Sáng tác

Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Lê Hà Ngân
Truyện
15:33 | 24/11/2024
Baovannghe.vn - Nghe con trai khuyên nhủ bà thấy yên tâm ngồi dậy ăn cơm cùng thằng con. Thằng bé buồn buồn gắp thức ăn cho mẹ, nhưng lại quay đi gạt nước mắt
aa

1

Tiếng chuông tiếng mõ trong miếu hàng khu cất lên rộn rã. Tiếng gọi nhau í ới ngoài đường. Vài người đàn bà đội trên đầu mâm xôi gấc đỏ thắm, ngự trên mâm xôi là con gà cánh phượng ngậm bông hoa hồng xinh xắn tố hảo. Vài kẻ đội hẳn một mâm xếp đầy bia lon và nước ngọt, hương đăng tửu quả cũng lũ lượt thành kính tiến vào miếu Chúa Bà hàng khu. Người đàn bà ục ịch mặc áo dài màu đỏ, gớm cái khuôn trăng đầy đặn như cái thớt được son phấn thật đậm đội mâm xôi trắng bên trên là cái thủ lợn rõ to, mũi lợn cắm bông hoa đồng tiền đỏ tươi thật ngộ nghĩnh. Lũ trẻ con hớn hở chỉ cái thủ lợn rồi cười ré lên. Người đàn bà bực mình mắng trẻ:

- Bố tiên sư chúng mày đừng có báng nhạo. Chúng mày cứ cười đi rồi Chúa bà vặn cổ cho xanh mặt mới biết, các con ạ.

Nói rồi bà sợ sệt chắp hai tay đứng nguyên giữa đường hướng về khu miếu mà vái. Lũ trẻ con thấy thế cũng khiếp hãi rồi tản dần ra trước vẻ huyền bí của người đàn bà. Hàng xóm vẫn gọi bà là kẻ lắm điều. Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường, chuyện nhà ai trong xóm còn bí mật là bà biết hết. Bà chả sợ ai, chả kiêng dè Thần Phật gì cả, ngày giỗ cha chồng có lúc giỗ có lúc cũng quên luôn. Ấy vậy mà có bận dân hàng khu gom tiền tích phúc trùng tu ngôi miếu cổ linh thiêng luôn bảo trợ cho con dân trong xóm, thì bà lại hớn hở mặc quần lửng bước vào khu miếu tán gẫu với bọn thợ xây đang tô vẽ hoa văn. Bà đưa tay chỉ vào lưỡng long chầu nguyệt mà phán rằng:

- Ui dồi! Các chú vẽ rồng phượng làm gì sao không vẽ vài bông hoa hồng cho nó xôm, vài con trâu đi cày có phải vui mắt không? Đúng là vẽ vời rách việc.

Khuôn mặt bè bè, cái môi cong tớn lên hấp háy đôi mắt ti hí trông thật đáng ghét. Lũ thợ xây chả ai bắt lời. Bà nói chán rồi cũng ve vẩy đôi bàn tay ngắn tũn rời khỏi khu miếu. Ấy thế mà ngay sẩm tối hôm ấy một chuyện kinh thiên động địa đã xảy ra ngay ở nhà bà. Chẳng hiểu sao bà nhảy ngay lên trên chiếc sập gụ kê dưới tủ thờ mắt long lên sòng sọc, mặt sưng to đỏ ửng, chỉ thẳng vào lão chồng lẻo khẻo vừa ở đồng về mà quát:

- Thằng kia! Mày nhìn thấy tao sao không quỳ lạy mà dám ngước mắt hỗn xược thế à? Mày là thằng đàn ông không ra gì nên mới để con vợ mày hư hỏng láo lếu. Ai cho phép nó chiều nay dám ngang nhiên đi vào nơi thờ tự ta mà chỉ trỏ báng nhạo hỗn hào? Mày có biết ta là ai không? Không có ta thì làm sao dân hàng khu này được tươi tốt nở nhành xanh ngọn được. Hôm nay ta phải dạy cho nó chừa thói hỗn xước đi. Ta thì ta vặn cổ.

Lão chồng ngạc nhiên hết sức bực mình định cho vợ vài cái bạt tai nhưng thấy điệu bộ của vợ không bình thường, lời nói như người ốp đồng thì hốt hoảng chạy sang nhà bên gọi hàng xóm sang cứu. Nhìn bộ dạng, người ta sợ hãi vội vàng kêu xin. Một chén nước trắng, một đĩa hoa hái trong vườn nhà, ba nén nhang được thắp lên khấn vái, xin sám hối tạ tội. Hơn một tiếng sau thì bà nằm vật ra cái phản mặt trắng nhợt như cái xác không biết gì nữa. Bà lăn ra ốm mê man hơn một tuần thì tỉnh hẳn. Nghe chồng kể lại, bà sợ hãi sắm lễ vật vào miếu lễ bái xin sám hối. Thế là ngày mùng một âm lịch đầu tháng nào cũng thấy bà hương hoa quả thực xì xụp kêu xin. Và từ đấy không thấy người đàn bà lắm nhời ấy báng nhạo chuyện tâm linh nữa.

Lễ hàng khu diễn ra nghiêm trang, tên tuổi của từng nhà được ông trưởng khu xướng thật to. Cầu xin Chúa Bà bản cảnh chư vị thần linh cho mưa thuận gió hòa, dịch bệnh mau tan, quốc thái dân an, độ cho con dân được bình yên khỏe mạnh. Hương thắp vòng tít, đồ tiền vàng, nón ngựa dâng tiến được xếp hàng đống, hai đài âm dương xoáy tít rồi nhẹ nhàng gieo xuống cái đĩa cổ. Một đài được rồi. Ông chủ lễ mừng rỡ nhắc mọi người cùng vái tạ hóa vàng thụ lộc.

Bàn tay vén khéo mềm như múa của người giúp việc lễ bái nhanh thoăn thoắt véo từng khoanh xôi gấc đỏ thắm ra từng phần đẹp mắt. Con gà được chặt từng miếng thật đều đặt lên khoanh xôi, bánh kẹo hoa quả cũng chia đều từng mô cho vào túi ni lông để người đến lễ nhận lộc. Cầm gói lộc trên tay, bà hớn hở, hối hả về nhà. Đi tới con đường dẫn ra bờ ruộng nơi mà đứa con dâu bà vẫn đi làm ở công ty về thì như hụt hẫng chơi vơi. Gói quà suýt tuột khỏi tay. Bước chân bà chới với, cái mặt bè bè cùng đôi mắt nhỏ vẫn ngóng hút về con đường bê tông xuyên bờ ruộng. Bà cảm giác như sẽ nhìn thấy cái bóng bé nhỏ của con bé đang phóng xe vun vút về phía bà. Nhưng đó chỉ là ảo ảnh. Trời bỗng dưng như trút nước xuống. Con đường mờ mịt trắng xóa, tiếng ai đó hét lên:

- Mưa đá… Mưa đá đấy! Đứng làm gì giữa đường vậy. Về thôi bà Thuận ơi… Về đi thôi…

Tiếng hét gọi làm bà giật mình, bừng tỉnh liền vội vàng hối hả chạy về nhà. Toàn thân ướt đẫm, bà lại thở dài lẩm bẩm: Rõ khổ, sao con bé về ngoại lâu thế? Giá nó ở nhà thì có phải được hưởng miếng lộc hàng khu có tốt không? Bà bần thần nhìn ra cửa lòng muộn phiền nhìn ảnh chồng trên bàn thờ rồi gạt nước mắt rồi buồn bã thắp một nén hương:

- Lạy ông sống khôn chết thiêng, xin ông hay dun dủi cho chúng nó đoàn tụ. Bây giờ chồng một nơi vợ một nẻo, nó cứ ngủng ngoẳng thế này thì bao giờ tôi mới có cháu bế đây, ông ơi.

Khấn xong, bà tủi thân khóc nấc lên ra chiều đau khổ ai oán lắm.

2

Buồn phiền nghĩ ngợi và tủi phận vì người chồng hiền lành cả đời yêu vợ chả bao giờ chấp thói hay hóng hớt của bà cũng đã lìa đời. Bà càng đau khổ hơn khi bố chết chưa đoạn tang thì thằng con học hành tử tế của bà lại yêu đứa con gái dân tộc. Thấy bảo chúng nó quen nhau trên mạng, nghe đâu là con bé bán hàng cơm phục vụ sinh viên. Nói thế thì biết thế chứ hàng xóm hóng hớt vẫn còn đàm kháo rằng: rõ hết phúc nhà có mỗi đứa con trai lại đi rước con Tộc về làm dâu. Bầm gan tím ruột lắm chứ, bà rít lên:

- Ối giời ơi! Con ơi là con…Mẹ nuôi mày có ăn có học đàng hoàng những tưởng mày báo đáp lên người. Con gái làng này đã chết hết hay sao mà mày đâm đầu vào cưới đứa không có học hành nghề nghiệp. Mày rước nó về đây là bôi tro chát trấu lên mặt mẹ hay sao? Ông ơi là ông …Sao đời tôi khổ thế này.

Bà gào, bà khóc đấm ngực thùm thụp. Bà bỏ ăn. Thằng con sợ và thương mẹ cũng òa khóc theo:

- Mẹ yên tâm. Con sẽ bỏ người ta cho mẹ vừa lòng. Mẹ ăn cơm đi. Đừng nhịn nữa, canh cua đồng đầu mùa con nấu ngọt lắm.

Nghe con trai khuyên nhủ thì bà thấy yên tâm ngồi dậy ăn cơm cùng thằng con. Thằng bé buồn buồn gắp thức ăn cho mẹ, nhưng lại quay đi gạt nước mắt. Bà làm thinh nhưng hai ngày luôn để ý động tĩnh của con. Nó cầm chai rượu trên bàn thờ bố xuống lặng lẽ tu ừng ực rồi lên giường trùm chăn kín mít. Thằng bé buồn, tim bà thắt lại. Bà nhìn nước mắt con mà chẳng đành lòng thôi thì giời không chịu đất thì đất phải chịu giời. Nó lấy vợ cho nó chứ có phải cho mình đâu. Mặc kệ thiên hạ cười chê, kệ mẹ cái làng lắm điều này. Nó là dâu nhà bà chứ có phải dâu nhà chúng mày đâu mà hóng hớt.

Nhìn thằng con buồn bã, bà gắt lên:

- Thôi thì tao muối mặt vậy. Mày dẫn cái con ấy về đây cho tao coi mắt xem sao.

Thằng con ngớ ra, rồi mừng rỡ, đôi mắt óng nước của nó chợt òa khóc. Nó khóc như quả chanh bị bắt vắt nước, mặt mũi tèm nhem nước khiến bà mủi lòng.

Con lợn béo hơn tạ trong chuồng mấy lần bán hụt được ngả ra. Cau vườn nhà đúng cữ lại sai trái to tròn rõ khéo. Chum rượu vò di lâu năm trong lòng đất được khui ra, cá trắm cỡ gần yến một con được đánh lên giãy đành đạch trên sân gạch. Mùi cá nướng thơm ngào ngạt càng khiến cho bà Thuận vững dạ. Nói thì nói vậy, đời người nó mới cưới một lần bà quyết làm cỗ thật to và sắm sanh cho con trai để nó khỏi tủi phận vì mồ côi bố.

