Sáng tác

Đất hứa. Truyện ngắn của Trần Thanh Hà

Trần Thanh Hà
Truyện
13:00 | 24/09/2024
Baovannghe.vn - Tôi về quê vào giữa tháng Sáu tây. Ngày rưỡi ngồi tàu, xuống ga thị xã, thêm cuốc xe ôm năm chục cây số nữa thì đến nơi. Người giống con ma lem
aa
Đất hứa. Truyện ngắn của Trần Thanh Hà
Đất hứa - truyện ngắn của Trần Thanh Hà

Mỗi mẹ tôi ở nhà, đang băm chuối. Hình như mẹ có hơi ngạc nhiên, vì tự dưng tôi về không báo trước, chẳng nhân một dịp gì. "Được nghỉ à con?" - mẹ hỏi. Tôi dạ, vì chẳng lẽ nói với mẹ rằng tôi chán Hà Nội, về quê tĩnh dưỡng. Nhiều năm rồi, tôi đi làm xa, tự sống cái gọi là đời tôi, mẹ không can dự vào một việc gì. Lâu lâu về nhà, không thấy mẹ cật vấn kĩ. Hay tại mẹ biết mẹ không thể cho tôi thứ mà tôi muốn...

Không thấy thằng Thuấn. Mẹ tôi bảo nó đi lặn xúc cát sạn ở trong bến, trừ ăn trưa lĩnh mỗi tháng hai trăm nghìn. "Chết, mẹ cho nó đi thế, nguy hiểm!" - tôi bảo. "Thì có việc gì nữa mà làm. Có hai sào ruộng, béng một cái là xong, thóc gạo chả nhằm nhò. Nó đi làm thế, cũng có đồng ra đồng vào, lại còn mồ mả. Cũng hơn đào bom hay đi cội..." - mẹ nói. Tôi giật mình. Hồi mới đi làm, tôi tâm tâm niệm niệm phải dành dụm ít tiền, có về góp mẹ tôi xây mộ cho cha, rồi đến lúc có tiền, thấy những sự khác cần thiết hơn, ngày qua ngày quên mất. Ở dưới suối vàng cha có hiểu mà tha thứ cho tôi?

Cha mẹ tôi đẻ bảy lượt cả thảy, nuôi được năm. "Thế là phúc rồi” - bà nội tôi nói vậy. Sau này ra đời, thấy bươn chải để sống được ở đời cũng nhọc nhằn quá, tôi hay ngẫm lại lời bà, cố hiểu bà tôi nói phúc là theo nghĩa nào.

Trong năm chị em, tôi là cả. Hai con em kế đứa tên Thảo, đứa tên Nhài đã yên bề gia thất, lo chăm bẵm chồng con, dăm tháng về thăm mẹ một lần. Thằng tiếp tên Đông, trượt đại học, đi nghĩa vụ quân sự cũng gắng gỏi vào được trường sĩ quan ở trong Sài Gòn, tự nó lo thân nó, có tiền thi thoảng cho nó một ít, coi như tạm ổn, tự nó lo thân nó. Duy thằng em út tên Thuấn, không biết giống ai, đặc cán mai, học lên cấp hai vẫn viết không nổi con chữ, cứ nằng nặc bỏ học. Mẹ tôi ở nhà bảo ban không được, để nó lêu lổng khắp đồng khắp bãi. Mỗi lần về nhà, thấy nó lấm lê bùn đất, suốt ngày chim cá cua ốc, vừa bực vừa buồn, khéo không nó lại lặp lại vòng đời của ông bà cha mẹ tôi, quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, không biết làm sao mà cất mặt lên được. Tôi nhớ ngày cha tôi mất, thằng Thuấn mới lên bốn, thấy người ta khóc nó cứ ngửa mặt hỏi: "Răng khóc?", bảo thắp hương cho cha không thắp, một hai xin đi chơi. Vậy mà bây giờ nó thành cái cột trụ cho mẹ tôi tựa. Bây giờ nó đi lặn cát sạn, tháng kiếm hai trăm bạc...

