Sáng tác

Khoảnh khắc thánh minh. Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh

Lê Ngọc Minh
Truyện
10:25 | 05/12/2024
Baovannghe.vn - Nhà Hậu Lê trước khi hoàng đế Thánh Tông chấp chính ngôi báu chỉ có mỗi đức Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi được hưởng trọn tuổi trời, còn như đức Thái Tông Văn hoàng đế cha ngài, đức Nhân Tông Tuyên hoàng đế, anh ruột ngài, và Lệ Đức hầu Nghi Dân, kẻ cướp ngôi vua trong tám tháng, cũng là máu mủ huynh đệ với ngài đều chết thảm khi đang tuổi trên dưới hai mươi.
aa

1.Tháng bảy, ngày hai mươi, năm Quang Thuận thứ 5 (1464) là một ngày bận rộn của hoàng đế Lê Thánh Tông. Buổi sáng, ngài chỉ dành chừng hơn một thời khắc cho bách quan và vương gia đến mừng tiết Sùng thiên thánh (sinh nhật) của mình. Sau đó, ngài đến cung thái hậu tạ ân dưỡng dục và vấn an mẫu thân. Buổi chầu sáng vì thế khai trào chậm hơn thường lệ. Kết thúc công việc triều đường, ngài chỉ dụ cho viên hầu cận mang các bản tấu còn đọng về tẩm cung cho ngài. Bữa trưa, bữa tối ngự thiện xong là ngài ngồi ngay vào án thư tiếp tục công việc. Đến cuối giờ Tuất, trước án chỉ còn lại một bản tấu dầy khác thường. Hoàng đế mở xem. Ngài bị cuốn hút, bởi đó là hồ sơ con trai của một kẻ bị trọng tội tru di ba họ đã trốn thoát đại hình, đổi tên thay họ lọt vào kỳ thi vừa qua và đỗ hương cống. Các chứng cứ trong bản tấu đều có nhận thực và áp triện của chức sắc, từ lý trưởng đến huyện quan, trấn quan. Và người trực tiếp đệ trình lên ngài là mệnh quan chưởng Hình bộ (thượng thư bộ Hình). Đọc một mạch hết hồ sơ bản tấu, hoàng đế chống tay nặng nề đứng dậy, ngài làm vài động tác vươn vai. Viên hầu cận chỉ chờ dịp đó bổ đến quì dâng lên ngài bản danh sách các phi tần để ngài ân chọn ban mưa móc trong đêm. Hoàng đế lướt qua bản tấu, ngài trả lạnh lùng nói: “Đi vời quan chưởng Hình bộ cho ta!”. Thấy viên hầu cận ngơ ngác, ngài giục: “Ngươi có nghe rõ ta cần vời quan chưởng Hình bộ không?”. Viên hầu cận rập đầu lia lịa vội thưa: “Bẩm lạy hoàng thượng vạn tuế, tiểu thần kính lĩnh thánh chỉ!”. Bẩm xong, viên hầu cận bò lùi rồi nhanh chóng đứng dậy đi như lủi ra ngoài.

2. Nhà Hậu Lê trước khi hoàng đế Thánh Tông chấp chính ngôi báu chỉ có mỗi đức Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi được hưởng trọn tuổi trời, còn như đức Thái Tông Văn hoàng đế cha ngài, đức Nhân Tông Tuyên hoàng đế, anh ruột ngài, và Lệ Đức hầu Nghi Dân, kẻ cướp ngôi vua trong tám tháng, cũng là máu mủ huynh đệ với ngài đều chết thảm khi đang tuổi trên dưới hai mươi. Sau mỗi cái chết trái với lẽ tự nhiên đó kéo theo bao nhiêu khốc hại khác với những án tru di ba họ, với những cuộc hành quyết cả chục, cả trăm người, hệ lụy dây dưa, máu gọi máu, thù đòi thù chồng chất, càng gỡ càng rối, càng dầy ứ lên? Từng là một trẻ mồ côi (ngài sinh được mười bốn ngày thì phụ hoàng Thái Tông chết bất đắc ở vườn vải huyện Gia Định, xứ Kinh Bắc) nên ngài thấu hiểu những thua thiệt của kẻ mất cha mất mẹ. May thay ngài được thái hậu Tuyên Từ yêu thương như con đẻ, được đức Tuyên hoàng đế Nhân Tông phong làm Bình Nguyên vương và thân như ruột thịt thủ túc. Nhân Tông Tuyên hoàng đế là một vị vua giỏi. Tuy lên ngôi lúc mới hai tuổi phải có Tuyên Từ thái hậu ngồi sau rèm nhiếp chính việc nước nhưng năm Bính Dần, niên hiệu Thái Hòa thứ 4 (1446) Nhân Tông đã cử đô đốc Lê Thụ và các tướng đánh đuổi quân Chiêm Thành gây hấn đến tận kinh đô Chà Bàn, bắt sống chúa Chiêm Bí Cai; năm Diên Ninh thứ nhất (1453), khi mới mười hai tuổi, vua đã thân coi chính sự và việc đầu tiên là đại xá cho hầu hết các đại thần bị giết, cấp cho mỗi người một trăm mẫu ruộng làm đất hương hỏa cúng tế; ngài truyền chỉ dụ cho quan coi việc hình phải tra xét minh bạch, tỏ rõ oan uổng thực tình, không được nhận lời gửi gắm và tham lấy của đút để làm trầm trệ oan khiên; quan coi việc học phải kính giữ học quy, dạy bảo học trò thành tài, không được lơi bỏ nghiệp học... Mỗi lần được gần Nhân Tông Tuyên hoàng đế, Bình Nguyên vương đều thấy vua anh khi trông coi triều chính thì tác phong đường hoàng anh tuấn, khi tan chầu thì đến ngay thư viện đọc sách, mặt trời xế tây mới hồi cung, đối với thái hậu thì dốc lòng hiếu đễ, đối với anh em trong vương gia thì một mực yêu thương, ngài luôn xa lánh nữ sắc, chối từ săn bắn, chuộng nghề nông tang…Thế nhưng giặc trong nhà là Nghi Dân đã kết bè đảng với bọn Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng dùng hơn một trăm tên vô lại đang đêm bắc thang vào cung cấm giết vua và thái hậu, cướp ngôi và tàn sát đại thần gây nên cuộc chính biến cung đình kinh hoàng ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (1459) khiến trăm quan “phải nuốt hận ngậm đau”, bách tính muôn dân “như mất cha mất mẹ”. Thánh Tông hoàng đế đã bao lần tự hỏi, những khốc hại đó bắt nguồn từ đâu? Và cớ sao chúng cứ dồn dập đến trong khoảng chưa đầy vài ba chục năm? Kinh hãi hơn thế là các cuộc hành quyết đều diễn biến mau lẹ như cách nói của dân gian “chết không kịp ngáp”. Ngài chắc chắn rằng, nhiều nạn nhân trước lúc chết không hề hoặc không kịp biết, mình chết vì tội gì. Rồi ngài tự khẳng định nguyên do, đó là những âm mưu và thù hận, là lòng tham vô độ và hắc ám; đó còn là triều đình chưa có luật pháp thật đầy đủ rõ ràng.

Hoàng đế Lê Thánh Tông là con thứ tư của đức Thái Tông do tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao sinh ra. Dù được vua anh Nhân Tông phong vương khi mới lên ba nhưng phần lớn tuổi thơ ngài ở quê với ông ngoại Ngô Từ, một người đã từng làm quan tới chức thái bảo thời Thái Tổ, Thái Tông. Ông ngoại ngài đã hưu về sống tại quê nhà, làng Động Bàng, huyện An Định, phủ Thanh Hoa. Tắm mình trên dòng sông Nhà Lê, hai bên bờ mầu mỡ bãi ngô xanh mơn mởn và chẳng mấy khi vắng bóng mục đồng chăn trâu, thả diều, đốt phân bò khô với rều rác khô ven sông để nướng khoai, sưởi ấm… nên Bình Nguyên vương Tư Thành học được ở đời sự dân dã phóng khoáng. Lên sáu bảy tuổi vương đã biết uống chè tươi và khi vắng ông ngoại dám cả gan thử một hơi thuốc lào, vài lần thử rồi thành quen, rồi thích câu nói của cụ già láng giềng bạn nối khố của ông ngoại: “Cái rổ gác bồ hóng là cái rổ không mối mọt, cái phổi con người ta được hun khói thuốc lào là cái phổi bền chắc”. Càng lớn lên vương càng phát tiết anh vĩ. Quan thái phó, thày học của ngài đã kín đáo dặn rằng, ngài có chân mệnh đế vương, phải một mực chuyên tâm với kinh sách thánh hiền, tránh xa những tụ bạ của đám tiểu nhân, với lối ăn nói nôm na mách qué quê quệch. Mẫu thân ngài cũng thường dặn con trai, cái làm nên bậc quân tử là phong độ chững chạc, uy vũ chính danh, dẫu ở nơi kín đáo nhất cũng không có điều gì phải thẹn với trời cao đất dầy. Là người chí hiếu, vương một mực vâng lời để thái phó sư phụ và từ mẫu yên lòng nhưng trong thâm tâm ngài vẫn cho là có điều chưa thỏa.

Hoàng đế chợt nhớ lạị, hồi Tết Giáp Thân, Quang Thuận thứ 5 vừa rồi, ngài làm cuộc giả trang vi hành xem thần dân chốn kinh kỳ đón xuân, ăn Tết thế nào. Tại phố Hàng Thùng, ngài gặp một nhà dân không hề có kết đèn hoa, không treo câu đối Tết, ngài hỏi thì chủ nhà lúng túng và có vẻ thẹn thưa lên: “Bẩm quí nhân! Nhà cháu làm cái nghề bần tiện lắm, dạ, là…là nghề đổ thùng, mót phân trong kinh thành ạ… nên…nên thật lòng nhà cháu không dám chường cái nghề ấy ra trong lúc Tết nhất”. Hoàng đế vui vẻ chúc Tết và nói với gia chủ: “Ấy! Nghề của bác là cái nghề nhuận thấm và tốt tươi nhất đấy. Sắp giao thừa, tôi biếu bác đôi câu đối này để treo Tết”. Nói rồi ngài bảo kẻ theo hầu lấy ra giấy điều bút lông, ngài viết một mạch xong luôn hai vế đối: “Khoác một áo bào, đảm đang khó khăn thiên hạ/ Cầm ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian”. Ông chủ mót phân được quí nhân tặng câu đối xuân thì mừng lắm, ông chăng đèn treo ngay trước cửa. Sáng mồng một, hoàng đế đến cung thái hậu chúc Tết, ngài thấy thái hậu vui vẻ khác thường. Khi hồi cung, tâm phúc bẩm cho ngài biết, trong đêm giao thừa thái hậu cũng giả trang vi hành. Khi tận mắt đọc câu đối đó thái hậu đã thốt lên với thị tì: “Con ta thật phóng khoáng trải đời và có khẩu khí trượng phu!”…

Đang miên man nghĩ ngợi, chợt ngài lại nhìn vào bản tấu dầy trước án. Nó như nhắc ngài việc kiện tụng đang khiến ngài bận lòng. Luật lệ bao đời nay, tội nặng nhất đối với thần dân là tội khi quân. Kẻ phạm phải bị tội chết, nếu triều đình có ân sủng thì cũng chỉ ân sủng cho cách thức được chết mà thôi. Cứ theo hồ sơ bản tấu, kẻ phạm mắc đến hai lần đại tội khi quân. Kẻ đó lại còn là con đẻ của kẻ can phạm chính trong vụ đại án Lệ Chi Viên, quan hành khiển Nguyễn Trãi.

Gặp lại cái tên Nguyễn Trãi, hoàng đế Thánh Tông không khỏi lạnh người. Ngày Bình Nguyên vương được bắt đầu học chữ thánh hiền và theo vua anh đi kinh lý, theo mẫu thân về quê ở chơi dài ngày với ông ngoại Ngô Từ, vương hiểu ra, có một nửa triều đình hả hê thì cũng có một nửa triều đình và đặc biệt là bách tính trong Đại Việt âm thầm khóc khúc đau đoạn trường. Vương thuộc nửa thứ hai. Là người tay không mấy khi rời sách, là một tâm hồn thao thiết với thi ca, vương đau cho Nguyễn Trãi mười phần thì đau cho văn chương của Nguyễn bị đốt hủy chẳng kém mười phần. Ôi Nguyễn Trãi! Sự khốc hại xảy ra với người khi người đang được đức Thái Tông dùng lại, khi người đang phấn khích tự ví mình như cây bách cây tùng sương gió đã quen, khi người đang say cái thú ngày nắng chăm hoa bợ cây và dốc lòng trồng cây đức để cho con…Thánh Tông hoàng đế nhớ đến bài Tùng của Nguyễn Trãi. Đọc những câu: Thu đến cây nào chẳng lạ lùng/ Một mình lạt thuở ba đông/ Lâm tuyền ai rặng già làm khách/ Tài đống lương cao ắt cả dùng…mới thấy Nguyễn Trãi có vóc vạc lương đống làm sao, mới thấy bản lĩnh kẻ sĩ của Nguyễn Trãi trước sự hưng phế của quốc gia làm sao!

Nhớ Nguyễn Trãi, hoàng thượng lại bồi hồi nhớ ngày nhỏ theo ông ngoại đi hái sen ở quê. Ngồi trên thuyền nhỏ trong ao chùa nhìn xuống đáy nước sâu trong văn vắt, thấy các chấm sáng nhú lên, vương hỏi ông ngoại, ngoại bảo, đó là chồi sen. Vương hỏi tiếp, làm sao những chấm sáng li ti đó có thể đội chừng ấy thước nước để ngoi lên. Ngoại rủ rỉ bảo vương, đất sen thì dù gì sen vẫn mọc. Câu nói của ngoại giản dị nhưng triết nghĩa sâu thẳm biết bao! Đất sen, thì dù gì sen vẫn mọc!…

Quan chưởng Hình bộ Lê Cảnh đến làm ngắt mạch nghĩ của nhà vua. Viên mệnh quan rập gối quì tâu sự hiện diện và chờ thánh chỉ. Hoàng thượng Thánh Tông vội đỡ Lê Cảnh dậy và ân ban cho được ngồi như khách. Lê Cảnh làm quan bộ Hình từ thời Thái Tông trải qua thời Nhân Tông được bổ làm chưởng Hình bộ. Cảnh cũng có tám tháng thuộc quyền của kẻ cướp ngôi Nghi Dân. Thánh Tông dùng Cảnh không phải là ông ta hết mực xả thân trung thành hoặc phò lập ngài như các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt… mà dùng ở sự mẫn cán của một viên thuộc lại hết lòng công bộc, không nịnh bợ, không bè phái. Gần năm năm ngài chấp chính, Lê Cảnh chưa một lần vắng chầu, lần nào cũng có tấu chương trình lên, gặp cuộc tranh luận gay go thì có chính kiến. Năm Quang Thuận thứ nhất (1460), Lê Cảnh có chân trong sứ bộ sang Yên Kinh báo tin kẻ cướp ngôi Nghi Dân đã bị phế, và Bình Nguyên vương đã được các trọng thần Đại Việt tôn lên ngôi vua nối dòng đại thống nhà Lê. Viên thượng thư bộ Lễ nhà Minh cao giọng phê phán, xứ An Nam do chủ Lê Lợi xuất thân thảo dã, không theo vương hóa nên chỉ trong mười bảy năm ba vua bị giết. Nghe thế, Lê Cảnh đã hiên ngang nói: “Đại họa giết vua từ cổ chí kim, không nước nào là không có. Riêng Nghi Dân thì không phải là vua. Còn như việc xuất thân áo vải nơi thảo dã thì vua hiền nhất của thượng quốc là Nghiêu và Thuấn cũng chuyên lo việc cày bừa ở đất Sằn để có miếng ăn, vua hùng lược bậc nhất nhà Hán là Cao Tổ Lưu Bang cũng là một người áo vải đi phu ở đất Bái và ngay như Thái tổ đương triều của quí quốc…”. Viên đại thần bộ Lễ gầm lên: “Câm mồm!”. Y gầm thét bất nhã với sứ giả vì y sợ, nếu cứ để cho nói thì viên sứ thần An Nam này có thể nhắc chuyện Thái tổ Chu Nguyên Chương của y cũng xuất thân từ một kẻ đi ở chăn dê, lúc nhỏ thậm chí còn không có cả tên gọi. Lê Cảnh điềm tĩnh với cười nụ cười bang giao nói: “Ngài vừa dẫn ra việc vương hóa, phải chăng vương hóa của thượng quốc mới được bổ nhuận thêm điều luật, mệnh quan bộ Lễ được quyền mắng mỏ phủ đầu đối với sứ giả lân bang?”. Viên đại thần bị tẽn phải chắp tay tạ lỗi và kính trọng Lê Cảnh cùng sứ đoàn Đại Việt như quốc khách. Việc này đến tai hoàng thượng Thánh Tông nhưng không phải do Lê Cảnh tấu trình sau sứ mệnh mà do một viên lại của sứ đoàn mật tâu cho ngài biết.

Khoảnh khắc thánh minh. Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh
Ảnh minh họa. Freepik.

Chờ cho viên hầu cận pha trà và lui ra, hoàng thượng Thánh Tông cầm bản tấu lên hỏi quan chưởng Hình bộ: “Nhà ngươi đã thẩm xét án này kỹ lưỡng chưa?”. Lê Cảnh định làm động tác quì lạy, khấu đầu thì hoàng thượng ngăn lại: “Ta đã miễn lễ rồi. Ngươi không cần câu nệ. Ta đang muốn nghe ngươi!”. Lê Cảnh: “Tâu hoàng thượng vạn tuế! Thần đã đọc kỹ văn án và còn bí mật về tận phủ Thanh Oai kiểm xét. Đương sự là hương cống Phạm Anh Vũ, con trai Phạm thị, một người thiếp của tử tù Nguyễn Trãi. Sau đại án Lệ Chi Viên, Phạm thị đang mang thai đã trốn đến tận xứ Bồn Man. Vũ sinh ở đó và lấy họ của Phạm thị…”. Hoàng đế ngắt lời Lê Cảnh: “Những điều ngươi tâu, trong án văn đã có cả rồi, ta muốn biết ý ngươi sẽ xử trí ra sao?”. Lê Cảnh đáp luôn: “Tâu đức chí tôn vạn tuế, thần sợ hãi cúi đầu mà tâu rằng, cứ phải dùng phép công thôi ạ!” Hoàng đế: “Nghĩa là xử theo tội khi quân?”. Lê Cảnh: “ Bẩm vâng!”. Hoàng đế: “ Trong bản tấu, nhà ngươi đề xuất đến hai lần phạm tội khi quân?”. Lê Cảnh: “Bẩm, vâng. Kính lạy đức chí tôn vạn tuế, pháp luật của triều đình làm ra là để cho tất cả, kẻ nào mắc tội đều trừng trị không tha. Thế nước có mạnh, móng nền xã tắc có vững chính là nhờ ở sự nghiêm định của phép công.”. Hoàng đế hỏi tiếp: “Kể cả ta và nhà người?”. Lê Cảnh khảng khái đáp: “Bẩm, vâng!”. Hoàng đế đứng lên. Ngài đi lại mấy bước và có một lần ngoái nhìn Lê Cảnh. Ngài nhận thấy, viên quan này không hề thay đổi thần sắc chứng tỏ y không sợ uy quyền thiên tử của ngài. Khi ngồi xuống ghế, ngài không nhìn viên chưởng bộ Hình mà hỏi: “Hai án tội khi quân, liệu có đủ nhân mạng để xử kép tru di tam tộc không?”. Viên chưởng đáp: “Tâu hoàng thượng vạn tuế, vì phép công đã định ra thế rồi ạ!”. Hoàng đế chiêu một ngụm trà, ngài đưa bàn tay lên vòm nhân trung đẩy sống mũi và bóp vào hai bên má. Mắt ngài nhìn vào bản tấu hai lần phạm tội khi quân của Phạm Anh Vũ rồi ngài bỗng quay phắt lại phía Lê Cảnh, ngài gọi bằng chức danh mệnh quan của ông ta: “Quan chưởng Hình bộ này.”. Lê Cảnh vội quì xuống nhanh đến mức Thánh Tông hoàng đế không kịp ngăn nhưng lời lẽ của ông ta vẫn đĩnh đạc: “Tạ ân hoàng thượng vạn tuế, thần xin lĩnh thánh chỉ.” . Thánh Tông: “ Miễn lễ, khanh ngồi đi!”. Rồi bằng một giọng ưu tư, hoàng đế nói: “Ta hiểu khanh có tấm lòng công bộc đáng trọng, đúng là pháp luật không kiêng nể bất kỳ ai, vương pháp vô thân. Nhưng có điều này khanh hãy nghĩ cùng ta. Đức Thái Tổ khi bình định xong giặc Ngô, ngài đã có ý chăm lo ngay việc xây dựng một triều chính điển nhã văn hiến, một nền pháp luật nghiêm minh. Tiếc thay vì chải gió gội mưa, nằm gai nếm mật, nhẩm nhiễm lam chướng mười năm bình Ngô nên ngài chỉ ở ngôi báu được có năm năm. Trước khi mất không lâu ngài vẫn đau đáu lo toan: “Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an”*. Lỗi lạc như Thái Tổ mà có lúc ngài đã phải thốt lên: “Đạo làm vua, khó thay!”