Ông trưởng tộc cắt cử một đoàn trai đinh khỏe mạnh trong họ, lên mạn ngược đón dâu. Cô dâu xinh lắm. Bẽn lẽn chào mẹ chồng. Nhìn cái mặt như hoa núi, môi mọng hồng tươi bà thấy nhẹ lòng. Bụng bảo dạ: nó mà đẻ cho mình vài thằng cò xinh mẫm thì bà mừng lắm.

Dâu mạn ngược ngoan lắm! Ngoan hơn mấy đứa dâu có ăn có học trong làng. Không nói ra nhưng bà ngầm tự hào về cái nết ăn nết ở của con dâu bà. Trời nóng như lửa, chiếc xe máy vừa dừng bên hè, tiếng nói ríu rít đã cất lên:

- Mẹ ơi! Con đi làm về rồi. Con mua kem này, mẹ ăn luôn đi cho mát.

Khuôn mặt con bé đỏ ửng như gấc chín, dúi vội vào tay mẹ chồng hộp kem mát lạnh, rồi nó tíu tít vào bếp nấu nồi canh. Bà ngẩn người ra cảm động, có bao giờ bà nghĩ là nó lại hiếu thảo thế này. Con trai bà đi biền biệt, thi thoảng mới có cơ hội về nhà. Con bé ngóng chồng ra ngẩn vào ngơ. Nhìn con bé, bà cũng xót ruột. Cái bụng nó lép kẹp càng khiến bà âu lo. Giá như nó sớm sinh đứa cháu thì bà mừng biết bao nhiêu.

Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân
Dốc mây - Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

3

Mùa đông buốt giá lại về. Con đường vẫn hun hút bóng đứa con dâu nhỏ bé của bà đi làm sớm hôm. Vài ngọn khói lơ ngơ trên thuyền chài trên sông khiến bà nao lòng. Cái Tết ập đến với nhà nghèo bao nỗi lo toan. Ngồi bên thềm với thúng gạo nếp trắng vun đầy, bà nhẩm tính xem cần gói bao nhiêu cái bánh chưng cho con dâu đi Tết mới. Đôi gà trống thiến béo gần một yến bà cũng để dành để làm cơm cúng sang canh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Bà thấp thỏm cứ lo tàu con trai bà có kịp vào bờ đón Tết hay không?

Tiếng đằng hắng từ đầu ngõ vọng vào:

- Nhà có nuôi chó không đấy? Bà Thuận ơi ra mà nhận điện báo này.

Tiếng người bưu tá già khàn khàn cất lên. Bỏ vội thúng gạo, bà Thuận lạch bạch chạy ra đầu ngõ.

- Điện nào thế bác. Em xin ạ!

Cầm tờ giấy báo vẻn vẹn mấy chữ: Mẹ ốm nặng về nhà ngay. Điện gửi cho con dâu bà mà bà bần thần cả người. Năm hết Tết đến nơi rồi giờ lại lăn ra ốm thế này? Con bé phải về ngoại thì nhà bà coi như hết Tết. Ơ mà sao cũng lạ nhỉ? Thời buổi bây giờ chỉ cần gọi điện thoại một phút là xong sao lại cứ phải bưu điện thông báo lằng nhằng thế cơ chứ? Ừ nó là dâu mình rồi nhưng mẹ nó ốm nặng không lẽ lại bắt nó ở lại. Nghĩ thế bà chẳng đành lòng. Chép miệng thở dài, bà liền đạp xe ra chợ mua ngay vài cây giò, bánh trái đồ Tết xếp gọn vào cái túi to đợi con dâu về là hối hả giục nó lên đường.

Dâu miền núi nghẹn ngào cầm những đồng tiền mới tinh được lấy ra từ cái túi gài kim băng của mẹ chồng:

- Mẹ cho chị ít tiền đi đường, đi nhanh nhanh mà về. Tết đến nơi rồi, Nhưng nhớ là mang đồ Tết theo và lo cho bà thông gia chu đáo con nhé!

Con dâu òa khóc, bối rối nhìn mẹ chồng lí nhí cảm ơn:

- Con xin mẹ.

