Diễn đàn lý luận

"Diễn ngôn" trong phê bình hiện nay

Hàn Hoa
Lý luận phê bình
12:31 | 05/01/2025
Baovannghe.vn - Tính hệ thống của phê bình văn học giai đoạn trước là những cơ sở nền tảng đã biết của nó, tình trạng ấy khiến phê bình hiện nay khó định dạng.
aa

Trong hơn hai mươi năm lại đây hầu như mọi bình diện sinh hoạt xã hội đều gắn với một khởi điểm hàng thứ hai – khởi điểm tái kích hoạt từ mệnh lệnh Đổi Mới; văn chương và phê bình văn học (phê bình/ phê bình văn học) cũng ở vào thế đó. Quãng thời gian như vậy chưa đủ dài đối với một cuộc chuyển dịch có tầm cỡ như vậy, nói riêng với văn chương và phê bình là những lĩnh vực đặc thù ý thức, lại còn vấp phải những vấn đề thế hệ và hậu chiến dai dẳng, cho nên trong chừng mực nhất định có thể xem các biến chuyển của phê bình văn học qua diễn trình đó như là những diễn biến đồng thời, gác lại các liên hệ nhân quả đôi khi không phải là thực chất giữa các biến chuyển vốn đã có cội nguồn sớm hơn.

Tính hệ thống vốn có của phê bình văn học thời kỳ trước đã hình thành một cách cốt lõi từ diễn ngôn của quyền lãnh đạo về đường lối, về thể chế và về chính sách văn hoá được diễn đạt trong công thức lý luận về ba chức năng-ba phẩm tính của văn học, xây dựng một lịch sử văn học dân tộc làm nền tảng hợp thức, cùng kết hợp lại theo phương châm hướng đến mục đích xây dựng "nền văn hoá mới-con người mới", tạo thành một hình thức phát biểu về văn chương.

Kể từ ngọn nguồn đó, với xu thế và thực tiễn tổ chức một xã hội về căn bản đồng thuận dưới một quyền lãnh đạo duy nhất, trong các phát ngôn và quan niệm chính thống phê bình văn học vẫn ưu tiên gắn với khái niệm “dư luận quần chúng", "dư luận xã hội", vẫn được coi có vai trò dẫn hướng tác động hay thậm chí tạo thành “dư luận" một cách thích đáng tương xứng với kỳ vọng của việc dẫn đạo văn hoá-tư tưởng đã được thể chế hoá, cũng như của việc thực thi đường lối và các chính sách văn hoá, tương thích với văn chương dấn thân cổ vũ hiện thực dưới một ngọn cờ chung.

Quan niệm về phê bình văn học như vậy căn bản coi phê bình trước hết là một hoạt động chức năng báo chí chính thống, và trên thực tế tất cả các tác giả quan trọng của phê bình đều được biết đến qua báo chí đó, nhất là ở những diễn đàn cấp cao.

Thêm vào đó, khu vực xuất bản, nhất là xuất bản của ngành dục và của trường đại học sau này, đều nằm trong tầm quản lý thống nhất về truyền thông, về nguyên tắc là các sự nghiệp công ích của thể chế, nên các ấn phẩm phê bình văn học cũng đáp ứng vai trò chức năng như một báo chí kéo dài; phần nữa còn vì nhiều ấn phẩm phê bình (hay nghiên cứu, trong một số trường hợp) như vậy là tập hợp các bài đã đăng tải trên báo chí, mà việc chỉnh sửa, nhuận sắc hay sắp xếp hệ thống hoá có thể đắp đổi tính nhất quán, tính độc sáng về chủ đề và đặc trưng riêng về lựa chọn đối tượng, song không làm thay đổi dạng thức mục tiêu ngắn hạn cũng như phẩm chất của từng bài trong tập hợp.

Thực tế đó khiến cho việc phân loại được đề cao rộng rãi mấy năm gần đây phân biệt “phê bình báo chí" với “phê bình hàn lâm" hầu như chỉ mang tính ý niệm, chỉ là báo hiệu rằng một quá trình thay đổi của phê bình văn học vẫn đang diễn tiến: sự thay đổi về bối cảnh thông tin và kiến thức về các lý thuyết văn học và việc ứng dụng có tính chất minh hoạ để truyền bá kiến thức. Tuy nhiên một cấu thành nền tảng của lĩnh vực là văn học sử quan thì vẫn không tách rời diễn ngôn về lịch sử của cách mạng dân tộc. Diễn ngôn lịch sử đó không chỉ đã quy định tầm nhìn văn học hay từ vựng mà còn mang lại hệ quả khuyến nghị mạnh mẽ các đề tài – tức các “hình thức của nội dung" (Antoine Compagnon/ Sư phạm/2007) – đã cấu thành phê bình văn học.

Có một sự cần thiết viện đến thuật ngữ nói trên bởi từ khi phê bình "bước vào quá trình đổi mới, chuyển từ hình thế dựa trên ngữ văn học (với bộ ba nền tảng Lý luận văn học-văn học sử - quan điểm đường lối) và kinh nghiệm thẩm mỹ cá biệt sang tình trạng đối diện với sức ép mới từ cuộc tìm kiếm gấp gáp và năng động hình thức mới lạ trong sáng tác văn chương đồng thời với tiến trình cập nhật kiến thức văn học hiện đại trong hoạt động nghiên cứu - tiếp nhận, thì phê bình đã được trông đợi phải hợp thức hoá cho được những ý tưởng khác lạ về thực chất.

Bởi thực tế phê bình văn học vẫn được xem như một hoạt động chức năng của báo chí truyền thông, gắn với hiệu lực “bảo đảm cho sự hình thành dư luận xã hội đúng đắn đối với các tác phẩm và khuynh hướng văn học" (Văn kiện ĐCSVN, L.48, Chính trị Quốc gia, 2006.), mà hàm lượng "cảm tính" theo đúng nghĩa trong các vận động biểu đạt xã hội tính như "truyền thông" và "dư luận" lại là yếu tố then chốt đo mức độ thoả mãn nơi công chúng, thì chẳng có gì ngăn cản phê bình văn học ấy trở nên là thứ mang lại một hình thức cho những biểu đạt của cái “cảm tính" ấy.

Do vậy việc nói đến “phê bình lý tính" trong bối cảnh đó sẽ như một giả định gợi ý đến sự cần thiết phải có một phê bình văn học khác, chứ không phải để nhảy vào cái bẫy tâm lý ngôn ngữ học về sự phân biệt "cảm tính" hay "lý tính" từ ngữ nghĩa đến ý nghĩa và v.v.

"Diễn ngôn" trong phê bình hiện nay
Nếu phê bình văn học là một “diễn ngôn (của) phê bình” thì nó cũng cần phải mang lại khả năng khả năng hiểu biết như vậy; hay nói cho đúng, nó phải mang lại khả năng hiểu biết về sự thật – là cái ý tưởng rốt ráo có thể cung cấp ý nghĩa cho hình thức phê bình. Ảnh minh họa. Nguồn pinterest

Vả chăng cái giả định đó cũng đã qua đi mau chóng khiến không thể không thấy nó đã định hướng sai trong tiếp cận: hệ thống vốn có đang chuyển dịch, không thể nắm lấy một nghĩa/ ý nghĩa đang trượt đi theo những tương quan rất sai biệt.

Tính hệ thống của phê bình văn học giai đoạn trước hầu như là hiển nhiên bởi những cơ sở nền tảng đã biết của nó, và dường như tình trạng ấy khiến phê bình hiện nay khó định dạng khi các cấu trúc đối ứng cho nó về ý tưởng đang biến chuyển.

Một lời đáp từ phía phê bình văn học chính là các đề xuất về "phê bình hàn lâm" (cũng "phê bình đại học") hay các luận điểm về "sự chuyển đổi hệ hình" của phê bình văn học. Các đề xuất này trước hết báo hiệu việc phê bình tách ra khỏi hệ thống chỉ huy cũ, mà sự kiện tiêu biểu là ấn hành tập phê bình “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp" của nhiều tác giả.

Sự kiện đó, và tập sách đó, trưng ra một lát cắt điển hình của phê bình đương đại: những bài phê bình trước hết xuất bản qua báo chí hay website, nền tảng lý luận văn học và văn học sử quan cũ chi phối những khái niệm lý thuyết mới tiếp nhận, kinh nghiệm thẩm mỹ cá biệt kết hợp quan niệm đạo lý “phổ biến”; mặc dù hoàn toàn tập văn chương thời đổi mới, tập phê bình này diễn giải về các truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ít hơn nhiều so với việc cho thấy phê bình văn học ấy có thể che khuất các cơ cấu văn chương như thế nào bằng cách đọc văn như “đọc sử, đặt nghi vấn về “quyền" hư cấu, quy chiếu nguồn gốc folklore của một vài motif truyện, quy chiếu cốt truyện hay nhân vật văn học hay tình tiết truyện với cái được mô tả là “hiện thực" bên ngoài (bao gồm cả những thành kiến về “tâm lý học"), phán xét các “ý nghĩa “ của truyện như là sản phẩm của sự phản ánh các “hiện thực" đó.

Mật độ tập trung những ý tưởng phê bình vào một số ít truyện ngắn "gây dư luận", "gây tranh cãi" hơn cả, mà không xem xét đến toàn bộ tập hợp các truyện ấy, đã cho thấy thói quen phản ứng kiểu báo chí truyền thông và tính thụ động của phê bình văn học.

Và dẫu vậy, đã chưa hề xuất hiện một cuốn sách thứ hai như cái tuyển tập "Đi tìm..." đó – điều có thể hiểu là phê bình đã khai thác hết vai trò vốn có, cái vai trò là một hình thức của sự lãnh đạo tư tưởng văn hóa đối với văn chương.

Sự kiện này còn nhấn mạnh đặc trưng mất vai trò của phê bình cả mới lẫn cũ, bởi sau cả mười năm xuất hiện cái đôi khi vẫn được gọi là “hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp" mà phê bình văn học chỉ làm được có thế, và cũng trong khoảng thời gian đó "phê bình hàn lâm” chỉ có một tác phẩm ảnh hưởng hơn cả là "Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” của Phan Ngọc (1985).

Tình trạng phê bình đã trở nên một hình thức đi tìm ý tưởng, chẳng hạn như việc cố gắng đưa vào lưu hành khái niệm "hậu-hiện đại". Sự lan rộng đầy háo hức của cụm từ này cho thấy nó đúng là một biểu hiện về tính hiện đại của đương thời khi mà cái mới nào cũng có thể được tung hô vồ vập, thậm chí là với tin tưởng và nhiệt tâm, trong khi tinh thần hoài nghi mới chính là nguồn cảm hứng của cái tiền tố "hậu-" đó.

Song, dù sao việc cập nhật ý tưởng theo thời bằng chủ yếu con đường truyền thông ấy cũng dường như không tránh khỏi. Phê bình văn học đã kinh qua thời kỳ khai triển ban đầu biến chuyển đa dạng, như Đỗ Lai Thuý trình bày trong Nhìn nghiêng từ Phương pháp, rồi lại qua cả chặng đường dài nhất thể hoá với tuyên truyền văn hoá, nay có vẻ không thể không dao động chuyển pha, tìm kiếm các ý tưởng chủ đạo khả dĩ mang lại một định dạng cho việc đáp ứng nhu cầu phản tư văn học.

Một ý tưởng gợi ý định dạng mới hơn, xuất hiện theo bước đi của nghiên cứu - tiếp nhận, là “diễn ngôn”.

Trong cuốn sách nhìn lại toàn diện cuộc tranh biện giữa “Lý thuyết và cảm nhận thông thường” về văn chương, Antoine Compagnon (đã dẫn) chỉ dành cho “diễn ngôn" chưa đầy một dòng. Tuy nhiên, nhìn nhận lý thuyết như một trong những diễn ngôn về văn chương sau khi trình bày bản tổng kết nói về việc lý thuyết đã tổng hợp vào cuộc tranh luận của mình một tri thức kiện toàn về văn học như thế nào – thì điều đó bao hàm cái giả định mọi diễn ngôn về văn chương cần phải được tạo thành từ một toàn bộ tri thức văn học đương thời, nói cách khác, một diễn ngôn như vậy mang lại khả năng hiểu biết đầy đủ, như một “Trò chơi với thông tin đầy đủ tại thời điểm xét đến" (Lyotard J-F/ Tri Thức, 2007), về văn học, cái khả năng bao hàm ý nghĩa tích cực về dân sự xã hội.

Theo đó, nếu phê bình văn học là một “diễn ngôn (của) phê bình” thì nó cũng cần phải mang lại khả năng khả năng hiểu biết như vậy; hay nói cho đúng, nó phải mang lại khả năng hiểu biết về sự thật – là cái ý tưởng rốt ráo có thể cung cấp ý nghĩa cho hình thức phê bình.

Ở đây thì cụm từ "diễn ngôn phê bình" lại được dùng với ý nghĩa phân lập đặc thù và có thể hiểu là nằm trong một "Trật tự diễn ngôn" (Cao Việt Dũng, “Foucault về diễn ngôn"). Thực tế là cái "trật tự của tình trạng hợp thức hoá sẽ hạn chế phê bình trong việc đem lại một diễn ngôn quá khứ nếu không phù hợp với diễn ngôn đương lưu hành về văn học: thành tố nền tảng văn học sử quan không thay đổi trong khi một thành tố nền tảng khác là "Lý luận" đã rung chuyển mạnh mẽ và tìm được tính hợp thức riêng rẽ thông qua nghiên cứu tiếp nhận một số lý thuyết hiện đại về văn học.

Phê bình chỉ còn một nguồn hợp thức hiệu quả nhất từ sự gắn nối với phương diện mà Wittgeinstein gọi là "các hình thức cuộc sống" của "trò chơi ngôn ngữ trong bối cảnh sống động của nó - ở đây trước hết là văn chương như là một phạm trù về hiện tại.

Điều ấy không giúp phê bình tách khỏi diễn ngôn văn sử chung nhưng ít ra cũng cho phép tưởng tượng nó như một hình thức của sự thật tiềm tàng.

Và đó cũng là dấu chỉ của tình trạng bất tín nhiệm tương hỗ giữa phê bình với văn chương hiện nay – điều may mắn thay lại làm rõ hơn phương diện một hình thức của phê bình văn học, tức cái tiềm năng về hoạt tính của nó đối với khả năng thay đổi hay thực tế thay đổi các trật tự của diễn ngôn đem lại khả năng cung cấp hiểu biết về sự thật.

Văn nghệ, số 5+6+7/2013
Khởi động dự án phim điện ảnh 3D “Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội”

Khởi động dự án phim điện ảnh 3D “Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội”

Baovannghe.vn - “Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội” lấy cảm hứng từ "Dế Mèn phiêu lưu ký" của cố nhà văn Tô Hoài đã được Nhà sản xuất Vũ Duy Nam thực hiện
Chẳng thể xây nhà - Thơ Tùng Bách

Chẳng thể xây nhà - Thơ Tùng Bách

Baovannghe.vn- Ở hang rồi ở hốc/ ngày lại tháng năm qua
Thời tiết ngày 7/1/2025: Bắc Bộ ngày nắng. Nam Bộ có mưa giông vài nơi

Thời tiết ngày 7/1/2025: Bắc Bộ ngày nắng. Nam Bộ có mưa giông vài nơi

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 7/1/2025: Bắc Bộ không mưa, ngày nắng. Nam Bộ có mưa giông vài nơi.
Đến với bài thơ hay "Nụ hồng tháng Giêng" của Hồ Minh Tâm

Đến với bài thơ hay "Nụ hồng tháng Giêng" của Hồ Minh Tâm

Baovannghe.vn - Bài thơ trình ra một triết lý nhân sinh nhẹ nhàng, nhưng đầy suy nghiệm: Muôn vật trên đời vì nhau mà sinh ra, vì nhau mà tận hiến. Vệ đường làm gì còn cỏ hoa khi thiếu bụi và mưa.
Khai mạc phiên họp thứ 41 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Khai mạc phiên họp thứ 41 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Baovannghe.vn - Sáng ngày 6/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 41