Nơi bà Lý cầm dao quắm sải bước hướng đến là cái nhà sàn nhỏ cũ kỹ của một chàng trai tên là Tư, người mà đã hơn năm nay cứ dày mặt đến làm việc không công cho nhà bà mặc dù bà chưa hề tỏ ý vời; còn chàng ta thì đã vài lần gãi tai, mặt đỏ cà chua, ấp a ấp úng xin là cho ở rể trong nhà. Nghĩ rằng, Tư không phải là chỗ gửi gắm đứa con gái rượu xinh đẹp của mình nên bà Lý luôn nói thẳng ra: “Con gái tôi đã có chỗ phúc phận rồi, cậu nên đi ngỏ cửa khác!”. Đôi khi bực lên, bà đã buông lời chì chiết: “Cậu cho tôi lạy cậu ba bảy hai mốt lạy để cậu biết thân, biết phận mình!”.
Đi ra khỏi đầu bản được một đoạn, thấy mấy nông phu đang kẻ kéo, người đẩy những xe mía tím nặng nề lên con dốc dài thoai thoải dây diều, bà liền xúm vào một tay, đẩy giúp. Thì ra đây là những xe mía bà con các bản quanh vùng chở ra Tam Điệp để úy lạo tướng sĩ Tây Sơn đang bảo vệ phòng tuyến Tam Điệp. Đi với họ, bà mới biết rõ thêm những chuyện cực kỳ rúng động, cấp báo mà lâu nay, sống ở cái bản Trạc xa xôi, cách phủ lỵ Tân Kim đến hơn bốn mươi dặm đường rừng bà mới chỉ nghe loáng thoáng. Đó là ngót ba mươi vạn giặc Thanh đã chiếm Thăng Long, dân kinh kỳ phải chạy loạn tứ tóe ra khắp nơi, có mấy đám đã dạt vào đến tận xứ Thanh Hoa; giặc Tàu có vài bọn Việt gian dẫn đường đã truy đuổi quân ta đến bờ bên kia con sông Gián Khuất và gióng dọa ầm ĩ lên rằng, ăn tết Nguyên đán xong, chúng sẽ vượt Tam Điệp, đánh thốc vào Thanh Nghệ, đánh tiếp đến Phú Xuân, đánh đến tận cùng phía nam Đại Việt. Trong tin dữ cũng có tin vui, đức Quang Trung hoàng đế đã lên ngôi báu, ngài ngự giá thân chinh trẩy quân thần tốc ra Bắc Hà đánh giặc Tàu; đến trấn lỵ Thanh Hoa, ngài dừng đại quân, mộ thêm thêm binh sỹ, rồi tiến ra Tam Điệp, hội quân với các đại đô đốc Ngô Văn Sở, Vũ Văn Dũng… tổng duyệt quân cơ vô cùng hoành tráng…
Đoàn xe lên đến đỉnh dốc dây diều vừa dừng nghỉ ở khoảng đất trống bằng bịa thì thấy một đám trai tráng có đến vài, ba mươi người do chàng Tư dẫn đầu đang háo hức từ một hướng khác đi đến. Bà Lý như chết sững vì trong đám trai trẻ đó có con gái bà, cô Lân.
Sau khi chào hỏi xong, chàng Tư thay mặt anh em thưa với các nông phu chở mía và bà Lý rằng, chàng đi ứng tuyển, đã được thu nạp và phiên vào đội lính đánh trống trận cầm cờ tướng trong đạo quân tiên phong của đức Quang Trung. Chàng xin với tướng chỉ huy của mình, tranh thủ về quê một hôm, mộ thêm lính người làng bổ sung cho đại quân.
Nghe xong câu chuyện, tuy lâu nay chẳng ưa gì chàng Tư, bà Lý cũng rút hầu bao cho cậu năm tiền để làm lộ phí. Cậu Tư không nhận mà bạo dạn thưa với bà rằng, đại quân của vua Tây Sơn đã được nhân dân khắp vùng úy lạo, chu cấp đầy đủ, tiền bạc không cần dùng đến. Rồi chàng lại đỏ mặt, gãi gáy rụt rè bày tỏ thêm tâm nguyện bấy lâu nay, rằng cậu và con gái bà cùng lớn lên trong vùng, hai người quyến luyến nhau đã lâu, nay cậu đầu quân đánh giặc, nếu may mắn còn sống sót trở về xin bà hãy cho cậu được làm rể. Trước lời khẩn cầu của một chàng trai sắp ra nơi trận mạc, sinh tử khó lường và có có cả con gái mình ngồi cạnh, bà Lý không nỡ thẳng thừng chối từ nhưng bà cũng chỉ nói kiểu chung chung, rằng bà chúc chàng lên đường bình an may mắn, nơi chiến trận tránh được mũi tên hòn đạn và lập công to để thỏa chí làm trai, báo đáp hồng ân trời bể của vua Tây Sơn chứ không hứa điều gì chắc chắn cả.
Dù bà đã nói thế nhưng cô con gái bà vẫn cứ xoắn xuýt lấy anh lính trẻ. Và, sau lúc giải lao, cô mượn cớ đi phục vụ quân nhu để theo chàng Tư ra tận Tam Điệp. Bà Lý liền mắng phủ đầu nhưng thấy người các bản, người trong tổng… ùn ùn chở lương thảo bằng xe trâu kéo, bằng ngựa thồ đổ về phía dãy Tam Điệp phục dịch việc quân, bà không mắng con gái nữa. Không mắng, không giận nhưng mà bà Lý lo lắm. Ruộng một sào, con một đứa, nếu chẳng may mất mùa thì mất trắng, tuổi già lại đang đến sầm sập, nếu cơ nhỡ điều gì thì bà biết lấy đâu làm chỗ dựa? Sực nghĩ, qua cái tết Kỷ Dậu này, sẽ sang tuổi sáu mốt, đúng một vòng can chi, sáu mươi năm của một đời người, bà Lý bỗng giật mình lo lắng.
2.
Bà Lý muộn mằn mãi đến năm bốn hai tuổi mới có con. Thuở còn đương thì bà đẹp gái nổi tiếng cả vùng Tân Kim lại có thêm cả cái khiếu hát hay, múa dẻo nữa. Bà đã từng được quan tổng trấn Thanh Hoa vời xuống đình làng Hà La ở phủ Tống Sơn, cho đội mũ miện, mặc xiêm y rực rỡ ngồi ngôi tướng bà trong cuộc đua cờ hàng năm giữa các tay cờ tướng trứ danh của xứ Thanh và các đối thủ kỳ phùng đến từ cố đô Tràng An. Bị tiếng là xướng ca vô loài nên mãi đến hơn bốn mươi tuổi bà mới được một viên lại luống tuổi ở phủ huyện Tân Kim cưới hỏi làm kế mẫu cho đám con đông đúc của ông ta mới bị bồ côi. Bà sinh với viên lại già được bé Lân và khi bé lên hai thì ông ta chầu giời. Vì các con của viên lại này quá hỗn láo với kế mẫu nên bà Lý phải bỏ huyện, bế con gái vào bản Trạc nằm sâu trong núi, lập kế sinh nhai như một thứ dân ngụ cư không họ hàng, không vai vế. May nhờ có thêm nghề bà đỡ, bốc thuốc nam, cứu được nhiều người trong vùng nên bà không bị người dân bản Trạc khinh ghét, chèn ép. Khi lớn lên, cô Lân bội phần xinh đẹp, mới mười lăm tuổi đã được ông huyện Tân Kim nhắm nhe cho con trai, một cống sinh đang theo học vị Bảng nhãn Hiệp Lộ nổi tiếng thi thư ở vùng Cổ Quăng - Bột Thượng, huyện Hoằng. Là người gặp không biết bao nhiêu là cơ nhỡ trong đời, hay tin này, bà Lý mừng còn hơn bắt được vàng mười, tưởng sẽ có được chỗ dựa chắc chắn, con gái bà sẽ vào được nơi quyền quý, thoát khỏi cảnh cổ cày vai bừa. Nhưng khi bà đem việc đó bàn với Lân thì cô liền lắc đầu quầy quậy, bảo rằng, cô đang còn nhỏ, sau này “nếu trời để cho sống” cô thích trâu ta ăn cỏ đồng ta, chỉ muốn lấy chàng Tư làm chồng mà thôi. Tư là một chàng trai khỏe mạnh, hiền lành tốt bụng nhưng mồ côi từ nhỏ, họ hàng đã ít mà toàn là những kẻ thất bát khổ nghèo. Sợ con gái mình sẽ lây cái khổ đó nên bà Lý luôn phản đối ý định của con gái rồi tỏ cả thái độ lạnh nhạt với Tư. Nhưng cha mẹ sinh con, trời sinh tính, bà chẳng còn biết phải làm gì nữa.
