Đại sứ Nguyễn Trung Kiên đã có thâm niên công tác trong ngành ngoại giao gần 30 năm. Trước đó, ông từng làm việc ở đơn vị kinh tế và pháp luật, trong ngành nông sản và dầu khí; tham gia công tác nhiều năm ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Sau đó, Bộ Ngoại giao cử ông phụ trách mảng quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, Châu Phi. Ông cũng từng công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, tại Nam Phi. Năm 2021, ông nhận nhiệm vụ là Đại sứ Việt Nam tại Cộng hoà Áo, và Đại diện của Việt Nam tại các cơ quan của Liên hợp quốc tại Vienna. Đặc biệt, ông đã được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng IAEA khoá 65.
Đại sứ Nguyễn Trung Kiên (Photo: Đại sứ Quán Việt Nam tại Áo) |
PV: Thưa Đại sứ, được biết ông được bầu làm Phó chủ tịch Đại hội đồng IAEA khoá 65 (2021-2023) chịu trách nhiệm trong quan hệ đa phương giữa Việt Nam và các nước tại Liên hợp quốc tại Vienna, theo ông, đến nay những thành tựu nổi bật mà Việt Nam đã đạt được trong quan hệ đa phương với các nước là gì, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử?
Đại sứ Nguyễn Trung Kiên: Tôi xin cảm ơn sự quan tâm của tiến sĩ. Quả thật là năm 2021-2023, đánh dấu những hoạt động rất tích cực của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Như chúng ta đã biết là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ). Sau đó, gần đây, chúng ta lại được bầu vào Hội đồng nhân quyền của LHQ, vừa mới nhận trách nhiệm là Thành viên bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2023. Thế nhưng, cũng xin vui mừng chia sẻ với tiến sĩ là tại Vienna có một loạt các tổ chức thường trú của LHQ và tôi cũng được vinh dự là Đại diện thường trú của Việt Nam tại các tổ chức của LHQ. Trong đó, đặc biệt có các tổ chức quan trọng nhất như là: Văn phòng Liên hợp quốc, Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc Unido hay là Tổ chức Cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện CTBTO.
Trong năm 2022, Việt Nam hoạt động rất mạnh mẽ và tích cực, có thể điểm lại những nét chính như thế này: Với tư cách là Đại sứ Việt Nam, Trưởng phái đoàn Việt Nam, tôi được vinh dự bầu làm Phó Chủ tịch phiên 65 của Đại hội đồng IAEA. Từ năm 2021- 2023 Việt Nam cũng được bầu vào Hội đồng Thống đốc của IAEA - là một cơ quan ban, có 35 thành viên chịu trách nhiệm quyết sách tất cả những vấn đề cơ bản nhất của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA. Đồng thời, cũng giữ được sự tín nhiệm của các nước thành viên của Tổ chức Cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện CTBTO, Đại diện Việt Nam là cá nhân tôi cũng được bầu làm Chủ tịch Nhóm công tác A của Tổ chức CTBTO. CTBTO có 2 nhóm công tác: nhóm A – Uỷ ban thứ nhất, chịu trách nhiệm toàn bộ các vấn đề về hành chính, luật pháp, nhân sự, tài chính và Việt Nam làm Chủ tịch (nhiệm kỳ 2021 – 2023); Ủy ban thứ hai là Ủy ban Các vấn đề kỹ thuật thì do Đại sứ đại diện Cộng hòa Kazakhstan làm Chủ tịch. Đây là hai ủy ban quan trọng nhất của CTBTO.
Đối với vai trò là Hội đồng Thống đốc IAEA thì đây không phải là lần đầu Việt Nam tham gia. Nhưng đối với vai trò là Chủ tịch nhóm công tác A của CTBTO thì đây là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận cương vị này. Như vậy, với hai vị trí trên thì Việt Nam ngày càng khẳng định mong muốn, quyết tâm và khả năng của mình là đóng góp một cách tích cực hơn trong các hoạt động ngoại giao đa phương. Trong hoàn cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến cố, khó khăn, thách thức thì lại càng thấy sự cần thiết của ngoại giao đa phương là nền tảng để các quốc gia dù có thể là không nhất trí với nhau, có thể còn khác biệt, nhưng đều tìm tiếng nói chung để bảo vệ hòa bình, trật tự, bảo vệ sự phát triển và sự an toàn. Việt Nam luôn luôn đánh giá cao và ngày càng tham gia tích cực vào các cơ chế của ngoại giao đa phương. Tại Vienna, Việt Nam đang làm những công việc rất quan trọng. Các Diễn đàn tại Vienna, mang tính chất kỹ thuật, kinh tế rất cao chứ không nhiều vấn đề về chính trị hay vấn đề văn hóa, xã hội như ở New York và Geneve.
