1.
Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, cầu Hiền Lương bắc ngang qua dòng sông Bến Hải (Quảng Trị) - đã bị phân chia thành hai nửa. Đó cũng là ranh giới tạm thời chia cắt đất nước ta thành hai vùng tập trung quân sự.
Từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc, Đảng Cộng sản lãnh đạo miền Bắc đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội; từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, dưới sự bảo trợ của Mỹ, một chính quyền mới được hình thành: chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Xuyên suốt hai mươi năm đất nước bị chia cắt, nhân dân hai miền Nam - Bắc không tránh khỏi niềm thương nhớ khôn nguôi. Đặc biệt, sự kéo dài của cuộc chiến tranh, sự xáo trộn về dân cư, sự pha trộn văn hóa vùng miền và sự can thiệp sâu sắc của người Mỹ tại miền Nam nước ta đã gây ra những thay đổi lớn trong đời sống con người.
Được hình thành trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, văn học đô thị miền Nam (văn học vùng tạm chiếm miền Nam) tồn tại song song cùng văn học giải phóng miền Nam và văn học xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Bộ phận văn học này lại tiếp tục phân cành, rẽ nhánh thành nhiều dòng khác như: văn học yêu nước, tiến bộ; văn học thoát ly, hưởng thụ; văn học đồi trụy; văn học chống đối cách mạng… Trong đó, văn học yêu nước, tiến bộ ở vùng đô thị miền Nam được quan tâm hơn hết, được tổng hợp lại bởi nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá qua công trình tâm huyết: Nhìn lại một chặng đường văn học. Nhà nghiên cứu Cao Huy Khanh đã phân chia các tác giả văn xuôi đô thị miền Nam ra thành những nhóm bút như: Nhóm Người Việt gồm Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ…; Nhóm Quan điểm gồm Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ…; Nhóm Văn hóa ngày nay gồm Nhất Linh, Nguyễn Thị Vinh…; Nhóm Nhân loại gồm Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy, Sơn Nam…; Nhóm Bách Khoa gồm Võ Phiến, Vũ Hạnh, Võ Hồng, Phan Du…; Nhóm Đất nước, Đối diện, Trình bầy gồm Võ Trường Chinh, Trần Duy Phiên, Nguyễn Ngọc Sơn… Dần về sau, những tác phẩm văn học thuộc các dòng như chống đối cách mạng, đồi trụy, khiêu dâm đã bị đào thải khỏi đời sống văn chương hoặc bị “xích xiềng” bởi tư tưởng lệch lạc. Văn học yêu nước, tiến bộ và văn học thoát ly, hưởng thụ (không có tính chất chống đối cách mạng hoặc xuyên tạc văn hóa tốt đẹp của dân tộc) được công nhận trở lại.
Khởi đầu cho thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI là sự trở lại của văn học đô thị miền Nam. Hành trình này được đánh dấu bằng sự “tìm về” và nhìn nhận lại giá trị của một số tác phẩm hoặc gương mặt tác giả giai đoạn 1954-1975. Theo nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn, “sự tái xuất của một số hiện tượng văn học đô thị miền Nam 1954-1975 cũng trao cho chúng ta nhiều hy vọng, nhất là hy vọng về sự hiện hữu trọn vẹn, đáng tin của một nền văn học dân tộc đúng nghĩa”. Có thể nói, ngay bây giờ, văn học đô thị miền Nam đã có những tín hiệu quay trở lại mạnh mẽ và đầy triển vọng. Các nhà nghiên cứu văn chương đã thực hiện một cuộc “lội ngược dòng” về quá khứ lục tìm và đánh giá lại những sáng tác một thời đã chịu đựng búa rìu dư luận, bị hiểu sai, thậm chí bị một bộ phận độc giả gắn lên đó ba tiếng: “rác văn chương”. Công cuộc “tìm về”, sưu tầm, “minh oan” còn gặp không ít những khó khăn, nhưng bước đầu đã đạt được thành tựu đáng kể. Sáng ngày 19/4/2021, tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, buổi tọa đàm khoa học với chủ đề: “Sự trở lại của văn học đô thị miền Nam: Trường hợp Nguyễn Thị Hoàng” đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn, giới báo chí trong nước. Nguyễn Thị Hoàng là cái tên không quá xa lạ nổi lên trong giai đoạn 1954-1975. Sự xuất hiện của bà ở giai đoạn này như một làn sóng lớn làm xáo động cả vùng biển văn chương miền Nam, với tác phẩm đầu tay được đăng dưới dạng nhiều kỳ trên Tạp chí Bách Khoa: Vòng tay học trò (ký bút danh Hoàng Đông Phương). Năm 1966, tiểu thuyết Vòng tay học trò được in thành sách và phổ biến rộng khắp miền Nam Việt Nam, vừa được công chúng ủng hộ nồng nhiệt, vừa gây ra những tranh cãi không ngớt. Sau một thời gian vắng bóng nhường chỗ cho những sáng tác của các tác giả thế hệ sau này, tưởng rằng Vòng tay học trò (và 4 tiểu thuyết khác của Nguyễn Thị Hoàng sẽ vĩnh viễn nằm lại trong quá khứ. Nhưng không, năm 2021, tác phẩm này lại tái xuất một lần nữa, trong một diện mạo mới và tâm thế đón nhận của độc giả cũng hoàn toàn mới. Mối tình của cô giáo Trâm và cậu học trò tên Minh, những trỗi dậy mạnh mẽ phần bản năng, khát vọng của một người đàn bà, thậm chí là khát khao tính dục đã trở thành bình thường trong một xã hội hiện đại. Nói không ngoa, đây chính là “phát súng” có sức vang dội để các nhà nghiên cứu tiếp tục lục tìm và định vị lại giá trị của văn học đô thị miền Nam trong bức tranh tổng thể của văn học Việt Nam hiện đại.
