Sáng tác

Đêm ấy gió ngừng thổi. Truyện ngắn của Hoàng Lệ Thủy

Hoàng Lệ Thủy
Truyện
00:00 | 18/11/2024
Baovannghe.vn - Chị mặc váy cô dâu trắng, trắng như màu cánh hoa ban trên núi đá, như màu hoa cà phê mẹ trồng trên nương.
aa

Tôi bần thần ngắm bức ảnh cưới của chị vừa đem về chiều nay. Bức ảnh cao đến ngực tôi, rộng bằng cả hai lần thân người tôi cộng lại. Trong ảnh chị đang nhìn tôi, cười với tôi thật dịu dàng, dịu dàng đến nỗi tôi không thể không mỉm cười lại với chị. Chị mặc váy cô dâu trắng, trắng như màu cánh hoa ban trên núi đá, như màu hoa cà phê mẹ trồng trên nương. Anh rể trong bộ vest màu xám lịch lãm, hai tay ôm nhẹ vòng eo thon nhỏ của chị trên môi nở nụ cười mãn nguyện, gương mặt sáng bừng vì hạnh phúc. Tôi cứ mê mẩn ngắm nhìn mà không biết nắng đã tắt, chiều muộn đã về. Tiếng mẹ lanh lảnh vang lên:

-Sao bếp vẫn lạnh tanh thế kia, Nọi à mày không nấu cơm cho cha mẹ ăn hay sao, mày không thấy cái bụng đói hay sao?

Tôi giật mình vội vàng chạy xuống gầm sàn ôm một vác củi lên nhà nhóm bếp.

Có cây ngô khô làm mồi nên chẳng mấy chốc bếp lửa đã cháy rừng rực, hơi ấm tỏa ra khắp nhà, mùi khói cây ngô phơi được nắng thơm ngòn ngọt. Bức ảnh của chị treo trên vách cũng bập bùng ánh lửa làm cho chị càng đẹp lung linh. Từ chỗ này tôi ngồi đối diện với bức ảnh của chị nên khi ngẩng đầu lên là bắt gặp ngay mắt chị đang dõi theo tôi. Trong đôi mắt chị có hai đốm lửa bên trong làm cho mắt chị long lanh như có nước. Chính trong lúc đó tôi đã kịp hiểu tại sao tôi lại có cảm giác bần thần khi ngắm nhìn cô dâu xinh đẹp là chị.

Chị cười đẹp như bông hoa Bó ưởng quai vừa nở lúc sáng sớm nhưng ánh mắt chị lại nhìn xa xăm về một nơi tít tắp xa xôi. Tôi một con bé mười hai tuổi chưa hiểu hết chuyện của người lớn, chỉ biết là có điều gì đấy cứ thấy băn khoăn thắc mắc trong lòng.

Đêm ấy gió ngừng thổi. Truyện ngắn của Hoàng Lệ Thủy
Thời thiếu nữ, chị đẹp như một đóa hoa rừng - Ảnh từ Pixabay

Ngoài trời mưa tí tách, gió ẩm ướt se lạnh. Mẹ bảo trời mưa thế này để những cành ban đang khô cằn kịp ngấm nước, sau đợt mưa sẽ được hồi sinh để bung hoa, chỉ mong đến ngày cưới chị, trời thương đừng buông mưa nữa. Cha hắng giọng mấy cái liền nhưng không nói gì. Từ lúc chị đem bức ảnh về, cha mẹ sau khi nhìn ngắm một hồi thì bỗng dưng buồn hẳn. Tôi nhìn cha mẹ cũng chỉ biết ngạc nhiên mà không dám hỏi. Việc chị đi lấy chồng dưới phố là điều hiếm hoi ở bản Nậm Ét này. Ai cũng bảo số chị sướng, từ nay vai không phải vác cái cuốc tay không phải cầm con dao phát nương, cha mẹ có phúc nên chị mới được đổi đời như vậy. Lẽ ra cha mẹ phải vui hơn được mùa ngô mùa thóc mới phải. Tôi không biết phía sau lớp vải thổ cẩm thơm nồng mùi cây rừng kia cái bụng của cha mẹ đang nghĩ gì.

Tôi nghĩ đến những bức ảnh cưới của các cặp vợ chồng trong bản gần như chúng đều giống nhau theo một quy định có sẵn, cô dâu mặc váy đen áo cóm màu đỏ hoặc màu trắng, búi tóc cẩu cao cài một bông hoa trắng với nụ cười bẽn lẽn. Bên cạnh, chú rể đứng trang nghiêm trong chiếc áo thổ cẩm nhuộm đen. Họ không ôm eo nhau như anh và chị nhưng trong mắt họ ngập đầy sự bình yên và hạnh phúc.

