Chuyên đề

Đi trên đường “Hạnh phúc”

Xuân Thắng
Văn học địa phương
16:18 | 18/07/2024
Từ cây số 0 – trung tâm thành phố Hà Giang là điểm khởi đầu của quốc lộ 4C, mang tên đường “Hạnh Phúc”.
aa

Tổ quốc ta theo dòng lịch sử đã xuất hiện nhiều con đường mang danh huyền thoại như đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển của đoàn tàu không số đều sinh ra trong bối cảnh chiến tranh, làm nên điều huyền thoại, mang vinh quang về cho đất nước. Riêng đường 4C - đường Hạnh Phúc của Hà Giang lại sinh ra vào thời kỳ kiến thiết xây dựng từ năm 1959 đến 1965.

Cung đường Hạnh phúc trong mây. Ảnh Vũ Mạnh Cường
Cung đường Hạnh phúc trong mây. Ảnh Vũ Mạnh Cường

Trên bản đồ Việt Nam, mỏm đất địa đầu thuộc vĩ tuyến cao nhất 23 độ 22 phút, đó là đỉnh Đồng Văn, nơi nuôi dưỡng hồn đất nước bằng cột cờ Lũng Cú, cũng là trung tâm rừng đá khổng lồ. Theo tài liệu về Hà Giang, trước khi có đường 4C, cả vùng cao nguyên đá gồm 8 vạn đồng bào các dân tộc bị “nhốt” cách biệt thế giới bên ngoài, phương tiện đi lại ngoài đôi chân ra chỉ có ngựa thồ. Đến tận cuối thế kỷ 19 người Pháp cũng bó tay không biết xoay sở ra sao, đành để “đèn xanh” cho họ nhà Vương làm vua cây anh túc! Muốn tiếp tế quân lương cho các điểm trọng yếu cũng phải thuê người bản địa khiêng vác.

Sau ngày miền Bắc hòa bình, người trong cao nguyên đá vẫn bị giam lỏng, đá nối nhau bịt mắt, bắt nạt bước chân người. Cả nước không cam lòng để vậy, Đảng đã chỉ đạo nhân dân sáu tỉnh Việt Bắc cùng hai tỉnh miền xuôi là Nam Định và Hải Dương, lấy đoàn thanh niên làm “đòn bẩy” để mở con đường huyết mạch. Mùa thu năm 1959, khi phía Nam đang mở đường mòn Hồ Chí Minh thì ngoài Bắc tuyến đường Hạnh Phúc cũng chính thức khởi công. Mở 185 km đường 4C trên cao nguyên đá là quyết tâm mang tầm chiến lược của Đảng và nhân dân lúc đó. Vùng đất địa đầu Tổ quốc mang cõng trên mình những ngày nắng cháy da, đêm rét cắt thịt, muỗi vắt như trấu, mưa nắng thất thường. Đá chồng đá như lớp bê tông tự nhiên, lởm chởm sắc nhọn tai mèo. Cung đường đèo mang tên Mã Pì Lèng, (theo tiếng dân tộc là sống mũi ngựa) hiểm trở đến nỗi "nghe nói rất nhiều con ngựa đã gục ngã, không qua nổi đỉnh đèo này". Với địa chất chủ yếu là đá tảng và đá nguyên khối, thi công mở đường 4C, công nhân làm đường phải dùng hoàn toàn bằng tay không để dùng búa nện chòng đục lỗ mìn. Nhiều phát nổ chỉ bong được mảnh đá bằng bàn tay! Nhiều khi công nhân phải liều mình, nhoài người ra mép vực, khoét từng lỗ nhỏ để cắm cọc buộc dây, treo mình lơ lửng bên vách núi để đặt mìn. Những mũi chòng rất nhanh cùn, thợ rèn làm việc suốt đêm cho kịp. Mọi thứ đều khó khăn từ bữa cơm đạm bạc đến quân dụng. Nhưng nước mới là vấn nạn nhất. Theo lời kể của những nhân chứng còn hôm nay thì buổi sáng mỗi người được một ca nước để vệ sinh, còn dư chút nào dùng đổ vào lỗ chòng làm mát, vừa đỡ bụi, vừa bền chòng. Một tuần được ngày nghỉ lại tranh thủ xuống núi, đi cả chục cây số lấy nước về dùng... Dù vô cùng nhiều cản trở nhưng sức mạnh lớn nhất là toàn Đảng toàn dân cả nước chung lòng ủng hộ sức người sức của. Tuy vậy cũng vẫn có những bóng dáng lảng vảng của bọn tàn dư phản động cấu kết với thổ phỉ ra sức quậy phá. Chúng lợi dụng tình trạng dân trí thấp của đồng bào dân tộc mà tung tin rằng nếu mở đường thì trời phạt, dê đực biết đẻ, người đi bằng đầu... Manh động hơn, chúng còn tấn công các điểm non yếu võ trang...

