Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ những chuyến đi tặng sách cho trẻ em miền núi mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trực tiếp tham gia. Anh cho biết đây là những tác phẩm viết cho thiếu nhi do NXB Hội Nhà văn in trong “Dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu vùng xa” của Hội Nhà văn phát động. Tôi thật sự khâm phục khi biết anh đã đi phát sách tới 16 trường học tại địa phương trên vùng núi cao. Nhắc tới các cháu khuyết tật câm điếc trên Tây Nguyên anh rưng rưng cảm thấy ngôn ngữ mình bất lực. Đột nhiên anh cho biết mình sẽ viết câu chuyện Cậu bé bay trên nóc nhà để gửi tới các em.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ tranh |
1
Vậy là anh sẽ cùng Cậu bé bay trên nóc nhà với những câu chuyện kỳ thú của mình trong những đêm trăng. Một thế giới riêng của con trẻ mà chúng muốn có mặt và tự làm những đồ chơi của mình. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều luôn có ước vọng truyền cho con cháu mình trở về cội nguồn quê hương, với ông bà cha mẹ cùng mái đình cây đa. Những ký ức tuổi thơ anh luôn tràn về trong tâm hồn mỗi khi gặp khốn khó trong đường đời. Anh luôn ám ảnh với những giọt máu trên ngón tay của cha đã rơi khi làm đèn ông sao cho mình chơi rằm trung thu. Cũng từ đó khi có con và cháu anh luôn tự làm đèn hay vẽ mặt nạ cho chúng chơi. Thậm chí nhà thơ Nguyễn Quang Thiều còn kéo cả con dâu con rể vào cuộc viễn du cùng làm đèn với con trẻ trong đêm trăng. Anh tâm sự: “Làm đèn cho con cháu cũng là cách trở về với quá khứ, được sống với cha trên hiên nhà những chiều mùa Thu xa xưa dù đời sống đó chỉ như một giấc mộng ngắn hơn cả cái chớp nhưng thời gian dù thế nào cũng không thể tàn phá được”. Và anh có những câu thơ khắc khoải về những ký ức tuổi thơ: “Con yêu những chiếc kèn, những chiếc trống và những chiếc nhị kia thổn thức/ Tất cả cũng yêu con buồn bã, lo âu” (Âm nhạc). Anh luôn có những bài ca về cố hương như vậy.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiểu đã viết không ít tác phẩm cho trẻ em từ những ký ức và sự trở về đó. Đầu tiên phải kể đến các tập truyện ngắn thiếu nhi: Người cha (1997); Bí mật hồ cá thần (1997); Con quỷ gỗ (2000); và Bí mật ngọn núi bà già mù (2002). Ấy là chưa kể tới tập Thơ cho thiếu nhi (1998) mà anh đã viết trước đó. Và giờ đây tới 20 năm sau anh đã quay trở lại với Chuyện của anh em nhà Mem & Kya (2022) thân thương. Sự khác biệt cũng đã bắt đầu từ đây sau vài mươi năm cách quãng. Nếu ở thuở Bí mật hồ cá thần hay Con quỷ gỗ nhà văn Nguyễn Quang Thiều là người truyền đạt điều hay lẽ phải được hòa nhập trong những câu chuyện hấp dẫn và ly kỳ của những thân phận bị bỏ rơi hay bị săn đuổi bởi sự tham lam và tuyệt vọng của con người; thì với Chuyện của anh em nhà Mem & Kya nhà văn lại chuyển động sang một thế giới gần với hiện thực đời hơn, giản dị hơn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tặng sách cho học sinh miền núi |
Nhà văn đã đi từ chuỗi hành động diệu kỳ đầy phiêu linh thậm chí tràn ngập hiểm nguy để khám phá ra chân lý cuộc sống trong nghệ thuật kể chuyện Con quỷ gỗ hay Bí mật hồ cá thần hoặc Bí mật ngọn núi bà già mù. Nhưng tới những câu chuyện của Chuyện của anh em nhà Mem & Kya Nguyễn Quang Thiều trở thành người thư ký cho người kể chuyện chính là các cháu của mình. Mem là tên thân mật gọi ở nhà của cháu nội anh - Nguyễn Quang Diệu; Còn Kya là tên viết tắt của cháu ngoại - Kya Mai Ramirez (ở Mỹ). Nhà thơ đã tâm sự rằng, chúng đã có những tâm cảm và thế giới của riêng mình cùng sự tồn tại khách quan theo thời gian. Khi đó anh chỉ khơi gợi và ghi chép lại những điều trẻ con kể ra. Đó là những câu chuyện cổ tích hay những biến động trong đời sống khác biệt mà chỉ trẻ em mới có. Chúng có cách nhận biết về linh hồn của đồ vật. Vì thế những đồ chơi của chúng luôn được hình dung qua câu chuyện của mỗi ngày, mỗi đêm và mỗi khi buồn vui.
2
Tôi thực sự thú vị khi nghe anh tự khám phá điều không mấy ai để ý. Anh kể, từ khi có cháu ngôi nhà biến thành thế giới của những đồ chơi. Thậm chí anh cũng trở thành đồ chơi đặc biệt của cháu. Và nhà thơ đã viết: “Siêu nhân, tàu hỏa, khủng long/ Những đồ chơi của cháu không bao giờ có tuổi/ Chỉ có một đồ chơi của cháu/ Mỗi ngày một già/ Và thi thoảng tỉnh giấc/ Nằm nhớ chủ nhân của mình/ Đang ngủ ở tầng trên” (Đồ chơi của cháu nội - 2022). Nhưng khi bàn đến chuyện làm thơ cho thiếu nhi thì anh nhún vai lắc đầu tỏ ra bó tay. Nguyễn Quang Thiều bất ngờ nói mình không có tài làm thơ cho trẻ em. Cho dù anh đã từng làm thơ thiếu nhi và xuất bản hẳn một tập Thơ cho thiếu nhi (1998). Vậy mà giờ đây anh tỏ ra bất lực với đối tượng “siêu nhân” này. Thậm chí anh còn nói vui rằng nếu có nhà tài trợ nào nuôi mình suốt đời để làm thơ thiếu nhi cũng đành từ chối. Và anh kết luận làm thơ thiếu nhi khó lắm. Tôi bật cười và không tin điều đó bởi thế giới trẻ thơ của chính cuộc đời anh luôn trở về mọi nơi mọi lúc.
Hơn nữa nhiều bài thơ trong hơn chục tập thơ đã xuất bản của Nguyễn Quang Thiều những cội nguồn trẻ thơ trong anh luôn hiện hữu. Chúng xuất hiện bất ngờ và gây nhiều hứng thú đối với bạn đọc. Không ít những bài thơ đó đã gây ấn tượng với tôi qua những câu thơ độc đáo trỗi dậy trong ký ức anh. Đầu tiên phải nói đến những bài thơ Nguyễn Quang Thiều viết cho tuổi thơ của chính mình. Còn đó những hình ảnh xa xưa trong hồi ức: “Đống lá bưởi khô mười năm chưa cháy hết/ Mười năm dụi vào ký ức tuổi thơ” (Mười một khúc cảm). Một thế giới trẻ thơ luôn hiện hữu như những khúc xạ ánh sáng hồn nhiên: “Ta lẫn vào những đàn cá lưu lạc/ Vừa bơi vừa ngân lên khúc hát gọi bầy/ Cho đến khi ta nằm xuống như một đứa trẻ/ Trong mộng mị xa xăm giấc ngủ chiều” (Xô-nát hoàng hôn trên biển). Có thể nói thơ Nguyễn Quang Thiều đã luôn tựa vào thế giới tuổi thơ của mình cùng những ký ức thẳm sâu về quê hương mà tìm ra sự khác biệt. Nếu không có sự tưởng tượng bất tuyệt của trẻ thơ thì Nguyễn Quang Thiều không thể viết: “Cỗ xe tang trôi mãi vào cơn mê/ Những con rồng gỗ vảy vàng bay lên trong tiếng kèn, tiếng trống/ Con nhón gót, cỏ may biền biệt trắng/ Có ai khẽ khàng bế mãi con lên” (Âm nhạc). Và đâu đó nỗi day dứt về cố hương của Nguyễn Quang Thiều luôn ám ảnh tôi bởi những ký ức thông qua hình ảnh không thể lunh linh hơn với sự tưởng tượng của tuổi thơ. Rằng: “Kiếp này tôi là người/ Kiếp sau phải là vật/ Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn-báu vật cố hương tôi” (Bài hát về cố hương).