Trong chuyến thăm của đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (2022) đã đến thăm khu nghiên cứu khoa học của IAEA và đã có buổi làm với ngài Tổng thư ký điều hành của CTBTO, nhằm tăng cường sự thêm hiểu biết giữa hai bên. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đóng vai trò quan trọng trong việc phụ trách mảng Tuyên giáo, trong đó, bao gồm việc nghiên cứu khoa học. Chúng tôi rất mong Việt Nam sẽ tham gia tích cực hơn nữa trong IAEA, CTBTO và các tổ chức quốc tế ở Vienna, để được hưởng những giá trị mà các cơ chế đa phương mang lại trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng đóng góp vai trò của mình vào các diễn đàn đó.
Năm nay, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch của nhóm châu Á Thái Bình Dương trong cơ chế IAEA đã chủ trì phiên họp cấp Bộ trưởng của toàn bộ khối và kỷ niệm 55 cơ chế ra đời tại Vienna. Đây là một hoạt động rất tích cực đã được IAEA đánh giá rất cao. Ngoài ra, các hoạt động của chúng ta nhằm: một là, bảo đảm sự an toàn hạt nhân trên thế giới; thứ hai là ứng dụng khoa học của hạt nhân để hỗ trợ các vấn đề về kinh tế-xã hội, nông nghiệp, khai thác mỏ, y tế, bảo vệ môi trường và khoa học hạt nhân, có những diễn biến mở ra những giải pháp cho vấn đề năng lượng... Đấy là những mảng mà IAEA nỗ lực mang lại giá trị cho nhân loại, và Việt Nam đang đóng vai trò rất tích cực trong việc đó
Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Đại diện thường trực Việt Nam tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã trình Ủy nhiệm thư lên Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi (Photo: Đại sứ Quán Việt Nam tại Áo) |
Và cuối cùng trong nghiên cứu tại Vienna, đây là nơi đặt cơ quan đầu não của Cơ quan Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc UNIDO. Năm 2022, Việt Nam và UNIDO đã có những trao đổi rất sâu và đã đi đến thống nhất là UNIDO sẽ cùng và giúp Việt Nam xây dựng chương trình quốc gia, là một chương trình có giá trị giúp Việt Nam đánh giá và hoạch định những bước phát triển tổng thể về công nghiệp cho đất nước trong vòng 5 năm. Hai bên, đã có được những thỏa thuận ban đầu, chúng tôi hy vọng là hai bên sẽ sớm đi vào cụ thể để cùng nhau xây dựng cho Việt Nam Chương trình quốc gia.
Đó là một loạt các công việc mà các cơ chế, các hoạt động ngoại giao đa phương đã mang lại cho Việt Nam tại Vienna.
PV: Áo là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam tại châu Âu, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực (1/8/2020 đối với Hiệp định Thương mại/EVFTA, còn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA vẫn phải đợi Nghị viện 27 nước thành viên EU phê chuẩn) Việt Nam có chiến lược nào để đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường Áo, cũng như thông qua thị trường này để tiến vào thị trường châu Âu thưa Đại sứ?
Đại sứ Nguyễn Trung Kiên: Thị trường Áo, về dân số không lớn nhưng là một thị trường có uy tín rất lớn ở châu Âu. Nhiều người nói vui rằng nếu hàng hóa đã được vào thị trường Áo sẽ được lan tỏa đi rất nhiều nước xung quanh vì uy tín của thị trường này cũng như vị trí rất đắc địa của đất nước Áo giữa lòng Trung Âu. Đây là điểm lợi thế! Vì thế, Việt Nam rất coi trọng vào thị trường Áo như một thị trường cuối cùng, nhưng cũng vừa là thị trường trung chuyển vào Châu Âu. EVFTA khi có hiệu lực đã mang lại giá trị rất tốt. Mặc dù, năm 2020, 2021, chúng ta đã chứng kiến nền kinh tế thế giới chao đảo do dịch Covid-19 và do khủng hoảng kinh tế nhưng, nhịp độ phát triển của kinh tế kim ngạch song phương giữa Áo và Việt Nam vẫn tiếp tục tăng ở mức còn cao hơn tăng trưởng của Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá còn rất nhiều việc cần phải làm, ví dụ, như nhà báo cũng đã nêu là 27 nước của Châu Âu thì từng nước cần phải phê chuẩn vào Hiệp định Bảo hộ đầu tư thì hiệp định mới có hiệu lực, mà hiện nay thì Áo chưa phê chuẩn. Tại thời điểm này, các nước Châu Âu đang đứng trước rất nhiều thách thức về chính trị, an ninh, kinh tế, cho nên bản thân EU cũng đang khá vất vả để quyết các vấn đề của mình, kể cả hệ quả do làn sóng nhập cư gây ra khủng hoảng. Đó cũng là điều mà các nhà lãnh đạo của Áo rất quan tâm. Vì thế, việc vận động để các Nghị viện châu Âu, trong đó có Nghị viện Áo quan tâm và thông qua EVIPA là một điều sẽ còn khó khăn.
Chúng tôi cho rằng, một khi EVIPA được thông qua, nó sẽ mang lại lợi ích cho chính các nhà đầu tư của Áo khi bước vào thị trường Việt Nam. Bởi vì, họ sẽ được bảo vệ, được tạo nhiều thuận lợi. Và nhiệm vụ của chúng tôi cũng như các nhà doanh nghiệp Việt Nam là phải giúp cho giới doanh nghiệp Áo hiểu và quan tâm hơn nữa đến thị trường tiềm năng của Việt Nam. Khi họ nhìn thấy được tiềm năng, nhìn thấy được lợi thế, thì các nhà đầu tư sẽ quan tâm và họ sẽ thuyết phục Quốc hội phê chuẩn.
Hiện nay, tiếp nối các sự kiện diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc trao đổi của Việt Nam với Áo và các nước lân cận, chúng tôi sẽ tiếp tục có những hoạt động để giúp doanh nghiệp hai bên hiểu nhau sâu hơn nữa. Ngay cả từ phía doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt, là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ còn ít hiểu biết về các quy tắc, các điều kiện của thị trường châu Âu và Áo. Chúng tôi sẽ cố gắng, giới thiệu về các đặc thù, lợi thế, yêu cầu quy tắc và thói quen của Áo một cách kỹ lưỡng và cẩn thận hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam (chủ yếu là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ).
Trong năm tới, chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra những cơ hội, nhằm tăng cường sự hiểu biết, thuyết phục các doanh nghiệp hai bên quan tâm đến nhau nhiều hơn nữa. Thúc đẩy kinh tế là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngoại giao Việt Nam hiện nay. Bộ trưởng, Thủ tướng Việt Nam cũng thường xuyên nhắc nhở, coi thúc đẩy kinh tế là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngoại giao Việt Nam. Khi nền kinh tế giao thương mạnh mẽ, các bên sẽ gắn bó với nhau hơn, sẽ tạo điều kiện cho tất cả các lĩnh vực khác cùng phát triển, tăng thêm sự tin cậy cũng như hợp tác trong chính trị, là điều kiện để văn hóa được tiếp tục giao lưu sâu sắc hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng phát triển hợp tác về kinh tế để làm bệ đỡ cho tất cả các hoạt động khác cùng phát triển.
PV: Thưa Đại sứ, trước khi đến với ngành ngoại giao, ông đã từng lăn lộn nhiều với các doanh nghiệp nên thấu hiểu được nỗi vất vả của doanh nghiệp Việt Nam. Với bề dày kinh nghiệm như vậy khi đến một đất nước Trung Âu như thế này thì chúng tôi tin tưởng rằng sự kết nối của ông cũng sẽ thành công. Bên cạnh đó, một việc quan trọng nữa, đó là, rất nhiều nhà khoa học của Áo và Việt Nam đã và đang ủng hộ mối quan hệ hữu nghị và nghiên cứu khoa học giữa hai nước, tuy nhiên, chưa từng có các giải thưởng khoa học chung nào dành cho họ?
Đại sứ Nguyễn Trung Kiên: Khoa học công nghệ và tri thức có thể nói là động lực cho sự phát triển và cũng chính là mục tiêu phát triển của xã hội. Vì thế, chúng tôi cho rằng đây là một trong những nhiệm vụ của bất cứ một nhà ngoại giao nào chứ không phải chỉ có tôi với vai trò là Đại sứ Việt Nam tại Áo. Phải thúc đẩy việc phát triển khoa học công nghệ tri thức của Việt Nam vươn tầm với nền khoa học công nghệ và tri thức của thế giới, đóng góp vào cái chung và cũng hưởng lợi từ nó.