Việc mở con đường Hạnh Phúc trong 6 năm trời đã lấy đi biết bao mồ hôi, máu và nước mắt của người công nhân mở đường. Hàng nghìn nhân lực, hàng triệu ngày công, thi công thời bình mà cũng mang sắc thái thời chiến. Một đội “Cơ dũng” được thành lập (thực ra là đội cảm tử). Vì thế tại công trường luôn có chục cỗ quan tài sãn sàng nếu có sự cố xảy ra. Sự “lo xa” đã không thừa, trường hợp như anh Đào Ngọc Thẩm đã dũng cảm cứu dân và hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, rơi xuống vực, là một trong 14 tấm gương hy sinh cho sự thành công của con đường Hạnh Phúc. Ngày nay trên đỉnh Mã Pì Lèng, khi xuống dốc ta sẽ gặp tượng đài “Thanh niên xung phong” tạc bằng đá nguyên khối, cao 12 mét, cả đế là 16 mét đá tự nhiên. Dưới chân đế có ba bức phù điêu với nội dung: Chia tay lên cao nguyên đi mở đường; Xẻ đá làm đường; Mở đường thắng lợi. Tác phẩm phù điêu này như một một bản trường ca nhắc nhở muôn đời con cháu mai sau một chân lý: sức mạnh con người nằm trong sự đoàn kết, nó có sẵn trong tình ruột thịt của các dân tộc anh em, cùng chung dòng máu Lạc Hồng.

***

Xe đang xuống đèo, không phải ngẫu nhiên trên đoạn đường hai xe tránh nhau còn phải lựa mà lượng xe đổ về đây nhiều đến thế, chưa kể lượng xe máy của dân đi phượt, sông Nho Quế có gì cuốn hút thế ư? Có đấy, trước tiên là màu sắc lạ, từ lưng đèo nhìn xuống giống như cái máng mực xanh lục. Theo tài liệu nghiên cứu cho biết, từ mặt nước đến đỉnh núi liền kề là 700m, còn độ sâu của nước có chỗ tới 1000m. Nó chính là khe nứt của Công viên địa chất toàn cầu. Đập thủy điện hiện hữu án ngữ và tiết chế dòng chảy, tạo cho phần thượng lưu một hồ nước dài hàng chục km, rộng 300m – một cảnh quan kỳ thú cho du khách đi thuyền, xuồng. Phía trên hồ là hẻm Tu Sản, nơi hai trái núi khép lại thành chữ V, du khách đến đây không ai bỏ lỡ cơ hội chớp cho mình những bức hình lưu niệm với cảnh kỳ thú.

Cách ngọn núi Rồng hàng chục km, bằng mắt thường ta đã thấy ngọn cờ trên đỉnh Lũng Cú phấp phới tung bay. Mảnh đất nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc hàng ngày đã thu hút đã biết bao lượt người từ trong Nam đến ngoài Bắc vượt những cung đường xa xôi chỉ mong đến để chạm tay vào lá cờ Tổ quốc, thật đáng trân trọng. Từ bến đỗ khu vực cột cờ Lũng Cú có xe điện chở lên đến chân cột cờ. Từ đây du khách sẽ leo 400 bậc mới đến cột cờ. Mỗi ngày vẫn có hàng vạn du khách đến thăm để thể hiện “tình yêu đất nước” của mình. Tôi may mắn đến đúng lúc các chiến sỹ thay cờ, hạ lá cũ xuống, treo lá mới lên, khoảnh khắc giao thoa ấy tôi được sờ tận tay ôm lá cờ 54 mét vuông mà thấy hồn phơi phới. Những cung đường quanh co vẫn mang lại những hiểm trở với những người lần đầu đi trên con đường Hạnh phúc. Lúc xe xuống dốc bên sông Nho Quế tôi cứ bấu chặt vào thành ghế đến tím cả tay mà không biết. Vậy mà… xe vẫn nườm nượp, người ta nói với nhau, với lòng mình, rằng chưa đến cột cờ Lũng Cú thì coi như chưa đến Hà Giang là có lý.

