Sự kiện & Bình luận

Dòng chảy văn học về đề tài kháng chiến chống Mĩ sau 50 năm thống nhất

Thành Nam
Đời sống
06:00 | 10/04/2025
Baovannghe.vn - Văn học với đề tài chiến tranh viết trong kháng chiến chống Mĩ đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Từ 1975, văn học về đề tài này vẫn được tiếp nối với nhiều thành tựu.
aa

Những ngày tháng 4, trên khắp cả nước diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Trong không khí đó, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đã tổ chức hội thảo “Nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước sau 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Dòng chảy văn học về đề tài kháng chiến chống Mĩ sau 50 năm thống nhất
Quang cảnh hội thảo. Ảnh HNM

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 50 tham luận, tập trung vào 3 cụm chủ đề:

Nhóm chủ đề thứ nhất, khẳng định thành tựu của văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ ngay trong lòng cuộc chiến. Đó là giai đoạn văn học được viết theo khuynh hướng sử thi, nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Nhóm chủ đề thứ hai ghi nhận những cách tân, tìm tòi, sáng tạo của mảng văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ từ ngày thống nhất đất nước đến nay; tổng kết những bài học kinh nghiệm và đưa ra những đề xuất, gợi ý cho văn học tiếp tục viết về chiến tranh trong thời gian tới.

Nhóm chủ đề thứ ba đánh giá, khẳng định những tác giả, tác phẩm nổi bật, tiêu biểu của văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ trong cả hai giai đoạn trước và sau 1975.

Phát biểu khai mạc hội thảo sáng 9/4 tại Hà Nội, đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm mổ xẻ, phân tích, đánh giá, tổng kết, khái quát những giá trị, thành tựu đã đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, bất cập của mảng văn học về đề tài này trong hơn 50 năm qua.

Văn học - Binh chủng đặc biệt trong kháng chiến

Kháng chiến chống Mĩ cứu nước là cuộc chiến khốc liệt bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của người Việt. Nhắc tới văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương nói văn học, theo sự kế thừa từ ngàn xưa của người Việt, đã tham gia tích cực vào cuộc chiến chống ngoại xâm, có giai đoạn văn học thành vũ khí. “Trong chiến tranh, những tác phẩm văn học ra đời kịp thời khích lệ, động viên lòng quả cảm của những người cầm súng chiến đấu”, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội nói.

Dòng chảy văn học về đề tài kháng chiến chống Mĩ sau 50 năm thống nhất
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đ.H

Thượng tá, TS Phạm Duy Nghĩa nhận định văn học là một “binh chủng” đặc biệt, văn học đã tiên phong đứng trên tuyến đầu chống Mĩ. Hàng trăm nhà văn, nhà thơ xung phong vào chiến trường vừa cầm súng vừa cầm bút cống hiến trọn vẹn tuổi xuân và tài năng văn chương cho Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống với tư thế một anh hùng.

Văn học góp phần khích lệ, cổ vũ cả nước ta đoàn kết thành một khối “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Không khí hừng hực “lên đường” ngoài cuộc sống phả vào văn chương, kết lại và tỏa sáng thành những hình tượng sử thi mang tính biểu tượng của lòng yêu nước ở những tác phẩm trong vắt một lí tưởng cách mạng, với Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Hòn Đất của Anh Đức, Gia đình má Bảy của Phan Tứ, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Bài ca chim chơ-rao của Thu Bồn, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Vầng trăng quầng lửa của Phạm Tiến Duật...

“Văn học đã xây dựng những nhân vật như những vầng hào quang trên bầu trời sử thi tỏa chiếu ánh sáng lí tưởng soi rọi, hướng bạn đọc đi về phía cái cao cả, cái anh hùng”, Thượng tá, TS Phạm Duy Nghĩa nói.

Dòng chảy văn học về đề tài chiến tranh 50 năm qua

Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, nhưng văn học về đề tài chiến tranh vẫn tiếp tục được khai phá. Nói như đại tá, GS.TS Đinh Xuân Dũng, văn học Việt Nam viết về chiến tranh ngay trong khi chiến tranh đang diễn ra đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó. Theo ông, giai đoạn thứ hai của văn học viết về chiến tranh được mở ra, khởi đầu từ truyện ngắn Bức tranh của Nguyễn Minh Châu (tên ban đầu là Cái mặt được viết cuối năm 1976, in năm 1981 trên Báo Văn nghệ).

Dòng chảy văn học về đề tài kháng chiến chống Mĩ sau 50 năm thống nhất
Đại tá, GS.TS Đinh Xuân Dũng tại hội thảo. Ảnh: Đ.H

Theo đại tá, GS.TS Đinh Xuân Dũng, nhiều nhà văn - cả trưởng thành trong chiến tranh và cả lớp trẻ - đã bứt lên, tự đổi mới chính mình. Đặc biệt, lớp nhà văn hình thành vào cuối thời kì chống Mĩ, đã cho ra đời những tác phẩm thực sự có cách nhìn mới, đáp ứng nhu cầu của công chúng tiếp nhận, qua đó, minh chứng cho một quy luật không thể né tránh của mảng văn học viết về chiến tranh sau chiến tranh. GS.TS Đinh Xuân Dũng khẳng định khuynh hướng viết về chiến tranh sau chiến tranh sẽ tiếp tục phát triển và “là nguồn mạch chủ yếu tạo ra những tác phẩm có giá trị lớn về cuộc chiến tranh của dân tộc”.

Đại tá, nhà thơ Mai Năm Thắng nhìn nhận từ sau năm 1975, nhất là từ thời Đổi mới, văn học viết về chiến tranh và người lính đã khác rất nhiều: khác ở tư duy nghệ thuật, ở điểm nhìn của sự sáng tạo, ở ngôn ngữ phi sử thi hóa. Ông cho rằng sau tròn nửa thế kỷ kết thúc chiến tranh, người viết có độ lùi cần thiết để nhìn về cuộc chiến. Độ lùi giúp người viết bình tĩnh, tỉnh táo hơn, khách quan hơn, toàn diện hơn.

Theo đại tá, nhà thơ Mai Nam Thắng, thế hệ trẻ hôm nay viết về đề tài chiến tranh và người lính không bằng những trải nghiệm của bản thân, nhưng họ không hề bất lợi. Nhà văn trẻ hôm nay vẫn có được những cách tiếp cận và thể hiện một cách mới lạ về đề tài chiến tranh, người lính. Họ không quan sát cuộc chiến tranh bằng cuộc đời của mình, bằng sự trải nghiệm của bản thân, mà quan sát bằng mắt thường và các tiện ích công nghệ. Họ được chuẩn bị kỹ càng về văn hóa, điều kiện sống và điều kiện học tập tốt hơn. Nguồn tài liệu về chiến tranh hiện nay quá phong phú, đầy đủ và tiếp cận rất dễ dàng. Thậm chí họ có thể kết nối với người lính, cựu binh để có tư liệu sáng tác.

Chiến tranh càng lùi xa thì càng giúp người viết có cái nhìn bình tĩnh, khách quan hơn, toàn diện hơn… Thế hệ các nhà văn trẻ hôm nay đang tận dụng tối đa xu hướng nghệ thuật mới để soi chiếu vào các cuộc kháng chiến của cha anh. Nói như đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, sau chiến tranh, khi đất nước hòa bình, “văn học với thiên lương tiếp tục phản ánh, khắc họa nét đẹp của người Việt trong chiến tranh, đồng thời tìm cách khâu vá lại những vết thương của tinh thần con người do chiến tranh để lại, phân tích, đánh giá tìm ra bài học kinh nghiệm, giáo dục truyền thống cho tương lai”.

"Huyền tình Dạ Trạch" - dự án phim đặc biệt của Đài PT-TH Hà Nội

"Huyền tình Dạ Trạch" - dự án phim đặc biệt của Đài PT-TH Hà Nội

Baovannghe.vn - Đài PT-TH Hà Nội vừa công bố dự án phim đặc biệt mang tên “Huyền tình Dạ Trạch”, lấy cảm hứng từ chuyện tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Traphaco: Đổi mới hệ sinh thái dược phẩm để bứt phá tăng trưởng

Traphaco: Đổi mới hệ sinh thái dược phẩm để bứt phá tăng trưởng

Baovannghe.vn - Năm 2024, trong mảng Đông dược, nhóm sản phẩm cao cấp đạt mức tăng trưởng 49%. Dòng sản phẩm nổi bật nhất là Boganic Premium tăng trưởng 36%.
Bản tin Văn nghệ ngày 17/4/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 17/4/2025

Baovannghe.vn - Cầu truyền hình đặc biệt nằm trong loạt chương trình trọng điểm do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập

Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập

Baovannghe.vn - Ngày 29/1/1977, Hội Văn nghệ giải phóng hợp nhất với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, hai tờ báo Văn nghệ giải phóng Văn nghệ cũng hợp nhất lấy tên là Văn nghệ ra hàng tuần.
"Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ Ba được tổ chức tại Huế

"Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ Ba được tổ chức tại Huế

Baovannghe.vn - Ngày 16/4, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định 1045/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức "Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ ba - Huế 2025.