Multimedia

Đồi cỏ nến. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hải Yến

Đọc truyện
07:12 | 26/07/2023
“Cỏ nến sinh ra ở đầm lầy Khi đầm lầy chết, chúng lên đồi, kiên nhẫn nở những bông hoa như cây nến sáp màu hồng ruốc
aa

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

“Cỏ nến sinh ra ở đầm lầy...

Khi đầm lầy chết, chúng lên đồi, kiên nhẫn nở những bông hoa như cây nến sáp màu hồng ruốc...

Âm thầm đợi một ngày...

Không biết có còn xa...”

Minh họa: Đỗ Dũng

*

“Hai chờ lâu rồi hả? Đêm nay phải không con?”

Tiếng hỏi đâu đó từ phía gió, không lắng nghe sẽ tưởng tiếng thở dài. Tôi đợi thêm lúc nữa mới thấy cái dáng gầy queo, rụt rè từ bóng tối bước ra.

“Vâng, đêm nay con đóng cửa vườn rồi”.

Cái vườn tôi vừa nhắc là vườn nhãn cổ thụ giáp bãi sông. Dưới tán râm bốn mùa thơm mùi đất, bao nhiêu năm bà tôi chỉ trồng ngợp một màu dong để từ phiên chợ hăm hai tết ngỏ cửa vườn cho người làng vào cắt và đóng vườn vào chập tối ba mươi.

“Thành lệ thế... Hơn bốn mươi năm rồi… Bà con kể đận ấy tổng động viên, lên đường giáp tết, lớp cấp ba của cậu con hai chục người con trai đi cả... Nhưng không về một ai...”

… Cho đến tận bây giờ tôi vẫn hình dung, qua lời bà, hai chục chàng trai đang tuổi lớn, quân phục nguyên mùi vải, rẽ ngang vườn trước khi xuống đò bảo tết sang năm u nhớ phần mỗi đứa con đôi bánh vét như này nhé... Cậu tôi đi sau cùng, bà nhìn theo mãi, tận đến khi đoàn quân khuất hẳn vào cái màn bàng bạc không biết màu mưa hay màu đồng bãi mới quay về…

“Ngày còn bé, chiều nào con cũng theo bà ra bến, chờ người bên kia sông. Bà bảo cứ nhìn chỗ mặt trời xuống, hàng cây chạm vào đêm. Chẳng biết giờ thế nào chứ ngày đi bé như cái kẹo... Sau này, con bảo thôi bà đừng chờ nữa, mấy mươi năm, bom đạn, gió sương mờ mịt quá mà cậu bé của bà lại ham chơi... Nhưng bà con không nghe, bảo giá ngày xưa bà đừng gở thì đâu đến nỗi...”

Tôi mở cái túi vải vẫn ôm trước ngực lấy ra cái bọc nhỏ bảo ý bà con là giá lúc các cậu qua vườn, bà chỉ đưa mỗi người cặp bánh, đừng có thêm bọc thuốc... Trận mạc, đạn bom, người ta kiêng...

“Có phải cái thuốc con đưa Út hôm trước?”

“Vâng! Là bồ hoàng cầm máu... Lấy từ đầm cỏ nến bên sông...”

Bóng người lặng lẽ ngồi xuống, bên cạnh tôi, đón lấy cái bọc, mở ra, chạm tay vào lớp bột khô, mịn như nhung. Tôi nhìn gương mặt gầy tóp chỉ thấy gò má với hai hốc mắt lấp lánh bảo Út biết không, từ ngày biết cả đoàn quân sang sông rồi không về nữa, bà con xới đất, tách khóm, một mình nhân vườn dong, suốt năm tưới chăm chỉ để sáng hăm chín chọn từng chiếc lá, gói một nồi đủ bốn chục cái bánh chưng nhỏ như bánh vét chờ đêm ba mươi gọi các cậu con về...

*

… Những chàng trai học cùng cấp ba với cậu tôi, mỗi năm họp lớp một lần, vào đêm ba mươi tết...

Đêm ấy, chờ sương buông kín vườn, tôi nhặt đám than củi gộc chụm quanh cái ảng đất ủ nồi nước mùi già. Khi nào nước bắt đầu riu riu lên khói thì lửa trong ảng sẽ chuyển ánh xanh, đẩy bóng tối lùi về phía sau, soi mặt người rõ từng nét, như soi qua đáy nước. Những viền khói hương bài bà thắp từ chập tối không bay lên tan vào đêm nữa mà tụ lại, quẩn xuống quanh chiếc hòm gỗ mít trước ban thờ. Trong hòm có một chiếc túi vải bố, mặt ngoài thêu bức tranh dòng sông và cánh đồng nhưng màu xanh lúa mỗi năm một mờ, lẩn dần vào chân trời xám bạc. Tôi nhận ra đó là dòng sông và bến nước quê tôi, vì bên kia mặt sóng có con đường mảnh như sợi khói dẫn về chân trời mang theo bóng dáng một đoàn quân. Lần nào đưa cho tôi xem bức tranh thêu ấy bà cũng hỏi bằng cái giọng lo lắng và nhìn tôi chờ đợi: “Con có nhận ra không?”. Tôi gật đầu, đặt nốt cặp bánh lên chiếc đĩa Cậy men lam cuối cùng sắp sẵn trên mặt phản, chỉ vào cái chấm li ti cuối đoàn người đang lẫn vào mưa bụi.

“Cậu con đây!”

*

... “Út có nhận ra cậu con không?”

... Cái bóng ngồi bên nghe tôi hỏi, gật đầu, những ngón tay mơ hồ rờ trên bóng tối dừng lại ở góc bức tranh thêu. Tôi bảo Út ạ làng con là làng nghề, đàn bà con gái ai cũng biết thêu từ bé nhưng nhà con đặc biệt nhất vì còn có nghề thuốc nam gia truyền và truyền đời chỉ thêu chân dung. Cái này khó, phải chính xác tuyệt đối, đặc biệt là ánh mắt, không có hồn thì không ra thần thái...

Tôi lấy trong túi ra chiếc khung gỗ nhỏ, mấy tép chỉ tơ, hộp kim thêu và lần lượt những bức chân dung bảo Út tin chưa, các cậu con ở đây cả. Bà con thêu đấy. Bà kể đêm họp lớp đầu tiên, bà gọi tên từng người, là nhớ quá mà gọi nhưng không ngờ giời thương, các cậu nghe thấy rồi lần về bến cũ. Rồi mỗi năm, ánh sáng tập trung dồn lại, soi cho hiện rõ mặt một người nào đó. Từng nét. Như in… Cứ như thế bà con thêu được mười chín. Nhưng không hiểu sao còn mỗi cậu con mà gọi mãi không về…Nhưng con dặn bà đừng lo, nếu cậu về con nhận ra ngay vì lúc ấy, cả lớp, chỉ có cậu nhà mình lạ mặt…”

“Lúc ấy, ai sẽ thêu nốt bức chân dung cuối cùng?”

Khi cái bóng hỏi tôi câu ấy đêm ngoài kia hình như đã ngủ vì không còn nghe mơ hồ trong sương trắng tiếng triền sông dăn dở trở mình. Tôi bảo làng con trũng, bốn phía bãi lầy, mọc duy nhất một loài cỏ nến, hoa bắt đầu chín từ giữa tháng tư. Từ quãng ấy đến gần tàn mùa hạ, cứ đầu mỗi tuần trăng, chọn một ngày ráo trời, lúc bình minh chưa lên, con lại đi thuyền ra đầm lấy hoa cỏ nến về làm thuốc. Phải chọn phần nến đực nâu vàng, đem phơi, nghiền, lọc nhiều lần qua giấy bản mới thành bột rồi thành sáp bồ hoàng cầm máu… Con thích cỏ nến với đầm lầy, hơn ngồi thêu chân dung… Nhưng hoa cỏ nến lấy có mùa mà thân cỏ nến thì con phải lấy thường xuyên, mang về tự chập, bện thành roi, sợi nào cũng dài ngang ngực, dắt sẵn lên đòn tay đầu hồi… Roi ấy là của mẹ con, nhỏ thế thôi nhưng hong gió héo, nhúng vào nước thì dẻo như mây bện. Khi con thêu, mũi chỉ nào lên màu không ưng ý, mẹ cứ nhằm hai bàn tay con mà quật, dữ đòn đến tận lúc con luyện tĩnh tâm nhìn thấy mặt người sau ánh lửa rồi thêu được chân dung trong bóng tối mới thôi…

“Út có tin một lúc nào đó?”

Trong đêm, ánh mắt Út nhìn tôi lấp lánh như hai đốm lửa. Rồi gật, bảo tin, nếu đúng như Hai kể thì người cũng chỉ loanh quanh chỗ này, trước sau gì nghe gọi cũng trở về để Hai thêu bức chân dung cuối cùng cho tròn ước nguyện của Ngoại ngày xưa…

Hình như gió ngoài sông đang thổi qua tán rừng già về quẩn bên tôi và Út. Út vẫn cúi đầu, cái dáng bé quắt co dúm lại, hệt như một dấu hỏi gầy ai đó tiện tay vẽ xuống nền đêm. Phía xa ngoài kia là thị xã, dãy thành cổ lặng yên, tạc lên quầng sáng sừng sững một khối màu trầm…

Ba hôm trước, vào lúc xế chiều, tổ thiết kế chúng tôi dừng chân ở quầng sáng ấy, bắt đầu những công việc đầu tiên, chuẩn bị cho bộ phim tài liệu kỉ niệm chiến thắng mùa hè thành cổ - một mùa hè cách đây tròn bốn mươi năm…

*

Bộ phim ấy dự kiến sẽ khởi quay vào mùa xuân. Anh Nguyên, đạo diễn, trước khi xuống xe, quay lại bảo tôi mày đàn bà con gái, ban ngày làm gì thì làm nhưng tối cứ về đây. Chủ nhà hàng người Sài Gòn gốc. Con gái tiểu đoàn trưởng thuộc lữ đoàn 369 Thuỷ quân lục chiến Việt Nam Cộng Hoà… Giờ cả nhà bên Mĩ hết, chỉ mỗi mình bám trụ nơi này.

Chiều cuối năm hoàng hôn tắt sớm. Từ trên gác hai chỗ quán chúng tôi ngồi nhìn xa thêm một đoạn là chạm mắt vào tường rêu thành cổ. Con đường mòn nối về phía ấy hệt như một dấu huyền buồn mà cuối dấu là bức tường thành đã lẫn vào sương đất. Tôi kể giấy báo tử gửi về ghi cậu tôi hi sinh ở đây, kể hằng đêm, bà tôi cứ ngồi bên bếp lửa, giữa vườn cây mà hát: “À ơi bến lú dòng mê. Hồn nghe mẹ gọi thì về vườn xưa…”. Rồi bảo đợt này vào đây tôi tìm cậu thêm lần nữa…

Cô chủ quán đang lúi húi làm gì đó, không ngẩng lên nhưng tiếng thở dài thì rõ: “Xưa đã thế thì giờ cũng không thấy được đâu. Càng cố càng thêm đau lòng người sống. Em bảo cậu hi sinh năm mười bẩy tuổi? Trẻ thế mà đạn bom như thế chắc hồn phách xiêu tán hết rồi...”

Tôi lặng im. Gió thành cổ thổi về mang theo bóng tối. Cả tiếng bước chân người, chậm và đều, dẫu không gian xung quanh ngập trong âm thanh của đường phố ngày tàn. Rồi bóng người xuất hiện, trĩu trên vai là chiếc bao tải cũ, lầm lũi đi về phía quán.

Tôi giật mình…

Đó là bóng một bà cụ…

Cái dáng lủi thủi và gầy xơ xác, giữa vệt nắng cuối cùng, giống hệt bà tôi…

*

“Người bước ra từ hoàng hôn hôm ấy y như bà con, mỗi tàn chiều lại ra bãi ngóng người bên kia sóng”.

“Thế nên Hai chạy xuống?”

“Vâng! Ngay lúc ấy. Nhưng bất ngờ lắm, Út biết chuyện gì không?”

… Phố tan tầm vẫn đông. Sau lưng tôi, người xe vẫn hối hả ngược chiều nắng quái, nhưng đường mòn thì lặng ngắt. Bà cụ thành cổ đã biến mất, như chưa từng xuất hiện bao giờ.

“Lúc ấy, anh Nguyên bảo mày vớ vẩn, đây với kia một quãng dài, không nhìn gà hoá cuốc thì người mọc cánh bay được chắc. Nhưng chị Hoà chủ quán lại kể có một bà cụ như thế, ở đầm cỏ nến, xa lắm, tít trong kia… Muốn vào đấy phải qua cả chỗ đoàn nhà mình làm bối cảnh... Chị cũng chưa vào đó bao giờ…”

*

Khi chị Hoà nói câu ấy anh Nguyên nhìn tôi, ngao ngán bảo thôi để xong đâu đấy, tao đưa mày đi, tha hồ tìm. Con này tài thế, vào đến đây vẫn thấy người nhà.

“Anh Nguyên nói đúng. Bây giờ Út là người nhà của con!”

Út dè dặt gật đầu, ánh mắt nhìn tôi loang loáng nước. Hình như lần đầu tiên tôi thấy Út cười…

... Buổi trưa hôm ấy, khi ngồi nghỉ bên miệng hố bom vừa phục dựng, tôi bảo anh Nguyên đừng tưởng em không biết, nói đi. Anh Nguyên nhìn trước nhìn sau, nghiêm trọng thì thào có chuyện mày ạ. Tao vô sư vô sách, chẳng tin ma cọp, nhưng ba đêm rồi, thấy lạ… Hay là nay mày ở lại đây một bữa, thử xem…

Đêm cuối năm ven Trường Sơn, anh Nguyên nằm co ro trên võng xếp, mắt chăm chăm hướng về cửa lán mở ra đêm tối, lẩm bẩm bảo lạ thế, rõ ràng hôm qua… Nhiều người lắm… Chỉ tội thấy mỗi màu quân phục. Nhưng là quân cả hai phía, ngồi lẫn vào nhau, bên lối vào kia kìa nhưng khi hỏi các anh cần gì thì lại tan hết vào vạt cỏ… Lúc ấy tao chưa ngủ, nằm y thế này… Rồi nhỏm dậy thì thào hay tại tao vô duyên, câu cần không nói, nói câu không, các anh ấy ghét, không thèm trả lời? Tôi gật bảo chuẩn đấy, tốt nhất giờ anh nằm im cho tĩnh… Để em chờ...

Đêm càng lúc càng sâu đưa sương rừng lẫn với hơi mưa vào tận chỗ tôi ngồi. Thế rồi gió lặng. Lâu sau mới rì rào trở lại nhưng không xa trên ngàn nữa mà quẩn ngay trước lán cùng với tiếng bước chân men dọc lối vào. Mơ hồ hình như có tiếng ai đó gọi tôi phía sau những vạt cỏ dại ướt đẫm sương... Tôi bảo anh Nguyên đừng nhen lại lửa. Anh thấy không, người ta gọi nãy giờ, nhưng không dám vào. Họ sợ gì đó anh ạ. Hay giờ mình dụi hết ánh sáng đi…

Anh Nguyên gật đầu…

Lửa tắt…

Tôi từ cửa lán bước vào trong bóng tối. Đứng thật lâu chờ gió dịu, tận đến khi bên rìa đêm hun hút gió một vệt sương tụ dần thành cái bóng nhỏ, rất mờ…

Hình như cái bóng muốn nói với tôi điều gì đó…

*

“Chị cho tôi xin điếu thuốc, được không?”

Đêm cuối năm ven rừng Trường Sơn, có cái bóng nhỏ đến tìm tôi, và gọi tôi bằng chị. Tôi bảo mời người vào trong này, xin đừng sợ, chúng tôi chờ mấy đêm rồi…

Lặng yên thêm một lúc. Rồi từ trong thăm thẳm đen đặc màu cỏ dại, cái bóng cúi đầu, lặng lẽ bước ra…

Chúng tôi ngồi đối diện với nhau qua đống tro tàn sót lại đôi vệt ấm. Đốm lửa đầu điếu thuốc không đủ soi mặt người. Tôi bảo cái bóng con trai, còn trẻ lắm và rất gầy ấy muốn gì xin người cứ nói, nếu giúp được chúng tôi sẽ gắng hết mình. Cái bóng cất tiếng, những âm thanh mơ hồ, rì rầm…

“Tôi muốn về với mẹ! Chị chỉ đường cho tôi với! Được không?”

*

Cái bóng đêm ấy tìm chúng tôi hỏi đường về với mẹ...

Và kể chúng tôi nghe câu chuyện của mình, kể trận bom hôm ấy làm tan nát hết, phải dạt vào rừng, lẩn quất mãi mới lần được về đơn vị nhưng chẳng thấy một ai… Còn quê ở đâu thì xa lâu lắm rồi nên không nhớ nữa, chỉ nhớ có núi đồi, có cánh đồng và có một dòng sông... Ngày đi lính cái bóng mười bảy tuổi. Mấy mươi năm, tên cũng quên, hình như ngày xưa mẹ gọi là thằng Út…

Im lặng mãi. Chỉ nghe hơi sương lên từ lòng đất… Anh Nguyên lắc đầu: “Nghe giọng không nhận ra tiếng vùng nào… Còn tìm cánh đồng và dòng sông thì tìm cả nước Việt này…”. Người trước mặt chúng tôi vẫn gục đầu, lại rì rầm lặp lại lời kể cuối về núi đồi, cánh đồng, dòng sông, về mười bẩy tuổi... Tôi bảo chúng con không thể tìm cho người đường về với mẹ thì xin người cứ ngồi đây, hút hết điếu thuốc này. Dù Hà Tĩnh, Thái Bình, Sài Gòn hay Đồng Tháp… nếu không nhớ được nơi nào thì đành coi tất cả là quê. Con kể người nghe, cậu con cũng nằm lại nơi này năm mười bảy tuổi, bà con cũng chờ hơn bốn mươi năm mà cậu chưa tìm được đường về. Không phải vô cớ mà đêm nay thành cổ cho chúng con gặp người nên từ giờ con xin phép được gọi người bằng cậu. Cậu ngồi gần lại đây, đừng sợ nữa, để chúng con đốt lửa lên, mưa lạnh quá mà ướt hết rồi...

Lửa lại nhen. Lúc đầu bùng thành ngọn, rừng rực cháy. Sau tản dần hoá ánh sáng xanh. Bóng người trước mặt tôi rõ dần, nhỏ và gầy như cậu bé con trong bộ đồ lính lùng thùng loang từng vệt lớn, không biết vệt máu hay vết rách.

Và tôi còn nhìn thấy những vết thương chưa khép miệng…

Những vết thương vẫn đang rỉ máu, khắp thân mình…

*

“Thuốc mang theo, hôm ấy Hai đã đắp cho Út hết. Vậy chỗ này lấy đâu ra?”

“Ở Đồi Cỏ Nến, tận trong kia Út ạ. Đêm nay trừ tịch, mọi thứ chuẩn bị đủ rồi, để con băng lại vết thương, thay áo mới rồi dẫn Út vào trong ấy…”

… Tôi tìm đường vào đầm cỏ nến sau cái đêm gặp Út. Chị Hoà bảo người ta nói cứ theo đường mòn ven sông. Chỗ ấy ngày xưa là cái vụng nước, giáp với rừng. Dòng Thạch Hãn từ đây chảy ra phải quẩn vòng qua đấy rồi mới về với biển. Cuối đường sẽ là đầm lầy, có nến mọc nhiều, muốn bao nhiêu cũng có… Anh Nguyên bảo thế nhanh, tao đi cùng rồi về sớm. Tôi bảo anh không biết chứ, ngày bé, ra bãi, em toàn một mình, mà toàn đi từ nửa đêm, hoa cỏ nến lấy lúc ấy mới tròn vị để thành thang… Anh Nguyên gật gù tại hôm trước trót hứa dẫn mày vào trong ấy tìm người nên nay tiện hướng giả luôn cho rảnh nợ. Tính tao thế, hứa là làm… Rồi dịu mắt nhìn chị Hoà đang lúi húi cúi buộc đôi giày cao cổ đi rừng, lẩm bẩm lặp lại tính tao hứa là làm…

Con đường mòn càng xa càng quanh co… Chỉ dòng Thạch Hãn vẫn thế, vẫn rì rầm, êm ả chảy theo bước chân người… Chúng tôi men dòng sông, đi về phía xế chiều, tận đến khi màu nước lấp loáng bên đường biến mất hẳn vào tiếng sóng mơ hồ đâu đó trong lòng đất mới giật mình nhận ra Trường Sơn sắp tắt nắng mà đầm cỏ nến vẫn thăm thẳm phía sau bóng rừng hun hút như bóng tối.

“Giá kể gặp ai đó. Để mình hỏi thăm đường…”

Chị Hoà dừng lại, tìm quanh quất phía sau một hồi rồi lại nhìn lối mòn có ngã rẽ cuối cùng hướng về phía sóng sông nhưng đã bị cỏ gai giăng nghẽn lối, tần ngần nhìn lên, có ý hỏi. Anh Nguyên gật gật, trầm ngâm bảo nơi mình đến là cái vụng nước, thế thì sông chảy đến đây phải vòng qua đâu đó để vào… Chỉ quanh quẩn thôi… Rồi quay sang tôi tò mò hỏi làm sao mà ngẩn ra thế? Tôi nhìn quanh: “Hình như có tiếng người…”

Chúng tôi đứng giữa lối mòn phủ bóng rừng lắng nghe. Tôi bảo tiếng hát, hai người thấy không? Chị Hoà thì thào là hát ru, rõ lắm: “À ơi bến lú dòng mê…”. Tôi bảo là bà em. Bà đang ở đây, chỉ đường cho mình đấy! Để em tìm…

Những âm thanh già nua lướt trên cỏ gai dẫn đến một lối mòn nữa ẩn kín sau con đường cụt. Vẫn không bóng người nhưng trên mặt đất lại in đôi hàng dấu chân, lúc đầu còn lờ mờ sau rõ dần thành những vết đậm màu như sương đọng. Sông gần sát lại. Những vòng sóng rộng thêm ra, oàm oạp vỗ vào bờ. Và đến khi vết chân cuối cùng mất dấu thì trước mặt chúng tôi mở ra một vụng nước mênh mông, đang sáng rực trong ánh nắng chiều.

Dòng Thạch Hãn chảy từ thành cổ quẩn vòng qua chỗ ấy.

Thành vụng nước.

Nhưng không thấy đầm lầy – một đầm cỏ nến như tôi vẫn nghĩ mà chỉ có trùng trùng hoa lau trắng, cao ngập đầu người, dưới ánh ngày tàn trông như những dải mây khô.

*

Rồi tiếng hát ngừng.

Bốn bề quanh chúng tôi cũng không còn nghe thấy sóng. Chị Hoà đang ngơ ngác, lẩm bẩm lẽ ra đây phải có đầm cỏ nến chứ, ngoài kia mọi người bảo thế mà thì bất chợt phía sau xuất hiện bóng người. Đó là bóng bà cụ hôm trước bên thành cổ. Vẫn dáng gầy, lưng còng gập, cõng cái bao nặng trĩu trên lưng.

“Đúng rồi! Ở đây có cỏ nến. Nhưng không phải đầm… Muốn tìm phải lên Đồi Cỏ Nến…”

Tiếng bà cụ trả lời cùng tiếng gió từ đâu đó xa tận trong kia. Rồi rừng hoa mây ngang đầu xao động, thấp thoáng mở ra một đầm lầy, giữa cỏ lau có cái gò cao sừng sững, từ nơi chúng tôi đang đứng nhìn vào hệt như một quả đồi con.

*

Quả đồi ấy có tên là Đồi Cỏ Nến.

“Chỗ này chẳng ai tìm làm gì. Mà không phải ai cũng tìm được… Trước giờ mấy chục năm, mới có cô cậu là nhóm thứ hai… Nhưng nhóm trước chỉ dừng ở ngoài kia, không đến được đầm lầy…”

Bà cụ thành cổ nói với tôi điều đó khi tôi đang lựa mái chèo đưa con thuyền qua đầm lau sậy sấp sảnh nước để vào trong. Con thuyền nhỏ chỉ chở hai người cũng đã đằm, bóng bà cụ trên mũi thuyền cũng nhỏ, ôm bên mình cái bao đầy, buộc chặt, không biết đựng những gì. Tôi kể từ nhỏ con đã ở đầm nhiều hơn ở nhà. Nhà con gần sông, có đầm cỏ nến, con ra đấy lấy hoa về làm thuốc. Nói bà không tin, con vào được đến đây là do bà con chỉ. Bà con hát ru, con cứ theo tiếng hát mà tìm… Cậu con chết trẻ bà ạ, nằm lại thành cổ từ mùa hè 72… Mấy chục năm, đêm nào bà con cũng đợi… Nhưng con không hiểu, từ thành cổ vào đây đi bộ cũng vài tiếng, chẳng lẽ cậu con lại hi sinh ở trong này mà không phải là ngoài kia…”

Bà cụ nhìn tôi, ánh mắt rất lạ, nhưng không nói gì. Đồi Cỏ Nến mỗi lúc một gần lại. Trời chưa tối, hoàng hôn chưa tắt, ngọn đồi tụ hết ánh sáng trước ngày tàn, không phải mùa nhưng cỏ nến trên đồi vẫn trổ hoa, bông nến rực lên như màu lửa, trong lúc phía sau tôi, chỗ bờ đầm nơi anh Nguyên và chị Hòa đang đứng ngóng theo đã nhập nhoạng chìm vào bóng tối.

“Cỏ nến ngoài con hết mùa hè là lụi… Và chỉ mọc dưới đầm… Mà con nghĩ cỏ nến ở đâu cũng thế, chỉ duy nhất ở đây là cỏ nến lên đồi… Bà có thấy lạ không?”

Thuyền chạm mũi vào bờ, bà cụ đứng lên, hình như lắc đầu, cái bao vẫn ôm trong lòng chạm vào mấy bông lau đang rạp theo chiều sóng. Tôi bảo bà để con giúp, mấy hôm trước, ngoài thành cổ, con thấy bà cũng mang theo một bao đầy như này nhưng không nghĩ bà đem vào tận đây, đồ nặng mà đường xa như thế… Vâng, cách đây ba hôm, lúc xế chiều, con nhìn thấy bà chỗ con đường bên chân thành cổ... Mới đầu, con còn tưởng là bà con cơ. Giống lắm… Bà con cũng vào đây tìm cậu, cũng đi trên con đường ấy, mấy lần rồi… Sau mới biết không phải, người ta bảo bà là mẹ già ở Đầm Cỏ Nến. Hôm ấy bọn con vừa từ ngoài kia vào…

“Cô vào đây tìm người phải không?”

Bà cụ quay lại, nhìn thẳng, câu hỏi quẩn vào tầng mây lau xám bật trở ra…

*

Khi tôi kể cho Út nghe đến đấy là lúc tôi đang đắp nốt chỗ sáp bồ hoàng cuối cùng còn lại lên vết thương trên ngực Út. Vết thương do mảnh bom, bên ngực trái, rất sâu, máu vẫn chưa cầm. Út lặng im nghe, lâu sau mới khe khẽ hỏi Hai trả lời mẹ thế nào? Tôi bảo thì con nói như hôm trước ấy, rằng bọn con vào đây chuẩn bị làm phim về thành cổ, rằng con chỉ tìm cậu lần này nữa cho trọn lời hứa với bà con rồi thôi… Con bảo mấy mươi năm, dẫu là quân Bắc Việt, quân Giải phóng, lính Mĩ, lính Việt Nam Cộng Hoà… là phía bên nào thì máu xương cũng lẫn vào nhau thành đất thành cổ dưới chân mình rồi, không phân biệt được thì tìm làm gì nữa, chi bằng cứ để người nằm lại, lấy thành cổ làm quê, mỗi năm con về thăm một lần như người xa về thăm quê, Út ạ! Bà còn hỏi con vào đây lấy cỏ nến làm thuốc cho ai, con bảo người ấy bọn con gọi là cậu, nhưng không biết tên, không biết quê ở đâu hay người phía bên nào, chỉ biết cậu lang thang mấy chục năm chỗ miệng hố bom xưa để tìm đơn vị và hỏi đường về với mẹ. Cậu bị thương nặng lắm và sợ người bà ạ… Đêm nay, bà cho chúng con nghỉ lại để sáng mai lấy thuốc… Cỏ nến muốn thành thang phải lấy trước bình minh…

… Chiều đã tắt, đứng dưới chân đồi cỏ, giữa hoa nến ngập đầu, bà cụ chỉ lối mòn bảo cô cứ theo đó mà lên, nhà tôi trên ấy. Thuyền chỉ chở được một người mà trời tối, cô không quen không đi được đâu… Bếp vẫn ủ, nhờ cô nhen lại lửa… Cái bao để bên bếp hộ tôi… Rồi ngừng lại, lặng lẽ thêm lúc nữa, trước khi quay đi mới cất lời, nửa như kể nửa không.

“Tôi có hai đứa con, lính Cộng Hoà, cùng chết ở thành cổ không tìm thấy xác. Tôi ở đây, cũng chờ chúng nó mấy chục năm. Và tôi cũng sợ gặp người…”.

*

Đêm hôm ấy, trong ngôi nhà nhỏ trên Đồi Cỏ Nến, chúng tôi ngồi bên bếp lửa, nghe quanh mình tiếng sóng dòng Thạch Hãn rì rầm trong tiếng cỏ, anh Nguyên kể về bộ phim chuẩn bị quay, tôi kể về vườn nhãn ven sông, về lớp học hai mươi người ra đi không ai quay trở lại, về bà tôi đợi con về rồi chết không nhắm mắt thế nào và sau cùng, mẹ già thành cổ kể về dòng sông quê mình, về vụng nước, về một đầm lầy mọc duy nhất một loài cỏ nến…

“Có nghĩa là ngày xưa không có quả đồi này? Và bà ở đây, một mình, suốt từ sau mùa hè năm ấy?”

“Đúng thế! Tôi ở đây tìm các con tôi. Người ta đánh nhau ở tận ngoài kia nhưng dẫu xác bên nào, nếu chết trên sông, cũng theo dòng ghé qua đây rồi mới chìm hay trôi về với biển…”

“Nhưng không thấy phải không bà?”

Bà cụ gật đầu, lặng lẽ chụm thêm gộc củi vào bếp lửa. Tiếng người lẫn vào tiếng lửa cũng rì rầm, bảo đạn bom tan rồi nhưng tôi ở lại, sợ nhỡ chúng nó ngang qua mà không có mình chờ. Thế rồi luẩn quẩn mãi… Cô cậu biết không, từ ngày có nhóm người tìm vào, bảo là khảo sát, muốn xây nơi này thành khu nghỉ dưỡng vì nó thuận cả đường bộ lẫn đường sông thì không hiểu sao cỏ nến đang từ đầm lại dồn hết lên đồi. Rồi hoa lau tràn xuống, rậm như rừng, người ngoài không có ai dẫn không biết lối vào đâu…Nói thật, tôi sợ họ quay trở lại…

“Bà bảo sợ người là vì thế?”

Chị Hoà từ tối vẫn ngồi gục đầu, bó gối lặng im nghe, giờ nghe tôi hỏi mới ngẩng lên, rành rọt bảo không phải, bà chỉ sợ họ phá đầm cỏ nến chứ không vì thế mà sợ người…

*

Tôi quấn nốt vòng băng qua ngực Út rồi xếp lại đồ nghề vào túi, giục Út mặc bộ quần áo mới con vừa mua, mọi người chuẩn bị xong rồi, nếu đi giờ thì sáng mai mới lấy được cỏ nến chạm bình minh… Qua tết, con cũng phải về, không ở đây được mãi…

“Thế nên Hai mới dẫn Út vào đồi, dạy cách làm thuốc phải không?”

“Còn vì điều này nữa! Để con kể Út nghe! ”

*

“Con biết vì sao bà lại sợ gặp người…”

Chị Hòa ngẩng đầu nhưng không nhìn ai, chỉ thấy ánh lửa tụ hết vào đáy mắt, tiếng cũng rì rầm y như tiếng sóng sông, bảo con biết mà, thật đấy, bố và chú con là người phía bên kia, mà không phải lính thường… Mùa hè năm ấy họ cũng nằm lại đây… Bà con kể ngày mới hoà bình, đi đâu bà với mẹ con cũng sợ bất chợt có ai đòi nợ máu…

Lặng im rất lâu. Củi không chất vào thêm nữa. Lửa bắt đầu tàn. Hình như có tiếng mưa lẫn trong tiếng mầm cỏ cựa mình trôi nghiêng về phía sóng. Bà cụ bảo nửa đêm rồi đấy rồi đưa tay chạm vào cái bao vẫn ủ bên bếp lửa hỏi các cô cậu có biết tôi mang gì từ thành cổ vào không?

*

“Út đoán xem. Là gì hả Út?”

Tôi quay lại, hỏi bóng người bé nhỏ vẫn theo sát phía sau. Anh Nguyên đi bên Út, vác trên vai cái bao tải lớn. Chị Hoà ôm cái bọc khư khư trước ngực bảo Út không đoán được đâu. Tất cả mọi người đều không ai đoán được…

“Đúng lúc ấy con nghe có tiếng gọi, phía bên kia đầm, chỗ giáp với vụng sông…Tiếng đàn ông Út ạ! Nhỏ lắm, rất xa, lẫn cả vào tiếng cỏ. Con bảo con nghe thấy tiếng người, ai đó gọi mẹ ơi… Bà cụ lặng lẽ gật đầu bảo cô nghe thấy thì chắc là nhìn thấy. Cô có muốn đi với tôi, ta cùng đón người vào?

Và thế là con sang bờ…”

“Thế Hai đón được ai?”

“Không phải một người mà là một nhóm, toàn lính cả. Họ đứng sát vào nhau, lẫn trong lau xám, tiếng từ đấy vọng ra, bảo chúng con tìm mãi mới về được đến đây, mẹ cho chúng con vào để cùng lên Đồi Cỏ Nến…”

“Thế nên hôm nay Hai mới về để dắt Út đi?”

“Vâng, chúng con đưa Út về với mẹ. Mà biết đâu trong ấy Út gặp được người quen… Trước mặt kia rồi Út… Chỗ này là đường cụt nhưng không sợ lạc vì Út nghe thấy chưa, bà con đang hát chỉ lối rồi…”

“Thế chắc chắn Hai sẽ tìm được cậu…”

“Và nếu tìm được con sẽ thêu nốt bức chân dung cuối cùng như ước nguyện của bà con!”

*

Rồi sẽ có một ngày, nếu không phải là tôi thì sẽ có ai đó kể cho mọi người nghe về đêm ba mươi tết ấy trên Đồi Cỏ Nến.

Chúng tôi đi theo tiếng hát, vượt qua đầm lau xám sang đồi. Bếp vẫn đượm, hương trầm đang lên khói nhưng mẹ già không có nhà. Tôi chụm thêm củi, bảo anh Nguyên đặt xuống đây! Út có biết mẹ già vẫn mang gì từ thành cổ vào không? Là thứ ở trong bao này đấy! Mẹ vẫn ủ bên bếp cho bớt lạnh rồi mới mang lên đỉnh đồi…

Xa tít tận ngoài kia có gì xôn xao lắm. Hình như sắp giao thừa. Anh Nguyên chạm tay vào cái bao vẫn ôm bên mình, nhìn sang người đối diện. Chị Hoà lặng lẽ gật đầu, mở cái túi, bày lên bàn thờ ít bộ quân phục đủ kiểu, bao thuốc lá và chai rượu trắng. Tôi gọi bà ơi, con vào đến đây rồi, bà nhắn cậu về cho con lên màu nốt…

Im lặng thêm một lúc rồi lại nghe bà tôi hát, dẫn chúng tôi đi. Trong gió nổi nghe thấy mùi đất ấm. Tiếng rì rầm của dòng Thạch Hãn ngoài kia quẩn vào kể câu chuyện mấy mươi năm trước có một bà mẹ một mình gom bao nhiêu xác người từ vụng nước giấu sang đầm cỏ nến rồi cõng đất từ thành cổ vào đây đắp nên đồi. Đồi Cỏ Nến giờ là mộ chung cho các con của mẹ, chẳng phân biệt bên nào…

Chúng tôi ngồi giữa đỉnh đồi đất mới, nghe tiếng sông chạm vào ngàn bông nến, thắp lên thành lửa. Lúc đầu rừng rực, sau tụ lại, trong dần, soi rõ hai gương mặt người như soi qua đáy nước.

Và tôi bắt đầu thêu bức chân dung cuối cùng, không phải chân dung cậu út mà là gương mặt mẹ già thành cổ và gương mặt bà tôi trên đỉnh Đồi Cỏ Nến, giữa những bóng người lặng lẽ sát bên nhau, súng đạn buông dưới đất. Dưới chân họ, lửa vẫn đang cháy cho đến khi chạm vào dòng Thạch Hãn.

Chỗ lửa nến tắt, bình minh bắt đầu lên…

_________

* Ghi chú: Truyện có sử dụng một vài chi tiết trong thơ của nhà thơ Trung Dũng Kqd sau khi được sự đồng ý của tác giả.

Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hải Yến

Nguồn Văn nghệ số 28/2023


Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...