Chúng tôi rất vui, khi bắt đầu từ năm ngoái đã có Giải thưởng khoa học Vin Future - một giải thưởng mới được bắt đầu ở Việt Nam. Tuy nó còn non trẻ, nhưng tôi cho rằng nó đã có được những kết quả rất tốt, đã thu hút được những nhà nghiên cứu khoa học, giải quyết các vấn đề nóng bỏng của thời đại hiện nay. Tôi tin rằng nó sẽ là động lực để thúc đẩy nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, cũng như thu hút các nhà khoa học thế giới đến với Giải thưởng này.
Áo là một trung tâm nghiên cứu khoa học của châu Âu. Tôi được biết là rất nhiều nhà khoa học Việt Nam đã được đào tạo, được tham gia nghiên cứu khoa học tại Áo, trong các lĩnh vực như: sinh học, nông nghiệp, công nghệ thông tin. Nhiều người đã quay trở về để đóng góp cho nền khoa học Việt Nam. Nhiều người tiếp tục ở đây để tham gia nghiên cứu khoa học. Đấy chính là những kết quả rất tốt, tôi cho rằng chúng ta có nhiệm vụ khuyến khích, tạo điều kiện và nhân rộng, tuy nhiên, điều này đòi hỏi rất nhiều thành tố từ chính các nhà khoa học, từ chính các cơ sở đào tạo cũng như nghiên cứu của các nhà khoa học. Đặc biệt, đối với Việt Nam còn rất nhiều điều phải học từ Áo, phải làm sao các nghiên cứu khoa học càng ngày càng thiết thực hơn, bám sát và phục vụ đời sống hơn, Áo đã rất thành công trong việc này. Việt Nam cần phải cố gắng học hỏi từ cơ chế, truyền thống về khuyến khích, nâng đỡ và tạo điều kiện để nghiên cứu khoa học phải thực sự gắn với ứng dụng phát triển kinh tế xã hội.
PV: Trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ dự định sẽ đạt được những mục tiêu cụ thể nào trong việc thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa Việt Nam-Áo, cũng như mối quan hệ đa phương giữa Việt Nam và các nước?
Đại sứ Nguyễn Trung Kiên: Quả thật là một nhà ngoại giao thì nhiệm vụ và công việc rất là đa dạng, có những việc rất trọng đại như đóng góp vào sự kiện của quốc gia, của nhiều quốc gia. Thế nhưng cũng có những việc rất nhỏ, đơn giản như có khi chỉ là gặp gỡ tiếp xúc giải thích một vấn đề rất nhỏ cho một người dân nước mình hoặc là nơi mình được cử đến, giúp giải tỏa một câu hỏi, kết nối được một mối quan hệ, hoặc là làm cho hai bên hiểu nhau hơn một chút. Đây cũng là một nhiệm vụ của một nhà ngoại giao. Với nhiệm kỳ của một cán bộ ngoại giao là 3 năm, thực sự tôi cũng không dám kỳ vọng nhiều, khả năng của mình cũng còn hạn chế trong khi nhiệm vụ cũng rất lớn. Tuy nhiên, tôi cũng tự đặt ra cho mình một số mục tiêu của một số nhiệm vụ như:
Thứ nhất, là tiếp tục làm cho người Áo hiểu hơn về Việt Nam, về con người, lịch sử, văn hóa, những điểm mạnh và những điểm không mạnh của Việt Nam. Ngược lại cũng cố gắng làm cho người Việt Nam hiểu hơn nữa về đất nước Áo, về con người, về xã hội Áo, về những thành tựu đã đạt được giữa hai bên. Mặc dù, nhiệm vụ ấy là chung và cũng không phải chỉ có một người, tôi cũng chỉ là người tiếp bước của 9 vị tiền bối Đại sứ trước đó, đặt thêm những viên gạch nhỏ cho cả con đường lâu dài. Tôi cũng không dám kỳ vọng lớn, những thành tựu của mỗi chúng tôi đạt được thì đều dựa trên những viên gạch của những người đi trước.