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng những chiếc đèn Trung thu tự làm cho cháu |
Lại có lúc Nguyễn Quang Thiều vẽ lên hình ảnh thân thương: “Cha mở đời cha như một tấm lót/ Bọc lấy con và bế con lên” (Con gái ơi). Ấy là khi anh viết về con cũng luôn gửi gắm những tâm cảm và ký ức tuổi thơ của mình. Sự đồng hiện trẻ thơ ấy cũng làm nên sức nặng trong mỗi câu thơ của Nguyễn Quang Thiều. Nếu trong bài “Thời gian” thơ tưởng như chỉ miêu tả hai cha con “Trò chuyện với nhau bằng những cơn ho” khi cùng bị ốm. Nhưng đã có một thế giới trẻ thơ ngự trị trong ký ức nên anh đã viết trong sự tưởng tượng bay bổng: “Xa hơn nữa…một mùa thu thắm đỏ/ Con rắn nâu bò qua vườn trên lớp lá vàng cong/ Xa hơn nữa…tôi khóc cùng mùa hạ/ Khi ấy có một tôi đâu đó quanh vườn”. Rồi hơn nữa nhà thơ còn kéo các con vào cuộc chơi hồi trẻ thơ của mình bên sông Đáy. Anh viết cho các con biết, đó là: “Nơi con bống vàng quẫy đuôi/ Ơi con bống nửa đời cha nín đợi/ Nơi con bống đen lùa vây khỏi ổ/ Con bống suốt đời cha dứt tóc ngóng trông” (Con bống đen đẻ trứng). Chính vì vậy thế giới hình ảnh của thơ Nguyễn Quang Thiều luôn được bày tỏ: “Tôi tìm đến ký ức tôi nằm lại/ Hóa vỏ ốc mòn ngậm cát gọi u…oa”.
3
Cũng vì sự đồng cảm với thế giới hình ảnh trẻ thơ của Nguyễn Quang Thiều mà tôi càng hy vọng vào những câu chuyện mà anh sẽ viết ra. Đặc biệt nhà thơ còn có những thú chơi không giống ai. Ngoài những cây sáo hay kèn đã gắn bó với thời binh nghiệp của anh bên ngành an ninh cho đến nay, Nguyễn Quang Thiều còn sưu tầm những giá nến. Hiện anh có tới hơn 500 giá nến đủ chủng loại về chất liệu và tạo hình được sưu tập khắp nơi trên thế giới và trong nước. Anh bày tỏ hy vọng sau câu chuyện Cậu bé bay trên nóc nhà sẽ bắt tay vào dự án Chuyện từ những giá nến. Nguyễn Quang Thiều say sưa với mỗi câu chuyện về chủ nhân của những giá nến sẽ trở về với anh đêm đêm để kể về thân phận mình. Tôi cũng nổi cơn hứng như anh với những ánh sáng diệu kỳ từ những Cây ánh sáng” (tên một trường ca của Nguyễn Quang Thiều). Từ thế giới lung linh của những chiếc đén kéo quân, ông sao và ông sư luôn bừng dậy những ký ức tuổi thơ; Giờ đây đến sắc màu về cuộc đời trôi nổi, truân chuyên của những chủ nhân giá nến cũng sẽ lấp lánh cổ tích huyền ảo.
Chính trong Cây ánh sáng của Nguyễn Quang Thiều là một câu chuyện về một hành trình đi tìm mình. Con người luôn sám hối trước ánh sáng mỗi ban mai để vượt lên mọi nỗi đau khổ hạnh và bứt thoát khỏi bóng đêm tù ngục tự giam hãm mình. Và tôi mê Cây ánh sáng ấy cùng Dưới trăng và một bậc cửa với những câu thơ ẩn giấu tuổi thơ mê muội của Nguyễn Quang Thiều: “Và ôi, con dế mèn lãng du/ Mày vì đồng loại mày trong đêm mê dại này mà đứng vuốt râu/ Chiếc đàn hình lá cỏ/ Bài ca xanh ngập ngụa lối mòn” (Dưới trăng và một bậc cửa). Và tôi cũng mơ một ngày nào đó Nguyễn Quang Thiều sẽ ôm chồng sách Chuyện từ những giá nến trở lại Tây Nguyên trao tặng cho những trẻ em câm điếc ngày đó. Anh không nói gì cả chỉ mỉm cười đi xuống và không cảm thấy ngôn ngữ mình bất lực. Bởi những câu chuyện của giá nến sẽ tỏa sáng tràn ngập những ước mơ bay bổng trong thế giới trẻ thơ; Nơi mà trái tim nhà văn đã dâng hiến đến tận cùng cho cuộc đời.
Vương Tâm
Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024