Sự trở về của ông Nguyễn Long làm cả làng Lớn xôn xao. Bố ông Long độc đinh, cùng đinh, sinh hạ được nhõn ông Long. Mẹ ông Long bạo bệnh mất sớm để lại hai bố con lần hồi rau cháo nuôi nhau. Trận đói năm Ất Dậu khiến cả làng tan tác, cùng đường hai bố con ông dắt díu tha phương cầu thực. Hòa bình lập lại, hầu hết những người ra đi trở về làng, riêng bố con ông bặt bóng chim tăm cá. Cả họ ngóng, cả làng chờ, nhưng ngóng để mà ngóng, chờ để mà chờ, bớt đi một nhà làng rộng ra một chỗ. Ngày cải cách, mảnh đất chó ỉa cùng mấy thửa ruộng của gia đình ông được chia cho người khác, tên bố con ông chỉ còn trong ký ức người làng. Rồi ông đột ngột trở về. Ba chiếc xe con đen nhánh minh chứng cho danh giá, giàu sang, phát đạt lừ lừ qua cổng làng làm mọi người ngỡ ngàng. Lúc ra đi ông như cái dải khoai vắt trên lưng bố, nay trở về phương phi vạm vỡ, từ ba chiếc xe tóa ra vợ con cháu chắt hân hoan, rạng rỡ, đám tùy tùng ai cũng gọi dạ bảo vâng, cung cúc tận tụy. Dư âm chuyến trở về của ông còn nóng môi nóng tai trong họ ngoài làng thì ông lại dẫn một đoàn cán bộ đủ cả trung ương, tỉnh, huyện về xin phép khảo sát, lập dự án khôi phục lại đình làng, “phải cỡ bộ trưởng thứ trưởng, giầu có, danh giá lắm mới được tiền hô hậu ủng thế này”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
*
Làng Lớn mở Hội rước thành hoàng về Đình.
Từ ngày độc lập tới giờ làng mới có dịp vui thế này. Đình làng Lớn được làm từ thời nhà Nguyễn, thờ Thành hoàng Nguyễn Lâm, người đầu tiên đến đây khẩn đất lập làng và được vua sắc phong. Đời nối đời dân làng Lớn coi ngôi đình là nơi tỏ lòng thành kính với đất trời, thần thánh, tổ tiên, minh chứng cho quyền uy, sức sống của làng của xóm… Thời làng lên hợp tác, đình được coi là lãng phí, là gốc của mê tín dị đoan, những người “làm chủ tập thể” đã biến cây đa, cái nón của làng, của đình thành mấy chục bộ bàn ghế học sinh, ao đình được chia nhỏ để ươm cá giống, đình được dỡ mang đi làm nhà kho. Ông Long về, không biết ông làm tới chức gì, thần thế ra sao, tác động tới dự án thế nào mà chỉ hơn một năm sau ngôi đình bề thế được dựng lại, ao đình được trả về nguyên trạng, góc sân đình một cây đa ba người ôm không xuể được đưa từ đẩu từ đâu về đang xanh lá… Nơi thờ tự tôn nghiêm, vỏ, lõi của làng mất tích mấy chục năm nay được sống lại thì làm sao mà không vui mừng được.
Lễ rước Thành hoàng vào đình được tổ chức trang nghiêm, thành kính. Cũng may trước đây những người “làm chủ tập thể” thấy những đồ thờ cúng của đình không dùng được vào việc gì nên cho phép dân làng gửi vào cửa chùa nay mới có cái mà rước.
Sau Lễ rước đến ăn uống, gần trăm mâm cỗ trên nền đình, sân đình chật cứng những người là người.
Ông Long như người trên giời. Cả tháng qua ánh mắt, cử chỉ, kể lể công lao oang oang trong hội trường, thì thào trong nhà, ngoài đồng... làm ông quan trọng giờ trọng lại càng trọng. Ông mang cái bụng no gió đi lướt qua các mâm. Mâm nào cũng vậy, thấy “người quan trọng” chắp tay đi đến là những con tằm ngừng nhai, ngừng uống, nhào cả dậy. Níu kéo. Mời chào. Rượu giơ tận mồm. Rượu đổ lên áo, lên đầu...
Không chịu nổi sự cuồng nhiệt thái quá của dân làng, ông Long tránh ồn ào bằng cách lẩn ra sau đình rồi một mình lững thững trên con đường ra đồng, hướng về phía Độc Sơn.
Lòng ông lại ríu rít bài ca muôn năm. Nắng gió làm cho những mắt lá non tơ long lanh, rung rinh như mắt trẻ no sữa. Nắng chọc qua những khe hở những đám mây rót xuống làm cho cả cánh đồng lúa đang thì con gái miên man xanh. Những búi cỏ lướt thướt gại gại vào bắp chân như kiếm tìm đồng cảm. Đôi chèo bẻo bấu chặt vào ngọn cây măng vòi ngó nghiêng, líu ríu… Yên bình. Nguyên sơ. Như cái thủa mới lập làng.
Như ma sui quỷ khiến, đôi chân đưa ông Long ngược Độc Sơn. Đến lưng chừng núi ông dừng lại, ngồi phệt xuống đưa mắt bao quát khắp vùng, đau xót bỗng dâng lên bóp nghẹt tim ông.
Độc Sơn ngay đầu làng Lớn, là ngọn núi duy nhất trồi lên giữa cánh đồng bên bờ sông Cái. Tương truyền năm nọ được mùa, biết ơn công đức vua cha con dân vua Hùng vùng Tả ngạn góp gom sản vật của nhà của giời mang lên Phong Châu dâng cúng vua cha. Người khổng lồ được vinh dự nhận công việc này, ông cho tất cả lễ vật vào cái thúng đan bằng một trăm cây tre, nhấc lên đầu rồi nhằm phía Tây cất bước. Người khổng lồ đội lễ vật đến bờ sông thì gặp đúng ngày lũ về. Nhìn lên gặp bầu trời mọng nước, nhìn xuống thấy lòng sông nước lao như bắn súng phốc. Lượng sức không thể qua sông ông bực mình đổ ụp thúng lễ vật xuống cánh đồng rồi hầm hầm đi xuôi. Chuyện Người khổng lồ đổ của cải thực hư thế nào không rõ, song quả núi mang cái tên Độc Sơn quả là đống của trời ban cho làng Lớn. Núi quanh năm xanh, quanh năm cho làng nước ăn, nước tưới, là chỗ dựa trong bão gió nắng nôi.. Trong gìn giữ, trân trọng của con người, rậm rạp, hoang vu nuôi giữ các loài thú ăn thịt, ăn cỏ; Cây cối, các loài thú ăn thịt, ăn cỏ làm cho hoang vu rậm rạp trở nên linh liêng thần bí.
Ông Long đang chìm trong hồi tưởng thì phía Đông Nam từng đám mây đen cuồn cuộn đùn lên, loáng cái đã trùm kín một góc trời. Một luồng gió mát rượi ào qua rồi khựng lại. Trời đất rùng mình, những giọt mưa rào rào quất xuống. Ông dáo dác nhìn quanh rồi cuống cuồng lao đại vào một cái cửa hang trên bạnh núi.
Thoát được cơn mưa bất chợt ông Long vuốt mặt, cởi áo vắt nước, rồi vạch quần định tháo nước thải.
Trong hang có tiếng e hèm, ông Long giật mình quay lại. Trong ánh sáng nhờ nhờ ông thấy một lão già đen đúa đang ngồi giữa lòng hang với con dao sáng loáng trong tay, đống thanh tre trước mặt. Lão già bảo:
- Không đái được ở đấy đâu, cụt giống đấy.
Ông Long phì cười:
- Tuổi này giống má còn gì nữa. Mà ông làm gì? Sao lại ở đây?...
Lão già thủng thẳng:
- Đi chăn dê, vào đây tránh giời thôi.
Ông Long cảm thấy thích con người có vẻ đẻ trên cành bứa này, ông hỏi:
- Ông người làng nào?
- Làng Lớn. Tên An. Cùng họ, cùng tuổi với ông, mỗi tội không là hạt mưa sa trên Độc Sơn thôi.
Ông Long bỗng rưng rưng khi nghe lão già nhắc đến hoàn cảnh ra đời của mình:
- Cám ơn ông, sao mấy lần về tôi không gặp?
- Tôi sống một mình. Ở cuối xóm. Không muốn gặp ai. Mà cũng chẳng ai muốn gặp.
Ông Long à lên. Lần đầu về làng được ông Trưởng họ dẫn đi thăm thú, giới thiệu các nhà trong họ, khi qua ngôi nhà một gian hai trái lợp rạ ở cuối làng, ông Trưởng bảo: «Đây là nhà lão An, người trong họ, cửa gài thế kia chắc theo chân đàn dê rồi, thế cũng tốt, gặp kẻ chuyên kéo rào ngược dòng này khó chịu lắm», thì ra là người này.
Ông Long kẻ cả:
- Sao ông không ở dưới làng, hôm nay tôi cho báo cả rồi mà.
Lão An nhũn nhặn:
- Cả đời tôi chẳng có gì cho ai, chẳng xin ai cái gì, giờ có ăn tìm đến khó nghĩ lắm.
«Lại còn thế nữa.» - Ông Long thầm nghĩ.
- Tôi hỏi khí không phải, cuộc sống của ông thế nào?
- Có sào ruộng với mấy con dê, thêm cả cái nghề này nữa - Lão An chỉ đống tăm - Cả làng này ngậm tăm tôi vót.
Ông Long cười, móc bao thuốc mời.
Lão An rút một điếu, lấy trong cái túi vải vá chằng vá đụp ra cái tẩu cáu ghét, chậm rãi xé nhỏ điếu thuốc cho vào nõ tẩu, chậm rãi châm lửa.
Cách hút thuốc lá của lão An làm ông Long tò mò:
- Chắc ông quen hút kiểu này.
- Vâng, từ ngày chưa có hợp tác. Ngày ấy đào đâu ra thuốc, phải lên Độc Sơn cạo tinh nứa về phơi khô để lấp cơn nghiền.
Nhắc tới Độc Sơn xưa làm ông Long xót lòng. Nhìn ngọn núi trọc lốc như đầu một kẻ tử tù ông thở dài:
- Ông nói làm tôi nhớ tới Độc Sơn ngày tôi còn ở làng, chắc là nó bị giời hành mới đến nông nỗi này.
Lão An nhìn ông Long như nhìn người giời rồi thủng thẳng:
- Không phải giời hành đâu mà người hành đấy.
Ông Long trợn tròn mắt:
- Người hành?...
Lão An không trả lời ông bạn mà với cái túi, lấy ra một cái be màu xỉn, một cái chén cáu bẩn, chùm sung và mấy quả chuối xanh:
- Ông làm tí chứ?
Ông Long ngớ người rồi gật đầu.
Lão An rót rượu ra chén đưa ông Long, ông nhắm mắt ngửa cổ dốc cạn rồi vặt quả sung xanh trệu trạo nhai, cảm thấy mình đang ở trong ruột trận đói năm bốn lăm.
Lão An đưa cái be lên miệng tu một ngụm rồi hỏi:
- Ông đi từ nhỏ chắc không biết đến linh thiêng đền Ba Dươi.
Như chọc đúng chỗ ngứa ông Long hào hứng:
- Tôi biết chứ. Bố tôi thường kể đền Ba Dươi xưa là lãnh địa của Ông Ba mươi, gọi chệch là Ba Dươi. Không biết Ông Ba mươi trú ngụ ở núi Độc Sơn từ khi nào, chỉ biết Ông cô độc, Ông hiền lành, Ông trị ác, Ông là ân nhân của những kẻ hoạn nạn. Người rơi hố được Ông moi lên cắp về làng liền đặt bàn thờ vọng Ông như vọng thánh. Người đi rừng bị rắn cắn được ông cứu chữa về nhà thấy con trai nói tên tục của Ông liền giáng cái tát khiến cho nó méo mồm suốt đời. Năm ông bố của năm đứa trẻ bị lũ cuốn được Ông vớt lên đã bị gậy công quả, vận động dân làng dựng đền thờ Ông...
Lão An đưa be rượu cho ông Long:
- Mọi chuyện đều đúng đấy. Các cụ còn bảo Ông khí khái, Ông thương dân, biết mình hết tuổi giời Ông ra sông trẫm mình mất xác, chứ Ông mà «đi» trên cạn thì làng sẽ táng Ông sau Đền, làng sẽ được muôn đời phú quý.
Ông Long suýt buột miệng: «Có mà được nồi cao thì có», may mà ông kìm lại được.
Lão An nhìn đăm đăm vào cái nền đền linh thiêng chỉ còn dấu tích:
- Đền Ba Dươi linh thiêng lắm. Ngày đền bị làm mồi cho thần Lửa mấy kẻ vô sừng vô sẹo tranh nhau nhặt nhạnh. Quả báo nhỡn tiền, tay đội trưởng khuân ba hòn đá tảng kê chân cột về làm cầu ao tháng trước thì tháng sau phải vớt xác thằng con mười tuổi no nước, một kẻ mang gạch ngói về làm bếp, bếp chưa xong đã cháy rụi cả nhà...
Ông Long rùng mình :
- Ông nói làm tôi nổi cả da gà. Nhưng sao linh thiêng thế mà cả đền lẫn núi bị phá đến thế này?
- Ông đi xa không biết, cái đận hợp tác hợp teo ấy đói thiếu đủ thứ. Quả sung, củ chuối không có mà luộc, mối mọt không có gỗ mà gặm thì hơn trăm cây cổ thụ trên Độc Sơn thành miếng tóp mỡ là đáng lắm.
- Ý ông nói hợp tác làm thịt Độc Sơn?
- Thì còn ai nữa. Hồi ấy Độc Sơn bị đưa vào tầm ngắm. Ai ngắm? Hợp tác ngắm. Xã ngắm. Huyện ngắm. Quyền thế ngắm. Mở đầu họ ngả cây sến án ngữ đường vào đền, thấy những người «làm chủ tập thể» không nói gì họ làm tới. Lúc cả chục cây cổ thụ bị đốn hạ trước sự uất ức, kêu rên của thánh thần dân làng mới giật mình, bừng tỉnh. Họ kéo nhau lên xã lên huyện đấu lý, kêu nài, van xin. Kêu không thấu, đấu không xong, cực chẳng đã họ chia nhau ôm từng gốc cây quyết chết, hai bên một mất một còn cho đến khi một kẻ điên rồ nào đó cho lưỡi lửa liếm từ chân tới đỉnh núi. Độc Sơn làm nguội những cái đầu nóng, nguội luôn cả linh thiêng huyền bí, mâm vàng mâm bạc tịt hẳn nước, tịt hẳn cây, còn đền Ba Dươi thì như ông thấy đấy.
Lão An nhận lại be rượu, tợp một ngụm, rồi thủ thỉ:
– Đền ba Dươi linh thiêng ở oai phong phúc đức của Ông đã đành, còn linh thiêng ở thế đất nữa. Độc Sơn vút lên giữa cánh đồng mênh mông có thể coi là Tổ Sơn của đất. Từ Tổ Sơn, Long xuôi xuống chân núi tìm chỗ kết, một trong Long đó theo mạch nước chảy xuống phía dưới kia tụ lại làm thành Minh Đường. Minh Đường này quý ở chỗ có nước tụ nuôi dưỡng khí mạch, kín đáo, bốn mùa tứ quý. Và kia nữa, bạnh đất bên trái vươn dài ra ôm lấy huyệt chính là Thanh long, bạnh đất bên phải mọc dài ra ôm vào chầu huyệt chính là Bạch hổ, đất có tả Thanh long hữu Bạch hổ, đất có Quan có Quỷ thế này thì còn gì tốt hơn nữa...
- Ông có vẻ thạo món phong thủy nhỉ?
- Thạo gì, cũng nghe các cụ truyền lại thôi.
Ông Long nhìn lên núi, nhìn ra cánh đồng, xuống chân núi, lẩm bẩm: «Các cụ tinh thật, nhưng đất có thiêng, có quý mấy mà tan hoang thế kia thì cũng bằng không, đúng là phí của giời.»
*
Sau khi khánh thành đình làng, ông Long đi về như con thoi. Những công trình như xây trạm biến thế, cải tạo, nâng cấp đường liên thôn liên xã theo chân ông làm cho làng cho xã lột xác mỗi ngày.
Đùng một cái ông ngỏ ý mua Độc Sơn. Mọi người ngã ngửa, nhất là lão An. Sau lần tránh mưa trên hang Ông Ba mươi lần nào về ông Long cũng lên Độc Sơn thù tạc với lão. Lần uống rượu xuông nói chuyện phong thủy, trời đất, quỷ thần. Lần cùng trèo lên đỉnh đếm làng đếm nhà, gậm nhấm những niềm vui những công trình đang thành hình thành dạng. Lần đưa bạn, đưa con về lượn quanh núi đo đo tính tính... Lần nào hai người cũng hể hả, hào phóng, gan ruột, tri âm tri kỷ như Tử Kỳ Bá Nha... Vậy mà... Làng, xã bảo: «Độc Sơn như túi thịt thừa treo cổ, bán đi vừa gỡ gạc được ít tiền, vừa không mang tiếng vô ơn». Ông Long bảo: «Tôi chỉ muốn Độc Sơn được trở lại xanh tươi như xưa thôi». Lão An nghĩ: «Cứ cho là lòng tốt đi, nhưng gì thì gì cùng từ tham mà ra, cứ chờ xem ông ta làm gì».
Chuyện mua bán khá đơn giản, nhanh chóng, nhận được giấy tờ sở hữu Độc Sơn ông Long liền cho đánh về mấy chục tấn phân NPK, cả chục xe cây sanh, si đã vài ba năm tuổi rồi thuê dân làng đào hố, hạ cây. Những người làm vừa nhận tiền công vừa cười nửa miệng, «Đúng là thừa tiền thả muối xuống sông, trồng loại cây gỗ không thành gỗ củi không thành củi ông ta sẽ thu được cái gì».
Ông Long không thu được cái gì. Cây trên đồi bén rễ thì ông bà đột ngột từ trần. Được báo tin dữ dân làng đau xót, thương tiếc, họ bàn với nhau rồi nhận giúp bảo vệ, chăm sóc rừng cây. Sanh, si là loại cây dễ trồng, sống dai, chống được hạn hán, gió bão, lại được bàn tay con người vun xới nên lớn nhanh như thổi. Cây cối gọi nước, gọi chim, gọi thú khiến cho Độc Sơn lại ngờm ngợm xanh, ríu rít chim, róc rách nước. Có người đã mơ Độc Sơn trở về cái thủa hoang sơ, lão An cũng tự yên lòng, «dầu sao làng xã cũng được nhờ».
Đùng một cái, (lại đùng một cái) đám con cái ông Long trở về, nói là sẽ xây lăng mộ cho bố mẹ trên nền đền Ba Dươi, cải biến Độc Sơn làm khu du lịch sinh thái. Trong họ ngoài làng từ ngỡ ngàng đến bàng hoàng, xa xót, hóa ra mưu mô độc chiếm Độc Sơn của ông Long vì việc này. Hóa ra những công trình kéo về cho làng, cho xã chẳng qua chỉ «của người phúc ta». Hóa ra... Hóa ra...
Cũng như mọi lần nhất cử nhất động của con cháu ông Long hút làng như ong hút mật, chúng vừa dẫn thầy địa lý đến hang Ông Ba mươi dân làng đã vòng trong vòng ngoài nghe thầy nói về Huyệt, về Hổ, Long, Thủy khấu, Sa, Oa, Kiềm, Nhũ...
