Sự kiện & Bình luận

Trải nghiệm khám phá cao nguyên đá Đồng Văn- miền trầm tích cực Bắc tổ quốc

Đặng Quang Vượng
Bút ký phóng sự
15:09 | 08/07/2024
Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, hội tụ đủ các yếu tố: Tính tự nhiên, có ranh giới rõ ràng, trong đó chứa đựng tập hợp của các di sản địa chất có giá trị
aa

Sau 4 năm nỗ lực, Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang, ( đặc biệt là 4 huyện trong CVĐC Toàn cầu), đã vượt lên mọi khó khăn thách thức như: Chưa có kinh nghiệm trong quản lý lãnh đạo của các cấp, sự nhận thức, nghĩa vụ, trách nhiệm, công tác bảo tồn và phát triển các giá trị di sản của cộng đồng trong vùng Công viên chưa cao.

Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thông tin và hạ tầng phục vụ cho du lịch, dịch vụ còn hạn chế, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và phát triển của CVĐC.. Sự đánh giá và công nhận lại CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn của UNESCO năm 2014 là sự khẳng định thành tựu to lớn của chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh và của cả nước. Sự phát triển của Cao nguyên đá Đồng Văn không dừng lại ở sự công nhận của quốc tế mà nó luôn được tiếp tục khám phá, tìm kiếm bổ sung những tiềm năng bí ẩn mà con người chưa có điều kiện khám phá theo chiều địa - văn hóa. Chính vì vậy CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam) tiếp tục xây dựng đề tài: Xác định một số giá trị nổi bật của lưu vực sông Nho Quế và thử nghiệm tôn tạo một số loại hình di sản địa - văn hóa trên Cao nguyên đá, phục vụ cho phát triển du lịch và dân sinh tầm nhìn 2030.

Khám phá miền trầm tích cực Bắc
Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

“VƯỜN HOA ĐÁ” THÀNH MA TỦNG

Sự cấp thiết của đề tài cần thực hiện trong năm 2015 đã thôi thúc Đoàn công tác của Viện Địa chất, do Phó Giáo sư, tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất cùng cán bộ Viện lên Hà Giang trong những ngày cuối năm 2015, phối hợp với Ban quản lý (BQL) Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, do tiến sĩ Nguyễn Lê Huy, Trưởng Ban, cùng cán bộ đi lên các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc khám phá, tìm kiếm di sản địa - văn hóa, tạo điểm nhấn du lịch trong vùng.

Tháng 12 ở Hà Giang, cái rét như kim châm vào da thịt. Những đợt gió bắc vẫn tràn về, Cao nguyên đá lạnh đến 7- 8 độ C. Mưa phùn. Sương mù bao phủ khắp núi. Đường dốc quanh co. Trơn như mỡ đổ. Ấy vậy mà Đoàn công tác chúng tôi 5 người vẫn ba lô, túi nải hồ hởi lên đường. Vượt qua cổng trời Quản Bạ, Cán Tỷ, cổng trời Sà Phìn, chúng tôi tới dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức ở xã Sà Phìn (Đồng Văn), được xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước, sau này con trai là Vương Chí Sình nối nghiệp làm thủ lĩnh cả một vùng Đồng Văn rộng lớn. Được sự giúp đỡ chỉ dẫn của lãnh đạo xã Sà Phìn, chúng tôi đi bộ hơn 2 cây số, vượt qua những con đường mòn cheo leo đá sắc nhọn gập ghềnh, vắt qua các sườn núi đá tai mèo đến thôn Thành Ma Tủng - điểm tìm kiếm, khám phá di sản địa chất mới làm điểm nhấn phục vụ cho hoạt động du lịch vùng. Thôn Thành Ma Tủng 100% là đồng bào Mông sinh sống. Trước mắt chúng tôi, một miền đá xám nhấp nhô trùng trùng, rộng khoảng, 5-6 ha, những bãi đá kiến tạo đủ hình đủ vẻ, chỗ thì giống như đàn lợn đang nghếch mõm lên đòi ăn; nơi thì có khối đá giống như một con sư tử đang quỳ phục rình mồi. Chỗ này hình một bông hoa khổng lồ in trên trời xanh. Chỗ kia dáng một chú thỏ chồm lên tinh nghịch. Hay một chú hải cẩu nằm úp bụng vẻ ngơ ngác quay đầu lại tìm bạn.. Những hang nhỏ trong các bãi đá trông như miệng những chiếc chum, thùng cái đứng, nghiêng, nằm.. lộ miệng. Tiến sĩ Vũ Cao minh, nhà địa chất học của Việt Nam phải thốt lên:

- Đẹp quá! Hiếm quá! Mấy trăm triệu năm trời mới có để ban tặng cho nơi này...

Tôi hỏi ông Minh:

- Tôi được biết ông là người có nhiều năm giúp Hà Giang tìm kiếm nguồn nước ăn cho đồng bào từ những năm 90 và xác định trầm tích địa chất trên cao nguyên đá, sao bây giờ ông mới biết bãi đã này?

Ông Minh cười rất vui rồi trả lời:

- Cao nguyên đá Đồng Văn thật rộng lớn, nhưng lại khô hạn đến 8 tháng/năm. Dạo đó tôi và các đồng nghiệp chỉ có mục đích đi tìm nguồn nước, bắt đầu từ trong các khe lạch, mó nước... từ đó khám phá nguồn nước ngầm trong lòng đất và tìm lợi thế của địa hình để xây hồ treo chứa nước. Và chúng tôi đã thành công phát hiện được một số nguồn nước ngầm và xác định được các vị trí để tỉnh, huyện xây hồ treo chứa nước, mỗi hồ đến hàng trăm mét khối nước cho đồng bào dùng. Ông Minh vừa đi vừa tâm sự: Đến thời kỳ khám phá tìm kiếm những giá trị địa mạo ở Cao nguyên đá, thì chủ yếu thăm dò khám phá dọc theo quốc lộ 4C và tỉnh lộ, mà tập trung ở khu vực Đồng Văn đi Lũng Cú, Ma Lé; Đồng Văn đi qua đỉnh Mã Pì Lèng sang huyện Mèo Vạc. Chúng tôi đã phát hiện trên Cao nguyên đá Đồng Văn đa số là loại đá vôi sản phẩm của trầm tích biển. Điều đó đã chứng minh Cao nguyên đá Đồng Văn xa xưa là biển cả, mảnh đất này được hình thành là sự vận động kiến tạo của vỏ trái đất. Các hóa thạch trên Cao nguyên đá Đồng Văn rất đa dạng trong đó có khoảng 26 giống loài chỉ tìm thấy trong CVĐC mà chưa phát hiện ra ở nơi nào trên thế giới. Trong đó tiêu biểu như: Hóa thạch Tay cuộn ở xã Ma Lê, hóa thạch Bọ ba thùy ở núi Rồng xã Lũng Cú; hóa thạch Huệ biển ở xã Lũng Pù, Cán Chu Phìn (huyện Mèo Vạc), vv..

Nghe ông Minh nói, tôi như bị thôi miên trước những di sản trời cho quý hơn cả vàng trên quê hương mình, mà bao đời nay không ai biết. Chúng tôi nhìn những bãi đá chập trùng, chỗ đá tại mèo, chỗ đá nhẵn thín, tròn trịa, chỗ đá đen như da trâu, chỗ lại bàng bạc. nham nhở, dựng đứng. như thế vô tích sự chẳng giúp gì cho con người; như một vật cản trở cây ngô, cây lúa, củ khoai, cây rau... Giờ tôi đã hiểu quê tôi bắt đầu được đá trả nợ rồi... Và tôi cảm thông hơn, càng yêu quý hơn các nhà khoa học Việt Nam, đã lăn lộn vất vả với Hà Giang bao năm trời để khám phá ra các nguồn nước giúp đồng bào tôi có nước sản xuất, có nước sinh hoạt và rồi đưa đồng bào tôi lên tầm quốc tế từ Cao nguyên đá này.

Tôi nhìn ông Vũ Cao Minh vẫn đang dò dẫm đạp lên đá tai mèo, đầu trần không áo mưa, ống quần bùn bắn lên bê bết. Tuổi đã cận 70, vậy mà ông vẫn đi hết núi đá này đến bãi đá khác để xác định cho đúng những yêu cầu về giá trị trầm tích của di sản, chọn điểm nhấn cho phát triển du lịch trên cao nguyên đá. Như để giải thích cho tôi về sự phát hiện mới bãi đá di sản địa chất, đi cùng tôi, anh Đào Văn Luân, một sĩ quan biên phòng biệt phái kiêm phó Bí thư Đảng ủy xã Sà Phìn bảo: Chính bãi đá này biết được là do dân họ báo cho xã. Khi nhận được tin chúng tôi đến ngay và thật sự choáng ngợp trước những bãi đá san sát với nhiều hình thù kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Lãnh đạo xã chúng tôi họp ngay và thông báo cho dân không được vào đó để khai thác đá dưới bất cứ hình thức nào.

Tình cờ trong bữa ăn trưa ở khu chợ Sà Phìn, tôi gặp hai bạn trẻ là người Đức. Một trai, một gái. Người con trai tên Ha Hin, là sinh viên năm cuối một trường đại học, năm nay 24 tuổi. Cô bạn gái là người yêu của anh. Họ bay sang thành phố Hồ Chí Minh rồi qua bè bạn du lịch ra Hà Nội và lên Hà Giang. Tôi hỏi Ha Hin:

- Sao anh biết Hà Giang nơi tận vùng cực Bắc Việt Nam, mà lên?

- Được bạn bè ở bên Đức giới thiệu - Anh trả lời Họ nói con người Việt Nam thân thiện, hòa bình. Việt Nam an ninh tốt. Sang thành phố Hồ Chí Minh rồi ra Hà Nội, tôi được bạn bè cho biết Hà Giang nơi cực Bắc Việt Nam có CVĐC Toàn cầu rất đẹp, đẹp hơn nhiều công viên khác trên thế giới. Quả thực lên đây mới thấy cảnh vật đá núi Hà Giang đẹp lạ lùng, vẫn dáng vẻ hoang sơ. Ở Đức hiếm có. Giống như một bức tranh kiệt tác mà thiên nhiên tặng cho các bạn. Đồng bào ở đây hiền lành, cởi mở. Chỉ tiếc là họ không biết tiếng Anh để nói chuyện. Về nước tôi nhất định sẽ rủ bạn bè sang thăm Việt Nam lần nữa.

BỨC PHÙ ĐIÊU NƠI TỘT BẮC TẠI XÓM SÉO LỦNG

Đến Lũng Cú là điểm khám phá nằm trong chương trình của Đoàn công tác. Xe đi trong màn sương mù dày đặc. Vượt qua xã Lũng Táo rồi xã Ma Lé là đến xã Lũng Cú (Đồng Văn). Trời vẫn mưa phùn. Từ xa nhìn về hướng Bắc đã lộ ra khoảng trời sáng nhờ, phía trước chúng tôi là cột cờ Tổ quốc - Lũng Cú dựng trên núi Rồng thiêng liêng, lá cờ đỏ sao vàng đang phần phật tung bay. Nơi đây đã chứng kiến thời Bắc thuộc, sử sách truyền lại sau khi chủ động tấn công quấn xâm lược phương Bắc sang tận Ung Châu, tướng quân Lý Thường Kiệt trở về qua biên ải hội quân, ông cắm một lá cờ xuống đỉnh núi Rồng và nói đại ý: Đất này là của cha ông ta. Nơi đây là máu thịt của Tổ quốc, dù phải đổ máu, chúng ta phải giữ gìn. Còn vua Quang Trung sau khi đại phá quân Thanh, đất nước yên bình, ông truyền cho một chiếc trống đồng đưa lên Lũng Cú để đồng bào các dân tộc đánh trống mở hội vui xuân.

Trong những năm qua, sau khi cột cờ Tổ quốc ở Lũng Cú được xây dựng trang nghiêm trên đỉnh núi Rồng, hầu hết các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài, người nước ngoài đã lên thăm cột cờ Lũng Cú, biểu tượng chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam nơi cực Bắc biên cương. Hai bên chân núi Rồng, thật ngẫu nhiên có 2 chiếc hồ lớn nước không bao giờ cạn. Hai làng gồm Lô Lô Chải, chủ yếu là đồng bào Lô Lô và làng Thèn Pả 100% đồng bào Mông, sinh làng để cấy lúa, trồng ngô xây dựng sống hàng ngàn đời, họ bám đất, bám cuộc sống và bảo vệ biên cương Tổ quốc. Núi Rồng, hai hồ nước dưới chân núi luôn gắn liền với truyền thuyết con Rồng khi xuống trần gian thấy nhân dân đói khổ, thiếu nước sinh sống, đã để lại đôi mắt cứu sinh đồng bào. Núi Rồng hôm nay đã trở thành một điểm du lịch lịch sử, văn hóa thiêng liêng trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Có một hang đá rất lạ gần dưới chân Cột cờ Lũng Cú. Sau khi trao đổi, các anh trong xã Lũng Cú rất vui và cử người đi cùng, đưa chúng tôi tới thăm. Phải leo lên dốc gần như dựng đứng khoảng hơn 20 mét trong trời mưa phùn và đường trơn, cỏ rậm lẫn đá, từ xa chúng tôi đã thấy những vệt khói lơ lửng bay lên. Anh cán bộ xã bảo:

- Hang đấy. Miệng cửa hang đấy.

Chúng tôi hăm hở trèo lên thì té ra không phải mà là các kẽ đá bị nứt, hơi nước lòng hang nóng bay lên, gặp không khí lạnh ngưng tụ thành khói... Còn miệng hang thì lại ở phía dưới cách đó gần 10 mét. Chúng tôi lần xuống và vào được trong. Cửa hang rộng chừng hơn 2 mét, hơi tối, nhưng cũng đủ nhìn thấy những nhũ đá rất đẹp hiện ra. Dưới lòng sâu của hang tiếng nước chảy rầm rầm... Anh Vàng Mí Lùng, dân tộc Mông, kỹ sư nông nghiệp, cán bộ phòng địa chính xã đi cùng nói với chúng tôi: Hang này người ta phát hiện từ lâu nhưng chẳng ai dám xuống, sợ nguy hiểm. Vào mùa nước lên, đứng cửa hang đã thấy tiếng nước réo ầm ầm rồi chảy ra sông Nho Quế. Nếu khám phá mà đưa hang này vào làm du lịch thì thật tuyệt rồi. Chúng tôi vào sâu, bỗng thấy ẩm hẳn người lên. Có người phải cởi áo khoác. Tiến sĩ Cao Vũ Mình bảo: Chúng ta đặt tên cho hang này là Hang Ẩm, Được không? Tất cả mọi người cùng cười và tâm đắc câu nói đó: Hang Ấm. Chúng tôi dành thời gian khám phá Hang Ấm nhưng không đi sâu vào được vì thiếu ánh sáng. Hang đủ rộng cho nhiều người vào thăm. Có nhiều nhũ đá với nhiều hình thù khác nhau. Nếu có đèn điện chắc chắn Đoàn sẽ vào sâu hơn để khám phá bí ẩn mới của Hang Ấm. Và đây dự kiến sẽ là điểm nhấn du lịch rất tốt ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú.

Theo chân anh Vàng Mí Lùng, Đoàn chúng tôi đi vào thôn Séo Lủng- mảnh đất “Tột Bắc” nhưng phải đi thêm khoảng 1 cây số nữa thì mới đến phần nhô lên cao như chóp nón trên bản đồ của Tổ quốc Việt Nam. Con đường đến thôn Séo Lưng đã được mở rộng rải nhựa từ Thèn Pả vào theo sông Nho Quế. Séo Lủng đây rồi! Mảnh đất Tột Bắc của Tổ quốc thiêng liêng đây rồi! Trước đây chúng tôi chỉ được ngắm trên bản đồ của Tổ quốc, giờ phần đất nhô lên hình chóp nón hiện hữu trước chúng tôi. Ba ngọn núi nổi liền nhau, ngọn núi to hơn cao hơn người dân nơi đây gọi là núi Mẹ. Núi Mẹ thẳm cao, bao dung bên những núi con trùng điệp, làm phên dậu, lũy thép che chắn cho đất mẹ - Tổ quốc yêu thương đã mấy ngàn năm. Lòng chúng tôi bồi hồi xao xuyến. Trái tim đập rộn... Ai cũng thấy niềm tự hào thiêng liêng khi được đứng tại nơi Tột Bắc - Séo Lủng này. Dưới chân chúng tôi đứng là con sông Nho Quế sâu hun hút chảy từ Trung Quốc về qua Mèo Vạc sang Đồng Văn rồi xuôi về vùng sông Gâm, qua huyện Bắc Mê. Biên giới Việt - Trung ở Séo Lủng được phân chia bởi con sống Nho Quế dựng thành vách đá lởm chởm, trợ trọi. Bên kia biên giới là huyện Phú Linh (Trung Quốc). Những năm qua Trung Quốc đã ngăn sông Nho Quế làm thủy điện, lòng sông cạn dần trợ ghềnh thác đá. Thôn Séo Lủng mình có 47 hộ chủ yếu đồng bào Mông, trên 50% số hộ nghèo. Sản xuất của bà con chủ yếu trồng ngô vì thiếu nước. Nước ăn trước đây phải xuống lấy tận dưới sông Nho Quế đi xa 3- 4 cây số. Bà con Séo Lủng bao đời nay vẫn bám làng để sống và bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đứng ở Séo Lủng, tôi bỗng nhớ đến bài viết của cố nhà văn Nguyễn Tuân khi ông lên Lũng Cú năm 1960. Nhà văn đã treo tấm bản đồ Việt Nam lên tường nhà một gia đình, ông lấy một sợi dây điểm đặt chính Bắc từ mỏm Séo

Lũng thả theo phương thẳng đứng, điểm cuối của sợi dây trùng điểm chót Mũi Cà Mau. Ông thốt lên: Sao trùng khít đến thế. Đây mới là điểm Tột Bắc.

Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi cũng đã được đến các điểm: Tột Đông Bắc - Sa Vĩ ở Móng Cái (Quảng Ninh); điểm Tột phía Nam ở Cà Mau. Chợt tôi nghĩ nếu ở Tột Bắc xóm Séo Lũng - Lũng Cú - Hà Giang mà xây dựng được bức phù điêu điểm tột cùng biên giới quốc gia như các tỉnh trên thì tự hào, hạnh phúc biết bao. Bức phù điêu ấy có hình ảnh người chiến sĩ bộ đội cùng dân quân và đồng bào các dân tộc đứng hiên ngang dưới lá cờ đỏ sao vàng, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam nơi Tột Bắc. Và đây sẽ là điểm du lịch lịch sử - văn hóa hấp dẫn cho đồng bào ta đến thăm với niềm tự hào dân tộc...

Báo Văn nghệ, số 1+2 / 2016

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.