Nó gục đầu vào vai bà rồi xách túi đồ ra bến xe lên mạn ngược.

Nhìn chiếc xe vun vút trong chiều gió bấc lòng bà Thuận như thắt lại. Đêm ba mươi, bà buồn bã thắp nén nhang lên bàn thờ chồng mà nước mắt muốn trào ra. Dâu bận chăm mẹ đẻ không về ăn Tết, con trai thì lênh đênh tàu trên biển cũng chẳng kịp vào bờ đón Tết cùng mẹ. Lụi cụi bên nồi bánh chưng, mâm cơm cúng nguội ngơ nguội ngắt, bà tủi buồn chẳng muốn đụng vào. Con mèo mướp đói bụng ngao ngao dụi vào chân chủ, bà mới giật mình bừng tỉnh gắp cho nó miếng giò:

- Mừng tuổi mày miếng giò này. Ăn đi cho chóng lớn mà bắt chuột, có tao với mày ăn Tết mà thôi.

Đào đã phai, cây nêu ngày Tết hạ xuống mới thấy con dâu bà từ mạn ngược trở về. Nó như vồ lấy bà, quấn quýt như đứa trẻ biết lỗi lao vào lam làm đồng ruộng và việc nhà. Bà lại thấy lòng nhẹ hẳn đi, nhà càng ấm áp hơn khi con trai được về hẳn nhà nghỉ phép hơn một tháng. Bà vui lắm! Hả hê thấp thỏm mong cái bụng con dâu bà lùm lùm như đàn bà có chồng.

Nhưng cưới đã gần hai năm mà cái bụng nó vẫn lép kẹp. Nhìn thấy nó găm thùng khi đi làm công ty sao mà bà ghét thế cơ chứ? Eo ót gì chứ…đàn bà thời nào cũng cần phải sinh con xồ xề một chút mới nuột mới bắt mắt. Còn cái loại lúc nào cũng thẳng tưng như con cá rô đực thì nhìn chán chết.

Ngày cuối năm lại về. Chả thấy người bưu tá đưa điện khẩn đến nhà báo tin mẹ ốm như năm trước thì con dâu Thuận cũng năn nỉ xin phép về quê ngoại với lí do dựng nhà mới cho bố mẹ nó. Thôi thì dâu ơi là dâu sao cứ Tết đến lại bỏ mẹ chồng ở nhà một mình thế này? Bà nghẹn lòng nhưng không dám to tiếng chửi bới vì sợ những cái mồm lẻo mép của hàng xóm, sợ bức vách có tai đang hóng hớt ngoài kia, chỉ thừa dịp là sẽ mỉa mai bỉ bôi nhà bà. Tiền vẫn được lấy ra từ túi gài kim băng, dâu vẫn gạt nước mắt lắc đầu cụp tay không dám nhận. Nó ái ngại nhìn bà như bao ẩn ức không nói ra được thành lời. Tiếng điện thoại đổ dồn:

- A lô mẹ ơi! Con đây. Vợ con lại muốn về ngoại à? Mẹ cứ cho nó đi không giữ làm gì nữa. Mẹ bảo với nó rằng đi luôn đi đừng bao giờ quay lại cái nhà này nữa. Vài hôm nữa tàu con vào bờ Tết này con sẽ vể ăn Tết với mẹ đấy. Con sẽ bỏ con này.

Điện thoại cúp rồi mà bà Thuận vẫn xây xẩm mặt mày. Có cái gì đổ vỡ nhói lên trong tim bà như người đi biển mùa đông một mình.

- Thằng Thành sắp về ăn Tết rồi hay là mày đừng về ngoại nữa con ạ! Nó về không có vợ ở nhà, nó lại giận thì khổ lắm.

Đứa con dâu òa khóc vơ lấy cái túi:

- Con xin mẹ. Con phải về ngoại. Con không về không được mẹ ạ.

Nó vụt chạy ra khỏi ngõ như ma đuổi. B Thuận đứng chơ vơ trong gió bấc. Con gà mái mẹ xác xơ đang xù lông xòe cánh ủ đàn con. Cây đào bên thềm chíu chít nụ chỉ đợi gió xuân là bung lụa nhưng bà Thuận như hóa đá ngay chính trong căn nhà của mình.

4

Chiếc xe ôm thả người đàn bà say xe mặt xanh như tàu lá xuống con dốc ngút ngàn hoa mận trắng. Khí núi mờ xa tỏa khói trắng xốp. Người đàn bà xứ biển ngơ ngác trước những giàn su su ngủ vùi trong sương sớm giờ óng lên dưới nắng xuân. Nhiều căn nhà như hộp diêm bò trên sườn núi, thấp thoáng bóng áo chàm nhìn người lạ họ đưa tay chỉ trỏ và nói với nhau bằng thổ ngữ khiến bà càng ngơ ngác không hiểu gì. Người xe ôm định đi nhưng bà ta cứ bám chặt lấy càng xe van vỉ:

- Em xin bác đừng đi vội. Bác làm phúc hỏi giúp em nhà con Lả ở chỗ nào? Em lạ nước lạ cái chẳng biết đâu mà lần.

Không đành lòng, xe ôm tiến lại phía bóng áo chàm đang lúi húi trong nương chè:

- A núi, bá ơi cho em hỏi nhà con Lả lấy chồng dưới xuôi ở chỗ nào cơ?

Tiếng gọi vọng vào vách núi loang trong không gian càng làm cho người đàn bà lo lắng. Một cái đầu quấn khăn đỏ với những chùm tua rua đang tiến lại dần:

- Con Lả mới ở dưới xuôi về trong Tết mà. Nhà nó bên kia con dốc nơi có cây mận trắng um tùm đó.

Nụ cười của người đàn bà áo chàm sáng lên cùng ánh vòng bạc lấp lánh trên đôi tai. Có chút gì bình yên dâng lên trong lòng người xứ biển. Chiếc xe ôm lại đưa người đàn bà vượt dốc. Dốc cao vút như chạm mây trời. Bà Thuận sợ hãi nhắm mắt bám chặt lấy xe ôm, miệng cầu khấn Trời Phật xin được bình yên. Gió lạnh thổi bên tai càng khiến bà khiếp hãi khi mở mắt ra thì con dốc đã qua rồi. Cây mận trắng to đùng cùng căn nhà sàn cũ kĩ đã hiện ra trước mắt. Xe ôm ái ngại nhìn người đàn bà rồi chỉ vào nhà sàn:

- Đây là nhà con Lả đấy. Bá cứ vào đấy đi.

Bà Thuận mệt mỏi cất tiếng cảm ơn. Tiếng động cơ xe máy lại vút lên để lại làn khói trắng ảo mờ trên con đường dốc.

Ngơ ngẩn trước những bậc cầu thang sứt sẹo, bà ngỡ ngàng khi thấy đứa bé gái đang ngủ gục trước bậc thềm. Nó mới hơn ba tuổi đầu nghẹo sang một bên xanh mướt, tóc bết mồ hôi như đang lên cơn sốt. Tiếng chó sủa ông ổng khiến con bé giật mình dụi mắt. Cái miệng nó bệp ra mếu máo:

Mế bế…mế ơi…

Tiếng khóc gọi của nó như con mèo hen yếu ớt. Nhìn vào trong nhà chẳng có ai, bà giật mình khi trên bàn thờ có tấm ảnh của một người quá cố mới mất. Không khí rờn rợn thê lương khiến bà gai người. Đứa bé khóc gào khàn khàn khiến bà không đành lòng liền xòe tay cho con bé. Nó nhào vào lòng bà và ôm chặt lấy cổ bà. Cứ như sợ buông tay ra thì bà sẽ biến mất. Con bé đói lả chập chờn ngủ rồi lại mở mắt nhìn bà rồi nói câu gì mà bà không hiểu nổi. Cái miệng của nó chép chẹp thật tội nghiệp. Hộp bánh trong tay nải được lấy ra, bà bóc bánh và đút cho con bé. Nó tem tẻm nuốt. Vòng tay càng bám chặt bà hơn, ánh mắt nó nhìn bà tin cậy. Bà mệt mỏi ốm con bé dựa vào cột cầu thang thiếp đi. Tiếng gà trưa gáy lên te te khiến bà bừng tỉnh chợt nhận ra cái bóng nhỏ quen thuộc từ ngõ mận bước vào. Con dâu bà hoảng hốt nhìn bà rồi lí nhí:

- Mẹ mới lên ạ! Sao mẹ tìm được con ở đây?

Đứa bé thấy dâu bà thì đưa tay ra mếu máo:

- Mế …bế…

Bây giờ thì bà Thuận chết điếng người, bà run run lên tiếng:

- Lả thế này là thế nào? Con bé này là con ai? Nói mau không được dối gạt vòng vo.

Nước mắt lả tả, con Lả ôm lấy đứa bé và quì xuống trước mặt mẹ chồng:

- Con lạy mẹ! Xin mẹ tha tội cho con. Con không dám lừa dối mẹ nữa. Con có nỗi khổ tâm không nói ra được, con cũng không dám giấu giếm anh Thành.

Nhìn nước mắt đứa con dâu mà bà đã từng thương quí, lòng bà lại sôi lên:

- Tôi hỏi cô vậy đứa bé này bây giờ là sao?

Tiếng nghẹn ngào lại cất lên:

- Mẹ ơi! Con bị người ta lừa, anh ta nói là sẽ cưới con nhưng đã bỏ về xuôi không quay trở lại. Con đi tìm người ta và gặp anh Thành. Con cũng đã kể hết với anh Thành nhưng anh ấy vẫn thương con. Lạy mẹ xin cho con tạ tội. Mẹ về tìm người khác cho anh Thành, con không dứt lòng mà bỏ con con được.

Nói xong con Lả òa khóc, bao ẩn ứ như có dịp được xối ra tan chảy trong nước mắt. Nó như ngọn cải nương bị trận mưa đá dập vùi. Nước mắt con Lả làm tim bà nhói buốt. Đứa trẻ thấy mẹ khóc thì sợ hãi xòe tay đòi bà Thuận bế, không đừng được bà cũng xòe tay cho con bé bám. Chả hiểu sao mà suốt buổi chiều hôm đó cho tới tận đêm nó cứ bám chặt lấy bà không phút nào rời xa. Kỳ lạ sao con bé quyến luyến bà như là thân thiết từ lâu lắm rồi.

Đêm khuya lơ khuya lắc. Tiếng gà rừng gáy vọng từ thung xa, con trâu già gõ sừng vào gióng cửa cộc cộc. Đêm núi rừng hoang hoải lạnh giá, bà không thể nào ngủ được. Con bé con cứ bám chặt lấy cổ bà. Con Lả ngồi câm nín như tượng đá bên bếp lửa. Mấy lần nó đun củi vào bếp. Tiếng thở dài càng làm bà não nuột. Làm sao đây trước hoàn cảnh éo le này? Cái ngày họ nhà trai lên đón dâu thì đám cưới con Lả ở nơi khác cơ mà, có thấy con bé này đâu? Duyên phận phải chiều bỗng dưng bà thấy thương con trai mình đứt ruột. Đúng là giời đày. Giờ thì bà đã hiểu vì sao con dâu bà cứ Tết đến nó lại bỏ nhà chồng về quê ngoại với bao lí do mà bà không thể chối từ.

5

Rồi đêm cũng qua. Sương đậu trên tàu chuối lộp độp, mùi xôi nếp tỏa ngát căn nhà sàn, con gà béo đã được con Lả giết luộc gói vào lá chuối. Bọc xôi nóng cũng được nó gói kèm. Như nhớ ra điều gì, con Lả bỏ nhà đi đâu chừng hơn tiếng. Khi trở về, nó lí nhí:

- Mẹ ơi! Con không có phúc được hầu hạ mẹ cả đời xin mẹ tha tội cho con. Con gói xôi và gà cùng bọc tam thất núi mẹ đem đi ăn đường. Mẹ nhớ ngâm rượu tam thất mà uống cho đỡ đau lưng mẹ nhé! Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe đừng tham công tiếc việc. Con chẳng biết bao giờ mới báo đáp được công mẹ trèo non lội suối tìm con.

Con Lả nói xong nước mắt nghẹn ngào, xòe tay gỡ đứa con gái nhỏ ra khỏi tay bà Thuận. Đứa bé cứ bám chằng lấy tay bà, chả hiểu giời xui hay sao mà bà dứt khoát ôm chặt lấy đứa trẻ rồi buột miệng:

- Thôi cá vào ao ai người ấy được, con mẹ mày cũng không bỏ được con. Thôi thì tội vạ coi như bà nhận tất, bồng bế dắt díu nhau về quê hết với bà. Coi như mẹ trả nợ cho chị từ kiếp trước.

Con Lả sững sờ òa khóc. Nỗi sợ hãi tủi hờn như vừa được cởi lại bên kia dốc mây.

Trưa hôm đó dưới gốc mận trắng, những người đàn bà áo chàm quanh xóm lục tục kéo đến xúm xít quanh mẹ con nhà Lả. Người thì bọc măng, mộc nhĩ, kẻ thì gói xôi sắn nóng ấm dúi vào tay con Lả:

- Giàng ơi! Từ nay con Lả hết khổ rồi. Nó được mẹ chồng đón về xuôi rồi. Thôi mừng cho nó…

Nước mắt tủi mừng, con Lả cất tiếng chào dân bản. Lão xe ôm hôm qua kéo theo một xe ôm nữa. Chiếc xe vượt dốc hoa mận trắng, hun hút gió đèo từ từ thả dốc. Lả thấy nao nao và như nghe đâu tiếng sóng biển vỗ vào ghềnh đá và khuôn mặt thân yêu của chồng mình hiện lên. Núi mờ xa và dốc mây trắng xóa như đứng dõi theo người đàn bà đang về với biển.

Nguồn Văn nghệ số 18+19/2022

Văn nghệ, số 18+19/2022
Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Baovannghe.vn - Di sản Tư liệu của UNESCO “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”
Con đường ước mơ. Truyện ngắn của Võ Thu Hương

Con đường ước mơ. Truyện ngắn của Võ Thu Hương

Baovannghe.vn - Lần đầu tiên xem những cô mặc váy công chúa, kéo đàn vĩ cầm trên sân khấu được trang hoàng như một căn phòng tựa như từ lâu đài cổ tích, Đan đã muốn lịm đi.
Chuyện trò với tượng đất nung - Thơ Nguyễn Nhã Tiên

Chuyện trò với tượng đất nung - Thơ Nguyễn Nhã Tiên

Baovannghe.vn- Chừ câm với tiếng đàn câm/ người đi hết
Xu hướng truyền thông của các bảo tàng trên thế giới và những gợi mở đối với Việt Nam

Xu hướng truyền thông của các bảo tàng trên thế giới và những gợi mở đối với Việt Nam

Baovannghe.vn - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các bảo tàng trên thế giới và Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ về cách thức truyền thông và tiếp cận công chúng. Xu hướng truyền thông của các bảo tàng hiện nay tập trung vào việc tận dụng công nghệ số và mạng xã hội để tạo sự kết nối mạnh mẽ hơn với cộng đồng.
Đi tìm - Thơ Trần Đức

Đi tìm - Thơ Trần Đức

Baovannghe.vn- Đi tìm vệt nắng ngày đông/ Cơn nồm buổi hạ bến sông đò chiều