Tôi ngồi nhìn ra ngoài sân, mắt sầm mất một lúc. Nắng trưa gắt gao. Gió bùng bùng, thổi ù ù trên ngọn tre. Đám sắn phía trước nhà lá rủ xuống, buồn nản. Đất cát pha, càng nắng càng lôm lốp, nhìn đau con mắt. Mẹ tôi bảo đã mấy tháng rồi không có mưa. "Đến mùa lụt rồi thì lụt to phải biết" - mẹ nói thêm. Tôi nhớ những năm tuổi thơ, tôi đã sống qua những mùa nắng thế này, quắt cả người, rồi vẫn sống, ngày mai, ngày kia, ngày kia nữa... Tôi đi đây đi đó, ai hỏi ở quê có đặc sản gì, cứ phen phét miệng: "Gió nhập khẩu", xong cười. Bây giờ ngồi nghe gió táp, mới thấy sự đùa của mình nhạt quá thể nước ốc.

Buổi tối, thằng Thuấn kéo một đám bạn về nhà, bảo tổ chức chia tay để mai chúng đi làm ăn xa. Thằng Cu, thằng Tố, thằng Bằng... Tôi nhòm mặt, chẳng nhớ đứa nào với đứa nào trong lũ trẻ con hay đến nhà, toàn một giọng mới vỡ ồ ồ. Chúng ngồi quanh sân, bon rượu đặt ở giữa. "Chị Nhân uống với bọn này chén. Mai bọn này đi rồi, biết đâu chẳng chết mất xác..." - một đứa nói. "Đi đâu?" - tôi thảng thốt. Giọng đứa khác: "Cần gì biết đi đâu. Thế nào chẳng dễ sống hơn..." Tôi cầm li rượu, nhắm mắt uống. Vị rượu chát đắng ngấm từng thớ lưỡi, xuống cổ, ngấm tận gan tận ruột, rùng mình. Lâu nay nghe thông tin, tôi có biết chuyện thanh niên nông thôn bỏ làng đi làm ăn, vùng tôi chủ yếu vào trong Nam, phiêu bạt khắp nơi, gái đi làm nhà hàng, con trai đi hái đào lộn hột, hái cà phê, phát rẫy thuê trên Tây Nguyên. Không biết có thật cuộc sống ở nơi xa dễ thở hơn hay vì lẽ gì mà không thấy ai trở về. Bây giờ ngồi với đám thanh niên này, thậm chí chẳng biết mắt chúng nó nói lên cái gì. Nhìn sang thằng em, thấy nó ngồi ngược bóng trăng, gương mặt dọng một khoảng tôi tối. Biết đâu lòng nó chẳng nuôi một khát vọng được đi?

Chẳng lẽ đất người dễ sống hơn đất mình? Hai năm trước, tôi bỏ quê ra thành phố làm báo. Bấy giờ tôi đang dạy học ở một trường trung tâm của tỉnh, một chỗ "ngon lành", nhiều người nói thế. Mà ngon lành thật, vì ngày ra khỏi trường đại học tôi chỉ ước thế, thêm hơn năm đi nghĩa vụ vùng sâu, mấy cuộc thi dạy, cộng nhiều nhiều đêm thức viết truyện ngắn in báo lấy danh, tôi mới được chuyển về đấy. Tôi sẽ lấy chồng, sẽ đẻ hai đứa con... mà phía trước, vẫn một cái gì lay gọi, thao thiết. Tôi mang thân ra thành phố, không hộ khẩu, không nhà ở, hết hợp đồng báo này đến hợp đồng báo khác, trả nhà này thuê nhà kia. Trong thành phố có bao nhiêu người như tôi? Tôi đã đi khắp nẻo phố chỉ để tìm một lời an ủi, chỉ để được khóc lên một tiếng, mà mắt cứ ráo hoảnh, mà lòng cứ trống không như chưa từng có một cái gì...

*

Không ngủ được, tôi bắc chõng ra sân nằm ngửa nhìn trời. Vòm trời chi chít, hằng hà ra hố là sao. Trăng vằng vặc. Gió về đêm mơn man xao xác não cả lòng. Trên kia, mây chờn vờn, chờn vờn giữa vòm trời rộng rãi. Ngày nhỏ, đêm có trăng tôi hay nằm ngoài sân thế này, mỏi mắt nhìn theo mây trời và nghe tiếng bà rủ rỉ: "Ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa..."

