Đại sứ Ấn Độ đặt hoa tượng thi hào R. Tagore ở Bảo tàng Văn học Việt Nam
Phát biểu tại đây, ngài Pranay Verma cho biết: Rabindranath Tagore là một trong những vĩ nhân, người thầy vĩ đại nhất vào thế kỷ XIX – XX. Ở Ấn Độ, Tagore được coi như một vị thần, vị chúa và có tầm ảnh hưởng quốc tế. Ông cũng là một trong những người châu Á đầu tiên giành Giải thưởng Nobel Văn học năm 1913 trong đó Gitanjali (Thơ Dâng) là tác phẩm nổi bật.
Tagore không chỉ là một nhà thơ lừng danh mà còn là một nhạc sĩ, họa sĩ tài năng, đã sáng lập trường đại học riêng và vô cùng nổi tiếng ở Ấn Độ. Tagore cũng chính là người truyền nguồn cảm hứng bất tận đến phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước Ấn Độ, khi mang những tư tưởng về việc thức tỉnh, trỗi dậy cho người dân Ấn Độ thoát khỏi ách thống trị, áp bức của thực dân Anh.
Trong tác phẩm Gitanjali (Thơ Dâng), Tagore viết: “Bất cứ nơi nào mà tâm trí của chúng ta đang được dẫn dắt, bất cứ nơi nào khi mà lý trí của chúng ta đang được hướng đến thì ở nơi đó chúng ta hãy cùng thức tỉnh, cùng đứng dậy để giải thoát cho đất nước, cho dân tộc Ấn Độ”.
Chính những gì được viết trong Thơ Dâng và câu nói này đã đánh thức tinh thần tự hào của nhân dân Ấn Độ. Cho thấy một dân tộc Ấn Độ phong phú về văn hóa, về sắc mầu dân tộc, một quốc gia đầy tự chủ, một Ấn Độ đầy tự hào và lớn mạnh không chỉ về văn hóa mà còn cả những trường triết lý về nghệ thuật, tư tưởng, tự tôn.
Đặc biệt vào tháng 6.1929, Tagore đã có chuyến thăm Sài Gòn của Việt Nam. Đây thực sự là một dấu mốc quan trọng, cho thấy tầm ảnh hưởng của Tagore trên trường quốc tế. Ông ghé thăm Sài Gòn và một số nước Đông Dương, mang theo những tư tưởng về đấu tranh giành tự do và trỗi dậy cho những đất nước đang chịu ách thuộc địa. Ở Sài Gòn, Tagore được nhiều tầng lớp trong xã hội Việt Nam chào đón và trân trọng như một vĩ nhân với sức quyến rũ riêng của mình.
Tháng 9.1982, Chính phủ Việt Nam đã cho ra mắt con tem về Rabindranath Tagore. Có nhiều học giả Việt Nam nghiên cứu và dịch sách của Tagore. Tượng Tagore được đặt ở Bảo tàng là minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ Ấn Độ – Việt Nam. Khi đứng ở đây, ngay lúc này là một khoảnh khắc vô cùng tự hào và thiêng liêng đối với Ngài đại sứ. Bởi vì, bức tượng của đại thi hào Ấn Độ được đặt ngay trong trái tim Thủ đô Hà Nội.
Đại sứ Ấn Độ chụp ảnh lưu niệm ở phần trưng bày nhà thơ – nhạc sĩ Văn Cao
Năm 2021, nhiều dấu mốc kỷ niệm quan trọng về Tagore như: 92 năm Tagore đến thăm Sài Gòn – Việt Nam, 80 năm mất và 160 năm sinh của ông, 10 năm tượng nhà thơ Tagore được đặt tại Việt Nam. Đây là những cột mốc quan trọng, cho thấy sự kết nối mạnh mẽ giữa Việt Nam – Ấn Độ được thể hiện ngay chính ở Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Ngài Pranay Verma cũng cho biết: Có rất nhiều ấn tượng tốt đẹp với Bảo tàng Văn học Việt Nam. Trong số những tác giả được trưng bày ở đây, ông ngưỡng mộ nhà thơ – nhạc sĩ Văn Cao. Bởi vì, Tagore và Văn Cao có nhiều điểm tương đồng: là nhà thơ nổi tiếng và tác giả Quốc ca của Ấn Độ và Việt Nam. Mỗi lần tới Bảo tàng Văn học, ông đều ghé thăm phần trưng bày về nhà thơ – nhạc sĩ Văn Cao, để bày tỏ sự tôn kính và ngưỡng mộ.
Năm 2022, sắp tới kỷ niệm 75 năm Độc lập của Ấn Độ, 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Ấn Độ. Đây đều là những dịp vô cùng quan trọng, phù hợp để chúng ta cùng nhớ đến tầm ảnh hưởng của Tagore và những giá trị mà ông để lại. Ngài Pranay Verma mong muốn vào tháng 5.2022 sẽ phối hợp với Bảo tàng Văn học Việt Nam tổ chức hội thảo về Tagore ngay chính tại đây.
Cán bộ, nhân viên Bảo tàng Văn học Việt Nam đón tiếp ngài Đại sứ Ấn Độ
Kết thúc buổi tiếp đón, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ – Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam đã thể hiện niềm vinh dự khi Bảo tàng Văn học được chọn là nơi đặt tượng đại thi hào Tagore của Ấn Độ. Việc tượng Tagore được đặt ở Bảo tàng Văn học Việt Nam góp phần cho công chúng, những người yêu mến tài năng và thơ ca của ông, khi đến thăm Bảo tàng sẽ được trực tiếp chiêm ngưỡng Đại thi hào thông qua món quà ý nghĩa mà đất nước Ấn Độ đã trao tặng cho Việt Nam nói chung và Bảo tàng Văn học Việt Nam nói riêng.
CHU THỊ HÒA
Nguồn Vanvn.vn