Chuyên đề

Chuyện kể về người liệt sỹ

Đặng Văn Toàn
Văn học địa phương
19:30 | 22/07/2024
“Cô Lảnh cô để mẹ trong cơ quan, mẹ ở với cô, không cho mẹ về. Nhà bác Kim những ngày tới chuyển hài cốt của thằng Niên từ bên Cam-pu-chia về quê.
aa

“Cô Lảnh cô để mẹ trong cơ quan, mẹ ở với cô, không cho mẹ về. Nhà bác Kim những ngày tới chuyển hài cốt của thằng Niên từ bên Cam-pu-chia về quê. Mẹ về, mẹ biết chuyện mẹ nghe nhiều, mẹ kêu, mẹ khóc, sốt ruột lắm".

Mỗi lần ở quê, có chuyện trong gia đình, có con em hy sinh ở các chiến trường, họ bốc chuyển hài cốt của chồng con về, là mẹ tôi lại thở dài, lại khóc, lại kêu. Rồi chép miệng, trách móc, mẹ bảo.

- Chả biết thằng dại nhà mình nằm ở đâu?

Phần tôi, mỗi lần có chuyện như vậy, mỗi lần Tết Nguyên đán đến, nghĩ đến Tiến tôi cũng buốt ở con tim.

Mẹ tôi lại bảo:

- Người ta tìm được phần mồ, phần mả!

Câu nói của mẹ hay lời kêu gọi từ trái tim, hay lời nhắc nhở, trách móc xa gần làm tôi thêm ái ngại.

1

Làng tôi ở miền trung du. Kháng chiến chống Pháp ở giáp ranh với địch. Là vành đai chắn giữa ta và địch. Bên kia sông Đà là bốt Trung Hà, bên này là bốt Hạ Nông. Chúng càn quét, đốt phá làng tôi không biết bao nhiêu lần. Theo chỉ lệnh của cấp trên, dân làng phải thực hiện vườn không, nhà trống, bám trụ để làm chỗ dựa cho cách mạng. Tất cả mọi gia đình trong xã phải cất tạm nhà bằng rơm, cỏ ở tạm, nhà tôi cũng như mọi gia đình ở trong làng không làm ở đất cũ giữa xóm, mà làm ở rìa làng cách xóm, rất tiện cho việc giao dịch của những người hoạt động cách mạng.

Cũng như các gia đình trong làng, cuộc sống rất nghèo túng, gạo ăn không đáng kể, toàn sắn, khoai. Thức ăn bằng ngọn lá sắn ngâm làm dưa kho với cá mài mại mà cha tôi kiếm được. Cha tôi là đảng viên, có danh sách sổ đen của địch. Địch chỉ cần bắt được mấy người cộng sản trong xã là xóa sổ đội du kích làng tôi. Chúng dựng lên quản xã, cả làng phải về tế dưới sự kiểm soát của chúng. Có nhà, cha tôi không dám ngủ, tối nào cũng ngủ những nơi kín, có người canh gác. Một buổi sáng mùa đông giá rét, sương muối giăng mù mịt thôn xóm. Hàng loạt súng nổ liên hồi của giặc ở đầu làng. Thì cha tôi hớt hải ở đâu chạy về. Thấy vậy mẹ tôi kêu lên: Anh không nghe thấy gì à? Chạy ngay đi không chết cả nhà. Cha tôi như chạy quá sức, người mệt, như còn việc gì mà ông còn lưỡng lự, ông ngồi vào bếp lửa đang cháy rừng rực, mẹ tôi luộc nồi củ muống cho gia đình ăn sáng. Ông với điếu cày, bình tĩnh hút điếu thuốc lào cha tôi rít thuốc, tiếng điếu cày lọc sọc, lọc sọc vang lên. Tiếng giầy đinh của địch lộp cộp, lộp cộp ngay đầu nha. Bỏ điếu là cha tôi chạy. Địch ập vào nhà, chúng thét: "Thằng Cộng sản vào đây, chúng mày giấu nó đâu?. Mẹ tôi chưa kịp nói thì chúng đã nhìn thấy bố tôi đang chạy. Chúng dồn theo, xả súng bắn và thét: Đứng lại, đứng lại. Do đường bùn đất khó đi, do đường lạ chúng chạy chậm, cha tôi chạy nhanh hơn, rồi ông ùa lội xuống đầm nước, đội bèo tây giấu người. Sau này cha tôi bảo. Vì có chỉ điểm, địch vây nhà của đồng chí ta, chúng đến muộn, chúng đến thì vừa tang tảng sáng, cũng là lúc ngủ dậy.

