Trở về - truyện ngắn của Phạm Hải Anh |
Chiếc xe con đỗ tạt vào lề đường, trông bé tí tẹo dưới vách đá uy nghi dựng đứng - chẳng hiểu vì sao bị sạt một mảnh lớn, phô màu xám đỏ. Tường đẩy cửa xe, bước ra. Bên ngoài, sương mù giăng mờ mịt. Gió thốc tung hai vạt áo khoác của anh, luồn hơi lạnh cóng buốt khắp người. Không buồn khép lại áo, đầu trần, Tường đi xuyên qua làn mưa phùn dày đặc sang phía bên kia đường. Chỗ đó, có một mỏm đá chìa ra, nhìn thẳng xuống thung lũng. Những ngọn cỏ may cằn cỗi bên lề đường run lên bần bật, quật tới tấp vào ống quần Tường nhưng chẳng thể đủ cao để cản trở tầm mắt. Bây giờ Tường sẽ nhìn "Nó" một lần thật trọn vẹn, đặt tên cho "Nó" và nhốt vào cũi kí ức. Quả khứ của anh sẽ thành vườn bách thú mà kỉ niệm như những con thú đủ loại ngoan ngoãn nằm im trong chuồng. Khi rảnh rỗi, Tường sẽ có thể để tâm trí của mình bình thản dạo qua nó mà không sợ bị những móng vuốt bất thình lình chụp lấy, vò xé. Nhưng Tường đã lầm. Như trêu tức anh, phía dưới, sương mù dâng cuồn cuộn, đặc quánh, như thể cả thung lũng đã tan thành hơi nước trắng đùng đục và giá lạnh. Từ đáy thung, quẩn theo gió như dội lên tiếng gọi tuyệt vọng đã ám ảnh Tường suốt mười bảy năm trời: "Về đi...i...i...".
Mười mấy năm xa xứ, Tường đã làm việc cật lực. Cắt cỏ, rửa bát, xếp sách thư viện, rồi dành dụm tiền đi học, kiếm việc làm... Trước mắt mọi người anh là kẻ kì cục, một con lừa không biết gì đến vui thú cuộc đời và hoàn toàn cô độc. Tường đặt cho mình một qui tắc ngặt nghèo trong ngày: làm việc - ăn - đọc sách (nếu có thời gian) - và ngủ. Chỉ thỉnh thoảng lắm, trong một tâm trạng cực kì thoải mái, Tường mới tự cho phép mình có một ngoại lệ xa xỉ: nhấm nháp quá khứ, từng mẩu một và bao giờ cũng đóng sầm cánh cửa kí ức lại khi "Nó" vừa thoáng hiện về. Nhưng bất chấp những cố gắng của Tường, ở một đâu đó sâu thẳm trong anh, "Nó" vẫn không thôi quẫy đạp. Tưởng đã làm tất cả để chối bỏ "Nó", hay đơn giản chỉ là quên "Nó" đi. Nhưng vô ích. Cho đến một ngày, anh hiểu rằng đời anh sẽ chẳng đi đến đâu nếu không một lần nhìn thẳng vào sự thật, Tường mua vé máy bay về Việt Nam.
Tường đi trên con đường nhỏ xuyên qua những vạt ruộng lô xô đổ xuôi về phía hồ thả cá. Lúa mới gieo còn chưa kịp lên mầm. Mùi bùn lên ngai ngái. Như trong mơ, anh bước mãi về phía ngôi nhà sàn lẻ loi ở đầu bản. Cây mít già. Con trâu bị buộc mũi đang nhai rơm bỏm bẻm, ngước cặp mắt hiền lành nhìn anh. Lòng tràn ngập một cảm giác khó tả, Tường cởi giầy, thận trọng bước lên những bậc thang đen bóng, phiến gỗ lim chạm vào bàn chân anh mát rượi. Tường đẩy khẽ cánh cửa. Anh muốn gọi nhưng không biết phải gọi ai và cũng không sao cất được thành lời. Trong nhà có tiếng chân bước, rồi một gương mặt con gái ló ra nhìn anh ngỡ ngàng: "Anh hỏi ai ạ?" Tường bối rối, anh không ngờ đến tình huống này. Lại một lần nữa, anh có cảm giác mình là khách ở chính trong nhà mình: "Đây có phải nhà ông Đài?" "Vâng." Cặp mắt đen nhìn anh tò mò: "Mời anh vào." Dường như thời gian đã rơi tuột qua khe hở nhà sàn hay cháy tiêu đi trên cái bếp củi hầu như suốt ngày lách tách ở góc kia. Tường nhìn quanh. Quá khứ chợt dịu đi và nặng trĩu trong lồng ngực anh. Đập vào mắt Tường là cái bàn thờ cắm một que hương đỏ đọc. Trên đó, ba gương mặt đang nhìn anh đăm đắm: Bố, mẹ và... ông Đài. Ông ấy cũng chết rồi ư? Từ bao giờ?