Trong lúc đám đông đang mắt chữ A mồm chữ O thì lão An thập thễnh đi đến.
Sự xuất hiện đột ngột của lão An làm người họ Nguyễn lúng túng.
Đọc được những nghi ngại của dòng tộc, lão bảo:
- Thưa các ông các bà, tôi đến đây chỉ nói với thầy địa lý mấy câu rồi xin phép.
Ai nấy cố nén tiếng thở dài nhẹ nhõm.
Lão An vỗ vai thầy địa lý:
- Anh nói Đất tốt, Huyệt tốt thế nào tôi không rõ, chỗ này trước đây là đền thờ ông Ba Mươi linh thiêng đến nỗi mây bay qua phải dùng dằng, người đi qua phải dựng tóc gáy, dân làng năm nào cũng thành tâm cúng tế, giờ xây lăng mộ người phàm trên đất của đền có nên không?
Trong khi thầy địa lý ngớ người ra chưa kịp ứng phó thì lão An vỗ vai anh con cả ông Long:
- Dù các anh có quyền có tiền đến mấy thì cũng phải biết lo, biết sợ, xây lăng mộ ở đây là tuyệt diệt đấy.
Những lời lẽ cảnh cáo của lão An làm già trẻ lớn bé giật mình nhìn nhau, họ Nguyễn tức tốc họp ngay tại chỗ, mọi người ra sức can gián, khuyên ngừng việc xây lăng mộ. Đám con ông Long ậm ừ rồi lục tục lên xe.
Chuyện hổ tát mông trâu của lão An tưởng làm nhụt chí mấy đứa con ông Long, nhưng không, qua mùa gặt chúng lại rồng rắn về làng, cùng đi với chúng là ầm ào máy móc, thầy thợ.
Họ Nguyễn lại một phen tụ họp đông đủ tại nhà thờ Họ. Lại họp lại bàn, lại trâu ngã lợn chết.
Lão An thập thễnh vào ngõ. Nhìn thấy lão, bếp trưởng phẩy tay, một đầu bếp xách vội cái túi giấy bóng trong có sẵn con gà luộc, gói xôi, chai rượu nút lá chuối chạy ra đon đả:
- Nóng nực thế này cụ đi làm gì cho tội, con định lát nữa mang sang dâng cụ.
Lão An nhìn đám đông trong sân, nhìn túi đồ ăn, rồi ngửa mặt lên giời cười ba tiếng. Lão cười nhưng nước mắt đỏ như máu lại ràn rụa trên khuôn mặt đã hết thời hạn sử dụng.
Cười xong lão An đỡ túi “lộc” ném bùm xuống cái ao tù rồi thập thễnh quay đầu, ra thẳng núi Độc Sơn, leo lên cửa hang ngồi rũ.
- Ông Long ơi! Ông không biết hay ông «mục hạ vô nhân»? Đền Ba Dươi tuy hoang phế song trong lòng mỗi người Ông Ba Mươi vẫn là phúc thần của làng. Hằng năm Ông vẫn cho nhà nào nhà ấy được, vật kẻ nào kẻ ấy chết. Giá ông đừng để tham sân si lấp mắt thì dân làng sẽ biết ơn ông đời nối đời. Mưu mô của ông bị báo ứng nhỡn tiền mà ông không chịu cảnh báo cho con cháu hay sao?...
Lão An nhìn hun hút về phía làng! Tiếng quát gọi ồn ào, tiếng hát véo von phát ra từ chùm loa phóng thanh đang khoe mẽ cỗ bàn tiệc tùng đang leo tới đỉnh. Lão ngước lên núi! Sanh, si theo hàng theo lối tỏa ra màu xanh sức vóc. Lão cúi xuống! Cả một khu đất rộng dưới chân đã giăng dây cắm cọc chờ động thổ. Lão cố nén mọi sự đau đớn, nhức nhối vào sâu trong gan ruột.
- Ông Long ơi! Giọt trên giọt dưới với nhau tôi hận tôi không nghĩ, không lường đến đường đi nước bước của ông. Từ ngày biết ông mưu mô chiếm Độc Sơn đêm đêm ông Ba mươi chọn đầu giường tôi rên xiết, tổ tiên lấy đầu giường tôi họp chợ. Tôi lo, tôi sợ, tôi thương ông, thương anh em, con cháu họ tộc, Phật dạy nhân duyên sinh thì nhân duyên diệt, cả ngàn ngày qua là cả ngàn ngày tôi lên đây để ngóng chờ mong mỏi ông cùng cháu con tỉnh ngộ ông ơi!
Lão An ngúc ngoắc cái đầu già nua. Tiếng loa dưới sân nhà thờ họ xoi xói vào tai vào óc cho lão biết lấy cái thân còm này cản khí thế của lũ Nguyên Mông kia khác gì lấy lau sậy cản đường voi. Nhưng không cản thì lũ cuốn, nhà đổ, họ mạc cũng chẳng yên thân. Không! Không thể nhắm mắt buông xuôi được, thấy con cháu dắt nhau xuống vực mà chống mắt làm ngơ thì không phải làm người, phải quyết liệt tỏ rõ thái độ với chúng, sau này có sảy ra chuyện gì thì cũng người biết, giời biết người họ Nguyễn không mù.
Lão An đứng dậy thập thễnh đi một vòng quanh núi rồi quay trở lại chỗ lão đã ngồi mấy chục năm qua. Lão ngước lên vái trời xanh, quay hướng Tây cúi lậy Tổ, quay hướng nhà thờ Họ cạp đất rồi nhắm mắt thả mình xuống vách đá.
Khi con cháu họ Nguyễn rầm rập hành quân lên núi thì có người hớt hải chạy về báo tin lão An tan xác trên núi. Họ Nguyễn vón lại kế sách. Con cháu ông Long đưa ra phương án việc làm ma cứ làm ma, việc thi công cứ thi công. Mấy chục ánh mắt nhìn nhau, nhắc nhau, cuối cùng thuận theo chiều có tiền có thế.
Đám ma lão An được tổ chức hoành tráng. Trong lúc người đưa lão An ra đồng trở về đang tỏ lòng thương tiếc bên những mâm cỗ tú ụ như cỗ cưới thì trên «công trường» xảy ra sự cố, một công nhân bị gầu máy xúc va vào đầu, anh con cả ông Long bị tai biến mạch máu não, cả hai phải đưa thẳng về Hà Nội. Sự biến quá đột ngột, lại đúng vào thời điểm nhạy cảm làm cho cả họ, cả làng bàng hoàng, các nhà vội dựng lại bàn thờ vọng ông Ba mươi, mộ lão An trở thành một núi chân nhang...
*
Từ ngày sự cố chết người sảy ra trên đền Ba Dươi đám con cháu ông Long bỏ của chạy lấy người, «công trường» nhanh chóng bị cỏ lấp. Được dao chê, búa khinh, bão tránh những cây sanh cây si nhanh chóng biến Độc Sơn thành rừng, thành lãnh địa của đủ loại rắn rết. Tai họa từ chúng cùng thiêng cũ thiêng mới khiến dân làng lo sợ, họ bàn nhau dựng lại đền Ba Dươi. Một đoàn gồm năm bô lão được cử ra Hà Nội thương thuyết xin đất, anh con thứ nhà ông Long ngồi xe lăn ra tiếp, khi rõ ý định của đoàn, anh ta bảo: «Không được đâu, nếu đền thiêng thế thì để chúng cháu làm. Ngoài dựng lại đền ra chúng cháu còn phải làm cả nhà nghỉ, bãi để xe, đường đi bộ lên núi để hút khách hành hương». Năm bô lão nhìn nhau lắc đầu, bệnh nặng thế này thì thuốc nào chữa nổi.
VN11/2016