Cha tôi dậy trước. Thấy chúng đông quá, cha tôi kéo nhử chúng về phía mình để đồng đội thoát.

Tiến sinh năm 1952, năm đỉnh cao của cuộc trường kỳ kháng chiến, bữa ăn, bữa chạy giặc, bữa nằm hầm tránh đại bác. Nghe tiếng đại bác gầm rú, người phát rợn lên, làng xóm tiêu điều, tàn lụi, chỉ thấy mùi khét của thuốc súng, màu vàng của lá cây, vì những mảng lửa của pháo bắn. May còn có anh du kích liên tục đi dưới làn mưa đạn. Đến từng hầm trú ẩn của từng gia đình, thông báo tình hình thiệt hại do đại bác địch bắn vào làng, hướng rút lui của ta.

Tiến rất chóng lớn, được hơn tuổi trở đi, cho mãi đến khi lớn biết rồi. Không hiểu mẹ tôi, không đủ sữa cho con bú, lượng ăn hàng ngày không đủ để cơ thể nó phát triển hay sao. Mỗi đêm mẹ tôi để sẵn ở đầu giường hai củ sắn luộc. Nửa đêm nó dậy ăn hết hai củ sắn, lại nằm ngủ. Vì vậy, Tiến còn có tên là Tiến củ.

Những ngày chạy giặc cha tôi ở nhà chiến đấu, mẹ con tôi bồng bế nhau chạy, chị gái tôi mười tuổi, cõng cô Uyên ba tuổi. Tôi dắt bò, mẹ tôi gánh bên quần áo và gạo, một bên Tiến. Có lần trời mưa trơn như đổ mỡ, đi ven sườn đồi, ngón chân phải chí xuống đất, mẹ ngã hất quang gánh ra ngoài. Tiến và đồ đạc lăn mấy vòng, may có bờ gianh dệ đồi không thì xuống dốc. Tiến khóc thét lên, mẹ ôm Tiến vào lòng nựng; Mẹ thương!

Mẹ thương!”. Mẹ đặt Tiến vào thùng lại đi. Có lần lội qua suối, nước suối quá sâu, mẹ kiễng chân, kiễng mãi cho Tiến và đồ đạc khỏi ướt. Giữa dòng suối, chân bà va vào hòn đá, do mỏi chân, do va vào đá không gượng nổi, chân bà khuỵu xuống. Cả hai bên quang gánh lại cất lên. Bà sợ Tiến uống nước, hở lên Tiến ngáp, ngáp cười gọi "Bầm, bầm!";.

Chuyện kể về người liệt sỹ

2

Tiến bày trò chơi táo bạo, độ năm sáu tuổi, chơi làm cầu với Niên cùng Chật. Hai thằng mang dao cùn đào đường, lót cây, lá chuối làm cầu để đánh ô tô địch. Cầu vừa làm xong, sắp cho ô tô địch vượt cầu, thì Niên chạm vào lá chuối, lá chuối mỏng làm sập cầu. Tiến bực quá, sẵn dao chém Niên một phát vào mặt, may dao cùn, chỉ đứt da ở đuôi mắt, vết chém ở đuôi mắt Niên không lành được, gọi là Niên thẹo. Niên thẹo đi bộ đội, khi hy sinh, chính nhờ vết thẹo ở đuôi mắt đồng đội nhận ra Niên ngay, khi Niên chiến đấu ráp lá cà có cả xác địch, xác ta.

Tiến học rất thông minh, có nhiều quân bảo vệ. Trong nhóm học, mỗi tháng góp năm xu cho Thư ba loa mua mực, gọi là Thư ba loa vì ăn hết ba bát loa cơm. Hôm làm bài tập toán, Thư ba loa không làm được, hỏi Tiến. Tiến không trả lời và không cho ngó bài, hết mực Tiến xin ngòi Thư ba loa không cho. Vì hết tháng ba ngày, nhóm chưa góp tiền. Thư ba loa vẫn có mực để viết. Tiến cho luôn quả đấm. Thằng Thư ba loa sưng chếu môi, nó khóc tru tréo, Tiến bị kỷ luật.

Tiến vẽ rất giỏi, nó chưa được về Hà Nội, Tiến nhìn những bức tranh cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn hay chùa Một Cột là nó vẽ, vẽ xong dán lên nhà, nhiều người cứ tưởng tranh của các họa sỹ.

