Sáng tác

Chiếc ảnh mép răng cưa. Truyện ngắn của Xuân Thắng

Xuân Thắng
Truyện 07:00 | 03/05/2025
Baovannghe.vn- Chiến tranh là cái lò luyện thép khiến người ta nhanh chóng trưởng thành. Cảnh kém chị hai tuổi, nhưng năm sau nó cũng xung phong vào bộ đội. Thời kì tổng động viên, chiến trường sôi sục gọi người, ông bà Phong như ngồi trên lửa. Ông là thương binh chống Pháp, sinh được mỗi mụn con. Theo chính sách thì nó được miễn nghĩa vụ quân sự. Nhưng biết nói với con thế nào đây. Cũng chả trách, viễn cảnh trước mắt nó chiến trường là bản nhạc.
aa

Chị khép cánh cổng sân lại theo thói quen, mà cũng để lũ cún con khỏi lạc ra ngoài. Bước chân tiếp theo đã là đường ngõ, hai bên vỉa gạch nghiêng, giữa lòng đường lát chéo trông thật vững chãi và đẹp mắt. Gạch từ thời Tây, theo thời gian vẫn đỏ au, vuông thành sắc cạnh. Qua một đoạn ngắn nữa là đến đường làng, nếu là khách lạ điều đầu tiên dội vào mắt là những phiến đá xanh, kích cỡ vuông 70 phân, lát dọc đường trục như cái xương sống. Người làng hãnh diện lắm, bởi một lẽ cũng dễ hiểu, chấp cả mấy chục làng quan họ, hoặc tất cả các làng quê thuần Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, số làng có đá xanh lát đường bói trên đầu ngón tay. Chị từng nghe đẻ kể rằng: thời trước làng có người đỗ chánh tổng nhưng không sai bảo được dân. Dân làng kháo đến tai ông rằng làng có người đỗ quan mà chẳng được nhờ. Ông liền bỏ tiền ra mướn thợ mua đá về lát đường cho làng đi. Từ đó về sau, ông huy động đóng góp gì dân nghe răm rắp. Họ kính trọng ông, mà ông cũng là người có tâm, giúp làng xây cất văn chỉ, sửa chữa đình chùa, quây giếng kè ao. Nhất là những dịp hội làng vào mùng 8 tháng 3 âm hàng năm, ai làm ăn xa cũng tìm về chơi hội. Làng đông lên gấp đôi, vui như Tết, ồn ã bầu không khí âu ca.

Chiếc ảnh mép răng cưa. Truyện ngắn của Xuân Thắng
Minh họa Đào Quốc Huy

Hình như không phải chị bước đi, có một nội lực nào đó đưa chân chị, chẳng mấy chốc đã đến sân đình. Đây là tụ điểm linh hồn của làng. Đình và chùa liền nhau bằng cái sân to, là chốn vui hội hè hằng năm, cũng là nơi kí gửi hồi ức của nhiều thế hệ, trong đó có chị. Bất giác chị dừng bước, thơ thẩn bên cây đề cổ thụ, mềm mại thả từng chùm rễ từ cành cao tới đất, đầy vẻ tao nhã. Dưới ánh trăng non đầu tháng, cảnh vật hiện về hư hư ảo ảo, gợi về những kí ức của hơn chục năm về trước, khiến chị quên bẵng mục đích công việc tối nay, cứ quẩn quanh mãi bên sân đình như có ma ám.