Tại quân doanh Tam Điệp, một lần đức Quang Trung hoàng đế đi thị sát quân cơ gặp lúc mặt trời đứng trưa, nắng hanh, gió cào dội lên trước đợt gió rét đại hàn sắp đổ về, ngài ghé vào một traị tượng binh nghỉ ngơi, tránh nắng. Tướng sỹ ở đấy cũng đang giải lao sau một ca tập trận, luyện võ. Biết tính đức vua luôn thân thiện sẻ chia ngọt bùi với thuộc hạ, cả một bọn đang ăn mía vội tranh nhau dâng mời để ngài ngự thiện, giải khát. Ngài ăn thấy ngon, luôn miệng khen ngợi thứ mía quí, mềm mà không tơi, ngọt lịm và có dư vị. Ngài hỏi về xuất xứ giống mía quí đó. Viên tướng chỉ huy đội tượng binh tâu ngài rằng, đây là giống mía tím Tân Kim do người dân vùng ấy mang cùng lương thảo đến úy lạo, khao quân. Mía này không những giúp quân sỹ giải khát sau mỗi lúc tập trận rất tốt mà cho voi chiến ăn, chúng cũng rất thích, ăn nhiều hơn hẳn các loại rơm cỏ, cây lá quen thuộc khác. Được ăn loại mía tím, sức vận động của đàn voi chiến hanh hoạt vượt trội hẳn lên. Hiện trong khẩu phần thường ngày của các thớt voi trận, mía Tân Kim chiếm đến hơn phân nửa. Nghe tâu xong, nhà vua liền ghé chuồng voi để thực mục sở thị. Ngay sau đó, ngài ban chỉ dụ, lập một cơ lính hậu cần chuyên chở chở mía tím Tân Kim đi theo đại quân.
Thế là không khí vận chuyển mía đi úy lạo tướng sỹ Tây Sơn ở vùng Tân Kim lại càng thêm phần náo nức, nhộn nhịp.
Cô Lân cũng có thêm dịp đi cùng đoàn chở mía ra Tam Điệp để mong được gặp chàng Tư. Khi đến nơi, cô hay tin chàng đã theo cánh quân tiên phong đi tiền bộ từ hôm trước. Cô buồn lắm. Đang khi đó thì đội quân chở mía mới thành lập đến thu nhận mía của dân Tân Kim đóng góp chất lên các xe nhà binh để cùng đại quân lên đường. Lân liền nẩy ý định, xin đăng lính vào đội quân chở mía nhưng rồi ngay sau đó cô biết, quy định của quân đội Tây Sơn không tuyển nữ binh.
Bế tắc nhưng Lân không “nữ nhi thường tình” nghe theo mấy câu ca mới xuất hiện lúc bấy giờ: “Anh đi theo chúa Tây Sơn/ Em về cày cuốc mà thương mẹ già” mà bí mật đổi cái khăn ấm cho người lính già chăn ngựa được một bộ quân phục. Thế rồi cô bí mật giả trai, làm lính hậu cần trẩy theo đại quân của vua Tây Sơn ra Bắc.