Những năm học cuối cấp III, Tiến được nhà trường gọi lên trang trí, viết học bạ.

Những ngày nghỉ học, Tiến giúp việc gia đình, nhìn qua là Tiến làm được. Vụ chiêm ra đồng gặt, nó thấy những con xít kêu gọi nhau: xít, xít! Nó rình xít bay lên, sà xuống, xít lánh đi trong ruộng lúa, nó tìm ra mồi, con xít thu người lại, tuồn người vào ổ, cỏ và lúa lướt theo, quan sát tinh tế mới biết, nằm thu gọn người trong ổ trứng. Tiến nằm áp người xuống cỏ và lá lúa bò. Trời nắng như đổ lửa, mọi người đi gặt về hết, kẻng hợp tác đánh hết giờ lao động từ lâu. Tôi sợ Tiến gánh nặng rát vai, mệt nhọc chỗ nào. Tôi ra đồng gọi chú Tiến ơi! về thôi. Mặc cho nắng rát, mồ hôi quễ quãi lại nhặm rát cỏ lúa. Tiến đang bò để rình con xít trong ổ. Thấy tôi gọi động, con xít bay lên. Tiếc quá, em đang rình để vồ con xít trong ổ! Thôi về thôi! Tiến cởi trần, mồ hôi nhễ nhại, Tiến đưa tôi cái áo, hai tay lủng lẳng đầy trứng xít, còn Tiến ôm mũ lá đầy trứng xít. Quả trứng xít to như quả trứng gà so. Nhìn thấy trứng xít nhiều quá mức tưởng tượng. Tôi ngỡ ngàng vui mừng khôn nguôi. Thật là của trời đất, của thiên nhiên vô tận, vô cùng.

Về mùa nước cạn, Tiến vác cái nơm to ra đồng úp cá. Đồng nhiều cá quả, Tiến phát hiện ra cách đánh cá quả. Tiến và Hợi lùn - bạn Tiến đi cùng, Hợi lùn xách giỏ đi sau, Tiến đi trước cầm nơm. Vừa lôi vừa úp chọp, chọp, cá quả thấy động chạy rẽ nước như một mũi tên. Hợi lùn thấy cá chạy kêu úp! úp! Tiến cười, cái cười như một con nhà nghề, thành thục, chắc thắng. Tiến bảo "cứ để nó đấy";. Cá chạy một vòng thấy im, nó bò bò, tăm bắn lên, Tiến úp liền. Con cá quả lạch cạch trong nơm. Hợi lùn reo được rồi!. Cứ thế chỉ một lát là mang về một rổ đầy, một sợi dây thừng cá quả.

Năm ấy về mùa nước lụt, làng tôi bị lụt to lắm, nước ngập mênh mông bao quanh các xóm. Đi làm là phải đi thuyền. Ngày rằm tháng bảy. Đúng ra là nghỉ, nhưng còn ít ruộng phải cày cấy nốt cho kịp thời vụ. Cả đội sáu, bảy thuyền ra đồng, hầu hết là thuyền ba cắng, mỗi thuyền bốn năm người. Ông Phao đội trưởng, đưa bà con đi làm.

Trời sang thu, nắng trong xanh mặt nước. Tuy ở đồng nước, nhiều người biết bơi lội nhưng việc đề phòng bất trắc rất nghiêm ngặt. Ông Phao lái thuyền đi đầu, tất cả các thuyền đều bám rề làng. Khi vượt đồng nước lớn, nhanh chóng đến bờ bên kia. Các thuyền bắt đầu vượt khoảng rộng để ra đồng làm, nhìn mặt nước trong xanh, phẳng lặng, sâu hút. Các tay dầm đều mải miết bơi, như một điều gở báo trước. Thuyền ông Phao gần đến bờ thì có con rắn vào thuyền ông Phao. Ông Phao và mọi người đang lúng túng xử trí thì cơn bão xoáy ập đến. Bão mưa như nuốt chửng đoàn thuyền, nuốt chửng mấy chục xã viên vô tội. Trong cơn hoạn nạn, Tiến bảo mọi người trong thuyền nắm chặt cạp thuyền theo nhịp sóng. Lúc sóng nhâng người lên thì thở, lúc sóng dìm người xuống thì nín thở. Chốc lát sóng đưa thuyền Tiến vào bờ. Trong cơn hoạn nạn ấy, các thuyền khác không kịp xử lý. Chết đuối 5 người. Mọi người ở thuyền Tiến thoát chết. Cảm ơn Tiến như bố mẹ đẻ ra mình. Hợp tác xã gọi rằm tháng bảy ấy là rằm thiêng.

3

Các anh bộ đội về lấy quân nhiều lắm. Các đơn vị về lấy quân, đoàn trưởng ít củng phải là thiếu tá. Đơn vị lấy Tiến đi là anh bộ đội chuẩn úy, mặt non choẹt. Cả xã đi đợt này là 32 người. Chỉ xét lý lịch được có 4 người. Trong đó có Tiến. Lý lịch trong sạch 3 đời. Đơn vị Tiến đi là đơn vị đặc công, huấn luyện ở Xuân Mai - Hòa Bình.

Tiến to con, anh em trong đơn vị gọi Tiến như vậy. Tiến mặt tròn, da bánh mật, sức vạm vỡ, lại vạm vỡ hơn trong bộ quân phục ngoại cỡ. Đáng ra đơn vị huấn luyện 18 tháng. Do yêu cầu của chiến trường. Huấn luyện ở ngoài Bắc 9 tháng, còn vừa hành quân vừa huấn luyện.

Đơn vị hành quân vào Nam không như đơn vị nào. Đi đường riêng biệt, để vừa đi vừa tổng hợp cách đánh cả chiến trường. Rồi bổ sung phương án cho đơn vị. Thủ trưởng là ông Thị. Thiếu tá - Tiểu đoàn trưởng. Ông bé nhỏ, lúc nào cũng đeo kính gọng màu vàng, ba mươi tuổi chưa vợ. Người ta kể nhiều huyền thoại về ông Tiểu đoàn trưởng này lắm. Nghe nói ông này cùng Nguyễn Văn Trỗi đánh mìn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mắc-ma-ma-ra. Anh Trỗi bị bắt. Ông Thị bị lộ, phải nằm chuồng heo 3 tháng. Sau đó theo đường dây của ta ông ra Bắc. Khu vực Xuân Mai rất nhiều trường huấn luyện sơ tán. Cứ có đám đánh nhau nào là phải mời ông Thị đến giải tán. Ông nhanh như con sóc, bất kỳ cuộc xô sát nào nghe ông đến là giải tán ngay. Hình tượng của ông thủ trưởng làm cho lớp thanh niên náo nức tin tưởng vào thắng lợi nhất là những tân binh hiếu động như Tiến. Đơn vị hành quân theo đường từ miền Bắc, sang Lào, Cam-pu-chia, Hà Tiên đất mũi của Tổ quốc. Tiến to con, như con sóc của Đại đội. Tiến thường xuyên đi đầu hàng quân, nghe đồng đội nào yếu Tiến dừng lại vác đỡ ba lô, súng đạn của bạn. Đơn vị càng vào sâu, khó khăn càng nhiều, do thức đêm, do nằm ngoài trời, do nằm hầm nhiều, lại thiếu ăn.

Có lần hết ăn đến năm sáu ngày. Lấy lá rừng thay cơm. May gặp đồi củ mì. Tiến to con cùng mấy bạn khỏe đào về, luộc bón cho từng đồng chí yếu. Não thi sĩ, Não tóc quăn do quá đói, do kiệt sức, nuốt được những miếng củ mì vào ruột cũng là lúc trút hơi thở cuối cùng.

Vào đến B2. Ban chỉ huy công trường 7 gần đấy, có người nhà ở đó. Nhiều đồng đội bảo Tiến: "Vào gặp người nhà xin ở lại". Tiến không vào. Tiến động viên đồng đội"; Là người lính phải chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, dù có phải hi sinh".

Lúc nghỉ, Tiến viết thư gửi về quê. Tiến viết chỉ đọc được những chữ:

"Bố! Bầm! Anh chị kính mến! Các cháu thương nhớ!.

Một tờ giấy, nói đúng hơn là một đoạn giấy. Chẳng hiểu do thời gian hay do hết giấy, hay do hết thời gian nghỉ hành quân. Lá thư chỉ có vậy.

Đơn vị tập kết ở Hà Tiên, chỉ còn nửa quân số. Người hy sinh dọc đường, người bị thương, người ốm nằm lại ở các binh trại. Tiến to con vẫn khỏe. Chỉ có con người rắn chắc hơn lên, hai con mắt thâm quầng, da đen, xanh tái.