Trong câu chuyện của bà, thường hay có những nàng công chúa bị hóa kiếp thành cóc thành cá, một ngày kia lột xác lộng lẫy để sánh duyên cùng những chàng hoàng tử. Đám mây kia là hoàng tử, kia là tiên nữ... tôi mường tượng, hình dung trên cao lộng ấy là một thế giới khác, đẹp đẽ vô cùng, sung sướng vô cùng. Một ngày nào đó trong đời, tôi có cởi bỏ chiếc nón mê, có thôi mặc áo rách, có thay da đổi thịt? Có chàng hoàng tử nào cưỡi ngựa chiến đến đón tôi? Giấc mơ ấy, niềm mong ấy khấp khểnh theo tôi những ban chiều theo hết đồi nọ đến chòi kia, với bầy trâu cày, với Lâm.

Đói lòng ăn nắm là mưng

Uống lưng bát nước đi tìm người thương...

Tôi hát lại lời bà, mà nào hiểu người thương là gì. "Về đi, Nhân ơi!" Tối nào Lâm cũng sợ hãi giục tôi lùa trâu về. "Mà về trước đi!" - tôi đuổi Lâm quầy quậy. Đâu đó mùi bông trang ngan ngát. Đâu đó trăng sao còn chờ tôi, đâu đó xa mù sau những đồi hoang dại này là Trường Sơn tím sẫm... Tôi đã đứng giữa đồi đất kia mà khóc, nghẹn ngào. Sau này tôi vẫn đuổi Lâm thế, vì làm sao được, Lâm chỉ là chàng trai cày mãi mãi cũng chỉ rong ruổi với gió với nắng này thôi. Khi tôi ở trường về, thấy Lâm rét run, thuốc kí ninh ăn dần ăn mòn những đốm sáng trong mắt, tôi cũng không biết nói gì để an ủi Lâm. Lâm lên rừng chặt gỗ về bán, chuyến đi hai chục ngày, gỗ ở trong núi Trường Sơn sâu kia, để có một gói tiền cho tôi tổ chức lễ sinh nhật, cho bằng chúng bạn...

Từ khi có khái niệm có ngày sinh, tôi để ý thấy năm nào sinh nhật tôi cũng mưa lạnh. Mưa giăng mù trời, buồn nhão người. Mẹ tôi đẻ tôi tháng chạp. Đấy là một ngày gần Tết, tranh thủ vắng pháo bầy, mẹ ra dặm đám ruộng rồi đau bụng đẻ rớt tôi trên đường ruộng, may có mấy người làm gần đấy biết mà cắn nhau cho tôi. Bà tôi đặt tên tôi là Nhân. “Nhân là người" - bà nói vậy. “Ai sinh ra chẳng là người!” - tôi thắc mắc. Bà bảo:"Làm người khó lắm." Vậy mà bây giờ hỏi tôi đã thành người chưa thì chắc chi tôi nói được.

"Nhân mơ gì, hả Nhân?" - Lâm cầm tay tôi hỏi giữa hai con sốt Làm sao biết tôi mơ gì... Bà đã thành thiên cổ, những câu chuyện là chuyện ngày xưa. Tôi rời làng lên tỉnh, rồi bỏ tỉnh ra thủ đô, gặp, rồi quên, tôi chập chờn giữa phố phường điện đóm, hi vọng và đắng cay, tôi đi nhiều miền nhiều xứ, ai ơi, người ở đâu?

Hôm ở ngoài kia, tôi có biết Lâm lấy vợ. Thì đành, cây mưng dọc khe dọc choi nở bông biêng biếc ngày xưa bây giờ người ta đã đào bán cho mấy người buôn cây kiểng hết rồi. Vợ Lâm là Thúy, ở xóm ngoài, thua tôi và Lâm vài tuổi. Ít tháng sau nghe nói Lâm đi Hàn Quốc. Tiền bán gỗ cội được mấy triệu, nộp hết bay, mấy bữa lo chạy chọt, Lâm lên tàu vô Sài Gòn đi.

Chim xa lồng khôn trông trở lại

Không nhớ lồng thì nhớ ngãi người nuôi

Chim trời bay hết nẻo trời

Biết mô lâm sơn không đậu, đậu cồn cỏ may...

Hồi chiều tôi đi qua nhà Lâm, nghe tiếng Thúy hát ru con nỉ non. Lời hát sao chạnh lòng vậy...

Thúy kể ngày Lâm đi đến giờ đã hơn năm, không một chút tin tức. "Nghe nói bên nước Hàn lạnh?" - Thúy hỏi. Tôi gật, vì tôi cũng chỉ nghe nói thế, biết hàn là lạnh, hơn gì Thúy. Chợt nghĩ dại, lỡ may rớt máy bay đắm tàu, Lâm cũng không kịp biết nước Hàn là thế nào. Mới năm ngoái, đọc báo nghe đài, người ta nói chuyện người Việt đi Hàn Quốc lâm nạn ngoài biển nhiều lắm, kẻ sang đến nơi thì đi nuôi cá mập, đi làm lao công, đủ cả, sống chết bất biết.

"Chị ơi, chị đi nhiều biết nhiều, chị nói cho em bây giờ anh Lâm ở đâu?" - bất chợt Thúy nhìn sững vào mắt tôi. Tôi khóc, Thúy khóc. Nước mắt có giúp Lâm được tai qua nạn khỏi, xuôi chèo mát ngót mà về?

*

Khe... è.... ng ! Khe... è… ng!

Đang ăn cơm bỗng mẹ tôi khựng người, mặt tái nhợt, run lẩy bẩy, bát cơm rơi độp, vỡ tóe. "Ôi con ơi..." - mẹ rên lên, rồi cứ thế nhào người chạy. Phía bờ sông tiếng kẻng khèng khèng dội về nhức nhối. Tôi chạy theo cái bóng lao đao của mẹ, vấp, mà không biết vấp đau nữa.

Một đám người lố nhố bên mép nước bến Rèn. Tôi lách được vào bên trong, thấy thằng Thuấn em tôi trần trùng trục, đang quì ở giữa. Trên tay nó là đứa con trai khác, mặt vàng bệch, người vặt như cái dẽ chuối, hai bên lỗ tai máu rỉ ra đã thẫm lại. Tôi quì xuống bên cạnh. Thằng Thuấn không nhìn thấy tôi, mắt nó vô hồn, hàm nó bạnh ra. Ôi thằng em tôi. Thuấn ơi! Mắt tôi mờ đặc, thấy sao mặt Thuấn cũng vàng như mặt đứa con trai nó đang ôm trong tay... "Thằng Cu chết!" - ai đó lên tiếng. Cu? Mới hồi hôm nó còn mời tôi uống rượu, nó còn quả quyết, rằng vào miền Nam, thế nào cũng khá giả... Chẳng lẽ nó chưa kịp đi? Sau mới nghe thằng Thuấn kể, nó còn nợ mấy chục ngàn, gắng lặn cát sạn lấy tiền trả người ta xong mới đi.

Tôi nhìn ra sông. Mặt trời hào phóng rót ánh nắng xuống mặt sông, làm sông xôn xao muôn vàn vẩy bạc. Đã quá trưa, trời trở nồm, gió biển lên, cứ rười rượi. Mấy năm đi xa, những lúc cô đơn cay đắng, tôi hay nhớ về khúc sông này, về những ngày bé thơ khỏa dưới nước bến, rồi bám lấy nó, để lòng tự vấn an lòng.

Bà tôi kể đoạn sông này có nhiều ma. Hồi chiến tranh, nhiều người qua đây mắc pháo mắc bom chết, xác không lấy được trôi dạt mãi về phía biển, bây giờ hồn họ lang thang, đầy trong những hốc tre hai bên bờ. Kệ, bà kể thì kể, tôi vẫn tắm sông, vì tôi chẳng thấy người chết, chẳng thấy ma, nhưng thấy sông huyễn hoặc. Mười bốn tuổi, tôi thấy người chết lần đầu. Đó là cha tôi. Nhưng cha tôi chết không đau đớn gì, nhìn mặt thấy thư thái lắm. Thế thì sự chết có gì đáng sợ?