Một lần, viên tổng quản đội tượng binh, dáng vóc cực kỳ uy vũ, quân dung ngời ngời thần thái anh hùng phát hiện ra chú lính trẻ (tức cô Lân giả trang) mặt mũi thanh tú, tác phong nhanh nhẹn, nói năng lễ phép bèn “nhấc” về làm lính hầu cận. Lân hoảng, sợ lộ “bản tướng” là gái nhưng quân lệnh như sơn, cô không thể kháng lại. Những ngày làm lính hầu cận cho viên tướng tổng quản nọ, cô gặp không biết cơ man nào là khó khăn. Đã từng vài lần nghe câu: “Quân trung không gì hiếm bằng nữ sắc” nên Lân hiểu rằng, nếu bị lộ, cô không thể giữ được phẩm tiết của mình trước viên tướng tay hổ lưng gấu, hai chân thẳng chắc như cột đình trung, đền thượng kia hoặc cô sẽ bị trảm quyết vì tội mạo phạm quân cơ. Cô chỉ còn nước là phải hết sức ý tứ khôn khéo và luôn thầm cầu giời để sao cho viên tướng kia không nghi ngờ, không phát hiện ra mình là gái. Cũng may, cuộc hành binh của đại quân Tây Sơn luôn trong khí thế chẻ tre, thần tốc nên thời gian trôi nhanh, viên tướng chỉ huy tượng binh cũng bận rộn việc quân trăm nẻo, nghìn phương trước khi bước vào trận mạc nên không có thì giờ để ý đến cô. Vì thế mà cô chưa bị lộ.
![]() |
Nữ binh năm Kỷ Dậu. Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh |
3.
Trận Ngọc Hồi là trận đánh mở màn lớn nhất của quân Tây Sơn trước của ngõ phía nam Thăng Long, khi chủ tướng giặc là Tôn Sỹ Nghị và lũ vua quan bán nước Lê Chiêu Thống – Lê Quýnh đang hỷ hả ăn tết Kỷ Dậu trong hoàng thành. Trong trận ấy, các thớt voi “tượng binh” của quân đội Tây Sơn xuất trận cực kỳ thiện chiến và quả cảm, chỉ trong một đêm đã quét xong vành đai phòng thủ tiền phương của giặc Thanh rồi đánh thốc đến gò Đống Đa.
Nhưng cũng trong trận ấy viên tướng chỉ huy đội tượng binh đã bị trúng tên của giặc, ngất đi. Lính hầu cận Lân phải cõng ông ta vượt qua khói lửa về trại chữa thuốc ở hậu cứ cách trận tiền đến ba, bốn dặm. Lúc nghỉ dọc đường, viên tướng chợt tỉnh lại kêu khát, lính hầu cận Lân phải xuống sông lấy nước, không may cô bị trượt chân, ngã xuống bến, binh phục ướt sũng như chuột lội, bết dán hết cả vào thân hình, đã thể một bên vai áo lại còn bị cháy sém, lộ cả một phần da thịt đang thì con gái.
Cô Lân thất kinh còn viên tướng thì bị bất ngờ tròn mắt nhìn. Sau tích tắc hãi sợ đó, “lính hầu cận” Lân vội quỳ xuống dâng nước và lạy thưa: “Xin tướng quân mở lượng hải hà tha mạng cho đứa con gái quê mùa chỉ muốn được đi đánh giặc mà phạm tội giả trá, mạo phạm trong quân…”. Viên tướng: “Ta lại khá khen cho nàng, có chí lớn khiến cánh nam nhi như ta phải nể phục. Đúng là Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Nàng xứng đáng là một liệt nữ trong đại quân của nhà Tây Sơn. Ta sẽ tâu lên thánh thượng gia phong công huân cho nàng! Nam nữ thụ thụ bất thân. Nàng đã quên mình cõng ta thoát hiểm. Nếu qua khỏi được đận này, ta sẽ nạp nàng làm thiếp của ta. Nàng về kinh đô Phú Xuân với ta, tha hồ mà hưởng vinh hoa phú quý”. Lân chỉ đáp lại: “Bẩm lạy tướng quân, phận gái quê mùa nhà cháu không dám đâu ạ, xin tướng quân mời nước rồi cho nhà cháu đưa ngài đến chỗ trạm thuốc để kịp thời cứu chữa.”. Viên tướng vừa uống nước, vừa ngây người ngắm người lính hầu cận rắn rỏi xinh đẹp. Rồi ông ta vẫn phải để cho cô Lân đưa đến trạm thuốc. Tuy nhiên, ông ta đòi cố lết để cô dìu chứ không phải cõng như lúc trước. Song, Lân chỉ vết thương của ông ta và nhất mực làm đúng phận sự của một lính hầu cận cứu thương.