Chiều hôm ấy, Tường chạm mặt bà Đài, người cuối cùng gắn bó với quá khứ của anh. Bà vừa đi thăm mộ về. Nếu không phải là chính ở căn nhà này, nơi Tường đã được bà nuôi lớn lên và nâng niu như báu vật, thì Tường có lẽ khó nhận ra bà. Bà Đài đã rõ ra một bà cụ, đầu bạc thưa hết cả tóc và lưng còng hẳn xuống. Nhưng bà nhận ra Tường. Ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cơm gạo xứ người, thời trang và kính cận không làm Tường khác đi được trong mắt bà. Tường không biết là bao nhiêu năm anh cố gắng chôn vùi kí ức về nơi đây cũng là chừng ấy năm trái tim bà dõi theo anh và cầu mong anh hạnh phúc. Thế thì làm sao bà không nhận được ra anh được!
Bà Đài đun một nồi nước to, bảo Tường đi tắm cho sạch bụi đường. Lại sai Hoài (cô cháu họ xa, giờ ở với bà cho đỡ cô quạnh) bắt con gà làm thịt. Bà lọ mọ ra vườn hái rau cải, rau muống ngọn thật non để nấu bát canh và xào cho Tường ăn. Mâm cơm dọn lên, Tường hơi ngạc nhiên thấy trên đĩa thịt gà luộc chặt vuông từng miếng, có một cái dùi để nguyên. Như hồi Tường còn bé, mỗi lần nhà làm cơm giỗ, bao giờ bà cũng để phần riêng "cún con của mẹ" cái tỏi gà, đã thành lệ rồi. Tường ăn ngon miệng. Phần cũng vì bà Đài không đả động gì đến chuyện anh đã ra đi và tất cả những gì thuộc về quá khứ. Nó làm Tường có cảm giác dễ chịu và thân thuộc như ngày xưa, khi anh còn là một cậu bé được nuông chiều. Nhưng đến buổi tối, khi trải nệm cho anh đi nghỉ, bà bảo: "Nếu con muốn, ngày mai mình đi thăm mộ. Thắp cho mỗi người một nén nhang để biết con đã về." Tường im lặng. Đêm ấy, anh nằm cuộn trong chăn ấm, ở cái góc quen thuộc ngày xưa của mình. Nghe gió đập ào ào bên ngoài vách gỗ. Nghe tiếng mèo ở xa đâu đó gào lên thảm thiết. Và tiếng trở mình rất nhẹ, rất khẽ của bà Đài. Không sao ngủ được...
Ông Tích - bố Tường, nổi tiếng chữa bệnh mát tay. Thân nhau như anh em ruột nhưng ông Tích và ông Đài mỗi người một tính. Ông Tích gắn bó với nghề thuốc gia truyền, chỉ thích đọc sách và giúp người trị bệnh, tính hiền lành, bảo là yên phận cũng được. Ông Đài thì ngược lại, năng nổ, tháo vát. Ông cũng được dạy nghề thuốc nhưng chẳng học đến nơi đến chốn. Hồi kháng chiến chống Pháp, ông xung phong đi bộ đội, đến năm 54 thì phục viên, là thương binh nhẹ, được cả cái bằng khen có thành tích chiến dấu. Ông tham gia một chân trong ủy ban xã, gương mẫu và tích cực nên bà con trong bản cũng quý mến. Cả hai ông như thế cũng gọi là có vị thế trong xã. Chỉ phải mỗi một đường con cái hiếm hoi. Ông Tích chỉ có một mụn con trai là Tường rồi thôi không thấy gì nữa, dù bà Tích cứ trẻ đẹp mơn mởn như con gái đương thì. Ông Đài mãi mới lấy vợ mà không sinh con (có đứa độc mồm bảo hay là ông bị thương vào chỗ ấy?) Cho nên cả hai nhà đều vồ vập cưng chiều Tường.
Tai ách ập xuống gia đình nhà Tường lúc cậu bé lên năm tuổi. Một buổi sáng, Tường đang ngồi co ro bên bếp lửa xem bố sao tấm thuốc thì bà Tích chạy về: "Này, bắt được tù đấy! Dân quân xã thấy nó chạy trốn, bắn chết rồi!" Ông Tích đang đảo đảo đôi đũa bỗng dừng phắt lại: "Tù à? Ở đâu?" Bà hổn hển, vẫn chưa hết xúc động vì cái sự kiện giật gân chưa từng có ở cái bản hẻo lánh này "Gần núi Đá Voi. Chỗ cái hang ấy. Tôi trông thấy nó. Máu me đến khiếp!" Ông Tích lập cập chọc cả đôi đũa vào bếp: "Núi Đá Voi à? Hang à? Bắn chết rồi à?" Ông cứ lặp đi lặp lại như thế. Tường ngạc nhiên nhìn đôi đũa bắt lửa, cháy lem lém trên tay bố mà ông không hề nhìn xuống.
Chiều hôm ấy, dân quân xã mang súng vào nhà Tường đưa ông Tích lên ủy ban. Tường sững sờ đứng nép vào góc cột, trí óc non nớt của nó bật lên cái cảnh công an bắt gián điệp mà bọn trẻ con vẫn chơi. Nhưng đây lại là bố nó!
Bà Tích choáng váng vì cái tin loan ra: Chồng bà bị bắt vì nghi là đã tiếp tay cho tên tù nguy hiểm vượt ngục. Nó bị bắn chết, không còn khai được. Nhưng trong cái hang nó trốn có dấu vết của người đi lại chăm sóc. Thằng này đã bị ốm và được ai đó đưa vào hang, lại cho cả thuốc đắp. Lá thuốc vẫn còn rơi vãi trong hang, có cả tấm lá dong còn dính mấy hạt xôi. Chẳng biết vì sao mà người ta biết chính là ông Tích. Nhưng ông cũng đã thú nhận rồi. Trong một buổi đi rừng tìm lá thuốc, ông phát hiện ra nó, nằm sốt run cầm cập ở chỗ bờ suối. Ông không thấy nó là tội phạm. Ông chỉ thấy nó là một con người đang tuyệt vọng chờ chết và cần được giúp đỡ. Thế là ông, không bảo ai đã dìu nó vào hang. Lại đem cho cả thuốc và đồ ăn. Được ba ngày thì nó hồi lại và bỏ trốn. Ba ngày dính líu với tên tù mà không báo cáo qua với xã lấy một lời. Thế thì đích thị ông đã bao che, tiếp tay cho tội phạm nguy hiểm...
Suốt mấy ngày bố bị bắt giữ ở xã, Tường thui thủi ở nhà. Mẹ đi về thất thường, bấn loạn không biết làm gì, tối nào cũng ôm Tường khóc. Tường khóc theo, chán thì ngủ thiếp đi. Đêm ấy, nó mơ thấy bố về, đứng ở đầu cầu thang nhìn nó. Gương mặt ông là lạ và buồn lắm. Tường chạy ào lại định ôm lấy bố nhưng lại chụp vào khoảng không nhớt và lạnh toát. Có tiếng con chim lợn kêu từng hồi thê thảm. Tường choàng tỉnh dậy, mồ hôi toát đầy người. Buổi sáng mẹ ngồi chẻ lạt. Tường hồi hộp kể chuyện đêm qua mơ thấy bố nhưng bố lạ lắm, chỉ nhìn nó mà chẳng nói gì cả. Mẹ ngẩng lên nhìn Tường, con dao sượt qua, bập vào ngón tay trỏ, máu tóe ra. Tường nhìn ngón tay bị đứt của mẹ, máu vẫn ròng ròng chảy, nhỏ xuống sàn nhà đỏ tươi. Không biết làm gì hơn, nó cúi xuống mút ngón tay mẹ, như con mèo liếm vết thương. Máu âm ấm mằn mặn.
…Thực ra cũng chưa ai làm gì ông Tích. Xã mới tạm giữ ông để điều tra thêm. Nhưng bên ngoài thì đồn đại ầm ĩ lắm. Nghe đâu tên tù là tội phạm cực kì nguy hiểm. Ông Tích mà bao che cho nó, phen này có khi phải ngồi tù thay...