Ngày thứ ba, trên đường về, đoàn chúng tôi vào vãn cảnh nhà Vương. Dưới thung lũng Xà Phìn, cơ ngơi Vua Mèo như một bảo vật cổ tích. Thời Tây, nơi đây từng là lãnh địa của gia tộc Vương Chính Đức, mà sản phẩm thông thương đáng giá nhất là thuốc phiện. Cũng có lúc vật đổi sao rời, đến đời Vương Chí Thành đã khác, ông theo cách mạng lập nhiều công trạng, trở thành đại biểu quốc hội hai khóa đầu. Song trải qua bao biến cố, dinh thự nhà Vương vẫn tồn tại và mang giá trị lịch sử và văn hóa. Du khách ngạc nhiên, giữa nơi sơn cùng thủy tận lại xuất hiện một công trình kiến trúc lớn đến thế. Nghe nói kinh phí tới 15 vạn đồng bạc Đông Dương, như người ta nói là tương đương với 150 tỷ Việt Nam đồng bây giờ. Chỉ cần nhìn vào các chân cột bằng đá chạm khắc hình quả anh túc cũng đủ biết nhu cầu thẩm mỹ của tác phẩm tổng hợp ba nền văn hóa Trung – Mông – Pháp.

Rồi xe dừng bánh bên cánh đồng rực rỡ hoa hướng dương, tam giác mạch. Mọi người tỏa nhanh vào thảm hoa chụp ảnh, hoa tam giác mạch còn là đặc sản làm nên những chiếc bánh xinh xắn của miền đất Hà Giang, mang về làm quà cho người thân. Con đường Hạnh phúc còn dẫn chúng tôi đến với Núi Đôi Cô Tiên, chợ Yên Minh, dốc Thẩm Mã…vv. Những đặc sản hồng Quản Bạ, cháo ấu tẩu, chè thắng dền vừa lạ vừa quen, ngây ngất, vương vấn bước khứ hồi...

Khi về đến thành phố Hà Giang, một vị khách quê Đồng Tháp trong đoàn du lịch của chúng tôi lên tiếng: “Cho ghé thăm nghĩa trang Vị Xuyên bác tài ơi!” Rồi như để phân bua anh nói tiếp: “Thị trấn tôi có mấy anh bạn hy sinh nằm ở đây mà chưa xác định được danh tính, tôi muốn thắp cho họ nén nhang…”. “Có đấy, - anh hướng dẫn viên du lịch trả lời ngay- lúc đi do tôi đảo lập trình cho kịp tới điểm nghỉ ở Đồng Văn, giờ về mời cả nhà cứ thong thả viếng thăm cho chu đáo nhé!” . Trong tổng số 4000 liệt sỹ tại mặt trận Vị Xuyên mới tìm được 1700. Họ đã cống hiến tuổi xanh để bảo vệ mảnh đất phên giậu phía Bắc, trong đó có cả người hi sinh vì xây dựng con đường mà xe chúng tôi đang bon bon lăn bánh hưởng phúc. Đã quá ngọ, nắng xiên khoai bỏng rát, khói nhang lại vương vấn tỏa xạ hương bên những hàng bia mộ, trước đài tưởng niệm, những lời khấn vái, nhắn nhủ người đã khuất hãy yên lòng nơi cõi vĩnh hằng, chúng tôi hứa sẽ sống xứng đáng!

Trên dải đất hình chữ S mọi con đường đều có tên riêng. Riêng đường 4C mang tên “Hạnh Phúc” mà tôi trải nghiệm thì thấu hiểu được âm vọng từ thuở cao nguyên đá những xúc cảm về hạnh phúc thật sự!

Đoàn nhà văn báo Văn nghệ đi thực tế sáng tác tại tỉnh Hà Giang Hội VHNT các dân tộc Việt Nam tổ chức trại sáng tác trẻ tại Hà Giang Lên Hà Giang, gặp… Nguyên Ngọc Trải nghiệm khám phá cao nguyên đá Đồng Văn- miền trầm tích cực Bắc tổ quốc
Nguồn Tạp chí Sông Thương số 3/2024
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.