Thứ hai, cố gắng đưa ngoại giao Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển nhiều hơn nữa. Tôi đi và trải nghiệm thì thấy thế giới có nhiều người biết và khen ngợi Việt Nam, bởi vì lòng dũng cảm, vì cuộc chiến tranh thần thánh của chúng ta đã trải qua để gây dựng nên được độc lập và bảo vệ nền độc lập. Thế nhưng, Việt Nam ngày nay cần phải làm gì để phát triển, một Việt Nam mới - Việt Nam ngày nay được thế giới biết đến nhiều hơn, đó là nét đẹp văn hóa, nét đẹp thiên nhiên, những điều tốt đẹp trong con người Việt, những triển vọng của hòa bình và phát triển. Những thành tựu rất anh hùng của quá khứ chúng ta không bao giờ quên nhưng mà chúng ta cần hướng tới tương lai.
Thứ ba, trong 3 năm tôi được giao nhiệm vụ thì hiện giờ chúng tôi đã hoàn thành được một nửa nhiệm kỳ công tác của mình, tôi chỉ mong là cố gắng thực hiện tốt các hoạt động ngoại giao mà Đảng và Nhà nước Việt Nam giao cho trong đó có việc kết nối chuyến thăm Bộ trưởng Ngoại giao Áo, một loạt các hoạt động của các đoàn Việt Nam, đặc biệt, là các đoàn của các tỉnh, các địa phương đến với Áo, chúng tôi sẽ cố gắng làm sao đó để đoàn công tác của Việt Nam sang Áo sẽ mang lại hiệu quả cao nhất. Bây giờ không những là chúng ta phải đón tiếp thịnh tình, gặp gỡ được nhiều, trao đổi được nhiều, nhưng xa hơn nữa là phải có hiệu quả cho mối quan hệ và phát triển kinh tế xã hội; Cuối cùng thì có lẽ tôi chỉ muốn gửi gắm thêm nữa là: quan hệ giữa các quốc gia, các dân tộc với nhau suy cho cùng vẫn là con người, tôi mong muốn quan hệ giữa các địa phương Việt Nam đến các địa phương của Áo sâu hơn rộng hơn nữa, có được sự gắn bó giữa một địa phương, một thành phố, một trường của Áo với một địa phương, một thành phố, một trường của Việt Nam, chúng tôi mong là thời gian còn lại của tôi trong nhiệm kỳ sẽ ưu tiên việc này.
PV: Đại sứ có gì nhắn gửi đến bà con kiều bào tại Áo nói riêng và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung?
Đại sứ Nguyễn Trung Kiên: Tôi xin chia sẻ suy nghĩ của mình, năm 2022, chúng ta đã chứng kiến tại Châu Âu, bên cạnh dịch bệnh là chiến tranh, là khó khăn, năng lượng khủng hoảng, giá tiêu dùng tăng, kinh tế khó khăn. Chúng ta từng chứng kiến sự quan tâm của thế giới về mặt kinh tế nhiều hơn đến châu Á Thái Bình Dương, trong đó, có Việt Nam, chứng kiến sự thay đổi rất mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt, là công nghệ thông tin đã làm thay đổi đời sống xã hội… nhưng suy cho cùng thì chúng ta vẫn phải quay về những nét, những điều cơ bản nhất của con người.
Tôi xin chúc cộng đồng bà con trong năm 2023 hòa bình! Năm nay cũng là năm rất đặc biệt, đó là, kỷ niệm 50 Hiệp định Pari (1973-2023), đánh dấu dấu mốc về mặt pháp lý để tiến tới hòa bình, kết thúc cuộc chiến tranh đã kéo dài và để lại hậu quả rất nặng nề cho Việt Nam. Năm 1973 khi Hiệp định Pari được ký kết đã mở ra cơ hội và mang lại nền hòa bình cho Việt Nam. Vì thế, trong bối cảnh của thế giới hiện nay, thứ nhất, tôi mong muốn, ước nguyện cộng đồng bà con tất cả chúng ta sẽ được hưởng hòa bình. Đấy chính là tiền đề để có được cuộc sống đầy đủ và phát triển; thứ hai, tôi xin bày tỏ ước nguyện là bà con được ăn no mặc ấm và hạnh phúc như Bác Hồ từng nói. Trong bối cảnh hiện nay, ước nguyện của Bác Hồ năm xưa tôi nghĩ vẫn luôn luôn đúng, đấy là có một cuộc sống đầy đủ và có được hạnh phúc!
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
TS Yen Platz, từ Thủ đô Vienna