4.
Sau đại trận thắng to ở gò Đống Đa khiến tướng giặc Sầm Nghi Đống treo cổ tự vẫn và bọn chủ tướng Tôn Sĩ Nghị phải chạy chí chết về hướng thành Tư Minh ở Quảng Tây bên kia biên giới, hoàng đế Quang Trung áo bào còn ám đen khói súng vào ngự tại điện Kính Thiên sắp đặt công việc quân quản an dân và cắt cử một phần đại quân truy kích đuổi bằng sạch lũ tàn quân giặc Thanh ra khỏi bờ cõi. Chàng Tư đồng hương của nữ binh Lân được phiên chế vào đội quân truy kích đó. Biết được tin này, cô vội bỏ quân phục, bí mật về quê ngay giữa lúc trăm họ ở Thăng Long từ nơi chạy giặc trở về náo nức đốt hương, kết hoa bái mệnh đức vua. Dân kinh thành năm ấy ăn tết muộn nhưng rất vui bởi khí thế của mùa xuân đại thắng Kỷ Dậu. Đào, quất từ các làng hoa Ngọc Hà, Nhật Tân được nườm nượp tải vào nội thành, đức vua chọn một cành đào đẹp, cử viên viên hầu cận tâm phúc, có sức khỏe hơn người phi chiến mã mang vào Phú Xuân tặng Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân.
Rồi ngài ngự voi chiến trở về nam trong niềm lưu luyến hoan ca đưa tiễn của trăm họ Thăng Long.
Viên tướng chỉ huy tượng binh cũng đã khỏi vết thương. Ông ta liền theo vua Quang Trung về nam.
Khi về đến Tam Điệp, ông ta sai thủ túc đi lùng tìm cô nữ binh Lân để tâu lên đức vua trọng thưởng và nạp thiếp trước khi đưa cô cùng về Phú Xuân. Hương lý vùng bản Trạc và bà Lý rất đỗi vinh hạnh nhưng cô cựu binh Lân liền trốn vào trong rừng sâu, tránh mặt viên tướng nọ. Khi đại quân Tây Sơn hành binh đã xa, cô mới về lại bản Trạc.
Còn hoàng đế Quang Trung, lúc xa giá về Tam Điệp ngài đã gia phong cho giống mía tím Tân Kim là MÍA TIẾN VUA. Bắt đầu từ đó, mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), mía tím Tân Kim trở thành mía có danh hiệu của đế vương, là mía nổi tiếng nhất cả nước.
Mãi đến cuối năm Kỷ Dậu, chàng Tư mới xong việc binh trở về bản Trạc, ruộng mía cô Lân trồng đang kỳ thu hoạch và là ruộng mía tốt nhất vùng. Tất cả mía trong ruộng của cô đều được quan sở tại cấp tiền thu dụng để chở vào kinh tiến vua.
Về sau, càng ngày giống mía tím này càng danh tiếng nhưng mía tím bản Trạc bao giờ cũng là mía ngon nhất vùng. Và truyền rằng, khi trăm tuổi, cựu nữ binh nhà Tây Sơn, Lân được dân cả vùng thờ làm Bà Chúa Mía. Lễ tế Bà Chúa Mía bao giờ cũng có hai cây mía tím còn cả gốc rễ, lá xanh dựng hai bên bệ thờ. Đó là vì, dân vùng mía tím bản Trạc, Tân Kim không bao giờ quên phu quân của Bà Chúa Mía, chàng chiến binh Tư.