-Ăn đi Nọi à, mày cứ dán mắt của mày vào chỗ cái vách ấy mãi thế hay mày cũng…

Mẹ dừng câu nói lại giữa chừng như tiếng nước suối đang chảy bỗng ngưng bặt, như gió đang thổi về hướng này bỗng lạc sang hướng khác. Mẹ thở dài nhè nhẹ mà tôi thấy lồng ngực mẹ rung lên. Cha tôi buông đũa đi xuống gầm sàn, một lát sau có tiếng gà kêu quang quác. Chắc cha lại đi bắt mấy con gà thích đậu ngủ ở trên đống củi để cho vào chuồng.

Ngày cưới chị trời dừng mưa đúng như mẹ mong. Từ lúc gà còn chưa dậy, trâu trong chuồng còn đang say giấc thì mấy người dưới phố đã bước vào nhà. Họ vây quanh chị như vây quanh một cô chủ. Họ chải tóc uốn tóc cho chị, mùi tóc bị nóng bốc hơi khét lẹt. Họ tô lên đôi môi đang run run của chị một màu đỏ như màu của hoa Bó ưởng quai. Chị xấu hổ giữ tay họ lại lúc họ bắt đầu cởi cúc áo, khi con bướm bạc cuối cùng được tách nhau xong thì ngực chị bung ra, tròn trịa đẫy đà, phập phồng lên xuống theo nhịp thở dồn dập.

Khi người phụ nữ choàng chiếc váy cưới màu trắng lộng lẫy lên người chị thì mồm tôi cứ há ra, mắt tôi quên cả chớp. Trời ơi, tôi không nhận ra chị của tôi nữa rồi, ở ngoài chị còn đẹp hơn trong bức ảnh cưới, chị như một nàng công chúa mĩ miều bị lạc trong căn nhà cũ kĩ của cha mẹ. Chị gật đầu với tôi khi thấy tôi cứ đứng ngây người ra nhìn chị.Tôi thoáng nhìn thấy dưới mí mắt của chị có những giọt nước lấp ló bên trong.

Dưới sân người đông đúc nhộn nhịp, đứng từ trên sàn nhìn xuống đám cưới chị như một vườn hoa khoe sắc màu. Những cô gái Thái nhỏ nhắn, điệu đà trong những chiếc áo cóm sặc sỡ. Những cô gái thành phố sang trọng trong những chiếc áo dài duyên dáng thướt tha. Mọi người hồ hởi bắt tay nhau, chào hỏi nhau tíu tít. Tiếng “kinh”, tiếng “Thái” lẫn vào nhau tạo thành một bản âm hưởng độc đáo, làm rộn ràng cả một góc núi muôn đời trầm mặc.

Anh rể dìu chị từng bước đi xuống chín bậc cầu thang. Chị đi đôi giày gót cao và nhọn quá. Tôi nâng váy chị phía sau người lâng lâng như đang bay theo bồng bềnh cùng chiếc váy. Tôi liếc nhìn xung quanh, lũ con gái bản đang tròn mắt nhìn chị. Lũ trai bản đứng dồn về một phía dán cặp mắt rừng rực lửa vào chị như bị hút chặt. Phía sau đám trai ấy, có một người trai cứ thập thò nhìn chị. Ánh mắt của anh không giống như ánh mắt của bao chàng trai khác, nó như đang tỏa ra một thứ ánh nắng ấm áp của mặt trời mùa đông, đôi khi lại u uất như một đám mây đen giữa trời mùa hạ. Bắt gặp ánh mắt dò hỏi của tôi anh vội nhìn đi nơi khác. Tôi nhìn sang chị, chị đang dịu dàng trong cánh tay đỡ phía sau của anh rể, miệng đang cười tươi như hoa Pắc Mạ đón nhận những lời chúc phúc của mọi người. Thoáng chốc cảm giác lâng lâng như đang bồng bềnh trôi trong tôi chững lại.

… Tối đến tôi ôm lưng chị ngủ, có đêm tỉnh giấc quờ tay tìm chị nhưng không thấy chị đâu. Tôi sờ vào chỗ chị nằm, nơi đó đệm lạnh ngắt chứng tỏ chị đã rời chỗ ngủ từ lâu mà tôi không biết. Tôi không dám gọi chị sợ cha mẹ thức giấc nhưng không ngủ lại dược, cứ nằm im chờ chị về. Rất lâu, khi con gà trống choai mới tập gáy dưới sàn đã kêu téc te te mấy lần thì chị mới về. Chị nằm xuống cạnh tôi người lạnh sương đêm. Hình như trong tóc chị có cả mùi hoa Bóp Ngoi lúc bị vò nát…

Tôi giả vờ ngủ say không hay biết gì. Chị cố nén tiếng thở dài nên có lúc tôi thấy chị dừng thở. Chị đang cố nuốt thứ gì đó vì tôi nghe thấy tiếng chị nuốt nghẹn.Tôi nghe được cả tiếng con tim chị đập thùm thụp, sáng dậy tóc chị bết lại bên má, chắc tối qua chỗ đó bị ướt.

Ngày tết độc lập cả bản tôi tưng bừng đón tết. Từ tối qua tiếng lợn bị chọc tiết kêu eng éc dội vào vách núi, tiếng gà vịt kêu quang quác khi bị lôi ra khỏi chuồng. Ai cũng hồ hởi đem váy áo mới ra mặc. Trong năm cái tết độc lập là cái tết ăn rất to, là cái tết rất quan trọng đối với mọi nhà.

Từ sáng sớm, người già đã dắt díu nhau tụ tập ở nhà văn hóa bản để uống với nhau chum rượu cần ủ để dành cả năm nay, men rượu đã ngọt lịm, hương rượu đã thơm ngất ngây, tay nắm chặt tay trong điệu xòe ngàn năm, say sưa trong tiếng khèn tiếng chiêng rộn rã. Trai gái và những người có cái chân bước đi còn khỏe thì lũ lượt kéo nhau xuống phố. Tôi và chị cùng lũ bạn hòa vào dòng người ấy. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng cười nói rộn ràng, xuống phố thôi, xuống phố để được đi chơi, để được ăn những bát phở nghi ngút khói, những cốc chè có viên đá màu trắng lạnh tê lưỡi của người xuôi, để khoe với lũ bạn ở bản bên chiếc khăn Piêu vừa thêu xong còn thơm mùi tay con gái, để con trai con gái tìm thấy nhau, liếc mắt đưa tình và tặng khăn cho nhau.

Không chỉ riêng tôi mà tất cả lũ con trai con gái trong bản đều mong chờ ngày tết độc lập. Cả năm quẩn quanh bên góc núi, sáng tờ mờ sương chưa rõ mặt người đã rời nhà lên nương, chiều không còn nhìn rõ đường đi mới trở về nhà. Con đường đi về hàng ngày là cỏ cây và hoa dại. Âm thanh bên tai là tiếng nước suối chảy róc rách và tiếng gió vù vù của đại ngàn. Ngày này qua ngày khác, hết tra hạt lúa lại đến tra hạt đỗ, hết dọn xác cây ngô lại vội dọn gốc lúa cho kịp vụ tiếp theo. Vì thế hôm nay được xuống núi đi chơi, lũ trai gái chúng tôi cứ hồ hởi như bầy chim được sổ lồng.

Tôi và chị theo lũ bạn vào chợ. Đi qua hàng vải sặc sỡ đủ màu hoa cả mắt là đến hàng chỉ thêu. Đứa gái nào cũng mua một ít kim và vài con chỉ. Tôi thấy chị lựa đủ thứ màu nhưng không có màu hồng. Tôi định hỏi nhưng lại thôi vì thấy chị đi chơi mà hồn như bị lạc ở đâu vậy. Tôi phải kéo tay chị đi nhanh cho kịp lũ bạn đang ào vào cửa hàng bán vàng bạc. Cả bọn đang tíu tít bỗng nhiên im bặt, mắt nhìn chằm chặp vào bên trong khung kính. Dưới ánh đèn điện là những chiếc xà tích bạc sáng lấp lóa đang đợi ai đó gắn chúng lên hông để được dập dìu trên cặp mông mềm mại. Những chiếc vòng tay khép hờ hững như chờ cổ tay tròn trịa của ai đeo vào. Cả một thế giới ước mơ và khát vọng của cô gái Thái lấp lánh bên trong khung kính làm chúng tôi ngẩn ngơ như cơn gió lạc trên suốt chặng đường trở về.

Từ hôm đó chị bỗng như trở thành người khác.

Tối đến chị vẫn nén vào ngực tiếng thở dài nặng trĩu nhưng nửa đêm thức giấc quờ tay sang chỗ chị, tay tôi đều chạm ngay vào cơ thể ấm nóng của chị. Vậy mà không hiểu sao sáng dậy, viền quanh mắt chị là một lớp da màu xam xám, nó làm cho mắt chị buồn hun hút như gió thổi vào hang sâu.

… Trong bản người ta bàn tán về đám cưới của chị bên bếp lửa, trên nương trên rẫy, vào cả những lúc cả nhà ngồi xung quanh mâm cơm. Người ta xuýt xoa với những thứ nhà trai mang đến nhà gái trong lễ cưới, không có bò không có lợn nhưng có nhiều thứ lạ mắt mà đám cưới trong bản không có. Nghe nói tiền dẫn cưới đựng trong chiếc tráp màu đỏ được một cô gái trẻ bê trang trọng phải đến mấy chục triệu, mua được mấy con bò, mua được cả chục con lợn. Trên cái cổ nõn nà của cô dâu là chiếc vòng vàng to bằng chiếc đũa, tay đeo lắc vàng có hình con rồng sáng chóe, trước mặt mọi người mẹ chồng của chị ôm chặt chị trong tay rồi mới đeo những thứ đó lên người chị. Lũ thanh niên con trai thì trầm trồ thán phục, lũ con gái đến tuổi lấy chồng thì lúc ngủ lúc thức đều mong ước được làm cô dâu như chị, người già ngồi nhìn bếp lửa cháy vẻ mặt tư lự đăm chiêu không nói nửa lời.

Mỗi lần chị về thăm nhà đều có anh rể đưa về bằng xe tô bóng loáng. Lần nào về lâu nhất chị cũng chỉ kịp ở lại ăn với cha mẹ bữa cơm rồi lại vội vã tất bật lên xe đi. Chiếc xe ô tô có chị bên trong đã khuất sau chỗ rẽ rồi mà cha mẹ và tôi vẫn cứ đứng nhìn theo mãi như đang bị mất đi thứ gì.

Nhà chồng chị buôn bán vàng bạc nên giầu lắm. Mãi sau này tôi mới nghe chị kể lại, trong ngày tết độc lập năm ấy khi tôi và chị cùng lũ bạn đang tròn mắt ngắm nhìn những đồ vật bên trong khung tủ kính thì anh rể đứng phía sau quầy hàng đã để ý đến chị. Khi chúng tôi dắt díu nhau hơn chục cây số đường rừng để về bản thì không ngờ phía sau chúng tôi anh rể đang bám theo chị đến tận nhà.

Tiền chị và anh rể biếu cha mẹ không tiêu. Mẹ đem gói vào miếng vải thổ cẩm cất vào trong hòm gỗ rồi khóa lại. Mỗi lần như thế mẹ đều thở dài. Tôi lại càng không thể hiểu nổi cha mẹ tôi đang nghĩ gì.

Lần nào về nhà cũng vậy, chị đều mặc áo váy của người dưới phố, mỗi lần mỗi kiểu, chị mặc kiểu nào cũng đẹp. Tôi sờ tay vào váy của chị rồi hỏi: “Chị mặc váy của người dưới phố đẹp thế này chắc không thích mặc áo váy người mình nữa phải không?” Chị nhìn tôi mắt ngân ngấn nước, lắc đầu nhè nhẹ rồi quay mặt đi.

Đã mấy mùa hoa ban không có chị ở nhà, tôi nhìn những quả ban xanh non nớt lúc lỉu trên cành được phủ bởi những hạt mưa xuân ẩm ướt mà nhớ chị quá. Lâu rồi chị không về thăm cha mẹ, nghĩ đến ánh mắt lúc ra về của chị lần trước mà tôi thấy áy náy trong lòng. Sốt ruột tôi xin cha mẹ xuống phố thăm chị nhưng cha mẹ không cho. Mẹ bảo: “Đường xa con gái đi một mình không tốt đâu, để vài hôm nữa đàn gà đủ lớn cha mày bắt đem xuống thăm chị mày luôn.” Tôi biết tại sao cha mẹ không cho tôi xuống phố nhưng cha mẹ không nói ra, cả tôi cũng không thể nói ra.

Nhưng đàn gà của mẹ chưa kịp lớn thì sáng ấy chị bỗng hiện ra dưới chân cầu thang khi tôi và cha mẹ đang chuẩn bị lên nương. Chị như vừa qua một trận ốm, đầu tóc xác xơ mặt gầy hốc hác, hai con mắt trũng sâu như lâu rồi không được ngủ. Cha mẹ hình như đã có sự chuẩn bị sẵn nên không ai hỏi chị điều gì. Cha vứt phịch cái dao phát nương vào góc nhà, lưỡi dao sáng loáng cắm phập vào quả bí xanh dựng ở đó. Mẹ lẳng lặng bê một chậu nước ấm đến chỗ chị bảo chị rửa mặt rồi ngâm chân. Lúc này chị mới bật khóc, tiếng khóc tức tưởi như bao uất ức dồn nén lâu ngày nay mới được bung ra ồ ạt.

Tôi ôm ngang lưng chị, nhìn đống chăn đệm cao ngất chị đã chuẩn bị bao năm để đem về nhà chồng nhưng vì chị lấy chồng phố nên không được dùng tới rồi nghĩ: Xinh đẹp giỏi giang như chị mà khi đi lấy chồng vẫn bị khổ thì vụng dại như tôi liệu sẽ như thế nào.

Từ đêm ấy tối đến tôi lại được ôm lưng chị ngủ. Không biết có phải do tôi ghét anh rể không mà lẫn trong mùi cơ thể chị tôi thấy có cả mùi ngây ngấy lạ lẫm. Trước đây tôi hay gục đầu vào tóc chị để được ngửi mùi hoa Bóp Ngoi thơm dịu dàng nhưng bây giờ tôi không tìm thấy cái mùi ấy nữa. Điều tôi cảm nhận được là cơ thể chị vẫn mềm mại và ấm áp như xưa.

Chiều nào đi nương về tôi cũng rủ chị xuống suối tắm, khúc suối này đã chứng kiến sự lớn lên từng ngày của cơ thể chị và tôi. Chỗ suối này vắng vẻ, hai bên bờ cỏ mọc um tùm, từ trên bờ có cành cây vươn ra che chắn tạo thành một nơi kín đáo, che chở cho tôi và chị tắm gội mỗi khi đi nương về.

Người tôi đen nhẻm cứ như da của tôi bị một lớp khói đen bám chặt vào. Tôi kì cọ đến rát cả da, bôi lên người những loại quả có bọt tấy trắng nhưng nó cũng chẳng sáng hơn tí nào, đen đủi đến đáng ghét. Vừa kì lưng cho tôi chị vừa thủ thỉ:

- Nọi à, em đừng buồn, bây giờ em đang bé nên vậy, vài tuổi nữa dậy thì em sẽ khác. Khi ấy tóc em sẽ dài hơn mượt mà hơn tóc của chị, da em sẽ trắng như cánh ban cho mà xem.

Tôi tin lời chị dỗ dành nên vì thế mà cái buồn cũng chỉ quẩn quanh trong đầu một lúc rồi biến mất, bắt chị xoay người lại để tôi kì lưng cho chị.

Bây giờ cũng vậy, tôi đòi bằng được kì lưng cho chị. Tôi miết chiếc khăn trên lưng chị thật mạnh thật sâu để cho cái mùi là lạ của anh rể mất đi không ám vào da thịt của chị nữa. Làn da trắng nõn của chị đỏ lừ dưới tay tôi, chỉ đên khi chị ngụp cả người xuống nước để tránh đôi tay tôi thì tôi mới chịu buông tha cho chị.

Tôi đi hái các loại lá thơm cho chị gội đầu. Đêm đêm tôi đã bớt khó chịu khi rúc đầu vào mái tóc chị, từ người chị đã tỏa ra cái mùi da thịt như xưa, nhưng cái buồn và những giọt nước mắt hay thập thò trong mắt chị thì tôi không biết phải làm thế nào.

Anh rể đến quỳ xuống xin chị trở về. Anh rể bảo anh nhớ chị quá anh không thể chịu nổi nữa rồi. Chị không biết đẻ con cũng được, anh rể chỉ cần có chị ở bên để được hàng ngày nhìn thấy chị. Anh rể hứa sẽ không ghen không đánh chị, không làm khổ chị nữa. Cả bố mẹ anh cũng vậy, từ nay sẽ yêu thương chị như con gái mà không coi chị như một đứa đi ở, không quay mặt đi khi nghe tiếng chị chào. Chị muốn mặc áo váy dân tộc mình cũng được.

Cha tôi hùng hổ bỏ ra ngoài ôm điếu cày rít òng ọc mấy hồi liền. Mẹ nhìn chị như muốn nói điều gì nhưng lại ngập ngừng không nói nên lời, cứ nắm tay chị như sợ chị chạy đi mất. Tôi nhìn anh rể hằn học, nghĩ đến vết răng trên bầu ngực của chị mà thương chị đến nát lòng.

Chiều hôm ấy bức ảnh cưới của chị được gỡ xuống. Chị trèo lên ghế nhấc bức ảnh ra, ở bên dưới tôi giơ tay kéo xuống. Chỗ vách ấy giờ trống hoác trống huơ, một mạng nhện giăng tơ ở đó, mỗi lần gió lùa qua kẽ vách nó lại rung lên phập phồng lo sợ.

Thoắt cái chị đã trở về nhà qua một mùa đông. Chiều ba mươi tết mọi người náo nức chuẩn bị cho lễ gội đầu. Tôi chuẩn bị lá thơm đun nước cho chị, giục chị đi nhanh kẻo muộn. Chị không muốn đi, từ ngày trở về chị cứ nem nép như cây trinh nữ trước gió, tránh không muốn gặp ai để tai khỏi phải nghe những lời châm chọc đau nhoi nhói. Có người trước đây đã từng ghen tị với chị, nay nhìn chị chòng chọc khi thấy chị đi ngang qua, ánh mắt sắc lẹm như muốn cắt chị ra thành nhiều mảnh. Có người thì nói xiên nói xẹo, lời nói như mũi tên bay lạc bập sâu vào tim chị đánh phập mà không thể rút ra. Mẹ bảo chị: “Mày như cái cây trước mưa to gió lớn, nếu không đứng vững thì cái cây sẽ bị bật rễ thôi. Phải biết lựa gió mà tránh, lựa mưa mà bước, rồi cũng đến lúc mưa sẽ tạnh gió sẽ ngừng.”