Đơn vị của Tiến được bổ sung về Sóc Trăng. Để giữ bí mật đơn vị đặc biệt có mặt ở miền Tây Nam Bộ. Đơn vị cắt thẳng đường Hà Tiên đến Sóc Trăng. Như vậy phải vượt qua rừng U Minh sình lầy, Đồng Tháp Mười mới đến Sóc Trăng. Sáu tháng trời, ngày lội nước với bao ni lông tự tạo. Đêm treo mình trong rừng đước, rừng tràm bằng cái võng nhà nghề, da người xanh nhạt đến mức kì lạ. Có lần đang lội ở rừng năn, máy bay trực thăng của địch bay sát, cánh quạt máy bay làm tốc hết cỏ cây. Tất cả mọi người phải dùng hết kỹ thuật binh chủng để tránh đụng chạm. Đến đơn vị được mấy tháng thì toàn dân, toàn quân mở chiến dịch tổng công kích, chiến dịch Nguyễn Huệ.

Mở màn chiến dịch. Tiến to con cùng ba đồng đội đánh ở thị xã. Việc thắng bại chưa phân ranh giới. Để nói lên lực lượng của ta có mặt ở khắp mọi nơi, có đơn vị đóng ngay thị xã, gây thanh thế và uy hiếp địch.

Trận đánh do Vương Tư Lệnh, đại đội trưởng chỉ huy. Đơn vị vẫn gọi Vương là Vương Tư Lệnh từ ngoài Bắc, vì anh có dáng vóc quân sự. Đánh vào thị xã, đánh ban ngày. Các anh chia làm bốn mũi. Các loạt súng bộ binh lẻ tẻ. Địch bắn lại rất quyết liệt. Các hỏa lực của địch đều được bồi quả B40, im bặt. Các chiến sĩ nhanh chóng vào được trong đồn. Hình như địch cũng dự tính được chiến thuật mới của đối phương. Chúng rút hết xuống hầm ngầm. Khi các mũi của ta vào trọn trong đồn. Từ nhiều phía, chúng tiến công ồ ạt. Các chiến sĩ đều chọn được điểm lợi thế của mình, ém người. Cuộc chiến như cả hai bên đều giành phần thắng trong tầm tay. Chúng lên đông chật bốt. Một tia lửa xanh ánh lên từ phía đại đội trưởng Vương. Bốn chiến sĩ đều bấm ngòi nổ đặc biệt của binh chủng giao cho. Một tiếng nổ to như quả bom lớn nổ, họ hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

*

* *

Hòa bình thống nhất đất nước. Mỗi ngày không biết có bao nhiêu chuyến tàu thống nhất Bắc Nam. Nhà tôi chưa ai một lần đến Sài Gòn. Hai đứa em gái tôi là giáo viên trung học cơ sở. Các cô nhiều tuổi rồi mà chưa lấy chồng. Tôi bảo: Các cô lấy chồng đi kẻo già. Các cô bảo: Bao giờ anh Tiến về thì mới lấy chồng. Giải phóng năm 1975. Cả gia đình tôi chờ Tiến. Chúng tôi thấy hình như Tiến đang về. Vỡ chợ Cầu người ta còn được cái kim. Nhà tôi theo cách mạng hết đời này sang đời kia. Tôi sinh được sáu đứa con. Tất cả đều học hết cấp ba. Con trai thì đi lính hết nghĩa vụ về, một lũ vô nghề vô nghiệp. Tôi và các con tôi, mọi thế hệ truyền cho mọi thế hệ. Bạn đọc xa gần biết phần mộ liệt sỹ:

... Đặng Văn Tiến - Sinh năm 1952.

Hy sinh ngày 7 tháng 04 năm 1972

Đơn vị K9 - Mặt trận phía Nam

Báo giùm cho tác giả, báo giùm cho gia đình run rủi, cay đắng. Để hương hồn người liệt sĩ về sưởi ấm gia đình.

Truyện ngắn của Đặng Văn Toàn

Chuyện ít biết về liệt sỹ thân sinh đại tướng Võ Nguyên Giáp Hành trình làm liệt sỹ Ra mắt bộ sưu tập tranh cổ động tuyên truyền 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ (27/7/1947 - 27/7/2022): Về miền ký ức Nghĩa trang sông - Thơ Nguyễn Xuân Lợi
Nguồn Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...