"Tao lên trước, đang nghĩ, gớm, thằng này lặn dai thế, thì thấy nó vọt đứng lên. Hoảng hồn. Định thần thì nó đã trôi một khúc. Bơi đuổi theo, đụng phải người nó mềm nhũn. Chắc nó hết hơi, bị nước ép quá..." Một đứa, có lẽ cũng trong đám lặn sạn đang kể, giọng tỉnh rụi.

"Ma rà đấy. Sông này đầy ma rà" - người khác nói.

"Chúng quậy phá sông thế kia, Hà Bá giận cảnh cáo đấy." - một giọng đàn ông.

Tôi không biết vì gì. Hỏi vì gì bây giờ thì có ích không, hở sông ơi gió ơi!

*

Chim trời bay hết nẻo trời

Biết mô lâm sơn không đậu, đậu cồn cỏ may...

Da diết đâu đấy là lời hát của Thúy. Tôi ngửa mặt nhìn trời, giống thuở xưa kia gối đầu trên tay bà nghe bà kể chuyện cổ tích. Trời vẫn cao rộng thế, dù bây giờ tôi đã lớn, dù cho nhiều năm nhiều tháng đã đi qua trong cuộc đời...

Tôi cố hít căng lồng ngực hương của thứ gió rát rạt đang thổi lồng lộn trên mặt đất này. Sáng sớm mai, tôi đã lại từ biệt mẹ và em để ra đi mất rồi.

T.T.H

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Ngày biển động . Truyện ngắn dự thi của Lê Sơn Đọc truyện: Những ngôi sao xô lệch. Truyện ngắn dự thi của Minh Vũ Đọc truyện: Mật mã lạc quan. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Hóa
văn nghệ trẻ, số 23/1997
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói
Câu chuyện cửa ô xưa

Câu chuyện cửa ô xưa

Hà Nội với 36 phố phường và 5 Cửa ô trong những vần thơ, câu hát đã khắc sâu trong tâm thức biết bao thế hệ người Việt. Cửa ô - danh xưng độc đáo, riêng biệt chỉ có ở Hà Nội, được mở ra tại phần tiếp giáp với sông Hồng, có chức năng như một cửa khẩu buôn bán và được canh phòng cẩn mật. Tuy nhiên, trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, những Cửa ô xưa của đất Kinh kỳ đã chìm dần trong ký ức. Câu chuyện về những Cửa ô của Hà Nội là một nội dung đầy tính hấp dẫn về chính bản thân nó cũng như gắn liền với lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Hoa Ưu Đàm - Thơ Nguyễn Hoa

Hoa Ưu Đàm - Thơ Nguyễn Hoa

Baovannghe.vn - Bóng nhẫy lời khen/ Bài thơ/ Thiếu dòng mồ hôi nhễ nhại mặt người/ Thiếu hoa vân tay trong hồ sơ lưu trữ
"Đổi Tư Thế" MV nhạc dung tục gây tranh cãi

"Đổi Tư Thế" MV nhạc dung tục gây tranh cãi

Ca khúc "Đổi tư thế" của Bình Gold và Andree Right Hand vừa ra mắt vào ngày 2/10/2024 đang gây sốc và tranh cãi mạnh mẽ trong cộng đồng mạng, MV nhanh chóng xuất hiện trong danh sách âm nhạc thịnh hành. Tuy nhiên, thay vì được đón nhận tích cực, sản phẩm âm nhạc này lại bị lên án vì phần ca từ mang tính tục tĩu và phản cảm, dấy lên những lo ngại về ảnh hưởng của nó đối với khán giả, đặc biệt là giới trẻ.
Viết bằng nước mắt đỏ - Thơ Vương Tùng Cương

Viết bằng nước mắt đỏ - Thơ Vương Tùng Cương

Baovannghe.vn- Vẻ trầm lặng khiêm nhường/ nhưng ánh mắt không phải thế/ ánh mắt của mưa nguồn chớp biển/ có sông Lam bến tuổi thơ sạt lở