Bờ suối đông nghịt người, tiếng chiêng tiếng trống gõ dồn dập hối hả. Các êm các chị đứng thành hàng dài cạnh suối, tóc xõa ra dài chấm gót. Những mái tóc được chăm chút từ những nồi nước đun lá cây rừng, từ những hũ nước gạo nếp cái trên nương thơm phưng phức mượt mà, tha thướt. Chị nhẹ nhàng cúi người xuống phía trước, hất ngược mái tóc đen dày óng ả xuống làn nước suối trong vắt. Suối tóc trôi theo suối nước mềm mại lững lờ. Từ trên bờ tôi thầm cầu xin thần nước hãy cuốn đi bao điều không vui, bao điều buồn tủi mà chị phải chịu đựng bấy lâu nay, cho mắt của chị hết buồn cho miệng chị lại nở nụ cười tươi như bông hoa Bó ưởng quai bên suối. Những tiếng thì thầm vang lên, những cặp mắt ngưỡng mộ dồn về phía chị, những tiếng gọi tên chị tha thiết. Bờ vai mỏng manh trắng ngần của chị run lên, tôi cũng thấy mình đang run lên.Tình cảm của dân bản dành cho chị vẫn đầm ấm như bếp lửa, vẫn bền chặt như bụi dây Sai chưa khau. Từ phía xa tôi lại nhìn thấy cặp mắt của người trai ấy đang bủa vây lấy chị.

Tôi đã lớn đủ để cảm nhận được nỗi lòng của chị. Mỗi lần đi tắm suối cùng chị, trộm ngắm cơ thể chị như quả mơ căng mọng trên nương đang bị khát nước tôi lại càng thương chị hơn. Làm như vô tình tôi hay kể chuyện với chị về người trai ấy, sau ngày chị lấy chồng một mùa rẫy anh cũng lấy vợ. Vợ anh có bố là cán bộ xã, nhà giàu lắm có xe máy chạy xình xịch từ bản trên xuống bản dưới. Nghe lũ bạn trong bản xì xào anh không yêu người con gái ấy nhưng cha mẹ anh và cha mẹ cô gái ấy đã hứa gả con cho nhau từ ngày hai người còn nằm trong địu trên lưng mẹ. Vì thế anh không thể yêu ai, không được lấy ai ngoài cô gái ấy. Có vợ rồi mà anh vẫn thẫn thờ như con chim cu lẻ bóng. Từ ngày chị đi lấy chồng anh vẫn thường đi về nhà bằng lối vòng qua nhà tôi mà không đi theo đường thẳng. Chị nghe chuyện không nói gì nhưng tôi nhận ra trong mắt chị đã le lói một sự hồi sinh.

Tiếng sấm ì oàng làm tôi giật nẩy người. Tôi tỉnh ngủ, những tia chớp cứ loẹt xoẹt vào tận chỗ tôi nằm. Không thấy chị đâu, tôi lại sờ tay vào chỗ đệm chị nằm, đệm lạnh toát, chắc chị rời chỗ ngủ của chị đã lâu…

Tôi tỉnh dậy khi mùi xôi nếp cái thơm nức xộc vào mũi làm bụng thấy đói cồn cào. Chị ngồi bên bếp lửa, má đỏ bừng nhìn tôi ngượng ngùng như trẻ con mắc lỗi. Tôi tránh cái nhìn của chị.

Mùa này nương trên ngô đang thì con gái. Thoảng trong hơi gió từ núi thổi về tôi ngửi thấy cả mùi thơm ngọt ngào của cây ngô. Chỉ vài tuần nữa ngô sẽ đến kì thụ phấn, lúc này ngô rất cần bàn tay chăm bón cần mẫn của con người. Tôi và chị khoác ếp vào nương từ sáng. Hôm nay trời đã hửng nắng sau những ngày ròng rã mưa. Hình như đất đã uống no rồi không còn chứa nổi nước nữa nên lượng nước thừa đều đổ vào những khe suối. Nước từ trong các khe suối nhỏ chảy ào ào từ trên đỉnh núi dồn về chân núi có con suối lớn. Từ con suối lớn nước chảy xiết cuồn cuộn nhưng chảy về đâu thì tôi lại không biết. Tôi hỏi chị, chị cũng lắc đầu không biết. Nơi chị đi xa nhất là đến chỗ nhà chồng dưới phố còn xa hơn nữa thì chị cũng chưa một lần được đi.

Mải lúi húi bón phân vào những gốc ngô tôi không biết chị đã đi sang bên kia sườn núi. Tôi thấy chị đang trèo lên phiến đá giơ tay hái quả sim chua. Tôi sợ chị bị ngã nên vội chạy sang. Chị giơ nắm quả sim vừa hái được khoe với tôi như vừa nhặt được thứ quý giá. Ngày thường chị đâu có thích ăn sim. Những lần tôi hái sim về chấm chéo, tôi suýt xoa vì cái cay của ớt cái chua của quả sim nhưng chị vẫn dửng dưng không hề tứa nước miếng. Vậy mà…Tôi giấu cái thắc mắc trong lòng đỡ lấy túm quả sim từ tay chị. Tôi trộm nhìn chị, đúng rồi dạo này người chị đẫy đà hơn, mông chị nở nang hơn nây nẩy rung mỗi khi chị bước. Vì đang là mùa mưa nước suối chảy mạnh nên tôi và chị lâu rồi không cùng nhau đi tắm suối nhưng nhìn ngực chị dưới lớp vải mỏng, tôi vẫn hình dung ra bầu ngực của chị căng cứng mây mẩy như thế nào.

Gió bỗng nổi lên, những lá ngô quất vào mặt tôi ràn rạt. Tôi ngẩng đầu nhìn trời, nắng bỗng dịu đi, sau dãy núi phía xa một đám mây đen kịt kéo trĩu cả bầu trời xuống. Tôi gọi chị: “Chị ơi chị, về mau đi sắp mưa to rồi!” Chị và tôi hối hả ra về nhưng vẫn không quên ếp rau rừng vừa hái để trưa nay mẹ làm món nộm.

Tôi và chị vừa đi vừa chạy vì từ trong gió đã lất phất vài hạt mưa. Gió quá, gió hùng hổ quật vào cây cối làm cho những cành cây oằn mình vặn vẹo. Chị em tôi liêu xiêu trong gió. Rồi mưa bắt đầu ập xuống, mưa xối xả sầm sập tối tăm cả mặt mũi, tôi không còn nhìn thấy đường đi. Chị kéo tay tôi chỉ vào một cái chòi canh nương cạnh đấy. Tôi hiểu ý, nắm chặt tay chị cùng chạy vào.

Cái chòi thấp lè tè tôi và chị phải cúi người mới chui vào được bên trong. Chòi tuy nhỏ nhưng cũng đủ chắc chắn để che chở cho tôi và chị. Tôi thắc mắc: “Sao họ không làm cao lên một chút nữa có phải thoáng hơn không.” Chị cười: “Em ngốc quá, phải làm thấp thế này thì mới tránh được gió chứ.” À hóa ra là vậy, cái gì tôi cũng hiểu ít biết ít. Tôi nhìn chỗ lõm nơi cổ chị đang thì thụp đập liên hồi rồi nhìn xuống bụng chị. Hình như chị cảm nhận được cái nhìn khác lạ của tôi nên chị vội xoay người sang phía khác.

Trời vẫn mưa như không muốn ngừng, tôi lo không về nhà được vì nước suối chảy xiết. Chị bảo: “Mưa to thế này thì trời càng nhanh hết nước, tạnh mưa chị em mình sẽ về nhà theo đường vòng quanh núi lên phía bản trên, ở đó có một cái cầu tre bắc qua suối.” Tôi xị mặt nhăn mũi vì nghĩ đến đoạn đường núi gập ghềnh xa tít tắp, vì mùi rau Pắc nàm từ ếp xộc ra. Chị bảo: “Nọi à, em đừng chê mùi rau thối nhé, nếu phải xa nhà, cái mùi làm em nhớ nhất làm cho em thèm được ăn nhất sẽ là rau pắc nàm đấy”. Tôi bảo: “Nếu có thèm em chỉ thèm thịt gà hun khói, măng lay chấm chéo thôi.” Chị véo mũi tôi cười giòn giã: “Để rồi xem, khi ấy nếu chị nói đúng chị sẽ véo mũi em đau hơn thế này.” Lâu rồi tôi mới lại được nghe chị cười như thế.

Bỗng tôi nghe lẫn trong tiếng cười của chị có tiếng gì ầm ầm, rào rào như cây đổ như đá lăn. Tôi sợ hãi kêu lên: “Chị ơi chị lũ…”, tôi chưa kip nói hết câu thì căn chòi chao đảo, tôi giơ tay chộp lấy tay chị nhưng không kịp nữa rồi. Âm thanh cuối cùng tôi nghe được là tiếng gọi thất thanh của chị.

Đêm ấy gió ngừng thổi. Truyện ngắn của Hoàng Lệ Thủy
Chị đã trở về nhà qua một mùa đông - Ảnh minh họa từ vietnamnet.vn

… Tiếng chị gọi làm tôi bừng tỉnh. Tôi mở choàng mắt, xung quanh tôi rất đông người đang sụt sùi khóc. Tiếng mẹ rấm rứt gọi tên chị đau nhoi nhói như mầm cỏ gianh đâm vào gan bàn chân. Tôi ngồi bật dậy đưa mắt tìm khắp mà không thấy chị đâu. Trí nhớ ập về làm tôi quay cuồng sợ hãi. Cảm giác như có con rắn lạnh ngắt đang bò vào dưới áo chui rúc vào mọi ngóc ngách trên cơ thể làm tôi rùng mình. Tôi đã tỉnh hẳn, đã nhớ rõ ràng những gì vừa xảy ra. Tôi đã đoán được mọi chuyện. Phản ứng đầu tiên là tôi cất tiếng gọi: “Chị ơi, chị!”

Có tiếng xì xào của ai đó rất khẽ nhưng tôi vẫn nghe được bằng linh cảm của mình. “Sắp đến giờ rồi.” Tôi vùng dậy khỏi giường, vài cánh tay ra sức kéo tôi lại, ghì tôi nằm xuống. Tôi quỳ lạy mọi người đừng ngăn cản tôi, cho tôi đến gặp chị. Như điên như dại tôi cắn vào một cánh tay đang cố níu giữ tôi.

Người ta dìu tôi đến nơi đó, nơi mà đã vài lần tôi và chị cùng đến, tay nắm chặt tay và cùng òa khóc khi ngọn lửa bùng lên. Triền đồi thoai thoải, sau cơn mưa cỏ xanh như xanh hơn, hoa Bó ưởng quai như tím dịu dàng hơn. Trời không nắng nhưng trong xanh không một gợn mây, báo hiệu một đêm không có mưa và gió ngừng thổi. Một bước hai bước, tôi lết đi về phía chị. Tôi đã nhìn thấy chị của tôi. Chị đang nằm bên trong một cái hòm gỗ dài sơn màu mận chín, màu của thứ quả làm tím cả môi tôi và môi chị mỗi khi mùa mận về. Tôi gục đầu vào chị muốn nói với chị, với đứa con bé nhỏ của chị là cháu của tôi những lời yêu thương mà tôi chưa kịp nói. “Chị ơi, chị”, tôi thì thầm giãy giụa dưới những cánh tay đang xốc nách kéo tôi đi.

Tôi quay đầu lại chào chị nhưng đầu của tôi cũng bị ai đó ghì chặt không cho tôi quay lại nhìn. Tôi bất lực,chân chùng xuống quỳ mọp trên bãi cỏ.

Phía sau tôi tiếng củi kêu lách tách, tôi biết rằng lửa đã bắt đầu bùng lên dữ dội.

Hoàng Lệ Thủy | Báo Văn nghệ

Danh hài  Conan O’Brien "cầm trịch" lễ trao giải Oscar 2025

Danh hài Conan O’Brien "cầm trịch" lễ trao giải Oscar 2025

Baovannghe.vn- Hãng tin AP cho biết, người "cầm trịch" lễ trao giải Oscar 2025 sẽ do danh hài Conan O’Brien đảm nhận sẽ mang đến một làn gió mới cho sự kiện
70 năm tập kết ra Bắc: Bản tình ca đặc biệt về tình yêu Tổ quốc

70 năm tập kết ra Bắc: Bản tình ca đặc biệt về tình yêu Tổ quốc

Baovannghe.vn - Những người con Cà Mau xúc động và tự hào khi nhớ về sự kiện tập kết ra Bắc 70 năm trước, được học tập và đào tạo trong sự yêu thương đùm bọc của nhân dân miền Bắc.
Kí ức loài thiên điểu. Truyện ngắn của Trần Thị Tú Ngọc

Kí ức loài thiên điểu. Truyện ngắn của Trần Thị Tú Ngọc

Baovannghe.vn - Tôi gặp nàng bên bờ vịnh Gió vào một buổi chiều cuối mùa đông, biển lạnh và rất vắng người. Những con sóng trầm chậm rãi đổ từng đợt vào bờ kè
Mùa Đông sẽ trở nên quyến rũ hơn với live concert “Chuyện của mùa Đông”

Mùa Đông sẽ trở nên quyến rũ hơn với live concert “Chuyện của mùa Đông”

Baovannghe.vn - Live concert thuộc dự án Hồ Gươm Live Concert với tên gọi “Chuyện của mùa Đông” sẽ diễn ra vào lúc 20h00 ngày 15.12.2024, tại Nhà hát Hồ Gươm.
Di sản văn hóa nỗ lực bảo tồn để phát triển

Di sản văn hóa nỗ lực bảo tồn để phát triển

Baovannghe.vn - Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ Tám, nên xây dựng cơ chế, bảo vệ di sản là cấp thiết