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Tại sao có những tác phẩm hàng trăm năm vẫn được tái bản, phổ biến rộng rãi trong đời sống văn chương nước nhà, trong khi những tác phẩm văn học đô thị miền Nam (đặc biệt là văn học yêu nước, tiến bộ) ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ lại vắng bóng trên văn đàn như thế? Nhạy cảm, động chạm đến vấn đề chính trị, bị hiểu sai lệch, tránh khơi dậy một giai đoạn thương đau trong lịch sử dân tộc… chính là những cách lý giải chưa thực sự thuyết phục nhưng phần nào cũng xoa địu dược dư luận. Tìm trên kệ sách những tác giả đã từng góp mặt hình thành nên diện mạo của văn học đô thị miền Nam 1954-1975, chúng ta còn tìm thấy ai được ngoài những cái tên như Sơn Nam (Hương rừng Cà Mau và các truyện khác, Vạch một chân trời & Chim quyên xuống đất, Bà Chúa Hòn…), Bình Nguyên Lộc (Hương quê, Mưa thu nhớ tằm, Ký thác, Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc…), Nguyễn Thị Hoàng (Vòng tay học trò, Một ngày rồi thôi, Cuộc tình trong ngục thất, Tuần trăng mật màu xanh, Tiếng chuông gọi người tình trở về…), Nguyễn Thị Thụy Vũ (Thú hoang, Lao vào lửa, Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Ngọn pháo bông, Như thiên đường lạnh…). Trong khi đó, vẫn còn rất nhiều tên tuổi đã từng sáng tác sôi nổi, nhiệt huyết, đóng góp tiếng nói của mình trong việc phơi bày thực tại đen tối của miền Nam trước năm 1975, ca ngợi hình tượng người chiến sĩ cách mạng, lên án sự tàn độc của lính Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa, kêu gọi đấu tranh và tìm về cội nguồn dân tộc. Đó là Trần Duy Phiên, Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Quang Long, Võ Quê, Ngụy Ngữ, Trần Hữu Lục, Tần Hoài Dạ Vũ, Huỳnh Ngọc Sơn, Vũ Hạnh, Võ Trường Chinh, Lý Chánh Trung… Những tập truyện ngắn đã từng là linh hồn của bộ phận văn học yêu nước ở đô thị miền Nam như Mùa xuân chim én bay về (Nhà xuất bản Cửu Long, 1986), Tiếng hát những người đi tới (Nhà xuất bản Trẻ, 1990), Tuyển tập truyện ngắn Việt (Nhà xuất bản Trẻ, 1997), Viết trên đường tranh đấu (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2005)… nay không còn được tái bản nữa. Số lượng sách còn sót lại chỉ đếm trên đầu ngón tay và được bảo quản rất kỹ trong các Thư viện quốc gia, Thư viện tỉnh/thành phố. Sau nhiều năm nghiên cứu và nỗ lực sưu tập, nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá đã tập hợp hơn 40 tác giả trong công trình Nhìn lại một chặng đường văn học (Nhà xuất bản Tổng hợp, 2000). Đây được xem là công trình tham khảo hiếm hoi về văn học đô thị miền Nam (bộ phận văn học yêu nước, tiến bộ). Tuy nhiên hiện nay quyển sách này chỉ phát hành dưới dạng sách điện tử, chưa có động thái in ấn và phát hành trở lại dưới dạng sách giấy.
4.
Văn học đô thị miền Nam 1954-1975 vẫn còn là một môn học kén người, thậm chí ít hoặc không được giảng dạy ở các cấp bậc Trung học, Cao đẳng, Đại học. Tư liệu tham khảo của văn học đô thị cũng còn rất hiếm hoi. Trong những năm gần đây, ở nước ta, những nhà nghiên cứu, học giả nghiên cứu văn học đô thị cũng không thật nhiều. Từ Bắc ngược vào Nam, có thể kể được một vài tên tuổi đang âm thầm nghiên cứu mảng văn học này như Trần Đình Sử, Phạm Xuân Nguyên, Trần Hữu Tá, Nguyễn Thị Thu Trang, Mai Anh Tuấn, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Thái Phan Vàng Anh, Nguyễn Lâm Điền, Phạm Thanh Hùng, Bùi Thanh Thảo… Sản phẩm của họ là những công trình chuyên khảo, các bài viết có giá trị, bài báo khoa học đăng tải từ trong nước đến quốc tế. Cũng không hề ngoa khi nói những nhà nghiên cứu, học giả này đang góp phần giữ gìn tinh túy của một giai đoạn văn học tồn tại trong lịch sử thăng trầm của đất nước. Về phương diện tác giả văn học đô thị miền Nam, đến thời điểm hiện tại, một số người vẫn còn miệt mài sáng tác và có những tác phẩm thuộc thể loại văn học hoặc báo chí, ghi chép đăng tải trên các tờ báo, tạp chí. Chẳng hạn như Tiêu Dao Bảo Cự, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Trần Duy Phiên, Trần Hữu Lục, Tần Hoài Dạ Vũ… Tuy vậy, dẫu những sáng tác sau này của họ có giá trị đến đâu chăng nữa thì khi nhắc đến những tên tuổi ấy, ta vẫn nhớ họ đã từng là gương mặt xuất sắc trong văn học đô thị miền Nam 1954-1975. Có thể nói, việc định vị lại văn học đô thị miền Nam trong bối cảnh hôm nay cũng là cách mà chúng ta “tìm về dân tộc” - nội dung quan trọng của bộ phận văn học yêu nước, tiến bộ 1954-1975 - trong thời đại mới.
Phạm Khánh Duy
Nguồn Văn nghệ số 17+18/2023