. Cha ta, anh ta cũng là những bậc vua anh kiệt phi thường, nhưng các ngài lên ngôi từ tuổi ấu thơ, phải xử lý bao nhiêu vụ án thảm khốc, phải ngự giá thân chinh hết đánh giặc Chiêm Thành lấn chiếm ở biên viễn phía Nam đến bình định lũ giặc cỏ nổi loạn nơi rừng rú, phải canh cánh nỗi lo đấu tranh hòa hiếu để giữ vững cương thổ phía Bắc và sắp xếp nội vụ đang chắp vá và ngổn ngang của buổi đầu lập quốc. Vì thế, các tiên đế đã không kịp minh định được một bộ Quốc luật đầy đủ lấy sự nghiêm minh làm điều thượng tôn cốt tử. Do vậy, đời sau thường phải chữa lỗi, sửa sai cho đời trước. Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), thái úy hữu tướng quốc Trần Nguyên Hãn bị chết thì đến năm 1455 được đức Nhân Tông minh oan. Năm Thiệu Bình thứ 4 (1437) đại tư đồ Lê Sát bị buộc tự tử thì mười sáu năm sau được xóa án và truy thăng một cấp công thần, ban một trăm mẫu ruộng làm đất hương hỏa cúng tế... Thật khó kể hết cho khanh nghe lúc này, khanh có nghĩ đến điều đó chưa?”. Lê Cảnh: “Tâu hoàng thượng vạn tuế! Thần quả là chưa dám nghĩ.”. Hoàng đế: “Vậy lúc này khanh đang nghĩ gì?”. Lê Cảnh: “Bẩm lạy hoàng thượng vạn tuế! Thần xin cúi đầu sợ hãi mà thưa rằng, dù đức chí tôn có lượng cả như trời biển, ánh mắt thiên lý nhỡn của ngài có thể nhìn thấu mọi nỗi oan khuất nhưng riêng đại án Lệ Chi Viên, quan hành khiển Nguyễn Trãi can tội giết vua và việc Phạm Anh Vũ mạo tên đổi họ liều thân phạm vào chốn trường quy nơi rèn đúc nguyên khí quốc gia thì không có điều hình luật nào có thể ân xá được?”. Hoàng đế: “Vì sao?”. Lê Cảnh: “Bẩm lạy hoàng thượng vạn tuế, dạ bẩm, nếu ân xá thì hóa ra triều đình đã nghị luận oan sai cho Nguyễn Trãi ư? Sử sách sẽ bám vào điều nghi ngờ này mà truyền lại cho hậu thế, trăm năm, ngàn năm sau, triều Lê ta mãi mãi mang tiếng giết nhầm khai quốc công thần, giết đến ba đời một văn nhân viết thư thảo hịch hay nhất một thời, một người được Thái Tổ ủy cho trọng nhiệm nhân danh ngài thảo ra Cáo bình Ngô thiên cổ hùng văn.”. Hoàng đế: “Vậy cứ như khanh, im lặng cho vụ Lệ Chi Viên rơi vào quên lãng?”. Lê Cảnh: “Bẩm, không đâu ạ. Trị tội Phạm Anh Vũ là để thiên hạ thấy rằng, lưới trời lồng lộng. Dù mẹ con y có trốn thoát đại hình Lệ Chi Viên thì cũng không ra khỏi được thiên la địa võng. Vũ bị nghiêm trị, không những đức sáng của các tiên đế càng thêm chói lòa mà pháp luật của bệ hạ cũng được thi hành nghiêm minh căn cốt!” Hoàng đế nhìn vào mắt viên chưởng Hình bộ. Lần này, sau phút cao hứng tâu bày, nét mặt Lê Cảnh có phần ưu tư. Hoàng đế chợt hỏi Lê Cảnh: “Tất cả những điều khanh vừa tâu là từ lay thức tâm khảm hay chỉ từ hữu trách công bộc?” Lê Cảnh hơi lúng túng nói: “Bẩm…, lạy hoàng thượng vạn tuế. Thần… ần…nghĩ, vì uy vũ của triều đình, vì anh linh các tiên đế, vì kỷ cương phép nước…”. Lê Cảnh dừng và mất hẳn vẻ tự nhiên nhi nhiên vốn có. Hoàng đế nhận ra điều đó, ngài thấy cần phải đọc thẳng ra vị của viên mệnh quan bộ Hình: “Ta xem ra, khanh đang có điều nghĩ khác với lời nói, khanh giữ việc then máy triều chính, công trạng đáng nên ghi, can ngăn dám nói thẳng, chỉ bày ra nhiều cái lầm của trẫm, tuy cái được cái hỏng nhưng mọi lời nói của khanh đều nhuận nhã điều trung quân ái quốc. Từ nay về sau trẫm muốn khanh cần xét kỹ những việc oan uổng, dẹp bớt những kẻ gian ngoan, bàn luận việc triều đình cho tỏ rõ đen trắng, lấy nghĩa mà so sánh, chớ coi như trò đùa. Trẫm dùng khanh làm chức to, ký thác việc nặng, khanh phải mẫn trí cân đong!”

