Hắn ngủ một đêm ở bản Mưa, nghe sông Đà vật vã như một gã trai thất tình. Mưa ở đây cũng lạ lắm, cứ đúng nửa đêm về gõ mái nhà sàn, kể cho kẻ không ngủ bao chuyện vui, buồn của vùng đất cổ Bắc Đà này. Hắn nghe ông bạn nhà thơ người Thái Tòng Cao Sơn kể mà tò mò, phải tìm về dự lễ cúng Thạch Cẩu quay đầu. Bữa ấy, cũng trên ngôi nhà sàn này, sau khi uống cạn vò rượu cần, chén bay con cá Dầm xanh bọc trong lá đu đủ non nướng thơm nức mũi, ông bạn nhà thơ kia mới thì thầm:
- Nghe các cụ kể lại, thời Cao Biền còn ở Giao Chỉ xưa đi qua vùng này, phát hiện long mạch cuồn cuộn khí thiêng, đã sai người tạc tượng Thạch Cẩu chôn xuống trấn yểm để diệt người tài nước Nam ta. Làm sao mà diệt được? Nhưng chó đá vẫn tác oai, tác quái. Trẻ con mất tích. Nhiều cô gái xinh đẹp bỗng nhiên có bầu, đẻ ra cục thịt có hình dáng chó con. Rồi dịch bệnh mất mùa. Thế là bốn bản quanh đây đành làm lễ cúng Thạch Cẩu vào ngày 15 tháng 7 (âm lịch). Kể từ đó mới yên được...
- Lễ cúng ra đời từ bao giờ hả bác? Em nghe mà tò mò quá!
- Dễ cũng phải 700-800 năm rồi. Phải lục gia phả ra tra cứu mới chính xác được.
- Sao không đào nó lên, ném xuống sông cho yên?
- Không đào được, thử rồi. Cao Biền phù phép. Hắn là phù thủy cao tay. Đào mãi cũng chỉ gãy cuốc xẻng. Rồi người đào hộc máu chết tươi.
- Kinh quá. Vậy lễ cúng diễn ra như thế nào?
- Chú cứ chờ, nửa đêm nay khác biết.
Sương trắng ở đâu ùn ùn tuôn trào, giăng mờ cảnh vật. Vài chục bó đuốc lớn được thắp lên cũng chỉ giúp hắn nhìn thấy mặt người mờ tỏ. Toàn đàn ông lực lưỡng tham gia lễ cúng, cấm đàn bà tham gia. Lí do vì sao thì các cụ cũng không ghi rõ. Con cháu cứ thế làm theo dù không hiểu vì sao. Một bó hương lớn được thắp lên bỗng bốc cháy đùng đùng. Lễ vật là bốn gánh thịt lợn sống được bốn bản cung tiến. Ba hồi chuông, bảy hồi trống vang động. Mọi người đều quỳ xuống: Một lão ông cao tuổi nhất vái một vái, rồi tuyên đọc văn cúng Thạch Cẩu:
- Hỡi ôi!
Nước Nam mở cõi
Đất rộng vạn dặm
Rồng hóa sông dài
Người hóa núi cao
Linh thiêng mây lành bay không dứt
Bắc Đà hiểm trở
Cao Biền pháp gia
Trấn yểm Thạch cẩu
Không yên ngàn nhà
- Vậy nên:
Thịt tươi bốn gánh
Nhang thắp một lò
Xin về hân hưởng
Cho lặng can qua
- Xin rằng:
Lúa ngô tươi tốt
Mưa thuận gió hòa
Trâu bò mau lớn
Gà vịt đầy nhà
Con cháu hiền giỏi
Vẻ vang quê ta
Đất yên vật thịnh
Nền nếp khoan hòa
- Được vậy:
Mỗi năm một cữ
Dâng lễ đủ đầy
Có linh về hưởng
Không quấy không rầy
Ăn không phù trợ
Thì nhìn gậy này
- Than ôi!
Tổ tiên dạy truyền đời nên cung bái
Trí băn khoăn mà dạ não nàng
Cúc cung bái!
Một hồi chuông trống lại vang lừng. Mọi người nhất bái rồi đứng dậy. Mỗi bản cứ hai trai tráng, lần lượt khiêng thịt lợn vào, cầm đũa cả gõ ba lần vào đầu Thạch Cẩu. Mồm nó bỗng há to toang toác. Thịt lợn sống được cho vào cái mõm ngoác rộng trông như cái gầu sòng ấy, hết gánh thịt thì đổ vào một bát tiết lợn và chai rượu trắng, cứ lần lượt thế. Sau khi bốn bản dâng lễ xong, màn múa săn thú có tên “Sát Thạch Cẩu” diễn ra thật kì dị. Hai mươi hai gã đàn ông thật vạm vỡ, tay cầm gậy gỗ sơn đầu đen, đầu đỏ, nhảy múa lặng lẽ trong sương, họ bôi mặt, vẽ mày dữ tợn, trông như ma quỷ đang lên cơn động kinh tập thể. Một người đóng vai Thạch Cẩu chạy giữa vòng tròn. Kết thúc màn múa là tiếng hú chói tai vút lên trong đêm lạnh, làm rừng cây xào xạc, chim muông sợ hãi bay lên kêu xao xác. Cùng lúc đó hai mươi hai chiếc gậy gỗ đều trỏ đầu đen vào người giả thú. Trăng bỗng vằng vặc soi tỏ miếu thờ, Thạch Cẩu bỗng cất lên tiếng tru kinh hồn, rồi bệ tượng là phiến đá xanh khổng lồ kêu lên ken két. Thạch Cẩu xoay tròn, ngày một nhanh hơn, rồi đột ngột dừng lại. Mõm của nó chỉ về hướng nào thì bản ở hướng ấy phải chịu một năm rủi ro, đen đủi, ba bản còn lại sẽ may mắn tốt lành.
Tranh minh họa. Nguồn Internet |
Hắn toát mồ hồi lạnh, tóc gáy dựng đứng, về đến nhà bác Tòng Cao Sơn còn tim đập, chân run. Kì lạ quá. Chẳng ở đâu có cái lễ hội quái dị này. Bảo mê tín, dị đoan thì cũng không phải. Thạch Cẩu tru lên rồi biết quay tròn sau khi há mồm ăn thịt sống kia mà. Nhưng sao cứ phải cam chịu thế. Cho quả bộc phá nổ tung nó lên trời chứ? Hắn bày tỏ suy nghĩ với nhà thơ họ Tòng. Nhà thơ thở dài:
- Cũng nghĩ đến cả rồi, không ổn đâu. Cả bốn bản đã họp hơn trăm lần, thuê thầy phù thủy giỏi nhất nước mình về. Ông ta ra quan sát một ngày, về ốm suýt chết. Ông bảo:
- Pháp lực của Thạch Cẩu quá mạnh. Không pháp sư nào của ta đối chọi được. Mà bọn phù thủy phương Bắc vừa ác, vừa thâm. Nó trấn yểm Thạch Cẩu không chỉ vào long mạch cực tốt của nước ta, mà còn vào đúng vị trí mắt của sông Đà. Bây giờ cho nổ mìn, động long mạch, Đà giang mù mắt rồi phá phách, thế thì “toang” cả vùng. Rồi khốn khổ hơn. Đành mất cái nhỏ, được cái lớn. Mỗi năm tốn bốn gánh thịt lợn thì có là gì…
… - Nhưng mà em căm cái bọn phù thủy ấy lắm. Đất nước mình cơ mà. Sao chúng tham ác thế, cứ nhảy xổ vào muốn nuốt chửng người ta đây…?
- Ai mà chẳng căm hả chú? Bầm gan, tím ruột mà vẫn phải cười là khổ lắm.
Bẵng đi mấy năm hắn không về Bắc Đà, sáng nay nhà thơ họ Tòng gọi điện ra, giọng buồn thảm thiết:
- Hỏng quá chú ạ. Đúng là trong tâm mỗi người đều có Thạch cẩu...
- Sao lại thế hả bác?
- Chú là người nghiên cứu về văn hóa thì tôi mới nói. Không thì lại bảo vạch áo cho người xem lưng. Mấy năm nay, bản Nam chẳng hiểu sao mõm Thạch Cẩu chĩa vào tới ba năm liền, bản Đông thì ba năm liền ung dung hưởng phúc. Mẹ cha nó, thịt cúng vào thì vẫn ăn thun thút, thế mà mõm lại trỏ lung tung...
- Bác nói gì? Em chẳng hiểu ra làm sao?
- Thì ban đầu có ai hiểu đâu. Thấy cứ loạn cả lên, không giống trước. Tôi mới lập một tổ tình báo có tên là “Sát Thạch Cẩu” theo dõi, điều tra. Ôi trời ơi! Ban lãnh đạo các bản giở trò ma bùn, lén lút mang thịt sống, không chỉ có thịt lợn, mà có cả thịt trâu, bò, lại còn đánh cả tiết canh với rượu Tây. Con chó đá ấy nó mê món lạ, đớp thật lực. Rồi bản nào cống nạp thì lờ đi. Bản nào không hối lộ thì nhăm nhăm chĩa mõm vào. Cái lợi bé tí trước đây cố giữ giờ cũng không còn. Chú bảo phải làm sao đây? Chao ôi. Cái bệnh hối lộ và tham nhũng tràn lan đến thế sao…?
- Bác để em nghĩ đã. Việc lớn gần ngàn năm, triệu người nghĩ không ra. Thằng nghiên cứu lí thuyết suông như em, làm được gì đây? Mà bệnh khôn vặt của người Việt mình là kinh lắm…
Được hơn một tháng nghe tin báo nhà thơ chết thê thảm lắm, hắn tức tốc về, đau và thương đến buốt tận óc rồi cắt vào tim. Thì ra nhà thơ họ Tòng đi du lịch sang tận Ấn Độ, bỏ tiền mua mười hai lá bùa thiêng của cao tăng – pháp sư chuyên trừ ma, diệt quỷ của đất Phật. Đêm qua, nhà thơ cùng thằng con cả lên miếu, lập đàn cúng theo chỉ dẫn, rồi dán bùa vào Thạch Cẩu, đang loay hoay dán bùa lên đầu nó, thanh quá giang của miếu cổ rơi trúng đầu. Thế là nhà thơ anh hùng ra đi không kịp trăng trối gì. May có thằng con cả cõng bác về, chứ không thì chẳng có ai biết chuyện này.
Hắn ôm lấy quan tài của nhà thơ vì nghĩa quên thân mà khóc:
- Anh ơi! Nước xa không cứu được lửa gần anh ơi! Văn chương của anh em mình nhiều khi bất lực quá. Nó cũng chỉ như thuốc giảm đau cho tinh thần thôi…
Nhưng kì diệu thay, đàn bà nước Nam mình quả thực anh hùng, đúng là “Cùng tắc biến, biến tắc thông”, có bà Lò Thị Hoa ở bản Tây, Thạch Cẩu trỏ mõm vào, năm ấy hai đứa cháu học cấp II đuối nước mà chết. Bà như hóa điên, lang thang khắp nơi tìm cách trừ Thạch Cẩu. Gặp tay thầy bói mù chuyên lừa gạt người để kiếm tiền ăn cơm bụi, hắn cười khà khà:
- Khó rất khó mà dễ rất dễ, đãi tôi bát phở, tôi chỉ cách cho…
Bà mời thầy bói hẳn hai bát, thêm cốc rượu nữa, đã no và say, thầy bói ghé tai bà thì thầm:
- Cứ thế… Cứ thế mà làm…
Bà Hoa về đôn đáo khắp bốn bản, cứ đàn bà là rủ rê, to nhỏ. Có chị cười ré lên, mặt đỏ phừng. Có bà cụ 80 tuổi kêu lên sung sướng:
- Chỉ có thế thôi sao? Thế mà mất gần nghìn năm, lại còn tốn bao rượu, thịt?… Nhưng mà tôi thì chịu rồi. Trông vào chị em thôi…
Nửa đêm hôm đó, bà Hoa dẫn đầu hơn ba mươi chị em, mang theo hai thùng nhựa nhỏ, phủ lụa đỏ đi lên miếu cổ. Sau khi lên hương đèn, gõ chiêng trống, đọc bài văn khấn Thạch Cẩu truyền đời gần nghìn năm. Rồi điệu múa “Sát Thạch Cẩu” bắt đầu. Bà Lò Thị Hoa là một biên đạo múa tài năng. 22 phụ nữ thì phải khác 22 đàn ông chứ? Dù trang phục và bôi vẽ mặt mày vẫn tương tự nhưng trong tay họ cầm không phải là gậy đầu đen đầu đỏ nữa. Mỗi người phụ nữ khỏe mạnh kia đều cầm một con dao bầu sáng loáng. Họ lắc lư vừa nhảy múa vừa thét lên, những tiếng thét căm giận. Ở nước Nam này, khi đàn bà căm giận và cầm vũ khí, bao kẻ thù hùng mạnh còn phải ôm đầu máu mà chạy, nói gì đến một con chó đá? Điệu múa kết thúc. Những người phụ nữ kia nhanh chóng thay trang phục, lau sạch hóa trang, lại xinh đẹp, nhu mì, tươi tắn như những bông hoa rừng. Nhưng nếu ai tinh mắt đều thấy Thạch Cẩu bỗng toát mồ hôi lạnh khi điệu múa đang diễn ra.
Bà Hoa cung kính cầm đôi đũa cả gõ khẽ vào đầu Thạch Cẩu. Ăn của đút nhờn mồm, Thạch Cẩu lại há mõm to như cái gầu sòng, hai cô thiếu nữ khỏe mạnh vứt lụa đỏ, đổ hai xô nhựa chứa chất lỏng màu đỏ vào mồm nó. Sau tiếng tru ằng ặc, Thạch Cẩu rung chuyển dữ dội, rồi vỡ tan thành ngàn mảnh nhỏ. Một luồng ánh sáng xanh lét vọt lên trên bầu trời, bay về phương Bắc.
Trong buổi liên hoan mừng chiến thắng, các bô lão cùng các vị chức sắc của bốn bản cứ xúm vào hỏi:
- Trong hai cái xô ấy chứa những gì? Sao Thạch Cẩu lại phải chạy mất vía vậy?
Chị em phụ nữ cười rinh rích, đấm lưng nhau, mặt đỏ hồng, nhất quyết không nói. Bị hỏi mãi, bà Hoa bực mình gắt:
- Xấu hổ lắm. Không nói được…