Chị không thể trì hoãn, có đến ba lí do can cớ. Sáng nay ở cơ quan, ông chủ tịch huyện gọi chị sang nửa chuyện trò nửa giao việc: “Mai là 27 tháng 7, các phòng ban cũng cắt cử người đi thăm hỏi tặng quà rồi. Con về thăm nhà tiện đến nhà ông Phong nhé. Tội nghiệp ông bà ấy, giấy tờ thất lạc, mãi vừa rồi mới được xác minh công nhận liệt sĩ cho con trai.” “Vâng, đằng nào cháu cũng phải đến, đấy là cậu mợ cháu mà.” Còn chiều nay sau bữa cơm đẻ cũng nhắc: “Con sang nhà cậu mợ thắp cho em nén nhang. Rõ tội, từ ngày nhận được tin dữ mà danh phận mập mờ, làm cả nhà cứ héo hon ủ rũ. Cũng còn may, vừa rồi…” Chị không đủ sức nghe hết cái điều đã biết. Nhưng còn cái nhẽ thứ ba khiến chị đến đó lại ở chính mình. Với Cảnh là chị em họ, đời “kị” ngoại của hai đứa là con bá con dì. Chúng là đời thứ năm, nhờ được các bậc trưởng chi, trưởng tộc luôn rà soát, nhắc nhở trong các đợt giỗ tổ mà bọn trẻ còn biết dây mơ rễ má! Nhưng hơn tất cả Cảnh không chỉ là đứa em ngoan mà là bạn tuổi thơ như hình với bóng. Cũng tại sân đình này biết bao dấu ấn kí ức của chung hai đứa bỗng như trong một cuốn phim, tất cả lần lượt hiện về…

Nhà đầu làng, nhà cuối xóm, nhưng đêm nào chúng cũng gặp nhau ở sân đình. Ngoài những buổi họp đội, họp đoàn trong kì nghỉ hè, chúng chìm đắm trong những trò chơi dân gian bất tận: bịt mắt bắt dê, đi hú đi tìm, rồng ra rồng rắn… Không biết bao lần bị mắng vì tội về muộn để mọi người chờ đóng cửa, cũng đôi lần bị ăn roi lằn đít. Cho đến một ngày chị có giấy báo trúng tuyển đợt quân y thì Cảnh vẫn còn là một cậu bé mặt búng ra sữa. Chị biết mình đã “nhớn”, không hẳn vì bộ quân phục khiến chị chững chạc hẳn lên mà cái cơ thể con gái mách bảo chị. Chị bỗng lo lắng mơ hồ rằng lúc chia tay, nếu Cảnh xúc động mà ôm chầm lấy mình thì ngượng chết, còn bé bỏng gì nữa. May sao Cảnh cũng kịp nhận ra giới hạn, nó không vồ vập thái quá. Phải cái ăn nói ấp úng, câu trên giời câu dưới đất, chẳng ăn nhập vào đâu. Nhưng nhìn vào mắt Cảnh chị đong được tình cảm nó lúc này. Chả nhẽ con trai lại khóc. Chị cũng biết nó thèm khát đến đau đớn được ôm hôn chị. Với nó, chị chỉ đứng sau đẻ (mẹ) là cùng. Trong tiềm thức của nó chứa điều ước ao mơ hồ, giá sau này nó có người vợ ngoan hiền, xinh xắn như chị.

*

Chiến tranh là cái lò luyện thép khiến người ta nhanh chóng trưởng thành. Cảnh kém chị hai tuổi, nhưng năm sau nó cũng xung phong vào bộ đội. Thời kì tổng động viên, chiến trường sôi sục gọi người, ông bà Phong như ngồi trên lửa. Ông là thương binh chống Pháp, sinh được mỗi mụn con. Theo chính sách thì nó được miễn nghĩa vụ quân sự. Nhưng biết nói với con thế nào đây. Cũng chả trách, viễn cảnh trước mắt nó chiến trường là bản nhạc. Hàng ngày trên loa đài toàn tin thắng trận, không nhanh chân thì đến ống bơ cũng không có mà nhặt chứ nói gì đến cầm súng! Còn với ông, từng là lính Điện Biên, ông hiểu lắm, chiến trường là “khoét núi ngủ hầm”, “là bom gầm đạn réo”, là đói, là rét. Dù rằng ngày nay ta cũng mạnh lên nhiều, nhưng kẻ thù càng xảo trá và nguy hiểm hơn. Ông biết, nhưng biết làm sao bây giờ, chả nhẽ lại xui con làm điều gì không phải.

Chị nhận được thư nhà nói rằng Cảnh nhập ngũ và đã vào trong ấy, chị em để ý tìm nhau. Chị nhét thư vào túi áo ngực mỉm cười đầy tâm trạng. Thầy đẻ và cậu mợ tưởng chiến trường nhỏ như làng mình chắc. Nhưng chị thấy vui vui và mơ hồ tưởng tượng ra lúc gặp Cảnh chững chạc trong bộ quân phục mới, lưng ba lô, vai đeo súng, mũ gắn sao như một trang đàn ông thực thụ.

Phẫu tiền phương đặt trong khu rừng rậm. Con suối chia đôi khu lán. Những ngôi nhà hầm bán âm dương núp dưới những vòm cây, ít nhiều đã bị phi pháo oanh tạc. Có chỗ xác xơ, có thân cây bị tước nhỏ như cái chổi chổng ngược.

Đã vào chiến dịch. Những cáng thương không kể ngày đêm ùn ùn kéo về trong tiếng kêu đau đớn. Tiếng của họ chìm nghỉm trong tiếng đạn réo, máy bay gầm. Những chiến sĩ quân y bật hối hả, thần kinh căng như dây đàn. Thiếu phương tiện, thiếu thuốc men, thiếu người phục vụ, nhất là y bác sĩ. Họ phải chạy đua giành giật tính mạng của thương binh từ tay tử thần, sơ cứu nhanh để chuyển về tuyến sau.

Đã khuya, người ta còn cáng vào một thương binh trong trạng thái bất tỉnh. Máu chảy ướt cả võng cáng. Anh thuộc diện cấp cứu đặc biệt. Chị được phân công theo dõi chăm sóc. Tội nghiệp, số phận con người ta thật dớ dênh, hai chục năm trời dưỡng dục mới có được sự trưởng thành thể xác, bỗng chốc có thể vĩnh viễn ra đi vì một viên đạn, một mảnh pháo hoặc một nghìn lẻ một nguyên cớ khác. Những ca nhẹ đã chuyển đi tuyến sau, chỉ còn mình anh. Hàng ngày chị chăm sóc cho anh như em ruột mình vậy. Nghe hội chẩn thì sức anh quá yếu, nếu chuyển đi sẽ chết dọc đường, mà ở đây thì không thể có điều kiện đại phẫu. Một mắt đã hỏng, khắp người còn mảnh đạn, máu vẫn rỉ hàng giờ, anh đang yếu dần. Sau ngày thứ ba thì anh tỉnh lại và kêu khát. Qua ánh sáng nhập nhòa của con mắt còn lại, anh lờ mờ nhận thấy một khuôn mặt phụ nữ. Anh hiểu đấy là y tá đang chăm sóc cho mình. Anh nở nụ cười gắng gượng đắng ngắt tỏ ý hàm ơn. Chị đưa tay ra hiệu cứ nghỉ ngơi, đừng nói kẻo mệt. Hôm sau, phải chăng nhờ sự mát tay của chị hay do sinh lực của tuổi trẻ mà anh bỗng tỉnh táo, chuyện trò trôi chảy. Với chị anh là một thương binh trẻ lạ lẫm, băng trắng kín mặt trừ một bên mắt và khóe miệng, hơn chăng là giọng nói có chút dễ quen. Còn với anh, con mắt còn lại giảm thị lực chỉ giúp anh lờ mờ nhận ra một nữ y tá nào đó rất “từ mẫu”. Khi tỉnh táo anh cũng đá đưa câu chuyện giết thì giờ. Chẳng ai hỏi quê quán của nhau. Những câu hỏi thuộc phần lý lịch chẳng phải vô duyên quá sao. Họ chuyện với nhau để lấp đi sự trống trải đáng sợ. Hứng lên anh cũng buông vài câu thăm dò tán tỉnh: “Chị có người yêu chưa, anh ấy chắc cũng đang ở trong này?” “Sao cậu nghĩ vậy?” “Vì chị là lính, chắc sẽ chọn lính chứ?” “Vậy cậu đã có ai chưa, đến đâu rồi?” “Em chưa có ai, hồi ở quê thích một người mà chưa dám ngỏ lời. Nhưng có một lần em liều hôn cô ấy rồi bỏ chạy.” “A, cậu cũng gớm nhỉ?” “Chưa hết, đằng nào em cũng sắp... đi rồi, kể cho vui chị đừng chấp nhé, thật ra em đã có một lần nhìn trộm cô gái tắm tiên ở suối A So. Phát hiện ra, cô ấy hô hoán cả phẫu ùa ra vây bắt. May mà em nhanh chân mới thoát.” “A, hóa ra chính là cậu, hôm nay cậu chết với tôi.” Mặt anh biến sắc, nhắm mắt đón nhận cái tát đang giơ thẳng cánh. Nhưng khi bàn tay chạm vào má lại trở thành cái vuốt ve êm ái trong tiếng cười khanh khách. Hú vía, từ đó anh chẳng còn gì để sợ. Coi chị như cái tủ rỗng để xả chuyện, mọi thứ ở đời, kể cả những ước nguyện viển vông mà không dễ gì nói ra lúc bình thường. Họ chấp nhận giữ kín cho nhau một khoảng trời riêng.

Giờ tiêm thuốc, cái khoảnh khắc chị cúi xuống lấy ven, anh vô tình nhìn thấy bộ ngực không được căng mẩy cho lắm, biết làm sao, bữa ăn toàn rau rừng, gạo hẩm, sốt rét triền miên, không rụng tóc trọc đầu còn là may. Một luồng khí nóng ran tỏa khắp người anh như khi bị tiêm can xi. Ánh mắt anh bừng lên những tia nhảy nhót. Khi rút kim ra, chị cũng nhận thấy những tia sáng lạ. Con gái vốn nhạy cảm, chị hiểu ra rồi đỏ mặt. Anh quay đi cười khùng khục trong cổ. “Tại chị, em có cố ý đâu.” “Cậu giỏi lắm, được, vậy chị sẽ phạt cậu, nào quay mặt lại đây.” Chị lần tay cởi cúc áo, tháo coóc sê. Bán thân trần ngời ngợi hiện ra vừa lúc anh quay mặt lại. Mọi thứ nhòe đi trước mắt, hư hư ảo ảo, chỉ có điều chị cầm tay anh, đặt vào trái tim đang thổn thức của mình là có thật.

Anh đê mê trong khoái cảm lần đầu tiên được chạm tay vào cơ thể đàn bà. Thật kì diệu, dường như bao nhiêu năng lượng trong anh được huy động hết. Anh nghĩ mình có thể vùng dậy, ôm lấy chị trong vòng tay trai trẻ. Nhưng không hiểu sao, ma lực nào đã giúp anh tỉnh táo, kịp làm một việc mà sau này anh không phải ân hận trước khi nhắm mắt. Trở lại vẻ nghiêm trang, anh nói rành rọt: “Cảm ơn chị, đàn ông như em thế là mãn nguyện rồi, chỉ tiếc rằng em là con một mà chưa kịp báo hiếu.” Hố mắt sâu của anh bỗng trào lên đầy ngấn lệ. Chị cũng không ngăn nổi những giọt nước mắt rơi vào má và cả hốc mắt của anh. Con người ta đến cõi thường hay tiếc những điều dang dở. Chị muốn làm gì đó bù đắp thiệt thòi cho anh. Mấy năm từng trải, bao nhiêu thương binh qua tay chị chăm sóc. Nhưng nặng tình đến mức này thì đây là lần đầu.

“Em xin chị một điều cuối cùng.” “Em nói đi.” Chị giục anh như linh tính mách bảo thời gian đã cạn. Anh hỏi xin chị một tấm ảnh. Chị lục ví lấy chiếc gương con, gỡ mặt sau lấy ra tấm ảnh 3x4 mép răng cưa. Ảnh chụp nửa người lúc chị mới vào đoàn, cổ áo lá sen tôn thêm vẻ thơ ngây của một cô bé còn chân sáo. Anh ngắm nghía nâng niu như báu vật. Ảnh nhỏ, mắt mờ, anh nhìn nhuế nhóa, nhưng tin chắc rằng chị rất đẹp. “Chị nhận làm vợ em nhé, thầy đẻ em mong lắm, nhận lấy lệ thôi, em chẳng sống được đâu. Chị chiều em lần cuối, ghi mấy chữ vào để em gửi cho thầy đẻ.” Chị cầm bút viết nắn nót “Vợ yêu của anh” không do dự, không tính toán, còn sợ chậm trễ sẽ không kịp. Kể cả nếu anh muốn chiêm ngưỡng toàn thân chị ngay lúc này chị cũng chiều… Cầm ảnh trong tay, anh không còn đủ sức đọc, nhưng anh biết chị viết gì rồi. Rực lên trong ánh mắt là niềm hạnh phúc, đôi môi hé cười trong tiếng thì thào: “Thầy đẻ ơi, thầy đẻ có con dâu rồi.” Thể trạng ấy kéo dài mươi tích tắc, anh bỗng nấc lên, hơi thở lịm dần, khuôn mặt vẫn nguyên nụ cười và ánh mắt đầy mãn nguyện.

Chị bước vào phòng làm việc của bác sĩ trưởng phẫu với tư thế của một tội đồ. Mà tội gì nhỉ? Còn cãi ư, sau khi nghe có tiếng khóc, cả phẫu đã kéo vào và chứng kiến tất cả đó sao. Một thương binh đã tắt thở, một nữ y tá ở trần quỳ phục bên giường bệnh. Người ta sẽ quy kết về lối sống buông thả, thiếu văn hóa, đạo đức tác phong không lành mạnh... vv… và đương nhiên là vi phạm kỉ luật. Mà kỉ luật quân đội là kỉ luật sắt, nhất là thời chiến, càng phải nghiêm minh, có vậy mới tạo ra sức mạnh chống kẻ thù… Còn tình cảm ư? không phải người ta không biết đến, nhưng chiến tranh đang bộn bề, không có khe hở nào dành cho những chuyện kia, cho nên ai dám trái quy luật, dám mắc lỗi thì dám... chịu đòn.

Chị đã lo xa, vẫn có người thấu hiểu, chính là bác sĩ trưởng phẫu. Bảy năm cơm gạo nước người cộng với tình yêu văn học Nga, một đất nước mênh mông, thơ mộng. Vừa vĩ đại như cây thông bất tử trước băng hàn, vừa chứa chan lòng nhân ái như khúc ca của gió bạch dương, anh vừa giỏi chuyên môn, vừa có cái nhìn xa hơn nhãn quan thời cuộc. Anh ngạc nhiên và gạt đi khi nghe chị xin nhận kỉ luật. “Ai bảo kỉ luật gì em đâu.” “Cảm ơn anh, nhưng các anh chả chứng kiến cả rồi đó sao? Xưa nay nhiều trường hợp nhẹ hơn còn…” “Thì đã sao? Anh chưa muốn nói đến sự nhân tính, rất thánh thiện là đằng khác. Có lẽ ở ta từ trước đến giờ, và cả sau này không mấy ai làm được một việc như em. Anh xin thay mặt vong linh anh ấy tạ ơn em vì món quà vô giá trước khi về cõi vĩnh hằng.”