Quan chưởng Hình bộ xúc động, ông ta lại làm kiểu rập đầu tạ ân sủng lời vàng đá của hoàng đế. Hoàng đế kịp ngăn bằng câu miễn lễ, bình thân. Quan chưởng Hình bộ nghẹn ngào tâu: “Bẩm lạy đấng chí tôn vạn tuế, thần không phải không thấy nỗi oan khiên của cố quan hành khiển Nguyễn Trãi. Thần cũng không phải là kẻ vô tâm không đặng chia sẻ với hoàn cảnh của hương cống Phạm Anh Vũ. Để thể hiện chí nam nhi hành đạo và không để đứt tuyệt dòng giống tổ tiên, Anh Vũ đã chọn con đường đúng. Bẩm, Anh Vũ thật hồng phúc khi gặp được thời có chúa thánh minh. Bẩm, thần xin dốc lòng để ơn trạch như Thái Sơn, như Đông Hải của bệ hạ nhuận thấm đến tiền đồ của hương cống Phạm Anh Vũ!”. Hoàng đế: “Từ nay, khanh hãy gọi hương cống đó là Nguyễn Anh Vũ.”. Quan chưởng Hình bộ: “Bẩm lạy đấng chí tôn vạn tuế. Bệ hạ đã mở lượng hải hà minh oan cho quan hành khiển rồi ạ?”. Hoàng đế Thánh Tông không đáp vội, ngài đi đến án thư, lấy ra một tập giấy ố vàng, tờ quăn, tờ rách đưa cho viên chưởng Hình bộ. Thoạt nhìn Lê Cảnh run run thốt lên: “Ôi! Bẩm! Thơ của cố quan hành khiển ạ?”. Hoàng đế gật đầu, nói: “Khanh hãy gọi theo biểu tự của người là Ức Trai đi!”. Quan chưởng Hình bộ: “Bẩm, thần vô cùng ngạc nhiên, cứ tưởng các trứ tác này bị đốt bỏ hoặc thất lạc hết cả rồi!”. Hoàng đế: “Mất nhiều lắm nhưng không thể mất hết được, đất có sen, sen lại mọc, bởi đây là những ngọn vạn niên đăng. Ức Trai là ngọn đèn sáng vạn năm! Ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo**.” Quan chưởng Hình bộ muốn tâu bày câu cảm tạ nhưng hoàng đế cho ông ta lui về nghỉ ngơi để mai có sức cho buổi chầu sáng.

Quan chưởng Hình bộ lui rồi hoàng đế Thánh Tông cầm bút ghi vào bảng công việc buổi khai trào sáng hôm sau:

Ban chiếu tu soạn Quốc triều hình luật.

Xuống chiếu cho hương cống Phạm Anh Vũ lấy lại họ Nguyễn và bổ chức tri huyện, cấp một trăm mẫu ruộng làm đất cúng tế cho Ức Trai.

Ban chiếu sưu tầm văn thơ Ức Trai.

Viết xong ba việc đó, dù chỉ ngồi có một mình, dù là hoàng thượng của muôn dân nhưng ngài vẫn có động thái của một kẻ biết sợ mẫu thân và quan thái phó thời còn là Bình Nguyên vương. Ngài ngó quanh rồi kín đáo lấy ra cái điếu, ngài ngắm nó, ngài tự nạp thuốc và châm lửa làm một khói đã đời. Trong phiêu du với làn khói thuốc lào mỏng mảnh, ngài tủm tỉm cười vì một tứ thơ về cái điếu đã vụt hiện. Ngài đi nhanh lại án thư. Các câu chữ tuôn trào như mạch nước chảy dưới bút hoa của ngài: Đã nên danh giá nhất trên đời/ Kẻ kính người nưng khắp mọi nơi/ Đầu mũ lưng đai ngồi chểnh chện/ Lòng sông dạ bể xiết xa khơi/ Tiếng kêu réo sấm lừng vang đất/ Hơi thở tuôn mây rẽ ngất trời/ Một trận ra uy trong nước lộn/ ẢI nam khói tạt bắc chìm hơi.

Hoàng đế đặt bút. Ngài lâng lâng và minh mẫn lạ thường. Đó là khoảnh khắc đắc ý nhất trong năm năm đầu của sự nghiệp lẫy lừng ba mươi tám năm ngài ở ngôi cửu trùng. Khoảnh khắc thánh minh!

3. Giống như tấm lòng của các từ mẫu trong thiên hạ, dù hoàng đế Thánh Tông đã vững vàng ở ngôi chí tôn nhưng Quang Thục hoàng thái hậu vẫn canh cánh muốn được lo chăm bẵm bọc lót cho con trai từng ngày. Đêm nay là đêm sinh nhật Thánh Tông, thái hậu bồn chồn không ngủ được và cuối canh ba, thái hậu đã vào cung thăm con trai. Lúc đó Thánh Tông đang giấc say bên án thư kiểu ngủ gục. Thái hậu ngắm con trai đến không biết no mắt. Hoàng thượng ngủ vùi giống như ngày nào phải thức đêm dùi mài kinh sử. Vậy là con trai thái hậu đã sang tuổi hai ba, mặt rồng đã không còn lớt phớt lông tơ nhưng thay vào đó là hàm râu đen nhánh, là búi tóc đầy bó gọn sợi nào cũng chắc khỏe, thái hậu càng ngắm, càng an lòng. Thái hậu chợt thấy bài thơ Cái điếu liền nhón tay cầm lên đọc. Thái hậu sung sướng mỉm cười vì vị hoàng đế đế trẻ làm thơ về cái điếu chữ nghĩa tuy có chỗ vui tếu táo nhưng không che lấp được khẩu khí của một chân mệnh đế vương: Một trận ra uy trong nước lộn/ Ải nam khói tạt bắc chìm hơi.

Trống trong thành đã điểm canh tư. Thái hậu lẳng lặng lui. Đức mẫu nghi thiên hạ hiểu rằng, chỉ còn một canh nữa, hoàng đế lại bắt đầu một buổi khai chầu mới giải quyết trăm công, nghìn việc đại sự quốc gia. Thái hậu muốn con trai đang tuổi ăn tuổi ngủ của mình không bị làm động giấc say lúc đêm về sáng./.

VN23/2016

* Thơ Lê Lợi (tạm dịch ý): Bảo vệ biên cương lo kế giữ/ Sắp xếp giang sơn đặt mẹo hay

** Thơ Lê Thánh Tông: Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê

Bài thơ "X - men lính đảo " của Nguyễn Thị Mai

Bài thơ "X - men lính đảo " của Nguyễn Thị Mai

Baovannghe.vn - Giữa bạt ngàn thơ ca viết về biển đảo và hình tượng người lính hôm nay, thi phẩm của nhà thơ Nguyễn Thị Mai vẫn có chỗ đứng riêng bởi dư vị khác thường...
Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2024

Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2024

Baovannghe.vn - Sáng 12/12, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác văn học năm 2024, thông qua phương hướng hoạt động của năm 2025. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội.
Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Baovannghe.vn- Con ngồi thiền/ Để về lại thiên thu
Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Em ru ca/ Em ru nỗi người
Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Baovannghe.vn - Tháng 2/2025 dự kiến sẽ diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội để sửa luật, phục vụ triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy