Chuyên đề

Đọc thơ Hoàng Trần Cương

Câu chuyện văn hoá
08:47 | 17/04/2020
Cả thế hệ chúng tôi, thời trẻ, trong bối cảnh đất nước chiến tranh, cả nước trào sôi khí thế lên đường đánh giặc. Tuổi trẻ nghe theo tiếng gọi của non sông, ra ngõ gặp anh hùng là có thật. Đầu óc bọn lính trẻ toanh, mới mười tám đôi mươi chúng tôi, anh nào cũng có chung một lối sống mơ mộng, bắt nhịp chung với phong trào hăng hái nhập cuộc
aa

Cả thế hệ chúng tôi, thời trẻ, trong bối cảnh đất nước chiến tranh, cả nước trào sôi khí thế lên đường đánh giặc. Tuổi trẻ nghe theo tiếng gọi của non sông, ra ngõ gặp anh hùng là có thật. Đầu óc bọn lính trẻ toanh, mới mười tám đôi mươi chúng tôi, anh nào cũng có chung một lối sống mơ mộng, bắt nhịp chung với phong trào hăng hái nhập cuộc. Nhiều anh làm thơ, viết văn hay hát nhạc đỏ nhạc xanh, thậm chí lén lút hát cả tình ca mà các anh lớp trước gọi là nhạc vàng.

Tất cả đều thật lòng. Lúc ấy loại như tôi và Hoàng Trần Cương từ thôn quê mới “ra ràng”, làm thơ hay hát cũng đều theo cái máu mộng mơ tuổi trẻ, chưa phân rõ nhạc vàng, nhạc đỏ nhạc xanh là thế nào. Đọc thơ hay hát kiểu gì cũng hào hứng nghêu ngao… Một thế hệ sống theo chủ nghĩa lý tưởng. Mà lý tưởng lớn nhất của chúng tôi lúc ấy là nhập ngũ, đi chiến đấu đánh Mỹ cứu nước. Đời tân binh, lính trẻ, cuộc sống luôn luôn mơ đến những điều cao xa và có lẽ phương tiện để chúng tôi vào cuộc nhất, ấy là viết văn làm thơ….

Qua tuổi “băm” cánh tôi bắt đầu bập vào đời sống thực của một con người trần thế. Mơ mộng bớt đi. Thơ phú bớt đi. Nhường vào đó là cơm áo gạo tiền, là công ăn việc làm, là vợ con, là những bươn chải vì khối lo toan của cuộc đời trước mắt đè nặng... Thế mà rồi đến cái đoạn thằng nào cũng lo được cho mình có nhà có cửa, có vợ có con, có bát ăn bát để... Cái sức sống mạnh mẽ của lý tưởng hào hùng thời trai tráng bỗng có cơ vùng dậy. Nhiều thằng âm thầm vục mặt vào bàn viết... Phía sau lưng những nhà văn nhà thơ ồn ào như lính trận cánh tôi là những bạn bè chết trẻ bỏ xác trên dãy Trương Sơn, trên khắp các chiến trường…

Thế hệ chúng tôi là thế hệ vàng của cách mạng, của đất nước, của nhân dân… Người ta gọi thơ văn là sắt thép, nhà thơ là anh hùng…

- Nghe thơ Hoàng Trần Cương vỡ mật!

Đấy là câu nhận xét của một nhà thơ lớp đàn anh nói với tôi sau cuộc nhậu. Mà nhậu với món “mồi” là thơ Hoàng Trần Cương. Tôi cũng thấy thế! Thơ phú gì mà ồn ào, mà gay cấn, mà chả thấy mơ màng thơ mộng gì. Đọc thì giật cục. Ngâm thì nghiêng nghiêng ngửa ngửa, chả ra hàng ra lối, chả ra vần ra vèo, tóm lại là chả ra thơ như các bác nhà thơ trước đó. Mà thơ của Hoàng Trần Cương đã buồn thì buồn đến não cả lòng. Cay thì cay hơn ớt chỉ thiên, đọc lên cay đến xóc óc. Một thứ thơ đọc xong, im lặng không được, bởi trong lòng cứ thấy rấm rứt, hậm hực, mình đã muốn quên đi rồi, muốn cho nguôi ngoai cái thứ tình cảm bi lụy ấy đi rồi, vậy mà hắn xới lại không nguôi ngoai cho. Đọc lại xem thế nào? Đọc lại thấy tay này đúng là tay quái gở. Phức tạp thật! Quá phức tạp! Tay này nó đang đánh mình thì đúng hơn. Mà sao mình cứ tỉnh táo, bình thản trước cái sự kinh khủng thế này của đất nước, của quê hương, của mẹ, của cha, của em, của con người vậy ta?! Mình sao cứ thờ ơ trước sự xót xa của quê hương xứ sở vậy sao? Tay này nó đánh mình thật. Đánh vỗ mặt chứ không phải “đánh thức”, không phải trò dân gian “giơ cao đánh khẽ” của các cụ xưa, mà là “bốp” thẳng vào mặt mình. “Bốp” cho cái thói thờ ơ trước mọi sự thăng trầm của đất nước. “Bốp” cho tỉnh đòn, tỉnh đời. Tình hình này phải được nhìn nhận lại tử tế và thấu đáo chứ không lơ tơ mơ mãi được.

Tay này kinh thật. Nguy hiểm thật!

Đúng là Hoàng Trần Cương Cương thật!

Tôi nhiều lúc muốn yên thân, muốn vun quén riêng cho cái “ổ” của mình. Đọc thơ Hoàng Trần Cương thì thật là nguy hại, không được bình thản yên thân. Đọc hắn mới vỡ ra, rằng sống như mình thế này là mới sống có một nửa, cái nửa con người cá nhân. Đôi lúc cũng lên gân, trong bụng tham sân si dầy cộm mà miệng mồm lèo lá cho ngay ngõ hầu kiếm chác, chứ còn cái con người công dân, con người xã hội kia mới là cái đích thông điệp mà hắn chứa chất muốn truyền tải, muốn chia sẻ thì mình lại cứ lờ đi.

Chia sẻ với hắn có được không?

Được thì được rồi, nhưng hắn sẽ cười khẩy ngay. Vậy thì mình phải tự bảo với mình rằng, hiểu được thơ hắn, hiểu được tâm can hắn phức tạp lắm. Muốn gì thì cũng phải gần gũi hắn và sau đó phải đọc lại hắn để rồi phải nghe ngóng chính mình cái đã, rồi mới nhận ra Hoàng Trần Cương là người tài. Cái tài không bình thường. Cái tài chỉ biết gọi theo cách gọi của hắn là kinh khủng. Hiền. Hoàng Trần Cương cũng là người hiền. Hiền kinh khủng. Và thơ, tất nhiên là thơ cũng rõ là thơ hay kinh khủng.

Nguồn Văn nghệ số 16/2020


Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Baovannghe.vn - Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức Hội nghị triển khai và rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.