*

Con Mic nhảy ra mừng, nó rên ư ử khiến chị giật mình bừng tỉnh. Mấy tháng nay không về mà nó vẫn nhớ. Chị bước gượng nhẹ trên cái sân gạch đã bong nhiều mạch vữa, cái sân lát từ hồi cậu còn làm chủ nhiệm lò gạch của xã, được mua phân phối. Đến nay nhà nào cũng thay vài lượt gạch khác rồi, từ gạch Tàu, Italia, đến liên doanh. Riêng cậu mợ vẫn để vậy, đã khá giả gì đâu, và để làm gì khi mà niềm hi vọng duy nhất đã không còn nữa.

Chẳng cần nghe hết câu cậu mợ mời uống nước. Chị xin phép rồi bước thẳng tới bàn thờ, bày nải chuối nửa xanh nửa vàng, mấy quả cam lên rồi thắp hương cho em. Chị lặng lẽ ngắm chân dung Cảnh, lại miên man hoài niệm. Thế là từ buổi ấy, cái buổi tối hôm chị lên đường, lúc chia tay ở sân đình, Cảnh lấy hết can đảm ôm chầm lấy chị, hơi thở gấp gáp: “Chị em mình yêu nhau đi. Em sẽ chờ, em biết chúng mình là chị em họ, nhưng là đằng ngoại, mà tới năm đời rồi. Luật hôn nhân chỉ cần ba đời thôi.” “Gớm chưa, cậu đã tìm hiểu từ bao giờ vậy?” Chị cốc nhẹ vào đầu Cảnh rồi nhẹ nhàng gỡ tay em dỗ dành, mà như dỗ chính mình: “Ừ, để chị nghĩ đã.” Phải, từ buổi ấy đến nay chị không được gặp em lần nào nữa, nhưng chị vẫn nhớ câu nói của em như một món nợ. Còn bây giờ chị có thể trả lời em được rồi... nhưng ích gì, khi mà mỗi chúng ta là kẻ đứng ở một đầu cối xay thời gian!

Cầm khung ảnh lên, chị lấy khăn lau tàn hương bám xung quanh. Chiếc khung ảnh được nhận cùng với tư trang cá nhân của Cảnh và hồ sơ công nhận liệt sĩ. Chị tháo cả tấm bìa hậu để lau kính, một tấm ảnh mép răng cưa nhỏ xíu rơi ra. Linh tính báo cho chị biết điều hệ trọng. Chị cầm lên, mắt nhòa đi, ánh sáng từ chiếc bóng tròn đang giờ điện yếu, nhìn rõ cả dây tóc, lại không đủ để đọc được dòng chữ li ti sau tấm ảnh, nhưng chị biết là chữ gì rồi...

Không đề - Thơ Tân Quảng

Không đề - Thơ Tân Quảng

Baovannghe.vn- Tôi con suối nhỏ đầu nguồn/ trăm sông đổ một nỗi buồn đại dương
Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Baovannghe.vn - Từ 7h sáng ngày 24/5, Lễ viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Một cuộc - Thơ Đỗ Thượng Thế

Một cuộc - Thơ Đỗ Thượng Thế

Baovannghe.vn- Đôi khi bộ cánh của ngày/ xếp xó/ cười cười/ mơ mớ
Cây đa đầu xóm. Tản văn của Mai Phương

Cây đa đầu xóm. Tản văn của Mai Phương

Baovannghe.vn - Mỗi lúc, sau những chuyến đi công tác trở về nhà, tôi lại thèm ngả mình trên cái võng mắc dưới gốc đa ấy. Tụi nhỏ cứ bảo mẹ thật cổ lỗ, ước gì chẳng ước lại ước nằm gốc đa.
Chẳng còn gì để tiếc nuối - Thơ Châu Hoài Thanh

Chẳng còn gì để tiếc nuối - Thơ Châu Hoài Thanh

Baovannghe.vn- Cánh cửa sổ mở ra chiếc gương soi trên bàn trang điểm/ tiếng chim vẽ giấc mơ líu lo