạng hoài niệm thấp thỏm đứng lên ngồi xuống vì “Đêm nay hiu quạnh bóng mình bóng trăng”.
Còn cách ngắt nhịp có phần gập ghềnh không theo trật tự nào trong bài Biển phản ánh tâm trạng rối bời nhớ Đồ Sơn, nơi minh chứng “những cuộc tình trái ngang” khi chàng đứng ở bờ biển Santa Barbara nhưng hồn lại thuộc về xứ “Hải Phòng - Hoa Phượng đỏ”.
Nguyễn Thanh được độc giả yêu thơ và yêu luôn cả con người thơ, nhất là phái nữ, vì thơ anh tình và dáng vóc, tâm hồn anh đẹp một cách lãng tử… Tôi nghĩ, nếu tập thơ được chọn kỹ hơn, rút gọn lại trong khoảng 100 bài và chỉnh sửa một số câu chữ hơi thật thà quá thì Chân quê thì lấm, chân trời thì xa sẽ càng tăng thêm phần giá trị.
Nguồn Văn nghệ số 17/2021