Tường trở thành đứa bé mô côi, tệ hơn nữa còn bị mang tiếng là "con phản động". Những cái đó thật quá sức chịu đựng đối với một đứa trẻ lên năm. May mà còn có chú Đài. Che trở bênh vực cho mẹ con Tường trong những ngày khốn khổ, nhục nhã ấy chỉ có chú. Ngày nào chú cũng sang nhà Tường, làm giúp cái này, cái kia, bảo ban sắp đặt mọi việc trong nhà. Mẹ Tường ốm quị xuống rồi cũng dần dần bình phục. Má mẹ lại hồng, cặp mắt lá răm đen thăm thẳm, mẹ Tường vốn là cô gái đẹp nhất bản này. Gần đến giỗ đầu của bố, Tường thấy mẹ lại buồn rũ và xanh lướt đi. Chú Đài vẫn hay sang, nhưng chẳng giúp gì được. Mẹ cứ ngồi lặng câm bên bếp lửa, ủ dột hàng giờ liền. Một đêm khuya lắm, Tường chợt bị đánh thức bởi tiếng người khóc, tiếng mẹ tức tuổi và cố nén lại. Vài hôm sau thì thấy mẹ đi rừng, hái về một nắm lá linh tinh, cho vào nồi đun. Tường hỏi, mẹ bảo là thuốc. Bà thẫn thờ nhìn bát thuốc mới cất, nâu sẫm, nghi ngút khói rất lâu rồi ngửa cổ dốc tuột. Đêm ấy, Tường đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng rên rỉ của mẹ. Nó kinh hoàng thấy mẹ quần quại trên tấm đệm bị vò xé nhầu nhĩ. Máu. Máu từ đâu tuôn ra như suối. Mẹ vật vã đến sáng thì kiệt sức. Không ai giúp gì được. Tường không khóc nổi, vì quá sợ. Mẹ bíu chặt lấy tay nó, đau nhói. Tay mẹ giá lạnh và mắt bà nhìn Tường đờ đẫn, không nhắm lại được. Tường không biết rằng nó một lần nữa bị bỏ lại đơn độc trên cõi đời này.
Vẫn vợ chồng chú Đài trở thành chỗ nương tựa vững chắc cho Tường. Ông đón thằng bé mồ côi về ở hẳn với mình, coi như con đẻ. Ông bà không có con nên Tường gọi là bố mẹ. Ông Đài cưng chiều và bảo bọc Tường hơn bao giờ hết.
Tường bao giờ cũng là đứa trẻ được ăn mặc sạch đẹp nhất, sách vở để dùng đầy đủ nhất so với chúng bạn. Ông bà Đài chăm lo từng miếng ăn, hớp nước cho nó, nhắc nhở chuyện học hành... nghĩa là để Tường không thiếu cái gì, không thua kém ai trong bản. Có một điều duy nhất ông Đài không giúp Tường được. Bọn trẻ ghen tị với Tường luôn luôn tìm được cớ để sỉ nhục nó, bất kì ở đâu vào lúc nào, mà Tường không thể nào chống trả được: "Bố mày đếch phải là ông Đài. Bố mày là đồ phản động...”. Đầu tiên, Tường bao giờ cũng xông vào đánh tụi kia với nỗi uất ức trẻ thơ. Nhưng rồi nó thấy đánh nhau cũng vô ích, vì càng đánh, chúng nó càng gào toáng lên cái điều mà Tường ghét cay, ghét đắng và sợ nhất kia. Nó chỉ biết nuốt nước mắt và về kể với ông Đài. Ông Đài ôm lấy nó, lau nước mắt cho nó, bảo: "Con đừng nghe chúng nó. Bố con là người tốt. Bố con chỉ cứu người thôi." Sau rồi Tường cũng không kể với ông Đài nữa vì mỗi lần như thế, ông buồn lắm, tối lại ngồi uống rượu đến khuya. Nó nén chịu một mình và cô độc trong suốt tuổi thơ...
Tường trúng tuyển vào cấp 3 với số điểm cao nhất trường. Đi xem điểm về, Tường chạy như bay ra ủy ban để khoe với ông Đài, nhưng ông không có ở đấy. Trong phòng trực ủy ban chỉ có mình lão Tự. Lão bị bắt quả tang ăn cắp, giờ đang bị bắt làm bản tường trình và nộp phạt. Lão Tự nhìn thấy Tường, Nỗi bực dọc vì bị ông Đài mắng còn đầy ứ trong lòng lão. Tự nhiên, lão này ý định trả thù. Phải, chỉ có cách ấy là làm cho thằng Đài đau nhất. Nó phát hiện ra lão ăn cắp, nó khinh bỉ lão, thì hãy để cho nó cũng đau đớn, nhục nhã một lần như thế xem. Lão Tự ngoắc Tường lại: "Lại đây, tao bảo." Tường miễn cưỡng ghé lại gần. "Mày vào hẳn đây. Sắp giỗ mẹ mày hả?" Tường gật, cái ánh mắt lão Tự, nó xoi xói vào Tường đến khó chịu. "Mày có biết làm sao mẹ mày chết không? Thằng Đài đấy! Nó làm mẹ mày ễnh bụng ra rồi bỏ mặc mẹ mày. Mẹ mày uống thuốc ra thai mà chết. Chính mắt tao thấy nó ngủ với mẹ mày. Bố nuôi mày ấy!" Mắt Tường tối sầm lại. Anh muốn thoi vào giữa bộ mặt khả ố kia. Nhưng kí ức dội về làm anh nghẹt thở. Chú Đài. Những đêm khuya khi Tường lơ mơ thiếp đi. Mẹ. Và đêm ấy, tiếng khóc của bà với chú Đài. Cái chết của bà. Máu. Máu của người mẹ mất con! Tường lùi lại, anh nhìn trừng trừng vào mặt lão Tự: "Câm đi! Câm đi!" Mắt lão vẫn xoáy vào anh, hớn hở độc địa. Lão vươn tay kéo Tường lại thì thào: "Mày có biết vì sao bố mày bị bắt không? Ai biết mà báo bố mày nuôi tù? Ai? Hả? Xã đội họp, bố Đài mày báo cáo đấy! Tao cũng ở đấy. Mày không tin hỏi lại mà xem...". Tường giằng mạnh ra khỏi tay lão Tự, chạy như điên khỏi ủy ban, qua cánh đồng lởm chởm gốc rạ đâm vào chân anh đau nhói. Vết thương vỡ toác, đầy ròi bọ kinh tởm. Không phải ở ngoài da, trong lòng Tường đây và nó sẽ không thể nào hàn gắn được. Một cái gì đó mách bảo Tường rằng lão Tự khốn nạn và nổi tiếng điêu ngoa ấy lần này đã nói đúng sự thật. Ông Đài, người anh thương yêu và kính trọng nhất. Bố của anh. Người bạn duy nhất của anh. Ông đã bán đứng bạn mình, lừa gạt và bỏ mặc vợ bạn. Bố Tường đã chết. Mẹ cũng chết. Oan ức thảm thê. Và đời Tường đã bị hủy hoại tàn bạo. Cả tuổi thơ cô đơn nhục nhã của anh. Có sự lừa đảo nào khốn nạn hơn thế?
Tường lê bước trở về ngôi nhà mà sáng nay, lúc ra đi, anh còn thấy nó là một tổ ấm. Ông Đài đã về nhà, đang ngồi uống trà bên bếp lửa. Có lẽ gương mặt Tường báo hiệu một điều gì khủng khiếp lắm nên ông dừng sững chén trà lại:
- Sao thế con?
Tường nhìn ông trừng trừng, nhả tiếng một:
- Có phải ông đã báo với xã là bố tôi nuôi tù trốn?
Cái chén buột khỏi tay ông Đài vỡ tan:
- Tường... Đừng thế. Con...
- Trả lời tôi đi. Chính là ông, phải không?
Mắt ông Đài nhìn Tường đau đớn. Cái nhìn của kẻ tử tội cầu xin được sống. Nhưng trái tim Tường đã khô cứng trong lồng ngực. Anh tàn bạo hỏi:
- Ông đã làm mẹ tôi có thai rồi bỏ mặc mẹ tôi phải không? Chính ông, đồ giết người! Tôi căm thù ông!
Ông Đài vẫn câm lặng. Như người bị tê liệt, mù lòa, ông gục đầu xuống. Tường quay mình bỏ đi. Ông Đài không làm một cử chỉ nào ngăn anh lại. Mãi đến khi đã đi xa khỏi bản, Tường chợt nghe đuổi theo anh tiếng gọi hớt hải và tuyệt vọng: "Tường ơi! Về đi con! Về đi...i...i...". Tiếng bà Đài.
Tường đã đi một mạch đến đỉnh đèo. Anh nhận ra chỗ này. Vách đá bị sạt lở trong ánh chiều đỏ bầm lên như màu máu. Ngày Tường còn bé, bố vẫn bế Tường chỉ tay lên dốc núi, có con đường vắt ngang mờ mờ như sợi chỉ và vệt đá trông xa chỉ to bằng cái móng tay cái đỏ sẫm quẹt vào vách núi. Bố bảo đấy là đường về xuôi, xa lắm. Ở dưới xuôi có ô tô và đèn điện. Lớn lên, bố sẽ đưa con đi xa. Về thành phố... Tường vịn tay vào vách đá, nhìn xuống thung lũng. Ở đó anh đã mất tất cả. Tình yêu bị lừa đảo và phản bội. Sẽ không bao giờ anh trở lại nơi này!
...Vậy mà Tường đã vi phạm lời nguyền của mình. Mãnh lực nào đã lôi cuốn anh về đây để mà đau đớn như bị đóng đinh trên thập ác? Trong đêm dài đặc không ngủ, Tường hiểu rằng nỗi căm hận và đau đớn không phải là tất cả trong anh. Tình yêu bị xua đuổi, lang thang lẩn trốn vào những góc miền sâu kín nhất trong Tường và không ngừng thì thầm kêu gọi anh hãy tha thứ!
Tường lặng lẽ theo bà Đài thăm mộ. Bà Đài đi trước, lưng còng rạp trên dốc, bàn chân khô héo, nứt rạn, ngón bấm chặt xuống đất. Bà đã đi trên con đường mòn này bao nhiêu lần rồi? Liệu bà có thể sống mà không tìm về những ngôi mộ? Đã lên tới đỉnh dốc. Rừng chợt lùi lại phía sau. Trước mắt Tường là một khoảng trống tràn trề hoa dại màu tím. Ba ngôi mộ nhỏ nằm bình yên bên nhau dưới lớp cỏ xanh rì. Chân nhang cắm vẫn còn mới. Trên mỗi ngôi là một bó cúc vạn thọ, chắc bà Đài vừa đem lên hôm trước, cánh hoa vẫn tươi, vàng ánh và đẫm sương đêm. Bà Đài bỏ đồ cúng vào ba đĩa nhỏ. Chỉ có xôi và chuối. Bà chia đều nắm hương bảo Tường đi cắm cho từng ngôi một. Bố. Mẹ. Bao nhiêu năm qua nếu không có bà Đài, hẳn mộ bố mẹ đã hương lạnh khói tàn. Tay Tường run run khi cắm bó nhang cháy đỏ lên mộ ông Đài. Giờ ông cũng nằm đây, bên cạnh các bạn mình, những người ông đã yêu thương, đã phản bội và làm cho tan nát cuộc đời.
- Sau khi con đi, ông ấy buồn lắm. Ông ấy tìm con khắp nơi. Rồi quay về... Cả ngày chỉ ngồi uống rượu. Ba năm sau thì ông cảm rồi mất...
Bà Đài kể, giọng đều đều, như không phải kể về cái dĩ vãng đau thương của chính họ:
- Khi chết ông ấy gọi tên con. Ngày ấy. Ông ấy chỉ nói sự thật là biết bố con chữa bệnh cho thằng tù thôi. Có ngờ đâu...
Tường nhìn bà Đài. Bà có biết rằng chính bà cũng đã bị ông lừa dối? Anh hỏi:
- Thế còn mẹ con? Nếu ông ấy đã hối hận, sao còn hủy hoại đời mẹ con? Mẹ có biết điều ấy không?
Bà Đài lặng lẽ gật đầu. Mấy ngón tay khô gầy của bà chợt bấu sâu vào lớp cỏ trên mộ:
- Ông ấy chưa bao giờ yêu mẹ cả. Ông ấy chỉ yêu có mẹ con. Ngay từ khi mẹ con là con gái chưa chồng. Vì đám cưới bố mẹ con mà ông ấy đã xung phong đi bộ đội. Rồi lấy mẹ... Ông ấy đã không cưỡng lại được mình. Mà mẹ con thì không chịu được nỗi tủi nhục là hoang thai với bạn chồng... Họ đã đau khổ nhiều... Hãy bỏ quá đi, con ạ!.
Tường ôm lấy vai bà Đài. Gương mặt bà bình thản nhưng lại dàn dụa nước mắt...
Hôm sau, bà Đài bảo Hoài đưa Tường ra bến sông Mã. Ngày trước, Tường vẫn thường ao ước được đi thuyền xuôi dòng sông. Bố bảo cứ theo dòng sông đi mãi là ra tới biển. Hoài tíu tít đưa Tường ra sông. Cô cũng chưa bao giờ được đi chơi thuyền như thế này. Tường nhìn gương mặt ửng hồng và cặp mắt long lanh tràn ngập niềm vui của Hoài, chợt nhận ra rằng cô rất xinh.
Con thuyền lặng lẽ xuất dòng. Con sông Mã mùa cạn hiền hòa, nước xanh lục và mát lạnh. Tường lặng ngắm những bãi ngô cằn cỗi sau hàng giậu thưa chạy dọc men sông. Trên kia là rừng đại ngàn và những đỉnh núi cao ngất chờn vờn mây trắng. Con thuyền lách sang phải, tránh một bãi đá sỏi nổi lên chắn cả một góc sông: "Bãi đào vàng đấy", người lái thuyền giải thích: "Một dạo người ta kéo lên đây đông lắm. Đào bới tứ tung. Mới sục hết cả đáy sông lên rồi đổ đá sỏi ra đây. Sau lại kéo nhau đi hết cả…” Tường nhìn bãi cát sỏi vắng ngắt dập duềnh dưới làn nước xanh trong. Hai bên bờ sông vách núi bị nước bào sâu hoắm, đá vặn gân guốc như thớ gỗ, đất sạt lở. Dòng sông đã nổi giận phá phách tất cả rồi dịu hiền trở lại. Cao trên kia, lau trắng bạt ngàn. Con người đau khổ đã tự đầy ải mình với bao nhiêu lầm lỗi. Cả cha mẹ anh, ông bà Đài, gia đình ông Thục, cả Tường và những người đào vàng nữa, mỗi người theo cách của mình đều đã sai lầm biết mấy! Nhưng nếu như có thể bắt đầu lại tất cả, liệu cha anh có ngừng tin vào lòng tốt của con người? Liệu ông Đài có nguôi quên mối tình đầu tiên và duy nhất? Liệu gia đình ông Thục có từ bỏ khao khát muốn kiếm một anh con rể đôla? Liệu những người đào vàng sẽ quên đi giấc mộng phát tài? Và Tường nữa, liệu anh có ra đi? Liệu anh sẽ trở về? "Hãy bỏ quá đi con!", bà Đài đã bảo Tường vậy. Làm sao trong con người nhỏ bé và tưởng chừng khô kiệt của bà lại có thể chứa đựng một nguồn thương vô tận và bao dung đến thế? Tường thở một hơi dài. Trước mắt anh là những vạt rừng bị chặt phá nham nhở đến trơ trụi. Người ta đang trồng lên những gốc bạch đàn non. Rừng ngập ngừng xanh lại...
Tường rời Việt Nam muộn hơn dự định một tuần. Bà Đài và Hoài không đi tiễn anh được. Tường ra sân bay một mình. Anh chọn chỗ ngồi gần cửa sổ. Chuyến bay cất cánh lúc bốn giờ mười phút ngày mười chín tháng hai năm một ngàn chín trăm chín bảy. Thời tiết đẹp. Từ trên cao, Tường dán mắt qua ô kính nhìn xuống mặt đất. Chưa bao giờ anh nhìn mảnh đất mình đã sống rõ ràng đến thế. Từng milimét đất dưới kia đều trĩu nặng cay đắng và yêu thương. Anh có thể từ bỏ nó? Nước mắt tưởng đã cạn khô từ đâu bỗng tràn về dịu dàng dâng ngập mắt Tường. Ngoài kia, mặt trời vẫn uy nghi tỏa sáng. Dưới mặt đất, dòng sông, ao hồ và mặt nước rực lên một màu vàng ròng trong ráng chiều đỏ ối. Quê hương…
-------------------
Bài viết cùng chuyên mục