Sáng tác

Đàn chim mùa quả chín. Truyện ngắn của Thân Phương Thu

Thân Phương Thu
Truyện
09:14 | 02/09/2024
Chiếc xe lướt nhẹ trên con đường vương vãi đầy rơm, rạ, đưa tôi trở về quê hương sau nhiều năm du học ở xứ người. Lòng tôi bồn chồn. Tôi hít căng lồng ngực mùi hương nồng nàn của những ruộng đất ải ven đường.
aa

Chiếc xe lướt nhẹ trên con đường vương vãi đầy rơm, rạ, đưa tôi trở về quê hương sau nhiều năm du học ở xứ người. Lòng tôi bồn chồn. Tôi hít căng lồng ngực mùi hương nồng nàn của những ruộng đất ải ven đường.

Đưa mắt tìm kiếm mãi mà chẳng thấy đâu cổng làng, tôi thoáng nghĩ mình lầm đường chăng? Ngay đầu làng chỗ gốc đa già giờ mọc lên san sát những ngôi nhà mới... Ông lái xe liếc tôi, mỉm cười:

- Anh thấy nông thôn mình giờ thay đổi nhiều không?

Tôi thở dài đáp miễn cưỡng “Vâng”. Tôi bảo ông tài dừng xe trước ngõ. Vừa bước xuống tôi chợt thấy phía cuối làng có đám đông nhốn nháo. Thoáng nghe tiếng ai gào lên thảm thiết:

- Bà con... cứu cô ấy với!

Tôi rẽ đám đông lao xao xông vào. Một người đàn bà nằm co quắp. Quần áo, tóc tai tơi tả, rũ rượi. Nhìn khuôn mặt trắng bệch, tim tôi nhói lên đau thắt. "Xoan". Tôi quỳ xuống nâng Xoan dậy. Thân thể nàng mềm oặt như một rẻ khoai héo. Từ chỗ bàn tay đỡ sau gáy Xoan, một dòng âm ấm tuôn chảy... Trời ơi... máu... Đầu óc quay cuồng, choáng váng. Tôi muốn gọi tên nàng lên nhưng không sao thốt khỏi thành lời... Cặp mắt Xoan hé mở. Nàng thều thào "Anh… H...ưng..." Rồi khẽ nấc lên một tiếng. Cặp mắt màu nâu mở to giữ mãi trong đó hình ảnh cuối cùng về tôi. Hình như nàng còn muốn nói điều gì nữa nhưng không kịp...

Sau đó, tôi không nhớ mọi người đã mang nàng đi ra sao. Tôi sốt cao, mê man... Chập chờn những bóng người. Bàn tay mẹ ram ráp mát lạnh đặt lên vầng trán... Hình như có một phép màu đã biến tôi lại thành thằng bé con của mẹ năm nào...

*

Tôi gấp sách gối đầu. Nằm xoài trên đống rơm sau vườn, ngước mắt lên khoảng trời mùa thu xanh thẳm. Ánh nắng trong vắt, sánh như mật làm ánh lên sắc vàng của những chùm xoan óng ả. Những chùm xoan chín như muôn chuỗi hạt cườm dính vào nền trời bao la.

Đang mơ màng, tôi thấy có tiếng gì lao xao, ríu rít trên không... Ồ, bày chim chào mào. Những chú chim này thật đỏm dáng, thật kiêu hãnh và mới vui tính làm sao. Chúng vừa ngó nghiêng ngắm nghía những chùm xoan lúc lỉu, vừa chuyện trò, cãi cọ râm ran náo động cả khu vườn. Thấp thoáng những chiếc mào đỏ rực như những đốm lửa nhỏ nhảy nhót trên các cành cây. Có lẽ đây là lũ chim hàng năm vẫn kéo nhau về vườn nhà tôi? Lũ chim có cơ man những câu chuyện hay. Hồi bé có một thời tôi đã từng nghe được các câu chuyện ấy. Những câu chuyện kì lạ mà bầy chim lượm lặt được trong các chuyến đi xa. Trong những giấc mơ, tôi hay thấy mình bay theo đàn chim... Bay đi rất xa, cho đến mùa thu lại tìm về làng quê với một kho chuyện lạ kể râm ran cho vườn cây rì rào êm ả...

"Roạt" Tôi giật mình nhổm dậy. Thoáng thấy bóng thằng Chí lẻn vào vườn. Tay nó lăm lăm một khẩu súng cao su to... Tôi vội cúi xuống vơ mấy hòn sỏi nhỏ ném lên ngọn xoan trước lúc thằng Chí kịp giương súng cao su lên cao. Nó ngoảnh phắt lại:

- Á, thằng đểu chơi xỏ ông. Phí công ông rình từ chiều. Nó đút hai ngón tay cáu bẩn vào mồm. Huýt một tiếng sáo. Mấy đứa cởi trần trùng trục nhảy vào tóm lấy tôi. Tôi giãy giụa gào lên: "Buông tao ra."

Chúng lôi tôi xềnh xệch ra ngoài vườn xoan. Thằng Chí hằm hè gườm gườm nhìn tôi. Nó quát lũ "đồ đệ”.

- Chúng mày đâu, giã cho nó một trận nhừ xương!

Tôi đau điếng, quay cuồng vì những cú đấm, cú đá...

Có bàn tay ai đặt nhẹ lên trán. Tôi dụi mắt, cựa quậy. Người đau ê ẩm. À cái Xoan. Nó nhìn tôi lom lom vẻ hoảng hốt.

- Trán anh chảy máu kìa. Đợi em lấy búp tre nhai đắp cho.

Nó thoắt chạy ra phía rặng tre. Tôi rờ tay lên trán đụng một cục đau rát, nhớp nháp dễ chừng to hơn quả ổi găng. Nó vừa rịt búp tre lên trán tôi vừa gặng hỏi:

- Anh làm sao vậy?

- Bọn thằng Chí đánh, vì xua bầy chim trong vườn bay mất.

Nó mím môi.

- Bọn chuyên đi bắn trộm chim. Em chúa ghét.

Thằng Chí đúp lại, học lớp em. Nó ác lắm, thấy tóc bọn em dài nó toàn vứt ké lên đầu cho rối bung, gỡ đau phát khóc, để bọn nó được trận cười. Nó im lặng một hồi lâu, nhìn tôi vẻ bối rối:

- A... anh Hưng này... quyển truyện anh cho mượn hôm qua... Em...

- Có chuyện gì?

- Bố em... Nó bỗng bật khóc thổn thức, nghẹn ngào.

Tôi hoảng, gắt lên:

- Bố làm sao?

- Bố em đánh em... vứt truyện vào bếp. Bố em bắt bỏ học, ở nhà bế em....

Tôi thở dài đánh sượt. Giọng nó run run đẫm nước mắt:

- Em sẽ cố mua đền anh.

Tôi cau mặt. Tôi đâu có tiếc quyển truyện, mà tiếc cho một đứa học khá như nó sắp phải rời xa mái trường. Sao có sự vô lí như thế? Tôi đấm mạnh một cái xuống đất, ngẩng mặt nhìn lên bốn phía bờ tre mù mịt...

*

Sau đận Xoan phải nghỉ học. Thằng Chí còn lăm le mấy lần đến vườn nhà tôi. Xoan và tôi bàn nhau lớn lên sẽ học võ thật giỏi để choảng nhau với bọn chúng, để bảo vệ đàn chim...

... Đêm trăng thượng tuần đầu thu. Tôi bồn chồn ra ngõ ngóng về cuối xóm. Sao mãi không thấy bóng Xoan? Ngày mai tôi di xa... Bà con làng xóm đến chia tay đã về từ lâu. Hay có chuyện gì xảy đến với Xoan chăng? Bầu trời bỗng nhiên u ám. Một dải mây xám đang trôi ngang qua mảnh trăng...

- Anh Hưng!

Tôi vội vã tìm tay Xoan. Bàn tay nàng run rẩy trong tay tôi. Mảnh trăng trong veo hiện ra tỏa ánh sáng mơ hồ... Gương mặt Xoan dưới ánh trăng càng trở nên, dịu dàng, thanh khiết vô ngần. Xoan ngước nhìn tôi, cặp mắt nàng đẫm ánh trăng… Ánh trăng dào dạt tuôn chảy thành dòng lấp lánh trên đôi má bầu bĩnh thơ ngây...

- Đừng khóc em...

...Và cuối cùng thì tôi đã quên hết những điều định sẽ nói với Xoan trong lúc chia tay ấy... Tôi không nói được điều gì với nàng... có lẽ vì ánh trăng. Chưa thấy có đêm trăng thượng tuần nào lại tỏa sáng kì ảo đến như thế...

