Trập trùng đá, nhấp nhô đá; nhìn trước đá, nhìn sau đá; nhìn lên đá, nhìn xuống đá. Bốn bề là đá. Đá gối lên nhau thản nhiên, ngạo nghễ với đời. Một màu đá xám ngắt bao phủ cao nguyên. Đá tai mèo lởm chởm trên các sườn đồi, dốc núi. Đá dựng thành quách, đá dựng hàng rào. Đá hiểm trở. Đá hùng vĩ. Đá vô cùng khắc nghiệt. Nơi mà “mở mắt ra là đá’’ như vậy thì sự sống sẽ ra sao? Con người, cỏ cây sẽ ra sao? Có loài hoa nào mọc lên từ đá?
Một góc Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang. Ảnh Internet |
Tôi lạc vào giữa bạt ngàn hoa trên cao nguyên đá. Ngàn vạn bông hoa nhỏ xíu, cánh mỏng tang, màu trắng phớt hồng bung nở rực rỡ; lấp lánh dưới ánh ban mai; trải dài trên các thung lũng, sườn đồi, xua đi cái giá lạnh mùa đông tê tái; phết lên gam màu tươi sáng trên nền đá trầm mặc, u hoài. Hoa tam giác mạch dịu dàng, duyên dáng như thiếu nữ Mông ửng hồng đôi má buổi đầu hò hẹn. Tôi miên man trong sắc màu ngọt ngào, quyến rũ ấy mà quên rằng nơi đây biết cơ man nào là đá.
Đá trần trụi phơi gió phơi sương, bền bỉ bám trụ. Đá kiên cường, dũng cảm dựng thành, giăng lũy chặn bước quân thù. Đá chẳng phụ người cần mẫn sớm hôm. Trong khô cằn đá xám, cỏ cây chắt chiu, gom góp nhựa sống, đón nhận khí trời mà vươn lên, mà bung tỏa. Đá nở hoa hay hoa nở từ trên đá? Có mạch ngầm bất tận sức sống vùng cao?
Dọc hành trình cao nguyên đá Đồng Văn, tam giác mạch nối dài từ Phố Là, Phố Bảng, Phố Cáo đến Sủng Là, Thài Phìn Tủng, Lũng Táo, Lũng Cú,…Loài hoa dân dã này đã mang đến cho mảnh đất vùng cao vốn hoang sơ, bí ẩn trở nên mềm mại, tươi sáng hơn bởi sắc trắng hồng nên thơ, đằm thắm. Tam giác mạch không chỉ làm đẹp cho cao nguyên, góp phần thu hút khách du lịch mà hạt tam giác mạch còn là nguyên liệu làm nên loại bánh thơm ngon mang hương vị đặc trưng của cây rừng.
Tôi bắt gặp những khuôn mặt bầu bĩnh, nụ cười hồn nhiên, mái tóc lơ phơ của các em nhỏ vùng cao đội trên đầu chiếc vòng hoa xinh xắn như cô dâu trong trò chơi cô dâu chú rể thủa ấu thơ. Những chiếc gùi xinh xắn trên lưng xếp đầy hoa tam giác mạch. Có ai đợi, ai chờ, ai thương, ai nhớ? Có ai gửi lòng mình hương sắc vùng cao? Tấm ảnh lưu lại khoảnh khắc hôm nay là kỉ niệm cho ngày sau mãi nhớ.
Khi đất trời cất lên bản giao hưởng mùa xuân nồng ấm, không gian nưng nức hương xuân, bên bức tường rào đá bao quanh những ngôi nhà trình tường mái ngói âm dương phủ màu rêu, hoa đào, hoa mơ đua nhau khoe sắc. Hoa đào có ở nhiều nơi không chỉ riêng Hà Giang. Nhưng ở vùng cao nguyên đá khắc nghiệt này, bông đào mang vẻ đẹp riêng hiếm có. Những cây đào nghiêng nghiêng sườn dốc, thân hình gân guốc, thách thức sỏi đá, vượt bao kham khổ, bắt rễ sâu vào lòng đất để đến ngày khơi tỏa, dâng cho đời những gì đẹp đẽ nhất. Màu hoa thắm hồng, đậm nét. Mùa xuân, cùng với bờ rào đá, sắc thắm hoa đào tạo điểm nhấn cho những ngôi nhà trình tường độc đáo. Một bức tranh tuyệt tác mang đậm nét văn hóa của đồng bào nơi đây.
Tôi lặng lẽ ngắm nhìn những con người lặng lẽ, chênh vênh, lọt thỏm nơi sườn núi. Có gì đó đau đáu, có gì đó xa xót, trở trăn,…Núi dựng đứng thách thức. Đá gan lì bủa vây. Đá úp mặt người, bàn tay rớm máu. Đá giăng giăng muôn nẻo cao nguyên như muốn nuốt chửng những lom khom nhỏ bé mưu sinh.
Giữa rừng hoa cao nguyên đá, tôi nhận ra: Người vùng cao là những bông hoa đẹp nhất.. Ảnh minh họa |
Nhưng không! Từ những hốc đá kia, từ những lởm chởm gai đá sắc nhọn kia, người vùng cao đứng trên đá; người vùng cao thách thức đá. Đá phải chịu thua người. Đá chen đá thì ta gùi đất đổ vào hốc đá. Dẫu cheo leo, dẫu chênh vênh, dẫu đôi bàn chân tứa máu cũng không chùn bước. Đôi bàn chân người vùng cao cứng hơn đá, rắn hơn đá. Ý chí người vùng cao hơn sắt, hơn đồng.
Từ vắt vẻo non cao, từ gập ghềnh đá xám, ngô mươn mướt xanh, mận, lê sai trĩu quả,... Hoa tam giác mạch trắng hồng, hoa cải, hoa hướng dương vàng tươi mỉm cười trong nắng xuân, reo vui cùng gió.
Những giọt mồ hôi của bà con vùng cao rơi xuống đá. Đá mềm lòng. Đá nở hoa. Hoa của tự nhiên, hoa của tình người, hoa của ý chí, khát vọng vươn lên.
Giữa rừng hoa cao nguyên đá, tôi nhận ra: Người vùng cao là những bông hoa đẹp nhất.
Tản văn của Đoàn Hạnh
----------
Bài viết cùng chuyên mục: