Chuyên đề

Điều ít biết về tác giả bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh”

Hoàng Tùng
Văn học địa phương
18:00 | 25/07/2024
Một sáng mùa hè, trời trong xanh, ánh nắng đã bắt đầu len lỏi qua từng kẽ lá.
aa

Trong khuôn viên chùa Âu Lạc, tiếng chim hót líu lo, hòa lẫn tiếng chuông gió và tiếng mõ tụng kinh bình yên. Một cụ già dáng người gầy gò, bước khoan thai vào chùa. Ông đến trước bàn thờ thắp hương kính cẩn vái lạy, trầm ngâm hồi lâu, rồi đưa tay quệt nước mắt. Đó là nhà thơ, nhà báo Văn Hiền. Sáng nào cũng vậy, dù nắng hay mưa, ông vẫn thả bộ qua chùa thắp hương cho các đồng đội của ông là các nhà báo liệt sỹ trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Nhà báo Trần Văn Hiền bên những di ảnh của các liệt sỹ nhà báo
Nhà báo Trần Văn Hiền bên những di ảnh của các liệt sỹ nhà báo

Một thời hoa lửa

Nhà thơ, nhà báo Trần Văn Hiền, tác giả bài thơ Xin đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh, lay động hàng triệu trái tim cả nước. Cả cuộc đời, ông dành trọn trái tim mình cho đồng đội với hàng ngàn bài viết về đồng đội, về chiến tranh. Giờ đây, mắt đã mờ, chân đã run, tai không còn tỏ, ngày ngày, thả bộ sang chùa Âu Lạc, hương khói cho anh linh đồng đội của ông, các nhà báo liệt sỹ và suy ngẫm về những gì ông đã trải qua sau nhiều năm ở chiến trường và sau nhiều số phận ông đã chứng kiến trong cuộc đời làm báo. Sâu thẳm trong đôi mắt ông, vẫn đượm buồn, một đôi mắt buồn sâu thẳm khi trải qua những tháng ngày trăn trở, day dứt khi viết xong cuốn sách tri ân các liệt sỹ “Dáng đứng dưới tầm bom” và thực hiện được ước nguyện thờ phụng 511 nhà báo liệt sỹ – những đồng đội của ông.

Nhà thơ, nhà báo Trần Văn Hiền, sinh năm 1949, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, quê gốc Làng Vòng, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bố ông là liệt sỹ thiếu tá Trần Văn Ngoạn, từng học tại trường Quốc học Vinh, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và sau đó tham gia kháng chiến chống Mỹ rồi hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1967.

Là con trai trưởng trong gia đình, nối tiếp truyền thống cha ông, năm 1966, lúc mới 17 tuổi, nhà báo Trần Văn Hiền, viết đơn xin nhập ngũ và trở thành lính công binh, ở Đại đội công binh 15, khu V. Từ đây, ông cùng các đồng đội tham gia kháng chiến ở nhiều chiến trường như cầu Hoàng Mai, cầu Bùng, cầu Phao Tích, cầu Om Truông Bồn, phà Nam Đàn, phà Bến Thủy… Kỷ niệm sâu sắc đầu tiên trong đời lính của nhà thờ, nhà báo Trần Văn Hiền là lễ truy điệu sống 4 đồng đội tại phà Bến Thủy đêm 1/5/1966. Ông nhớ lại: “Đêm đó, trong hầm Hưng Thủy, là phà thứ 5 cách cầu Bến Thủy 1 bây giờ một đoạn là phà số 1. Một tấm vải trắng có dòng chữ Tổ Quốc Ghi Công được phủ cờ đỏ lên trên. Truy điệu sống 4 đồng đội là đồng chí Bùi Đức Tùng, Nguyễn Trọng Tường, đồng đội Giáp và đồng đội Chiến. Bên ngoài máy bay Mỹ lượn lờ gầm rú nên phải làm lễ truy điệu trong hầm. Có cả Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Sỹ Hòa và Phó ty Giao thông Trần Khoa Kiểu, tham dự. Sau lễ truy điệu, 4 đồng chí lái ca nô kéo phà 32 tấn, chở 4 xe giải phóng, chở vũ khí, thuốc men vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Phà qua an toàn, nhưng khi quay về bờ bắc, thì bị pháo kích từ ngoài biển bắn vào, hai đồng chí Chiến và đồng chí Giáp bị thương nhưng rất may phà không chìm. Phà từ bờ nam ra bắc lại chở toàn thương binh nên rất lo…”.

Sau kỷ niệm hú hồn đó, đơn vị của nhà báo Trần Văn Hiền, lúc này là đơn vị phối thuộc, nên được điều chuyển sang đảm bảo an toàn ở bờ nam phà Bến Thủy. Ở đây, mới thực sự là ký ức đau thương mà nhà báo Trần Văn Hiền bật khóc khi nhớ về. Ngày 23/6/1966, tất cả đồng đội của nhà báo Trần Văn Hiền hy sinh tại đây: “Lúc đó Đại đội phó Nguyễn Văn Nhu, chỉ huy tiểu đội dựng xong hầm Triều Tiên thì máy bay địch đánh bom. Tất cả chạy vào hầm trú ẩn. Tôi ở xa hơn không chạy kịp vào hầm nên nhảy đại xuống hầm cá nhân gần đó. Bom nổ tan hầm, các đồng đội hy sinh cả. Tội bị vùi lấp, sau đó chui lên được…”.

Sau kỷ niệm đau đớn đó là hàng loạt lần suýt chết, tại nhiều chiến trường khác và bị thương nhiều nơi trên cơ thể. Tuy thế nhà báo Trần Văn Hiền không làm các thủ tục để hưởng chế độ thương binh mà ông tiếp tục học tập để làm việc và cống hiến cho đất nước, quê hương.

Năm 1968, ông Hiền được điều chuyển về Ban Tuyên huấn của Ty Giao thông. Lúc này Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức lớp bồi dưỡng viết báo cho công nhân cả nước. Nghệ An được 2 người là ông Hiền và ông Mai Tuấn. Con đường trở thành nhà báo bắt đầu từ đây. Sau 1 năm bồi dưỡng ông được điều về Báo Nghệ An công tác. Năm 1974, ông được cử đi học khóa II, Đại học Báo chí trường Tuyên Huấn Trung ương, năm 1977, ông quay về Báo Nghệ Tĩnh công tác. Rồi trở thành thư ký tòa soạn và 17 năm sau đó ông là Phó tổng Biên tập báo Nghệ An cho đến lúc nghỉ hưu. Đặc biệt năm 1973, khi đã trở thành nhà báo, ông vẫn theo đoàn dân công hỏa tuyến Nghệ An, sang chiến đấu ở nước bạn Lào, để đưa tin, viết bài.

Bài thơ lay động hàng triệu trái tim

Hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng triệu người từ nông dân, công nhân, công chức, viên chức, sinh viên… giã từ quê hương, gia đình và người thân lên đường ra trận. Ngày đất nước hoà bình thống nhất, có người trở về mang trong mình những mảnh bom, mảnh đạn, có người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường lạnh lẽo, không tìm được hài cốt. Nhiều gia đình hàng chục năm trời tìm kiếm người thân của mình hy sinh nhưng vô vọng. Nỗi đau, mất mát ấy mãi mãi không nguôi ngoai. Những nghĩa trang liệt sĩ trắng hàng bia nhức nhói, triệu triệu ngôi mộ chí vẫn lặng thầm nằm dưới cỏ cây.

Từng là một người lính, một phóng viên chiến trường có mặt ở khắp các mặt trận, nhà thơ, nhà báo Văn Hiền đã thấu hiểu sự hy sinh, thương đau, mất mát của đồng đội, đồng chí mình. Nay thời bình, có những đồng chí trở về mang nỗi niềm mong mỏi tìm lại đồng đội mình nằm lại nơi chiến trường. Cũng không ít gia đình chỉ nhận về mình sau chiến tranh một chút di vật của người ngã xuống. Còn nỗi đau nào hơn khi các anh nằm xuống, tìm thấy hài cốt nhưng không biết rõ tên tuổi, quê quán. Máu xương của các anh đã hòa vào sông núi. Nhiều người vợ, người mẹ tìm kiếm các anh nhưng chỉ biết nghẹn ngào trước những nấm mộ không tên, không tuổi. Cả nước có hàng triệu chiến sĩ hy sinh được quy tập về các nghĩa trang nhưng cũng không xác định được tên tuổi, quê quán.

Bản thân nhà báo Văn Hiền là con liệt sỹ, mẹ ông, một nông dân tần tảo, vất vả, nuôi 6 người con, ông càng hiểu thấu nỗi đau của họ. “Bố tôi hy sinh ở chiến trường năm 1967, nỗi đau mất cha vẫn còn đó. Tôi cũng đã từng lăn lộn đi khắp các nghĩa trang để tìm mộ cha, mãi sau này mới tìm được nơi đồng đội đã chôn cất cụ”. Ông tâm sự, có những lần đứng giữa nghĩa trang với hàng hàng bia mộ “vô danh”, lòng đau nhói. Mỗi khi có dịp vào thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Việt – Lào,… nhìn hàng vạn tấm bia mộ khắc dòng chữ “Liệt sĩ Vô danh”, lòng ông như quặn thắt, xót thương. Các anh sinh ra đều có tên, có tuổi, có quê quán, với củ sắn, củ khoai nuôi các anh khôn lớn, gắn bó với góc vườn, lưỡi cày, lưỡi hái. Lớn lên, các anh đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, không tiếc máu xương để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Nay, các anh đã hy sinh rồi, tên tuổi các anh vẫn còn khắc ghi trong tâm trí của người thân. Tại sao lại gọi các anh là “Liệt sĩ Vô danh”?. Câu hỏi ấy cũng là nỗi đau không chỉ riêng nhà báo Văn Hiền mà đó là nỗi niềm chung của người dân Việt Nam.

Tháng 7/1993, khi đó nhà báo Văn Hiền là Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, trong một lần đi công tác ở huyện miền núi Anh Sơn, một buổi trưa thả bộ vào thắp hương viếng hương hồn các liệt sĩ, nhà báo Văn Hiền bằng cả lòng rung động cảm xúc của mình viết lên bài thơ “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ Vô danh” ngay tại Nghĩa trang Việt – Lào khói hương nghi ngút. “Hôm đó trời nắng lắm, nhìn nghĩa trang trắng lóa cả một vùng trời. Hầu hết đều ghi liệt sỹ vô danh. Đau xót quá, tôi tự hỏi, sao lại gọi các anh là vô danh…”, nhà báo Văn Hiền trầm ngâm.

“Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ Vô danh/ Anh có tên như bao khuôn mặt khác/ Mẹ sinh Anh tròn ngày, tròn tháng/ Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa/ Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái/ Vệt mòn dưới nắng, dưới mưa”. Bài thơ không chỉ là nỗi day dứt, xót đau của riêng nhà báo Văn Hiền, mà của chung toàn dân tộc. Bởi sau khi bài thơ được đăng trên báo Nghệ An, báo Nhân Dân, tạp chí Người làm báo và nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng của Báo Quân Đội Nhân dân nhân dịp 27/7/1994 đã làm lay động hàng triệu trái tim độc giả, nhất là các thân nhân liệt sĩ cùng lớp lớp cựu chiến binh trong cả nước.

Hai năm sạu Đài truyền hình Việt Nam xây dựng bộ phim tài liệu “Không ai là vô danh” phát sóng trên kênh VTV3 nhân ngày 27/7/1995. Sau đó không lâu đã có hơn 400.000 ngôi mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang trong cả nước được đổi lại tên gọi liệt sỹ vô danh thành liệt sỹ chưa tìm thấy tên và quê quán.

Bài thơ đã gieo vào tâm trí mỗi người, lịch sử đã ghi nhận và “Tổ quốc không đánh mất tên Anh/ Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng”. Lịch sử mãi mãi khắc ghi công lao các Anh hùng liệt sĩ. Đó là đạo lý sống của người dân Việt Nam. Còn đối với nhà báo Văn Hiền, hơn 50 năm cầm bút, nay đã nghỉ hưu nhưng không lúc nào ông không đau đáu về hình ảnh hy sinh của các đồng đội, đồng nghiệp nằm lại nơi chiến trường. Nay, tuổi đã cao, sức yếu nhưng nhà báo Văn Hiền vẫn không ngừng viết, không ngừng tìm lại những nhân chứng lịch sử, những nhà báo, chiến sĩ đã hy sinh và không ngừng tìm kiếm các di ảnh của các nhà báo liệt sỹ mang về thờ tại chùa Âu Lạc.

Đau đáu với nhà báo liệt sỹ

Sau khi viết xong bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh”, nhà báo Trần Văn Hiền, tự nhiên nhớ day dứt hai người bạn học của ông tại khóa II đại học báo chí đó là nhà báo Bùi Nguyên Khiết, công tác tại Hoàng Liên Sơn, hy sinh năm 1979 tại Lạng sơn và nhà báo Vũ Hiến, báo Quân Chủng Hải quân, hy sinh ở Công Phom Xom, Campuchia, năm 1979. Từ đây, ông quyết tâm đi tìm để viết về các nhà báo liệt sỹ trên cả nước. Mỗi liệt sỹ là mỗi câu chuyện hết sức xúc động, nhà báo Văn Hiền đã xác minh và vẽ lại gần như đầy đủ, trọn vẹn chân dung về các anh hùng liệt sy nhà báo can trường, anh dũng trong những trận chiến khốc liệt với kẻ thù. Nhà báo Vũ Hiến quê Hải Phòng, hi sinh năm 1979 tại chiến trường Campuchia. Ngày 3/1/1979, Hải quân Vùng 5 nổ súng tấn công quân Pôn Pốt toàn mặt trận Tây Nam, sau khi giải phóng được cảng Kép, cảng Công Xông Phom, các cánh quân ào ạt bao vây ngã ba Va Lung – cửa ngõ dẫn vào Thủ đô Phnom Penh. Tại đây, địch tổ chức các điểm phòng ngự, chống trả quyết liệt, thời khắc đó nhà báo Vũ Hiến tham gia chiến đấu, đưa tin trên tháp pháo xe tăng của Trung đoàn 812, Sư đoàn 8. Trong trận chiến khốc liệt ấy nhà báo Vũ Hiến đã anh dũng hi sinh khi chiếc máy ảnh và họng súng vẫn hướng về kẻ thù. Đến nay gia đình, đồng đội vẫn chưa tìm thấy hài cốt liệt sĩ nhà báo Vũ Hiến.

Hay nhà báo Phạm Thị Ngọc Huệ, phóng viên báo Trường Sơn đã hi sinh trên đường đi công tác tại Lào. Sau bao nhiêu năm tìm kiếm, chỉ tìm được lọ penicilin đựng mảnh giấy đã ngả màu ghi tên Phạm Thị Ngọc Huệ, báo Trường Sơn. Rồi nhà báo Dương Thị Xuân Quý, vượt Trường Sơn vào Khu 5 gian nan, ác liệt, di vật còn lại duy nhất của chị là chiếc cặp tóc tìm thấy nơi chị nằm lại ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nhà báo Lê Đoan hy sinh ở Mỹ Tho sau trận bom rải thảm, sau ngày giải phóng, người thân và đồng đội không tìm thấy hài cốt chị, dưới lớp đất mùn đen chỉ tìm thấy mảnh áo len màu tím Huế mà chị mang theo vào Nam từ năm 1966 khi rời Hà Nội…

Và hàng trăm chiến sĩ, liệt sỹ nhà báo là những người con kiên trung, gan dạ của dân tộc trong các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước đã được nhà báo Văn Hiền vẽ lại chân thực, trọn vẹn về sự quả cảm, anh dũng, kiên cường bất khuất trên cả chiến tuyến thông tin cũng như chiến đấu với kẻ thù. Các anh, các chị đã băng qua những trận địa khốc liệt, kịp thời đưa tin thắng trận, chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta, kịp thời cổ vũ sức mạnh chiến đấu, làm lung lay tinh thần, ý chí chống giặc ngoại xâm, góp phần vào những chiến thắng vẻ vang.

Những kỷ vật của các nhà báo liệt sỹ được nhà báo Trần Văn Hiền sưu tầm về thờ tại chùa Âu Lạc
Những kỷ vật của các nhà báo liệt sỹ được nhà báo Trần Văn Hiền sưu tầm về thờ tại chùa Âu Lạc

Trong 15 năm, kiên trì, rong ruổi khắp nơi, tìm kiếm tư liệu để viết về các nhà báo liệt sỹ. Nhà báo Trần Văn Hiền, đã chứng kiến biết bao nỗi đau thương mà không ai tưởng tượng được. Ông đã khóc rất nhiều khi chứng kiến cảnh đau thương của các thân nhân liệt sỹ nhà báo. “Năm 1995, vào Đông Hà, Quảng Trị, tìm thăm thân nhân nhà báo Dương Phước An, phóng viên điện ảnh quân giải phóng, hy sinh năm 1970 tại Hậu Giang. Một cảnh tượng hết sức đau đớn là trên bàn thờ anh An, còn có hai di ảnh của hai con trai anh. Hỏi ra mới biết hai con anh chết do bom Mỹ sót lại sau chiến tranh. Đau đớn quá, chị Muội, vợ anh, từng học Đại học Vinh với anh đã bị điên. Bàn thờ nguội lạnh không ai hương khói. Tôi không cầm được nước mắt…”. Sau chuyến đi đó là chuyến đi An Giang, thăm thân nhân hai nhà báo là anh em ruột Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn, đều ở Thông tấn xã Việt Nam, hy sinh tại chiến trường Đông Nam Bộ. Bà Tám Nghiệp, mẹ của hai liệt sỹ cũng bệnh tật rồi chết, không ai thờ cúng. Rồi nhà báo Phạm Hồ, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh, Báo Quân khu V. Cưới vợ được 3 ngày là đi vào Quảng Nam, cũng hy sinh, vợ đi bước nữa cũng không có ai thờ phụng. “Khi về thăm thân nhân liệt sỹ nhà báo Lê Văn Luyện, ở Nghi Lộc, Nghệ An, Thông tấn xã Khu V, hy sinh năm 1970 tại Quảng Nam, thấy bàn thờ nguội lạnh, hỏi ra mới biết, anh có 3 người con 2 trai 1 gái. Con trai đầu tốt nghiệp đại học, xin vào Quảng Nam dạy học để tìm hài cốt cha. Chưa tìm được thì nhiễm chất độc màu da cam phát tác, rồi chết. Con gái thứ 2 đi lấy chồng, con trai út cũng nhiễm chất độc màu da cam mù mắt. Vợ anh thì chết lâu rồi, không có ai thờ phụng”.

Chứng kiến quá nhiều trường hợp đau đớn, từ năm 1995, cho đến mãi sau này, khi nghỉ hưu ở Báo Nghệ An, chuyển qua làm Trưởng đại diện của tạp chí Người Làm Báo, trong phòng làm việc của ông Hiền, luôn có một bàn thờ nhỏ, để thờ các liệt sỹ nhà báo. Rất may mắn mới đây, chùa Âu Lạc, ở xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, được phục dựng. Năm 2020, ông Hiền đặt vấn đề với các cơ quan liên quan. Ông lại có một chuyến đi khắp Nam cùng Bắc, thu thập tư liệu, phối hợp với Giáo hội Phật giáo Nghệ An, xin rước các nhà báo liệt sỹ về chùa Âu Lạc thờ phụng. Hiện nay, tại chùa Âu Lạc đang hương khói thờ phụng 511 anh linh các liệt sỹ nhà báo.

Nhà báo Văn Hiền ngày ngày vẫn đến chùa thắp hương thờ phụng các nhà báo liệt sỹ
Nhà báo Văn Hiền ngày ngày vẫn đến chùa thắp hương thờ phụng các nhà báo liệt sỹ

Nhà báo Trần Văn Hiền, giờ đây đã ngoài 70 tuổi, mắt đã mờ, chân đã run nhưng ngày ngày ông vẫn thả bộ đến chùa Âu Lạc, để thắp hương thờ phụng anh linh các liệt sỹ nhà báo, là những người đi trước, những đồng đội của ông. “Được như thế này cũng là điều may mắn lắm. Nỗi day dứt, đau đớn cũng phần nào được an ủi. Giờ chỉ mong sao, các cơ quan nói chung và cơ quan báo chí, quan tâm, có chế độ gì cho các thân nhân liệt sỹ nhà báo quá khó khăn, bi đát là tôi thỏa lòng lắm rồi”.

Với dáng hình gầy gò, một khuôn mặt khắc khổ, nhưng trong ông có một trái tim vĩ đại, một tâm hồn trong sáng và một tình yêu bao la về số phận con người và về đồng chí, đồng đội. Cả cuộc đời ông dành trọn trái tim mình cho các liệt sỹ và nhà báo liệt sỹ.

Anh trở về không tên không tuổi

Trắng hàng bia

Những ngôi sao không nói

Rưng rưng cỏ mọc dưới chân.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh

Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác

Tổ quốc không mất tên Anh

Chỉ lặng thầm nhận về mình

nỗi đau xanh cùng năm tháng.

Những vần thơ chắt ra từ máu đỏ, như một nén tâm hương mà nhà thơ, nhà báo Văn Hiền dâng lên anh linh các anh hùng liệt sỹ nói chung và các nhà báo liệt sỹ nói riêng.

Chuyện ít biết về liệt sỹ thân sinh đại tướng Võ Nguyên Giáp Hành trình làm liệt sỹ Chuyện kể về người liệt sỹ Chuyện về một người vợ liệt sỹ Ra mắt ngân hàng gene: Dấu mốc mới trong hành trình trả lại tên cho liệt sỹ
Nguồn Tạp chí Sông Lam.vn
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.