*

Ngày tôi xa quê. Xoan và tôi thường thư cho nhau. Lần nào đọc thư nàng tôi cũng nao nao muốn khóc... Thường thì Xoan hay tả cảnh làng quê và nhắc lại những kỉ niệm thời thơ ấu của chúng tôi. Sau khoảng hơn một năm thì tôi bặt tin nàng. Từ đó tôi không hề biết nàng sống ra sao... Nhiều khi nhìn tuyết rơi, nhớ về quê hương da diết, tôi thấy trái tim mình buốt giá. Chắc chắn nàng đã quên tôi, đã đi lấy chồng...

Tôi không bao giờ ngờ nổi đã gặp lại Xoan trong một cảnh tượng đau lòng như thế... Mẹ tôi kể, khi tôi đi được khoảng nửa năm thì mẹ Xoan ốm chết. Bố Xoan lấy mụ Mật. Mụ này chẳng hiểu nợ nần gì thằng Chí nó ép gả Xoan cho nó. Thằng Chí nối nghề thịt lợn của bố nó. Sau bố chết. Nó bỏ lên mạn ngược đào vàng. Nghe đâu cả bọn cùng đi chết hết. Mình nó sống nhởn. Mang về một ba lô đầy vàng. Nhưng chắc bị ma ám. Nó như thằng điên. Nhiều khi đang đêm rú lên ằng ặc như bị chọc tiết: "Tao trả... vàng đây... tha cho tao...". Nó uống rượu say đánh đập Xoan tơi tả. Hôm đó thằng Chí say, đuổi đánh Xoan, phang cả điếu cày to vào gáy cô ấy...

Mẹ tôi mắt dân dấn nước: "Dạo con đi, nó hay qua lại thăm mẹ. Mẹ ngắm nó đẹp người, tốt nết, nhưng nét mặt buồn, đã bụng bảo dạ - con bé chắc số phận rồi chả ra gì... Ngờ đâu nó lại đột ngột chết oan uổng thế này... Mẹ vẫn ao ước có một mụn con gái mà trời không cho. Nghĩ coi nó như con gái, thế mà trời lại bắt tội nó đi sớm thế... Thật đúng là "hoa thì thường héo"…

*

Bao nhiêu kiến thức trang bị cho một luật sư tương lai tôi cứ ngỡ sẽ áp dụng ở những đâu đó xa xôi. Nào ngờ, ngay ngày đặt chân về chốn làng quê yên ả thân thương, tôi đã bị một cú sốc kinh hoàng đau đớn.

Mấy hôm sau mẹ tôi bảo thằng Chí đã bị tóm. Theo như những điều đã học thì chắc hắn sẽ bị xử theo tội danh ngộ sát mà thôi. Điều đó làm tôi bồn chồn, day dứt... Đêm đêm hình ảnh thằng Chí năm xưa với khẩu súng cao su trong tay cứ hiện về ám ảnh tôi trong những cơn ác mộng...

Một buổi sáng, những tiếng chim líu lo đánh thức tôi dậy sau một giấc ngủ dài. Chẳng hiểu chúng đang nói những gì nhỉ? Thế mà có một thời tôi từng nghe được những câu chuyện của bầy chim mới lạ chứ...

Tôi vùng dậy, lững thững ra vườn. Những chùm xoan chín vàng óng ả, ánh lên lấp lánh dưới ánh nắng mùa thu. Những quả xoan rắc vàng mặt đất... Có cô bé nào đang đi lượm nhặt tha thẩn bên vườn. Mắt thoáng mờ đi đầy nước, tôi chực bật lên tiếng gọi... "Xoan...Xoan ơi..." Không gian tĩnh lặng khiến tôi nghe rõ những nhịp đập thổn thức của chính trái tim minh... "Xoan ơi bây giờ em đang ở đâu?”

...Khu vườn êm ả bỗng thoắt lao xao râm ran... Thấp thoáng những chấm đỏ vụt ẩn hiện trong các lùm cây. Đàn chim chào mào... Đàn chim của mùa quả chín... Thế là chúng đã trở về...

Thông báo mở lại Chuyên mục “Đọc truyện ngắn hay trên Báo Văn nghệ” Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương
văn nghệ trẻ, số 14/1997
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn